Bảy bảy năm trước, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, “đội quân đàn anh”, “đội quân thứ nhất của Giải phóng quân” ra đời. Sau gần tám thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển thành Quân đội nhân dân Việt Nam với bề dày truyền thống và những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay
1. Năm 1944, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở liên khu Cao - Bắc - Lạng, cùng với đó là sự tăng cường các hoạt động khủng bố của thực dân Pháp gây nhiều khó khăn cho phong trào, nhất là hoạt động của các đội Cứu quốc quân. Ngày 13/7/1944, Liên tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng triệu tập hội nghị tại Lũng Sa (một địa điểm giáp giới châu Hoà An và Nguyên Bình) nhằm bàn việc gấp rút chuẩn bị phát động khởi nghĩa trong vùng. Đến tháng 9/1944, kế hoạch khởi nghĩa đã được chuẩn bị phần lớn. Lúc này, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã về tới Nà Sác, huyện Hà Quảng trên biên giới Việt - Trung. Một buổi sáng tháng 10/1944, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh đã tới gặp và xin ý kiến Người.
Sau khi nghe hai đồng chí báo cáo về tình hình phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, tình hình mở con đường “Nam tiến”… Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên…”. Người đề ra cách giải quyết: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội Quân giải phóng”. Người trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện nhiệm vụ. Người cũng trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp về những nét chính của Đội Việt Nam Giải phóng quân như: về tổ chức; phương châm hành động; vấn đề lương thực, đạn dược; quan hệ giữa đội chủ lực với các lực lượng vũ trang địa phương… Đặc biệt, Người căn dặn “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”.
Mười năm sau khi ra đời, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm nên
chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 (Ảnh tư liệu)
2. Căn cứ chỉ dẫn của Người, Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba bàn bạc, thống nhất các vấn đề để thành lập Việt Nam Giải phóng quân: lựa chọn, lập danh sách đội viên; chọn cán bộ lãnh đạo; tên gọi của đội là Việt Nam Giải phóng quân; hoạt động quân sự đầu tiên là đánh vào một vài đồn địch, cướp vũ khí và phải thắng để gây thanh thế; thời gian thành lập chậm nhất là hạ tuần tháng 12/1944…
Trong khi hai đồng chí đang trao đổi thì lãnh tụ Hồ Chí Minh đến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo nội dung cuộc trao đổi và được Người đồng ý.
Về tên gọi, Đội Việt Nam Giải phóng quân, Người chỉ thị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự….
Về phương châm hoạt động: Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương. Ba lực lượng ấy đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau. Đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ các đội địa phương trưởng thành. Người cũng yêu cầu phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng…
Cuối tháng 12/1944, mọi điều kiện cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã được chuẩn bị xong. Một ngày trước lễ thành lập đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư của Người đựng trong một vỏ bao thuốc lá. Đó chính là chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nêu rõ:
1.Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên theo chỉ thi mới của Đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay được xây dựng theo hướng chính quy,
tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh, khứ vô hình.
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta.
Chỉ thị là một văn kiện lịch sử vô giá, như một cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng. Chỉ thị đánh dấu bước hoàn chỉnh lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang khởi nghĩa. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, 17h ngày 22/12/1944, tại khu rừng đại ngàn của núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng, nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Nơi có địa thế hiểm trở, đủ cá yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.
Buổi Lễ diễn ra trang nghiêm, có sự tham dự của đại diện các tỉnh Cao-Bắc-Lạng, đông đảo đồng bào Tày, Nùng, Dao cùng 34 chiến sĩ của Đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn tuyên bố thành lập Đội và nêu rõ nhiệm vụ của Đội với đất nước. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, Đội đã long trọng tuyên thệ 10 lời thề danh dự: quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân; trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Đảng; thực hiện đoàn kết, nêu cao ý thức kỷ luật nghiêm minh của quân đội cách mạng….
Lễ thành lập kết thúc, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối cùng nhau quây quần đầm ấm, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khó, đồng cam cộng khổ của người chiến sĩ. Tiếp đó là đêm du kích đầm ấm cảm động, trong đó mỗi đội viên đều tự giới thiệu về mình, con đường đến với cách mạng và quyết tâm sắt đá chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân… Đêm du kích là một buổi sinh hoạt chính trị sâu sắc và ý nghĩa, là lần đầu tiên hình thức công tác chính trị được vận dụng vào điều kiện cụ thể sau khi thành lập đội. Buổi sinh hoạt đã khơi dậy ý chí căm thù, khích lệ tinh thần chiến đấu cho mỗi đội viên trước ngày ra quân đánh trận đầu ngay sau đó.
3. Như vậy, Đội VNTTGPQ được thành lập có 34 đội viên, tất cả đều là nam giới. Họ là những người trung kiên nhất của các đội vũ trang Cao - Bắc - Lạng, của đội quân Nam tiến, của Cứu quốc quân, có cả các đồng chí đã đi học ở nước ngoài về. Trong đó, đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) cán bộ tài chính bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho Đội. Đội có 1 chi bộ Đảng, gồm 4 đồng chí làm hạt nhân lãnh đạo (đồng chí Xích Thắng là bí thư). Vũ khí của Đội lấy từ các châu, từ cơ sở lên và từ ông bà Tống Minh Phương cùng bà con Việt Kiều ở Côn Minh (Trung Quốc) gửi về. Tất cả có: 2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường giáp năm, giáp ba của Pháp, một số khẩu súng kíp, súng hoả mai, 1 khẩu tiểu liên, 3 khẩu Cônbát Mỹ, 6 quả bom lửa, 150 viên đạn, 1 hộp bom nổ chậm, còn lại là mã tấu, giáo, mác. Đội cũng nhận được 500 đồng tiền Đông Dương để chi phí quân nhu do Hồ Chí Minh trích từ quỹ Đảng ra.
Ngay sau khi thành lập, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Ra quân trận đầu nhất định phải thắng”, Đội đã quyết tâm, nỗ lực, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất và quyết định chọn mục tiêu tấn công đầu tiên là đồn Phai Khắt (24/12/1944), Nguyên Bình, Cao Bằng và đồn Nà Ngần (25/12/1944), hai đồn cách nhau khoảng 25km. Cả hai trận đánh đều giành thắng lợi vang dội, thể hiện tinh thần, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của Đội. Mở ra truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội. Góp phần thực hiện phương châm mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị “Lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang. Lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới”. Cùng với quá trình đấu tranh cách mạng, Quân đội nhân dân ngày nay đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau: Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944); Giải phóng quân (15/5/1945); Vệ quốc đoàn (11/1945) và theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/5/1946, Vệ Quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Từ năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam - do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa đó là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ.
Trang Nam