Thanh niên là lực lượng xung kích trên nhiều lĩnh vực, trong đo có lĩnh vực cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong phong trào thi đua yêu nước "Ba sẵn sàng" thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn Thanh niên Khu Cháy, tỉnh Hà Tây nổi tiếng với phong trào cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất
Khu Cháy và những khó khăn của vùng đất chiêm chũng thường xuyên ngập úng
“Khu Cháy” là địa danh một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gồm 22 xã ở phía Nam huyện Ứng Hoà và Tây huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Khu Cháy đã trở thành một căn cứ kháng chiến, một khu du kích đầu tiên của tỉnh Hà Đông. Đây là bàn đạp quan trọng giữa lòng địch để quân ta chủ động tiến công đánh sâu vào vùng tạm chiếm; là nơi che giấu, bảo vệ các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh và nhiều địa phương vùng tả ngạn Sông Hồng; đồng thời cũng là hậu phương quan trọng, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975) với tinh thần cần cù, chịu khó, quân và dân Khu Cháy - Ứng Hòa trong đã ra sức thi đua lao động sản xuất chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Đây là thời kỳ Khu Cháy được xây dựng, cải tạo để trở thành vựa thóc, không chỉ chăm lo đời sống cho nhân dân mà còn góp phần chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi.
Tuy nhiên, một khó khăn lớn trong việc thâm canh, phát triển sản xuất của người dân Ứng Hòa là 2/9 diện tích canh tác của huyện thuộc vùng trũng Khu Cháy, nơi quanh năm chịu cảnh ngập úng, lầy thụt nên dẫn đến chua phèn. Giao thông nội đồng cũng rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, thâm canh. Mỗi khi mùa mưa, nước từ phía Bắc tỉnh dồn về gây ngập úng nặng trên diện rộng, chỉ sau một trận mưa lớn là cả Khu Cháy ngập trắng.
Tượng đài Khu Cháy trong khuôn viên Bảo tàng cách mạng Khu Cháy
Chủ trương cải tạo Khu Cháy của tỉnh Hà Đông
Trong quá trình tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, đẩy mạnh xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy Hà Đông và Huyện ủy Ứng Hòa rất chú trọng làm công tác thủy lợi kết hợp với phát triển giao thông nông thôn. Đối với địa bàn Khu Cháy, Tỉnh ủy và Huyện ủy đều xác định đây là địa bàn rộng lớn, có vị trí quan trọng, có nhiều tiềm năng để sản xuất nông nghiệp. Nhưng để phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, cần phải giải quyết triệt để những khó khăn của “vùng trũng”, với nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Những hạn chế, khó khăn này đã có từ lâu và không dễ dàng để khắc phục. Nhưng với tinh thần thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, với quyết tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, không chỉ cung cấp cho nhân dân địa phương mà còn chi viện cho tiền tuyến miền Nam, hàng loạt biện pháp đã được triển khai.
Ngày 23/10/1963, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban cải tạo đồng chiêm trũng do đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp huyện Ứng Hòa làm ủy viên. Với tinh thần xung phong, dám nghĩ, dám làm của lực lượng thanh niên xung phong, phong trào làm thủy lợi cải tạo đồng trũng Khu Cháy đã được phát động một cách rộng rãi. Mục tiêu đặt ra thời điểm đó là phải tập trung cải tạo đồng trũng Khu Cháy trong thời gian ngắn nhất, thổi luồng gió mới vào quá trình sản xuất ở các hợp tác xã Khu Cháy, tạo ra nhiều lúa, nhiều rau, nhiều thực phẩm,... làm thay đổi diện mạo, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân Khu Cháy.
Thanh niên, lực lượng xung kích cải tạo Khu Cháy
Tháng 6/1966, Tỉnh uỷ giao cho Tỉnh Đoàn thanh niên Hà Tây đảm nhận “Công trình thanh niên Hà Tây cải tạo đồng trũng Khu Cháy”. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển, trưởng thành của các thế hệ thanh niên Ứng Hoà nói riêng và thanh niên Hà Tây nói chung trong sự nghiệp xây dựng những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa xã hội trên quê hương có bề dày truyền thống lịch sử[1].
Để cổ vũ và phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã gửi đến thanh niên lá thư ngỏ, thể hiện niềm tin tưởng với thanh niên và trao cho thanh niên nhiệm vụ vẻ vang làm lực lượng nòng cốt tham gia cải tạo đồng trũng Khu Cháy. Bức thư có đoạn: “Hướng về mục tiêu phấn đấu cho vụ mùa ở tỉnh ta đạt 26 tạ trên một ha mà một biện pháp quan trọng nổi bật là cải tạo đồng trũng Khu Cháy. Các đồng chí hãy hăng hái tiến lên, học tập và thi đua với đồng bào và thanh niên miền Nam anh hùng, đẩy thật mạnh phong trào thi đua giữa các đơn vị, giữa các đồng chí ra đi và ở lại địa phương, lập thật nhiều thành tích xuất sắc trên công trường Khu Cháy và trong sản xuất vụ mùa. Các đồng chí luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện và hãy xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính mến: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Một con đường tại xã Đồng Tân, Ứng Hòa thuộc Khu Cháy ngày xưa
Thực hiện lời kêu gọi của Tỉnh ủy, phát huy tinh thần sẵn sàng, xung kích, Đoàn thanh niên đã tổ chức ra quân đồng loạt. Trong một tuần lễ, với quyết tâm thi đua với lớp thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng vạn thanh niên ở tất cả các huyện, thị xã và đoàn các cơ quan trong tỉnh đã gương cao cờ Tổ quốc, cờ Đoàn, đem theo công cụ làm thuỷ lợi, rầm rộ tiến quân về Khu Cháy. Một số đoàn viên, thanh niên ở xã xa đã hành quân bộ về Khu Cháy, vừa đi vừa hát bài “Thanh niên tiến quân về Khu Cháy”. Lễ khởi công công trình được tổ chức ở thôn Thái Bằng (xã Đồng Tâm). Tại buổi lễ, các đồng chí trong Tỉnh đoàn, Thị đoàn và một số Bí thư xã đoàn tiêu biểu đã ký tên vào lá vờ đỏ thêu dòng chữ vàng “Quyết tâm đào đắp 1 triệu mét khối đất trong chiến dịch cải tạo đồng chiêm trũng – Khu Cháy tháng 6 năm 1966”. Đoàn Thanh niên xã Hòa Xá vinh dự được đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn còn trao lá cờ Nguyễn Văn Trỗi – cờ luân lưu của Tỉnh đoàn.
