Hẳn chúng ta nhiều người đã từng xem bộ phim Sinh ngày 4/7 về đề t ài chiến tranh Việt Nam hay bộ phim giả tưởng khoa học Ngày Độc Lập, nói về ngày tận thế của nước Mỹ. Những tác phẩm này liên quan đến một ngày quan trọng, đó là Quốc khánh Hoa Kỳ. Những người am hiểu sâu hơn thì nhớ rằng trong Tuyên ngôn Độc Lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776
Tại Hoa Kỳ, Ngày Độc lập (Independence Day), còn gọi là Ngày 4 tháng 7 (the 4th of July), là một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên Ngôn độc lập được ký năm 1776. Vào ngày 4/7 hằng năm, người Mỹ sẽ cùng nhau tụ hội để chúc mừng Ngày Độc lập (Quốc khánh Mỹ) – ngày lễ lớn nhất năm, ngày lịch sử quan trọng đối với người Mỹ, đánh dấu sự ra đời của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ phồn vinh sau bước ngoặt quan trọng khi quốc gia này giành được độc lập từ Đế quốc Anh sau cuộc Chiến tranh Cách mạng, thông qua Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 4/7/1776. Ngày này thường diễn ra với những màn pháo hoa rực rỡ, diễu hành, đoàn tụ gia đình… Đây là một dịp để tất cả mọi người ăn mừng những cống hiến, những điều tạo nên Hoa Kỳ được như ngày hôm nay.
Các bang của Hoa Kỳ từng là 13 thuộc địa của Anh bao gồm các bang Bờ Đông, đó là Delaware, Pennsylvania, New Jersey, Georgia, Connecticut, Vịnh Massachusetts, Maryland, Nam Carolina, New Hampshire, Virginia, New York, Bắc Carolina, đảo Rhode Island và Providence.
Các thuộc địa được quản lý bởi người Anh, đến lục địa này kể từ năm 1587. Lúc đầu mối quan hệ giữa cư dân bản địa và người Anh hoàn toàn thân thiện, nhưng chẳng bao lâu những cư dân bản địa phàn nàn về thuế và ảnh hưởng của người Anh. Những cư dân bản địa bắt đầu nhận thức được niềm tự hào và chủ nghĩa dân tộc của mình.
Vào năm 1765, những cư dân bản địa đã yêu cầu “không đánh thuế mà không có đại diện”. Về cơ bản, có nghĩa là họ muốn có tiếng nói trong Quốc hội. Người Anh và những cư dân bản địa đã không giải quyết thấu đáo được vấn đề này. Sự bất đồng thường bùng nổ thành các cuộc chiến, chẳng hạn như Tiệc Trà Boston năm 1773. Một cuộc biểu tình chống lại Đạo luật Trà, cho phép công ty Anh độc quyền về bán trà tại 13 thuộc địa Mỹ. Một hành động khác như việc lấy đi quyền lực từ các tiểu bang như bang Massachusetts, nơi vốn đã từng được hưởng quyền bán tự trị (50% quyền lực), đã gây thêm mâu thuẫn. Khi mọi thứ đạt đến đỉnh điểm, một cuộc họp được gọi là Đại hội Lục địa diễn ra với sự có mặt của các đại biểu từ 13 thuộc địa. Tại cuộc họp thứ hai, nhóm đã quyết định tuyên chiến với người Anh – đó là vào năm 1775.
Tuy ngày 4/7 đã được kỷ niệm từ lâu, nhưng nhiều người cho rằng ngày này không chính xác. Trong cuộc cách mạng, những người thuộc địa ở vùng Tân Anh (New England) đã chiến đấu với Quân Anh từ tháng 4/1775. Kiến nghị đầu tiên trong Quốc hội để giành độc lập được đưa ra trong ngày 8/6. Sau khi có nhiều bàn cãi, trong ngày 2/7 Hội nghị đã bí mật đồng thuận biểu quyết đòi độc lập từ Đế quốc Anh Hội nghị sau đó sửa đổi văn bản tuyên ngôn cho đến sau 11 giờ ngày 4/7, khi 13 thuộc địa biểu quyết chấp nhận và đưa ra một phiên bản chưa ký cho các nhà in. (New York không bầu trong cả hai cuộc). Philadenphia đón mừng Tuyên ngôn bằng cách đọc nó với công chúng và đốt lửa mừng trong ngày 8/7 Mãi đến ngày 2/8 thì một phiên bản chính thức mới được các thành viên trong hội nghị ký, nhưng vẫn giữ bí mật để khỏi bị quân Anh trả đũa.
