Buộc phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình Paris sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, nhưng Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa không thực tâm đàm phán dẫn đến sự bế tắc của Hội nghị. Nhưng bế tắc đã được khơi thông sau khi Hoa Kỳ nhận thất bại cay đắng trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972
Nixon với cuộc tập kích chiến lược đường không
Bước sang năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta có nhiều chuyển biến mới. Ở miền Nam, với cuộc tiến công chiến lược trên 3 hướng chiến trường trọng điểm Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, quân dân ta đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị và giành quyền làm chủ ở nhiều địa bàn quan trọng khác, đẩy chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" đến bở vực phá sản.
Ở miền Bắc, quân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ.
Ngày 22/10/1972, Tổng thống Níchxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, kết thúc Chiến dịch Linebaker I.
Trước sự thất bại ngày càng nặng nề trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ở Mỹ, phong trào đấu tranh của nhân dân và cựu binh Mỹ đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân viễn chinh và đồng minh của Mỹ về nước ngày càng quyết liệt. Bên cạnh các cuộc biểu tình của nhân dân, phong trào phản chiến của binh lính, cựu binh Mỹ, số nghị sĩ Thượng viện, Hạ viện chống chính sách chiến tranh của chính quyền Nixon ngày càng dâng cao.
Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II, Nixon tiến hành âm mưu chính trị, ngoại giao mới. Nhà Trắng tìm mọi cách trì hoãn việc ký hiệp định, tập trung lập cầu hàng không, ồ ạt đưa vào miền Nam một khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh; đốc thúc quân đội Sài Gòn đẩy mạnh các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.
Đối với miền Bắc, tập trung lực lượng không quân, hải quân đánh phá dữ dội các tuyến giao thông trên địa bàn Quân khu 4 để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chính quyền Nixon còn tiến hành chính sách ngoại giao nước lớn nhằm hạn chế sự giúp đỡ của của các nước xã hội chủ nghĩa đối với công cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, từ ngày 18 đến 29/12/1972, Mỹ đã tiến hành cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc (Mật danh là Chiến dịch Linebaker II). Mục đích của cuộc tập kích chiến lược này là nhằm phá hoại đến mức kiệt quệ tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, đè bẹp tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta, "buộc Chính phủ Việt Nam phải trở lại Hội nghị Paris, chấp nhận các đòi hỏi của Mỹ"[1].
Một "pháo đài bay" B-52 đang thả bom (Ảnh tư liệu)
Để thực hiện được âm mưu chính trị mới, chính quyền Nixon huy động một lực lượng không quân chiến lược khổng lồ, với trên 200 máy bay B-52 (gần 100% số B-52 ở Đông Nam Á, 50% số B-52 của quân đội Mỹ), 30 máy bay F.111 “cánh cụp cánh xòe” và toàn bộ máy bay tiêm kích ở Đông Nam Á (hơn 1.000 chiếc), 6 tàu sân bay, 50 máy bay KC.135 tiếp nhiên liệu trên không… mở cuộc tập kích quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu quan trọng khác trên miền Bắc.
Với cuộc tập kích chiến lược này, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ đã thả hơn 20.000 tấn bom xuống Hà Nội và các vùng lân cận; phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học… gây thiệt hại lớn về người, cơ sở vật chất kỹ thuật của ta.
Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Như vậy, cuộc tập kích của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc cuối tháng 12/1972 nằm trong âm mưu, sự tính toán kỹ lưỡng của Mỹ, bất chấp sự lên án, phản đối của mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước. Đó là nỗ lực lớn nhất, cuối cùng của Mỹ hòng buộc ta những đòi hỏi vô lý của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Đánh bại nỗ lực cuối cùng của phe chủ chiến Hoa Kỳ
Với bản lĩnh, trí tuệ tuyệt vời, Đảng đã sớm nhận thức rõ âm mưu, hành động phiêu lưu quân sự mới của Mỹ đối với miền Bắc. Ngay từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”[2].
