Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đã cùng quân và dân cả nước viết lên bản hùng ca bất diệt. Ngày 27/2/1947, 27 nhà sư chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã cởi áo cà sa tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, trở thành những tấm gương sáng được lịch sử ghi nhận
Chùa Cổ Lễ, có tên chữ là “Thần Quang Tự”, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 15km, được xây dựng vào thế kỷ XII, thời Vua Lý Thần Tôn và thờ Phật, Thiền sư Nguyễn Minh Không1.
Lúc đầu, chùa được thiết kế bằng gỗ theo kiến trúc cổ, nhưng do tác động của thiên nhiên và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Đến năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên - trụ trì chùa Cổ Lễ, đã vận động, kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại chùa. Chính ngài đã thiết kế chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng lại chùa mà không cần dùng các vật liệu hiện đại như xi măng, sắt thép, mà chỉ dùng gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản…
Chùa Cổ Lễ được thiết kế theo lối “Tiền Phật, hậu Thánh” với sự kết hợp hài hòa của văn hóa dân tộc, văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây (kiến trúc Gôtích của châu Âu). Do đó, chùa vừa mang vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng nghìn năm lịch sử, vừa có dáng dấp hiện đại của một thánh đường Kitô giáo và tạo thành một chỉnh thể hoàn hảo với nhiều công trình kiến trúc khác nhau, như: Cổng chùa, Tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 32m, cầu Cuốn, chùa Trình còn gọi là Hội Quán Đường - nơi thờ Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, Linh Quang từ thờ Trần Hưng Đạo, Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, chuông Đại Hồng Chung nặng 9 tấn - một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam...
Có thể khẳng định, chùa Cổ Lễ là một quần thể độc đáo với sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với lối kiến trúc Gôtích, được cấu tạo theo thế cửu trùng - gồm 9 tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối. Điều này đã tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh và trở thành một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Chùa Cổ Lễ
Chùa Cổ Lễ không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong lịch sử, chùa còn là cơ sở nuôi giấu cán bộ và là nơi chỉ đạo phong trào cách mạng tỉnh Nam Định. Trong những lần đi thuyết pháp, các sư trụ trì và Tăng, Ni trong chùa đã khéo léo vận động nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng…
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Cổ Lễ có 35 Tăng, Ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, trở thành những chiến sỹ cộng sản, hăng hái cùng quân và dân cả nước đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.
Trước những hành động xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, nhất là việc tiến công các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội..., ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, Hòa thượng Thích Thế Long2 - Trụ trì chùa Cổ Lễ, đã gọi Đại đức Thích Pháp Lữ3 và Đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, đàm luận: “Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên - Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?”. Ngay lập tức, hai đệ tử đồng lòng đáp lời: “Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng chẳng thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới Phật tử rất nhiều Tăng, Ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ “giải pháp y”, thành lập đội “Nghĩa sĩ Phật tử”, cho phép các Tăng, Ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc”.
Từ chủ trương đó, ngày 27/2/1947 đã đi vào lịch sử của Chùa Cổ Lễ nói riêng, lịch sử kháng chiến của quân và dân Nam Định nói chung, Hòa thượng Thích Thế Long đã làm lễ phát nguyện “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư (gồm 25 Tăng và 2 Ni).
Tại buổi lễ, Ni cô Đàm Nhung xúc động đọc lời phát nguyện:
“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào
Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao
Ra đi quyết rửa thù đất nước
Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.
27 nhà sư khoác áo cà sa, chân đất đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba do Đại đức Thích Tường Minh chỉ huy, đứng cuối hàng là 2 ni cô Đàm Nhung, Đàm Lân khoác túi chữ thập đỏ tiến ra xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam Bảo. Hòa thượng Thích Thế Long đọc diễn văn nhấn mạnh: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông”.
Đại tá Đinh Thế Hinh (tức Đại đức Thích Pháp Lữ), một trong 27 Tăng, Ni, Phật tử đã "cởi áo cà sa khoác chiến bào", tham gia kháng chiến
Sau khi cử hành các lễ Tam Bảo, Tứ ân theo điển thức lễ trọng, 27 Tăng, Ni ngồi tọa thiền, đồng thanh tụng một đoạn kinh Bát nhã và kết thúc bằng bốn câu nguyện phổ thông của chư Phật Bồ Tát. Câu kệ dứt, 27 người đứng lên cùng cởi áo cà sa. Hòa thượng Thích Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật. Sư Tường Minh hô: “Đội mũ!”. Đồng loạt các vị đội mũ có gắn sao vàng trên đầu, chính thức trở thành những chiến sĩ Vệ quốc quân trong “Đội nghĩa sĩ Phật tử” trực thuộc Trung đoàn 34.