Người dân Mỹ tưng bừng kỷ niệm Quốc khánh thứ 238 (năm 2014)
Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ (Ngày Độc lập) – Đó là một trong những ngày lễ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ngày 4/7 đánh dấu mốc kỷ niệm ngày ký kết Tuyên ngôn Độc lập năm 1776. Vào ngày đó, các bang của Hoa Kỳ, từng là 13 thuộc địa của Anh, tuyên bố rằng họ là một quốc gia, không còn là một phần của Đế quốc Anh.
Vào năm 1776, khi vẫn còn đang trong cuộc Cách mạng Mỹ, Đại hội Lục địa lần thứ hai đã bỏ phiếu phê chuẩn một nghị quyết độc lập được đề xuất vào tháng 6/1776 bởi Richard Henry Lee – đại biểu bang Virginia, tuyên bố Hoa Kỳ độc lập thoát khỏi sự cai trị của Vương quốc Anh.
Sự tách biệt hợp pháp của 13 thuộc địa từ Vương quốc Anh thực sự diễn ra vào ngày 2/7/1776. Nhưng Tuyên ngôn Độc lập (một tuyên bố giải thích cho quyết định này), đã được chuẩn bị bởi Ủy ban Năm, với sự lãnh đạo của Thomas Jefferson đã không được phê chuẩn.
Quốc hội đã tranh luận và sửa đổi từ ngữ của Tuyên ngôn. Cuối cùng mới phê chuẩn hai ngày sau đó vào ngày 4/7. Tuyên ngôn được ký bởi 56 đại diện từ 13 tiểu bang – tức là 13 thuộc địa trước đây. Ngày Tuyên ngôn được ký kết được xem là sự ra đời của quốc gia – ngày Quốc khánh.
Ngày 4/7/1776 - Một quốc gia mới ra đời. Bản Tuyên ngôn Độc lập khắc cốt, đi trước thời đại, vang vọng khắp thế giới: “Chúng ta khẳng định chân lý tự nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Tom Cruise vai cựu binh Ron Kovic trong Born on Fourth of July
Nhắc đến Hoa Kỳ, bạn sẽ nghĩ đến điều gì trước tiên? Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, giàu có với nhiều phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều điều thú vị không phải ai cũng biết. Trong đó có những sự thật thú vị liên quan đến ngày Quốc khánh Hoa Kỳ̀.
1. Lịch sử về ngày Quốc khánh Hoa Kỳ: Theo sử gia Kenneth C. Davis, ngày 2/7 mới thực sự là ngày kỷ niệm độc lập của Mỹ. Ông Davis cho biết, thực tế Tổng thống John Adams viết thư cho vợ là bà Abigail trong ngày 3/7 rằng ngày 2/7 “sẽ đi vào lịch sử”. Tuy nhiên, phải đến ngày 4/7, Quốc hội Hoa Kỳ mới chấp thuận tuyên bố của Thomas Jefferson, công nhận cuộc bỏ phiếu hai ngày trước. Do đó, theo ông, ngày Độc Lập của nước Mỹ thực chất là ngày 2/7.
2. Sự trùng hợp kỳ lạ: Lịch sử Hoa Kỳ ghi nhận 3 trong số 5 Tổng thống đầu tiên qua đời đúng vào ngày Quốc khánh. John Adams - Tổng thống thứ 2 và Thomas Jefferson - Tổng thống thứ 3, là những đối thủ trong suốt sự nghiệp chính trị nhưng lại chết cách nhau vài giờ đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh. Sau đó, James Monroe, Tổng thống thứ 5 cũng qua đời vào đúng dịp kỷ niệm 55 ngày Quốc khánh Hoa Kỳ.
3. Trùng ngày tự do tại Philippines và Rwanda: Ngày 4/7 cũng là ngày giải phóng của Philippines và Rwanda. Đối với Philippines, ngày 4/7 hay còn gọi là “Ngày Cộng hòa” đánh dấu thời điểm Hoa Kỳ chính thức công nhận Philippines là quốc gia độc lập vào năm 1946.
Ngày 12/6 mới chính thức là ngày Quốc khánh của Philippines, song ngày 4/7 vẫn có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng với quốc gia này. Trong khi đó, ngày 4/7/1994 là thời điểm chấm dứt nạn diệt chủng ở Rwanda và cũng là thời điểm chính phủ mới được thành lập.
4. Lễ Độc lập đầu tiên: Hoa Kỳ bắt đầu tổ chức lễ Độc lập từ năm 1777. Các lễ kỷ niệm lớn đầu tiên diễn ra ở thành phố Philadelphia. Mở màn bằng diễu hành, bắn 13 quả pháo chúc mừng cùng lễ hội pháo hoa. Tuy nhiên, mãi đến năm 1870, Quốc hội Hoa Kỳ mới chính thức công nhận ngày 4/7 là ngày lễ Độc lập.
5. Những ngày sinh nhật đặc biệt: Lễ Độc lập cũng trùng ngày sinh của nhiều người nổi tiếng như Calvin Coolidge, Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Gerard Debreu, nhà vô địch Olympic Pam Shriver hay con gái lớn của Tổng thống Barack Obama.
6. Lễ hội xúc xích lớn nhất: Ngày 4/7 cũng là lễ hội xúc xích lớn nhất trong năm. Theo tạp chí Time, người Mỹ tiêu thụ khoảng 155 triệu xúc xích trong ngày lễ Độc lập. Tuy vậy, không ai biết rõ vì sao xúc xích lại có mặt ở Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội xúc xích quốc gia, nhiều khả năng xúc xích được người châu Âu mang đến Hoa Kỳ trong các cuộc di cư. Những chiếc xúc xích đầu tiên được cho là xuất hiện ở vùng Bắc Mỹ.
7. Những món ăn độc đáo trong ngày lễ Độc lập: Ngoài xúc xích, khoai tây chiên và các món nướng, người Mỹ còn chế biến nhiều món ăn độc đáo khác để kỷ niệm ngày lễ Độc lập, trong đó phải kể đến món súp rùa.
Lưu truyền câu chuyện, ngày 4/7/1776, cựu Tổng thống John Adams cùng vợ ăn mừng lễ Độc lập với món chính là súp rùa, cá hồi kho với nước sốt trứng, đậu xanh và khoai tây luộc. Họ còn đặt lên bàn ăn cả món bánh pudding của Ấn Độ và bánh táo.
8. Những “cái tên” đặc biệt: Theo Cục điều tra dân số Mỹ, Pennsylvania - nơi Tuyên ngôn Độc lập Mỹ được thảo luận và ký - có tới 11 địa điểm có chữ “tự do” trong tên gọi. Ngoài ra, có tới 33 địa điểm khác có chữ “đoàn kết”.
Do đó, các nhà thống kê kết luận Pennsylvania chính là bang “yêu nước” nhất trong số các bang. Còn theo Văn phòng Patriot, ở Pennsylvania còn có một thị trấn mang tên Yêu nước (Patriot) với dân số khoảng 209 người.
9. Biểu tượng đặc trưng: Trong bức thư gửi con gái Sarah Bache năm 1784, Tổng thống Mỹ Bejamin Franklin viết rằng ông không hài lòng khi đại bàng trọc được chọn là biểu tượng của đất nước. Ông viết: “Đại bàng là loài chim xấu. Nó không bao giờ sống một cách trung thực. Con có thể thấy nó đứng trên những cái cây chết ở sông. Nó quá lười biếng để tự bắt cá mà chỉ đợi những con khác kiếm cá và sau đó cướp công”.
Theo Franklin, gà tây là loài chim đáng kính hơn nhiều. Ông mô tả: “Gà tây mới thực sự là bản chất của người Mỹ. Nó luôn bàng quan, có đôi chút ngớ ngẩn và vô dụng, song lại là loài chim vô cùng dũng cảm. Nó không ngần ngại tấn công những binh sĩ Anh với bộ quân phục đỏ dám tới xâm lược trang trại của mình”.
10. Câu chuyện về cái chuông: Chuông Tự do là một trong những biểu tượng của nước Mỹ. Do có một vết nứt lớn trên thân, nên chưa bao giờ được rung lên kể từ năm 1846. Vào ngày 4/7, người ta chỉ dám vỗ nhẹ 13 lần vào chiếc chuông trị giá hơn 3.000 USD và coi đó là dấu hiệu thông báo cho các chuông khác trên khắp đất nước.
11. Điện ảnh: Hoa Kỳ đã từng có những bộ phim liên quan đến ngày 4/7, trong đó đạo diễn Oliver Stone đạt giải Oscar với bộ phim Sinh ngày 4/7 (Born on Fourth of July) với chủ đề về chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra bộ phim Ngày Độc Lập (Independence Day) nói về sự kiện giả tưởng nước Mỹ trải qua thảm họa tận thế đúng vào ngày 4/7 cũng nổi tiếng và mang lại doanh thu lớn.
Tiến Duy (Tổng hợp)