Đổi mới sáng tạo trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Trong quá trình đổi mới đất nước, trên cơ sở bám sát thực tiễn, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển toàn diện đất nước. Nếu như tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thì trong văn kiện trình Đại hội XIII, đổi mới sáng tạo đi cùng với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập đến nhiều lần.
Trong Báo cáo chính trị và các báo cáo chuyên đề đã cụ thể hoá 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, trong đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trọng tâm. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”[1]. Đồng thời khẳng định nhiệm vụ: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao”[2]. Như vậy, cùng với khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem là nền tảng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế số ở nước ta giai đoạn hiện nay.
Đại hội XIII đã xác định rõ định hướng phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn tiếp theo là: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ”[3]. So với các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII đã bổ sung cụm từ “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao” vào nội dung ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời đặt cụm từ này lên đầu nhằm nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo đối với quá trình phát triển.
Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới ra đời,đỏi hỏi phải có môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển, trong đó có hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”[4]. Đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ. Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu”[5]. Văn kiện cũng nhấn mạnh, phạm vi tập trung hoàn thiện thể chế là chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhất là nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh yếu tố thể chế, yếu tố con người và các thiết chế hay tổ chức nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng ta xác định cần phải: “Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn với đổi mới toàn diện chính sách nhân lực khoa học và công nghệ”[6]. Từ đó, “Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thực hiện tốt chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”[7]. Đồng thời, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Có chính sách hỗ trợ hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học ngườu Việt Nam ở nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Một số chỉ tiêu chủ yếu về đổi mới sáng tạo đến năm 2030 theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Duy trì vị trí trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN[8];
- Đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh[9];
- Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%[10];
- Hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ số, kinh tế số[11];
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm[12].
Kết quả đạt được và một số hạn chế
Trong 10 năm qua, nhất là hai năm gần đây, nền kinh tế các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với những sự nỗ lực theo đuổi đổi mới sáng tạo, Việt Nam vẫn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện. Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chiều 20/9/2021, chỉ số GII của Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia và nền kinh tế, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan ở vị trí 43).
Nguồn: Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)
Với những chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, Ngành đã thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo. Riêng năm 2020, có gần 40 nền tảng chuyển đổi số quốc gia ra đời, đưa Việt Nam là nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời Covid-19. Một số thành tựu nổi bật như: bộ kit test do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo và phát triển đã xuất hiện đúng lúc và đưa vào sản xuất, sử dụng trong hai năm qua; đã nghiên cứu và phát triển robot tự hành, máy tạo oxy dòng cao, nghiên cứu vaccine Nanocovax…; đã thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam trên thế giới để cùng góp sức với các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước thúc đẩy nghiên cứu khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ðến nay, mạng lưới đã có hơn 1.000 thành viên và thiết lập 5 văn phòng tại Mỹ, Ðức, Nhật Bản, Australia.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống đổi mới công nghệ quốc gia mặc dù đã hình thành nhưng vẫn thiếu đồng bộ, thiếu sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; Hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn mới mẻ, chưa đủ sức tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo; Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn hạn chế, đầu tư từ doanh nghiệp còn nhỏ;…
Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian tới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Một là, tăng cường đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, kể cả đầu tư của doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư, khơi dậy nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mở rộng và sử dụng có hiệu quả các quỹ khởi nghiệp sáng tạo.
Hai là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường xây dựng nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tăng cường mối liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ các viện, nhà trường thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Thu hút mạnh mẽ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam.
Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với hệ thống pháp luật có liên quan.
Năm là, tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin v.v…
Để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó lấy trọng tâm “Con người - Thể chế - Công nghệ” làm nền tảng. Đồng thời, cần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đối với toàn xã hội, khơi dậy được khác vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Hoàng Hiểu