Tại buổi tiễn đưa, Ni cô Đàm Nhung đã xúc động sáng tác bài thơ họa lại lời phát nguyện trước lúc lên đường:
“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Việc quân đâu xá quản gian lao
Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
Theo gót Trung Vương tỏ nữ hào”.
Theo tiếng hô dõng dạc của Trung đội trưởng Tường Minh, các chiến sĩ Phật tử đồng thanh ca vang bài hát: “Tiến lên đường, tới xa trường...” và hành quân tiến ra phố Cỗ Lễ nhập vào đoàn quân trong khí thế hào hùng.
Sự kiện 27 nhà sư chùa Cổ Lễ “cởi áo cà sa khoác áo chiến bào” một lần nữa tô thắm thêm truyền thống yêu nước của Tăng, Ni, Phật tử nói riêng, toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.
Đội “Nghĩa sĩ Phật tử” đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường và lập nhiều chiến công. Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ Thành phố Nam Định, cố thủ chùa Non Nước (Ninh Bình), 12 nhà sư trong Đội “Nghĩa sĩ Phật tử” đã anh dũng hy sinh. Đến nay, tên tuổi các liệt sĩ đặc biệt này chỉ được biết đến dưới các pháp danh do nhà chùa đặt cho như: Đức Hiền, Thanh Tịnh, Chân Tâm, Thiện Nhân, Huyền Cơ, Quang Đại, Trí Trung...4.
Nối bước đồng đạo, 15 Tăng, Ni còn lại (như Tâm Trinh, Tường Minh, Pháp Lữ, Thanh Hải, ni cô Đàm Nhung...) tiếp tục chiến đấu ở các chiến trường Bắc, Trung, Nam và chiến trường Lào, Campuchia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu nước, hầu hết các nhà sư đều quay về chùa, tiếp tục con đường tu hành và giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một số nhà sư tiếp tục ở lại quân ngũ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và có nhiều đóng góp vào thành công chung của cách mạng. Trong đó, có thể kể đến sư Thích Đàm Cẩn - chiến sĩ thuộc C3, D38, đã hăng hái tham gia phá đá, mở đường cho xe ta ra trận vào năm 1952. Sau khi xuất ngũ, sư Thích Đàm Cẩn tiếp tục tu hành và có nhiều đóng góp. Đại đức Thích Pháp Lữ tiếp tục hoạt động trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và được phong hàm Đại tá…
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong hoà bình. Nhưng sự kiện 27 nhà sư chùa Cổ Lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” xung phong ra chiến trường vẫn là dấu mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, Nam Định, Cổ Lễ nói riêng. Một lần nữa truyền thống “hộ quốc an dân đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam được tô thắm thêm và là minh chứng sống động về sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, góp phần quân và dân cả nước viết tiếp những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến của dân tộc.
Trọng Hùng
__________________________
1 Thiền sư Nguyễn Minh Không - Đức Thánh tổ có công xây dựng chùa, thế danh là Nguyễn Chí Thành, quê ở làng Đàm Xá, thuộc đất Trường Yên, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngài là một vị cao tăng nổi tiếng và là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Ngài có nhiều pháp thuật kỳ lạ và thường đi chu du khắp nơi để chữa bệnh cứu dân và đã từng cứu Vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh nan y. Do đó, Ngài được nhà vua phong làm Lý triều Quốc sư. Cùng với Thiền sư Giác Hải, Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Minh Không được coi là một trong “Nam Thiên tam vị Thánh tổ”.
2 Hòa thượng Thích Thế Long sau là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam.
3 Đại đức Thích Pháp Lữ sau là Đại tá Đinh Thế Hinh (quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).
4 Năm 1999, để “tri ân báo ân” những nhà sư “vì nước quên thân hiến máu đào” vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, nhà chùa cùng một nhóm ni sư đã xây dựng một vườn tượng trong khuôn viên chùa; đồng thời, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ và các Huân, huy chương cao quý cho các nhà sư đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.