Ngay từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, người Việt đã khám phá Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do trình độ hàng hải chưa phát triển, các chúa Nguyễn đã thành lập “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” để duy trì hoạt động quản lý những quần đảo xa xôi của Tổ quốc
Việc xác lập, khai thác và quản lý liên tục đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cha ông ta thực hiện từ rất sớm, trong đó sự kiện thành lập và hoạt động của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là một trong những bằng chứng lịch sử quan trọng nhất chứng minh cho sự thật trên.
Vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, để tăng cường quản lý vùng biển, nhất là các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, Chúa Nguyễn đã lập ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do các Chúa Nguyễn (sau này là Triều đình Nhà Nguyễn) quản lý và chỉ đạo hoạt động.
Về hoạt động của Đội Hoàng Sa, Lê Quý Đôn đã ghi chép trong sách Phủ biên Tạp lục, Nhà Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 55 rằng : “Trước họ Nguyễn đặt Đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy... . Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không…”.
Còn đối với các đảo ở trong Nam, trong đó có Trường Sa, Lê Quý Đon ghi tiếp: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, quyển 6, xuất bản tại Sài Gòn năm 1964, trang 422- 423, chép “Hồi đầu bản triều, đặt Đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ tháng 3, là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8, thì do cửa biển Tư Hiền về nộp; lại đặt Đội Bắc Hải, do Đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo… Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt Đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc bốn chữ “vạn lí ba bình”. Đảo này xưa gọi là núi Phật tự, phía đông và phía tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh ở mặt nước; về phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là đá Bàn Than, năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, (Quyển 5, Mục Dư địa chí), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 167 có đoạn : “Các đời Chúa Nguyễn đặt Đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy những hải vật. Hàng năm cứ đến tháng 3, khi nhận được mệnh lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy... Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu môn đến thành Phú Xuân, đưa nộp”.
Từ năm Minh Mạng thứ 17, Bộ Công tấu Vua hằng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc…
Các tài liệu lịch sử cho thấy, Đội Hoàng Sa phiên chế gồm 70 người do một đội trưởng chỉ huy, chịu sự điều hành của Nhà Nguyễn, có tổ chức chặt chẽ, tính kỷ luật cao, được miễn thuế sưu dịch, thuế nông nghiệp… Đội trưởng Đội Hoàng Sa còn phụ trách luôn Đội Bắc Hải để kiểm soát và khai thác các đảo ở phía nam, trong đó có Trường Sa. 70 người đi trên 5 chiếc ghe bầu mang theo lương thực, nước uống cùng 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán, phiên hiệu. Chẳng may tử nạn trên biển thì những người sống sót lấy chiếu bó xác, lấy đòn tre nẹp xung quanh, buộc mây chắc chắn, sau đó thả trôi trên biển, họ hy vọng xác sẽ trôi về nơi họ ra đi. Thực tế, có nhiều người một đi không trở lại. Đến giờ, nhân dân vẫn còn lưu truyền những câu như: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” hay “Mãn mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đà vãn sao anh chưa về”.
Nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn
Tháng 8 là thời điểm người lính từ Hoàng Sa và Trường Sa trở về kinh thành Huế nộp các sản vật thu lượm được, sau đó lãnh văn bằng trở về quê. Nhưng có những người mãi mãi nằm lại với biển cả không bao giờ trở về, họ được người dân nặn tượng hình nhân bằng đất sét, lập đàn cúng lễ chiêu hồn nhập cốt. Sau đó, đem cốt tượng hình nhân an táng thành ngôi mộ chung gọi là mả liếp hay mả gió. Anh linh những người lính này hiện đang được thờ cúng ở Đền Âm linh tự và các nhà thờ dòng họ trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chính là những người đầu tiên xác lập và quản lý đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI cho đến giữa thế kỷ XIX. Trong quá trình hoạt động của mình, họ không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn hun đúc nên nhiều thế hệ lính Hoàng Sa can trường và dũng cảm, họ đã có công trong việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1815, nhất là đã dựng bia chủ quyền đầu tiên của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1838.
Những ghi chép về hoạt động của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trong các tài liệu lịch sử, cùng các Châu bản, Bản tấu, các cuốn sách như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ… ; nguồn tài liệu do các học giả viết như Phan Huy Chú với “Lịch triều hiến chương loại chí”, Lê Quý Đôn với “Phủ biên tạp lục”, Nguyễn Thông với “Việt sử cương giám khảo lược”; các tài liệu do người nước ngoài viết như “Hải ngoại kỷ sự” của Nhà sư Thích Đại Sán (Trung Quốc) viết năm 1696, nhật ký, bút ký của các Giáo sỹ phương Tây; hệ thống các bản đồn có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Bản đồ Biển Đông (Sinensis Oceanus) của anh em nhà Van Langren người Hà Lan in năm 1595, Bản đồ hàng hải Meccato in năm 1633…; nhất là những tuyên bố của các hội nghị quốc tế như Tuyên bố Cairo (27/11/1943), Tuyên bố Postdam (26/7/1945) hay Hòa ước San Francisco (8/9/1951)… đã không xác nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn là của Việt Nam. Đây là những cơ sở lịch sử, chính trị, pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền và sự quản lý liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Những tài liệu lịch sử nói trên cho thấy rõ cơ sở lịch sử, chính trị, pháp lý và quan điểm của Việt Nam về vấn đề này nhằm phủ định và đối trọng với những tuyên bố chủ quyền đơn phương, sai trái của một số quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều học giả trong nước và nước ngoài cho rằng đây là một bộ hồ sơ đầy đủ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng bậc nhất để khi không còn có thể giải quyết theo song phương hoặc đa phương thì có thể dùng đến biện pháp trọng tài quốc tế phân xử theo những quy định của luật pháp quốc tế.
Nguyễn Tuấn