Do sớm nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chính trị mới của Mỹ, Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuẩn bị lực lượng mọi mặt, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đánh B-52.
Tết Mậu Thân năm 1968, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến chống địch tập kích bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội.
Tên lửa đất đối không SAM-2, nỗi khiếp đảm của giặc lái B-52 (Ảnh tư liệu)
Tháng 1/1969, Bản dự thảo cách đánh B-52 đầu tiên được hoàn thành. Khi quân dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược 1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không –Không quân tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch đánh B-52 và biên soạn tài liệu huấn luyện cách đánh B-52 cho bộ đội. Đầu tháng 9/1972, kế hoạch chiến dịch phòng không đánh B-52 hoàn tất và được phê chuẩn vào tháng 11/1972.
Đồng thời với việc xây dựng kế hoạch tác chiến đánh B-52, ngay từ những ngày đầu, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ta đã tập trung chuẩn bị lực lượng và thế trận phòng không nhân dân. Lực lượng bộ đội chủ lực, bên cạnh lực lượng cao xạ tầm thấp và tầm cao, những đơn vị tên lửa phòng không, ra đa và không quân không ngừng lớn mạnh, trực tiếp thử thách qua những tháng năm chống chiến tranh phá hoại.
Do chủ động chuẩn bị về mọi mặt nên khi Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn vào Hà Nội, một thế trận tác chiến phòng không hoàn chỉnh, vững chắc nhanh chóng được thiết lập với 30 trận địa tên lửa, 100 trận địa pháo cao xạ các loại và hàng loạt các vị trí chiến đấu khác.
Quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy trên bầu trời Hà Nội.
Trong 12 ngày đêm, quân dân Hà Nội và quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, hàng chục máy bay chiến thuật của Mỹ; riêng Hà Nội bắn rơi 25 máy bay B-52, 5 máy bay F-111 và 42 máy bay chiến thuật khác; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công[3]. "Uy thế không lực Hoa Kỳ, huyền thoại về siêu pháo đài bay B-52 "bất khả xâm phạm" hoàn toàn bị đập tan trên bầu trời Hà Nội.
Với chiến thắng oanh liệt đó, "Điện Biên Phủ trên không” là đòn đánh quyết định, buộc chính quyền Mỹ phải chấp nhận nối lại đàm phán, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.
07 giờ sáng ngày 3/12, Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, nối lại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam chính thức được ký kết.
Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Mỹ phải rút hết lực lượng quân đội, quân đồng minh, cố vấn, nhân viên quân sự của Mỹ, vũ khí và dụng cụ chiến tranh về nước, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự. Đồng thời, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ.
Ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam dưới sự kiểm soát của sĩ quan Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên.
Trận "Điện Biên Phủ trên không" là bản anh hùng ca bất diệt của một dân tộc anh hùng, mở ra thời cơ chiến lược lớn để quân dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc đấu trí, đấu lực cuối cùng giữa ta và Mỹ đã buộc cố vấn đặc biệt của chính quyền Nixon là Kissinger phải thừa nhận: “Nếu Việt Nam chỉ anh hùng không thôi thì chúng tôi sẽ đè bẹp, nhưng Việt Nam vừa anh hùng, vừa rất thông minh, sáng tạo nên chúng tôi đã thua”.
LVS
[1] Bộ Quốc phòng- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập VII, thắng lợi quyết định năm 1972, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.306
[2] Xem http://anninhthudo.vn/quan-su/bac-ho-voi-cau-noi-bat-hu-my-se-chi-chiu-thua-tren-bau-troi-ha-noi/477671.antd
[3] Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không quy mô lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công tối đa khoảng 1-2%, nhưng trong chiến dịch Linebaker II , tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ, chỉ tính riêng B-52 đã lên tới 17,6%. Xem https://baomoi.com/bai-4-ton-that-khong-tuong-cua-khong-quan-my-va-mot-dien-bien-phu-tren-khong-choi-loi/c/24310761.epi