Dân tộc Lự là một trong 16 dân tộc ít người nhất Việt Nam với số dân hơn 6757 người (theo điều tra dân số năm 2019). Hiện hơn 99% người Lự sinh sống tại tỉnh Lai Châu với 1.378 hộ, 6.733 nhân khẩu. Dân tộc Lự còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như trang phục, tiếng nói, lễ hội cúng trâu, kiến trúc nhà sàn, tục nhuộm răng đen… đặc biệt phải kể đến nghệ thuật trình diễn sáo đôi không giống với bất kỳ dân tộc nào khác.
Nghệ nhân người dân tộc Lự xã Bản Hon trình diễn sáo đôi. Ảnh: Internet
Sáo của người Lự chỉ có đàn ông tự làm và được thổi. Trong các công đoạn làm sáo cũng như thổi sáo từ trước đến nay hoàn toàn không có sự tham gia của phụ nữ. Tuy nhiên tiếng sáo lại chủ yếu hướng tới đối tượng người nghe chính là nữ, bởi đàn ông Lự thổi sáo để tỏ tình đến người mình thương, nhờ tiếng sáo để thổ lộ tình yêu với người phụ nữ mà mình thầm thương trộm nhớ. Khi đôi lứa đã yêu nhau, kết duyên thì tiếng sáo do người chồng cất lên sẽ đệm cho người vợ hát suốt cuộc đời.
Ông Tao Văn Kẻo 69 tuổi, bản Đông Pao 1, xã Bản Hon, huyện Tạm Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: từ năm 15 tuổi tôi bắt đầu học làm sáo, tập thổi sáo. Sáo của người Lự có nét đặc sắc là làm thành từng cặp (2 cây) hay còn gọi là song sáo gồm “sáo mẹ” và “sáo con” có chiều dài khác nhau. Sáo mẹ tiếng Lự gọi là “Pí Me”, còn được hiểu rộng ra là sáo Phụ nữ có độ dài từ 60cm đến 80cm. Sáo con gọi là “Pí Pù”, sáo con dịch ra rõ nghĩa là con trai, sáo đực, thường gọi tắt là sáo con có đội dài từ 45cm đến 55cm. Sáo thường được thổi đôi hay còn gọi là song sáo để đệm cho người hát.
Việc làm sáo của người Lự rất công phu và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Người đàn ông sẽ đi chọn những cây trúc, tre nhỏ khoảng bằng đầu ngón tay cái. Cây phải già, có gióng dài, lỗ đều, không bị sâu đục. Mỗi cây trúc, cây tre cũng phải đủ độ dài để làm một đôi sáo cả sáo mẹ và sáo con. Sau đó sẽ chọn những đốt cây đẹp, thẳng nhất để cắt thành hai cây sáo.
Ở phần gốc sáo sẽ giữ nguyên mấu cây được cắt sát không đục thủng. Giáp gốc sáo sẽ cắt lỗ thổi hình chữ nhật nhỏ, trên lỗ thổi sẽ được gắn một lưỡi sáo gọi là “Đìn Pí”. Việc làm lưỡi sáo là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay nhất và phải hai người mới làm được. Lưỡi sáo được làm bằng cách dùng lá đồng hoặc lá bạc mỏng nhỏ, dài khoảng 2 đốt ngón. Dùng dao sắc có mũi nhọn, nhỏ cắt một chữ “V” trên lá đồng/ lá bạc khoảng bằng cái lưỡi của con gà. Sau đó lưỡi sáo được gắn vào gốc sáo bằng khe nhỏ, gắn xong bôi vôi đã tôi để kín khe nối khớp. Công đoạn tiếp theo là dùi lỗ sáo. Sáo của người Lự chỉ có 5 lỗ bấm, bên dưới gầm cây sáo gần lỗ thổi có thêm một lỗ bấm để lấy hơi. Riêng sáo mẹ vì dài hơn nên có thêm lỗ âm cơ bản ở cuối ống tách biệt với 5 lỗ bấm để điều chỉnh và quyết định âm trầm nhất khi bịt tất cả 5 lỗ bấm. Lỗ âm cơ bản chỉ có với cây sáo mẹ cho chuẩn âm trầm hơn. Đây cũng là âm để quyết định tên của sáo mẹ.
Trong quá trình làm sáo song song cả hai cây, hai người cùng làm phải hối hợp nhịp nhàng với nhau sao cho sau từng công đoạn sẽ đem ra thử âm, chỉnh âm để khớp âm cho hai cây sáo hòa âm với nhau chính xác, nhịp nhàng. Vì sáo của người Lự làm theo đôi, dùng theo đôi cả cuộc đời cây sáo. Người Lự từ xưa đến nay quan niệm, nếu một trong hai cây sáo bị hỏng sẽ phải làm lại cả đôi sáo mới. Tuyệt đối không làm lại một cây để ghép với cây chưa hỏng. Đó cũng là ước vọng cho tình yêu đối lứa, ước mong trai gái khi lấy nhau rồi sẽ sống với nhau thủy chung đến đầu bạc răng long.
Sáo đơn chỉ trình diễn khi đệm cho Nam hát. Ảnh: Internet
Ông Tao Văn Phòng, 60 tuổi, bản Đông Pao 1, xã Bản Hon cho biết: Sáo của người Lự có âm thanh trong sáng, tươi tắn, gợi nhớ âm sắc đồng quê nên chỉ thổi trong những hoàn cảnh vui như trong lễ hội, đám cưới, đám nhà mới, tỏ tình, hát giao duyên. Quy định ngữ cảnh thổi sáo cũng rất chặt chẽ ứng với 3 hoàn cảnh được quy định rất rõ ràng và không ai vi phạm. Thứ nhất, nếu thổi đơn hoặc thổi đệm cho đàn ông hát thì chỉ dùng sáo con. Hoàn toàn không được dùng sáo mẹ để thổi đơn và đệm cho đàn ông hát. Thứ hai, khi thổi đệm cho phụ nữ hát bắt buộc phải thổi song sáo, tức là phải có hai người đàn ông thổi cả hai cây sáo mẹ và sáo con. Thứ ba, hoàn toàn không thổi sáo mẹ đơn, không thổi hai sáo mẹ cùng một lúc, cũng không thổi hai sáo con cùng một lúc.
Kỹ thuật thổi sáo của người Lự có sự khác biệt với các loại sáo của các dân tộc khác. Khi thổi ngậm vào đầu gốc sáo, miệng ôm hết cả phần lưỡi sáo. Về cách thổi, người thổi sử dụng kỹ thuật rung, phi. Ngoài ra còn phải biết cách nhấn hơi, luyến hơi, vuốt hơi để tiếng sáo phù hợp với từng giọng hát. Khi sáo đệm theo người hát, thì người thổi phải nắm bắt được tông/giọng của người hát để linh hoạt thổi đệm cho ăn khớp, phù hợp, nhịp nhàng. Quá trình thổi không được để lưỡi hoặc giăng tác động vào lưỡi sáo để âm vực chuẩn và không làm hỏng lưỡi sáo.
Bà Vàng Thị Phà, vợ ông Tao Văn Phòng nhớ lại: hồi tôi còn trẻ chưa lấy chồng, ban ngày đi làm ruộng, làm nương, đi rừng kiếm củi, kiếm măng. Tối về sau khi ăn cơm xong mỗi chị em nữ giới trong bản mang theo một bó củi nhỏ ra sân của bản góp vào đốt một đống lửa to để lấy ánh sáng ngồi thêu thùa, khâu vá quần áo. Khi con gái ngồi khâu vá thì những người con trai thường ngồi xung quanh thay nhau thổi sáo để tỏ tình. Đến đêm khi lửa tàn con gái ai về nhà nấy ngủ, các chàng trai sẽ đến nhà người mình thương để chọc sàn. Nếu cô gái ưng thuận sẽ mở cửa cho vào nhà, đốt lửa ở bếp để ngồi tâm sự tìm hiểu. Hồi đó do mê tiếng sáo mà tôi ưng thuận, yêu và lấy ông Phòng làm chồng, sống với nhau đến tận bây giờ được hơn 40 năm rồi.
Trải qua thăng trầm thời gian những âm thanh trong sáng, tươi tắn của nghệ thuật sáo đôi vẫn réo rắt trong lễ hội, đám cưới, đám nhà mới, tỏ tình, hát giao duyên tạo nên đời sống tinh thần đặc sắc, phong phú của đồng bào nơi đây. Hiện các địa phương có dân tộc Lự sinh sống gồm huyện Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên của tỉnh Lai Châu đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút giới trẻ học làm sáo, thổi sáo để truyền nghề, lưu giữ tiếng sáo của dân tộc Lự âm vang mãi đến các thế hệ sau.
Trương Huy