Pà Thẻn là một tộc người thiểu số, cư trú chủ yếu ở hai tỉnh cực bắc của Việt Nam là Hà Giang và Tuyên Quang. Nhắc đến người Pà Thẻn là nghĩ tới “Lễ hội Nhảy lửa”, sinh hoạt văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của tộc người. Lễ hội mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, chứa đựng những giá trị tinh thần đặc sắc của người Pà Thẻn qua nhiều thế hệ.
Thầy cúng đang làm lễ khấn thần linh tại Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trung tâm VH-TT-TT huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang
Lễ hội Nhảy Lửa được tổ chức hằng năm, trong khoảng từ 16/10 đến 15/01 (âm lịch), đây là thời điểm có tiết trời dễ chịu, đất trời vào xuân, vạn vật như bừng tỉnh, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, khí hậu mát mẻ phù hợp cho việc nhảy lửa. Tuy nhiên, về yếu tố tâm linh thì các thầy cúng đều cho rằng, sở dĩ lễ hội chỉ diễn ra vào thời gian này vì đó là dịp duy nhất mời được “ma” xuống để vui chơi, chính vì vậy để tổ chức nhảy lửa thành công, các thầy cúng phải bói và xin phép các thần linh xác định ngày nhảy lửa cụ thể. Sau đó, ngày diễn ra lễ hội mới được ấn định, lễ hội sẽ được diễn ra vào chập tối và có thể kéo dài đến quá nửa đêm. Vị trí được lựa chọn tổ chức lễ hội thường diễn ra trong không gian mang tính tự nhiên, hướng tới tính cộng đồng cao, đó có thể là những bãi đất trống, bằng phẳng, rộng rãi hoặc trên các thửa ruộng đã thu hoạch xong.
Một trong những nét độc đáo của Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn chính là các thầy cúng – người giữ vị trí quan trọng trong suốt quá trình tổ chức lễ hội. Đối với thầy cúng, trước khi tiến hành thực hiện các nghi lễ tại lễ hội, bắt buộc phải tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ quần áo mới, dọn dẹp, sửa sang, trang trí lại bàn thờ trong nhà, việc này bày tỏ sự kính trọng của thầy cúng với các thần linh. Công việc tiếp theo của thầy cúng chính là việc chuẩn bị các vật dụng để hành lễ, bao gồm: bộ gờ-bô (bộ âm dương), đàn Pàn dơ dùng để gõ và đàn Pàn sán tàu dùng để lắc – đây chính là những vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ thờ cúng gọi các vị thần và các thế lực siêu nhiên của người Pà Thẻn. Sau khi các vật dụng được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng sẽ chuẩn bị lễ vật cho việc thờ cúng, gồm: gà hoặc lợn luộc, rượu, thẻ hương, giấy rơm (tiền của ma). Sau đó, thầy cúng sẽ thắp hương trên bàn thờ tại nhà mình xin phép các vị thần linh cho tổ chức lễ hội. Cuối cùng, việc chuẩn bị hoàn tất, thầy cúng sẽ mang các lễ vật đã chuẩn bị đến địa điểm đã chọn để chủ trì lễ hội.
Lễ hội được bắt đầu trong không khí trang trọng, thiêng liêng. Mở đầu, thầy cúng cúng gọi “ma” về tham gia lễ hội. Thầy ngồi trên một chiếc ghế băng dài đã ghim đàn Pàn dơ, hai chân để sang hai bên, chiếc ghế này được hình dung như là con ngựa thầy cúng cưỡi trên hành trình đến xứ sở của các vị thần linh. Bên trái thầy cúng là chiếc bàn có bát hương và các lễ vật đã chuẩn bị từ trước. Sau đó thầy cúng sẽ đốt hương và cắm xuống đất cạnh chỗ ngồi và bắt đầu tiến hành cúng. Thầy vừa cất giọng cúng mời gọi ma trên trời, vừa dùng tay trái gõ đàn Pàn dơ, tay phải lắc đàn Pàn sán tàu. Âm thanh vang lên réo rắt, rộn ràng, theo đó thầy cúng cũng lắc lư như đang phiêu du vào cõi thần tiên để xin các vị thần, xin lửa để nhóm lửa trong lễ hội, xin nước để hồn của những người tham gia nhảy lửa tắm rửa, để họ không bị bỏng khi nhảy lửa. Quá trình cầu xin các vị thần trời diễn ra từ 30 đến 45 phút, sự độc đáo ở đây có thể thấy là cách biến tấu của thầy cúng từ những lời cúng đến các cử chỉ chân tay nhịp nhàng, như đang cưỡi ngựa phi nước đại. Khi việc cầu xin đã xong, thầy cúng đứng dậy và chuyển bàn lễ vật về gần đống lửa, khi đó đống lửa theo quan niệm của người Pà Thẻn là lửa của thần tiên ban tặng và hai bát nước trên bàn không phải là nước thường mà là nước của Long vương – thứ nước có tác dụng ngăn cản hơi nóng của lửa, do vậy người nhảy vào lửa không bị bỏng.
Việc nhảy lửa được bắt đầu khi thầy cúng cho phép các thanh niên ở bên cạnh lần lượt ngồi lên chiếc ghế băng, ngồi đối diện thầy cúng và cùng gõ Pàn dơ với thầy, sau đó những người này có ánh mắt lờ đờ, người rung lắc nhẹ… Lần lượt từng người hoặc hai người họ hướng về đống lửa, nhảy lên lửa, ngả người, xoài chân đạp lửa, lấy tay cào lửa, rồi nhảy ra, cứ như vậy cho đến khi đống lửa tàn mới thôi. Nét độc đáo, thú vị và bất ngờ cho người xem chính là việc người tham gia nhảy lửa, tiếp xúc gần với lửa, thậm chí lăn lộn trên đống than đỏ nhưng tuyệt nhiên họ không bị bỏng hay ngay cả quần áo cũng không hề bị cháy thủng.
Những chàng trai người Pà Thẻn nhảy múa giữa đống lửa với đôi chân trần. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Có thể thấy Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn có những nét độc đáo, riêng biệt. Chúng ta thấy Lễ hội ở đây không chỉ mang tính chất vui chơi, giải trí thông thường mà nó còn gắn với nghi lễ và ma thuật, kết hợp với nghệ thuật âm nhạc và vũ đạo dân gian của tộc người. Lễ hội Nhảy lửa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Pà Thẻn, thể hiện nhiều khía cạnh của cuộc sống tinh thần, nó như khát vọng, niềm tin của người Pà Thẻn về cuộc sống sung túc, bình yên, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào… và trên hết là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với lực lượng siêu nhiên và với cộng đồng. Vì vậy, có thể nói lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn mang đậm ý nghĩa biểu tượng.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng với nhiều tác động xã hội, nguy cơ mai một và thất truyền của Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn ngày càng lớn. Chính vì vậy, tỉnh Tuyên Quang những năm gần đây đã phục dựng và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn, trong đó có việc phục dựng và tổ chức Lễ hội Nhảy lửa, như: tổ chức tốt các hoạt động mang tính tín ngưỡng, đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường những hình thức sinh hoạt cộng đồng cho người Pà Thẻn, giới thiệu thêm những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc tộc người của họ như phong tục tập quán, trò chơi dân gian, văn học dân gian, ẩm thực… đặc biệt chú trọng đến việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ kế cận; chú trọng đến du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của đồng bào dân tộc Pà Thẻn… Với những nỗ lực không ngừng của các cấp ủy Đảng và nhân dân toàn tỉnh năm 2023, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một vinh dự lớn, đồng thời cho thấy sự chung sức của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy bền vững những giá trị bản sắc dân tộc độc đáo của các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển, giàu mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lý Hồng Nhung