Để sớm khắc phục những hạn chế sản xuất nông nghiệp của địa bàn Khu Cháy, công tác thủy lợi được đẩy mạnh theo một quy hoạch tổng thể trên phạm vi rộng, có hệ thống, tập trung vào xây dựng các công trình trung thủy nông có tính chất đầu mối, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng nhằm tiến tới bảo đảm chủ động tưới tiêu đối với từng vùng, từng cánh đồng, kết hợp giữa thủy lợi với xây dựng giao thông nông thôn, trồng cây bảo vệ sản xuất. Chủ trương, kế hoạch làm thủy lợi nhằm cải tạo đồng ruộng phục vụ thâm canh, phát triển sản xuất rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nên được mọi người hăng hái tham gia. Các hợp tác xã thành lập các đội thủy lợi chuyên.
Một tháng lao động trên công trường là một tháng thi đua vô cùng sôi nổi đạt năng suất lao động cao nhất, chất lượng tốt nhất, tổ chức đời sống vật chất, tinh thần và công tác đoàn kết tốt nhất của mấy trăm đơn vị thanh niên các xã, các cơ quan của tỉnh. Các cuộc thao diễn kỹ thuật, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm tại chỗ về đào đắp thuỷ lợi, về quản lý lao động, về tổ chức đời sống thường xuyên được tổ chức, được ví như một trường học lớn để giúp mỗi đoàn viên, thanh niên rèn luyện bản lĩnh và tinh thần cách mạng của mình. Từ trong lao động, niềm tin tràn ngập trong trái tim của mỗi thanh niên khi được tham gia chiến dịch cải tạo Khu Cháy. Trên các công trường thủy lợi, nhiều thanh niên, dân quân tự vệ lao động tích cực, có năng suất cao đã vinh dự và tự hào được xét kết nạp vào Đảng.
Sau một tháng lao động, công trình thanh niên cải tạo đồng trũng Khu Cháy đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Chỉ với sức người là chủ yếu cùng những công cụ giản đơn nhưng mang trong mình khát vọng và quyết tâm cống hiến, nhiệt tình cách mạng, lực lượng thanh niên là nòng cốt quan trọng của chiến dịch cải tạo đồng trũng Khu Cháy. Đã có 1 triệu m3 đất được đào đắp, nhiều kênh tiêu mới và nhiều đường ngăn nước ở vùng cao được hình thành, tạo thế liên hoàn, khép kín, vừa bảo đảm ngăn không cho nước chảy trực tiếp xuống vùng trũng, vừa làm tốt việc lưu thông nước giữa các khu vực. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, góp phần quan trọng biến hàng ngàn mẫu ruộng ở Khu Cháy trước đây chỉ cấy được một vụ lúa Chiêm đã có thể sản xuất thành hai vụ Chiêm - Mùa và có thêm vụ Đông. Chiến dịch thủy lợi Khu Cháy đã hiện thực hóa quyết tâm: Nghiêng ô trũng, tát cạn đồng chiêm trũng, để nơi này vĩnh viễn thành vựa lúa và chấm dứt cảnh “sáu tháng đi bằng tay, sáu tháng đi bằng chân”. Trong chiến dịch này, đoàn viên và dân công các địa phương đều phát huy tinh thần chủ động, xung kích, trong đó Ứng Hòa cùng với Thường Tín, Mỹ Đức là những huyện đạt nhiều thành tích nổi bật.
Phát huy kết quả quan trọng từ tháng cao điểm, công tác cải tạo đồng ruộng tiếp tục thực hiện. Khu vực đồng trũng Khu Cháy trở thành một đại công trường với sự xuất hiện hàng nghìn dân công mà lực lượng chủ yếu là thanh niên luôn ngày đêm hăng say lao động. Công trình cải tạo đồng trũng Khu Cháy đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân, trong đó lực lượng chủ lực là thanh viên trong toàn tỉnh, đặc biệt là thanh niên huyện Ứng Hòa. Đây là lực lượng chủ công, đồng thời là lực lượng dự bị chiến lược, cung cấp hậu cần, giải quyết những công việc mới phát sinh và cũng là đơn vị chủ trì mọi sinh hoạt chính trị trên công trường. Với vai trò nổi bật đó, thanh niên Ứng Hoà luôn là lực lượng gương mẫu, đi đầu trong việc hoàn thành mọi chỉ tiêu đã đề ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn ha ruộng đất được cải tạo, những chân ruộng từ chỉ cấy được một vụ nay đã canh tác được hai vụ, từ đó góp phần làm nên sự phát triển của quê hương anh hùng, giàu truyền thống cách mạng.
Với xuất phát điểm là một vùng thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm, tinh thần anh dũng của nhân dân Khu Cháy từ trong lịch sử, những tiềm năng thế mạnh của quê hương được phát huy. Diện mạo Khu Cháy nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung đã có sự thay đổi rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuấn Đạt
[1] Tháng 3/1965, Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây.