Thông qua thực trạng xuất bản sách và tình hình văn hóa đọc ở Việt Nam, có thể nhận thấy được yêu cầu mới hiện nay, đó là cần phát động và lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ, khơi dậy ý thức và sự tham gia của người dân với tư cách là người đọc trong tình hình văn hóa đọc đang có dấu hiệu giảm sút. Văn hóa đọc phát triển thì tầm nhìn tri thức và con đường phát triển của quốc gia, của dân tộc mới mở ra thêm nhiều vận hội.
Ảnh minh họa
Đọc sách là một hành vi, thao tác văn hóa, không đơn thuần là giải trí mà còn hướng tới thu nạp tri thức, chuyển hóa tri thức thành năng lực sáng tạo nhằm kiến thiết một đời sống tinh thần và vật chất tốt đẹp hơn. Thế giới sách cũng phong phú như thế giới con người. Tri thức nhân loại có bao nhiêu thì sách có bấy nhiêu, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, từ đơn giản đến phức tạp, từ quá khứ đến hiện tại, cả những viễn kiến cho tương lai. Nói vậy để thấy, mỗi quốc gia, dân tộc nếu hình thành văn hóa đọc sách bài bản, hiệu quả thì chắc chắn con đường phát triển, đi lên sẽ bớt đi những nhọc nhằn, gấp gãy.
Thực trạng sách và văn hóa đọc Việt Nam
Việt Nam có bề dày văn hiến, sách được xem là nơi chứa đựng “chữ của Thánh hiền”, người xưa coi trọng sách như coi trọng người có chữ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hoạt động xuất bản sách và văn hóa đọc sách gần đây có chiều hướng suy giảm so với trước.
Tình hình xuất bản sách ở Việt nam chưa thực sự sôi động. Năm 2023, theo tổng kết, đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, doanh thu của ngành xuất bản cả nước chỉ ước đạt 3.700 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm trước. Tuy nhiên, số xuất bản phẩm (in) chỉ đạt 33.000 sản phẩm (giảm 11%) và số bản in chỉ đạt 450 triệu bản (giảm 23%) so với năm 2022[i].
Thực trạng sách là vậy, còn việc đọc sách cũng đang có những vấn đề cần lưu tâm. So với các quốc gia trên thế giới, người Việt đọc sách rất ít. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam chỉ có khoảng 30% số người đọc sách thường xuyên, 44% số người thỉnh thoảng đọc sách và 26% số người không bao giờ đọc sách[ii]. Dẫn ra vài số liệu để so sánh, tham khảo: Người Nhật trung bình mỗi năm đọc 20 cuốn sách, Singapore 14 cuốn thì người Việt Nam chỉ đọc trung bình 4 cuốn sách/ năm. Đó là chưa nói trong số 4 cuốn sách/ năm có 2,8 cuốn sách thuộc về sách giáo khoa, chỉ có 1,2 cuốn là sách ngoài giáo khoa[iii]. Nhìn rộng ra, ở các quốc gia khác, tỷ lệ đầu sách đọc/ năm của mỗi người rất cao, chẳng hạn như Canada và Pháp, trung bình 17 cuốn, Mỹ 12 cuốn, Hàn quốc 11 cuốn, Tây Ban Nha xấp xỉ 10 cuốn… Nếu phân tích cụ thể trong số 1,2 cuốn sách mà người Việt Nam đọc trung bình mỗi năm thì bao nhiêu phần trăm hữu ích, tác động tích cực đến người đọc, con số này chắc cũng không cao.
Cần phát động và lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ
Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất, ngoài nhu cầu giải trí thường nhật thì văn hóa đọc cần được hiểu là mục đích, mục tiêu của việc đọc sách, hướng tới một thế giới tri thức, dựa trên tinh thần ham hiểu biết, khám phá. Nghĩa là, người đọc luôn đặt ra câu hỏi: Đọc cái gì, đọc để làm gì và đọc như thế nào. Có đặt ra câu hỏi thì người đọc mới xác định vì sao mình cần phải đọc và lựa chọn cách đọc đúng đắn với từng loại sách.
Với những người lớn tuổi, việc đọc sách hay không, nhiều hay ít dường như đã định hình thì chuyện cần làm để phát động và lan tỏa văn hóa đọc phải chú ý đến giới trẻ. Trong thế giới ngày nay, các phương tiện giải trí nghe/nhìn chiếm ưu thế, thông tin tràn ngập trên mạng xã hội thì việc đọc sách cần phải được cả xã hội nhìn nhận và nâng lên thành xu hướng, thành phong trào. Bên cạnh đó là nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội và các bậc cha mẹ cần hướng con, em đến việc chăm chút đọc sách, chọn sách.
Ở đây cũng cần nói thêm, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã khiến sách in theo kiểu truyền thống không còn vị trí độc tôn. Hiện nay sách điện tử đã trở nên phổ biến, dù rằng nó vẫn chưa thể thay thế được sách in bằng giấy. Vì thế, xây dựng văn hóa đọc cần hướng tới sự kết hợp giữa đọc sách in giấy truyền thống và sách điện tử, giữa việc đọc truyền thống và nghe nhìn qua các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.
Tương lai cho văn hóa đọc Việt Nam
Nhận thức tầm quan trọng của việc đọc gắn liền với văn hóa đọc, những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các địa điểm, hình thành các phong trào đọc sách. Ngoài việc các nhà xuất bản khảo sát người đọc để hướng tới chiến lược xuất bản các ấn phẩm phù hợp thì hệ thống thư viện, nhà sách… khắp các địa phương cũng được nâng cấp, bổ sung ngày càng nhiều thư mục, nội dung nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người đọc.
Điều rất đáng mừng là hiện nay ở những đô thị lớn luôn có các Đường sách, không chỉ ở những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà còn có mặt ở các đô thị như Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt… Đường sách là không gian công cộng, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, vừa để cho người đọc thoải mái trong việc chọn lựa sách. Các gia đình có thể dùng thời gian rảnh rỗi, đưa cháu con đến dạo chơi, qua đó hình thành niềm say mê sách và văn hóa đọc cho các em.
Những định hướng từ phía nhà nước và các cơ quan chức năng như ngành xuất bản, phát hành đã có. Phong trào đọc sách và văn hóa đọc sách cũng đã được phát động, bước đầu lan tỏa. Vấn đề còn lại là ý thức và sự tham gia của người dân với tư cách là người đọc. Hy vọng, những năm tiếp theo và đặc biệt trong giới trẻ, thói quen đọc sách và văn hóa đọc sách sẽ được nâng cấp, chuyển biến. Có như thế thì tầm nhìn tri thức và con đường phát triển của quốc gia, của dân tộc mới mở ra thêm nhiều vận hội.
[i] Thiên Điểu (2024), Chưa thể tự chủ, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục 'kêu' vì vẫn ‘ba không’, https://tuoitre.vn/chua-the-tu-chu-hoi-xuat-ban-viet-nam-tiep-tuc-keu-vi-van-ba-khong-20240118163445691.htm
[ii] Nguyễn Thị Hải Yến (2023), Thực trạng văn hoá đọc hiện nay ở Việt Nam, https://iper.org.vn/thuc-trang-van-hoa-doc-hien-nay-o-viet-nam/
[iii] Chi Chi (2023), Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ “Chuyển đổi số, https://tuoitrethudo.com.vn/phat-trien-van-hoa-doc-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so-222496.html
Triều Nguyễn