Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân. “Việt Nam - quê hương tôi” cũng phải căng mình để phòng, chống với đại dịch. Tự hào như quê hương tôi, mỗi lúc gian nan, khó khăn thì tinh thần “tương thân, tương ái” lại “sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”[i]. Đó là tinh thần dân tộc, truyền thống nhân văn, nhân ái của con người Việt Nam và điều này đã tựu thành hai tiếng “Đồng bào”, ngân vang như một khúc tráng ca trong mùa dịch Covid-19.
Tuyến đầu chống dịch. Ảnh: baoquangninh
Người Việt Nam sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân vì cuộc sống bình yên cho “Đồng bào”. “Việt Nam - quê hương tôi” đã đối diện với 4 lần bùng phát dịch, mỗi lần bùng phát lại thấm thía sự vất vả, gian nan của đội ngũ y bác sỹ. Họ là những chiến sỹ nơi tuyến đấu chống dịch, họ đã mang tâm huyết của người thấy thuốc nỗ lực giành lấy sự sống của người bệnh trước sự tấn công của virut corona. Đội ngũ y, bác sỹ luôn trong tâm thế sẵn sàng chi viện cho những vùng có dịch và lúc này đây, họ phải xa gia đình, xa người thân để dấn thân vào cuộc chiến nhiều rủi ro. Những thiên thần áo trắng đã có nhiều đêm không ngủ vì những ca bệnh trở nặng; những tấm lưng bị “bỏng” vì mặc đồng phục bảo hộ trong điều kiện nắng nóng cả ngày dài; nhiều nữ bác sỹ, y tá chưa về nhà thăm gia đình dù nhớ thương da diết; nhiều bác sỹ trẻ gác lại niềm vui của tuổi trẻ để xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch… Cùng với đó, các chiến sỹ công an, quân đội và thanh niên tình nguyện cũng ngày đêm giữ chốt để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, đặc biệt ở vùng biên giới, không một phút giây lơ là khi phục vụ nơi cách ly. Các chiến sĩ ta thường xuyên có những bữa cơm ăn vội vì nghe tin có dịch trong cộng đồng; chiến sỹ ta phải ngủ rừng nằm sương vì nhường nơi ở cho người bị cách ly hay chặn chốt nơi biên giới. Gian nan là thế, vất vả trước mắt là vậy nhưng những thiên thần áo trắng, các chiến sỹ áo xanh vẫn lạc quan với tinh thần chiến đấu với đại dịch, bởi tất cả vì sự bình yên của “Đồng bào”.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người dân, đặc biệt là nhóm lao động giản đơn. Không ít người phải mất việc và phải chật vật cho từng bữa cơm của gia đình. Trước sự khó khăn đó, các nhà mạnh thường quân đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp như hỗ trợ các suất ăn, cấp phát gạo... Trong đó, hình ảnh chiếc máy ATM gạo đã tạo ra “điểm nhấn” trong hoạt động giúp đỡ cho những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch Covid-19, đã tạo sức mạnh lan tỏa trong hoạt động cứu trợ và hình ảnh đó đã xuất hiện trên báo chí nước ngoài với sự ngưỡng mộ của thế giới. Hình ảnh bà con giúp đỡ những người bị cách ly thu hoạch lúa, hoa màu; hoạt động giải cứu nông sản của người nông dân trong mùa dịch… Không ít người đã mang rau củ quả - vốn là những thứ có sẵn của gia đình để ủng hộ bà con ở vùng cách ly. Có cụ già lội bộ hơn cây số mang tiền tích góp để ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. Các nhóm tình nguyện đã ngày đêm nấu hang trăm suất cơm để mang đến cho các chiến sỹ, bác sỹ và những những chốt trạm kiểm dịch… Những nghĩa cử này rộn rã trên khắp đất nước “Việt Nam – quê hương tôi”, bởi hai tiếng thiêng liêng “Đồng bào”.
Việt Nam nỗ lực giải cứu “kiều bào” về nước trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Đây là chính sách nhân văn của nhà nước ta. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn giữa đại dịch, nhưng đất nước này luôn dang rộng vòng tay đón trở về những người con xa xứ. Bởi họ chính là “Đồng bào” ta ở nước ngoài về với quê hương, về với Tổ quốc, bởi dẫu sao trong cơn hoạn nạn, quê hương vẫn là nơi an toàn nhất. Những chuyến bay giải cứu người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành điểm sáng thắp lên hy vọng cho người Việt ở khắp nơi trên toàn thế giới. Dù phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát từ bên ngoài, Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện chính sách giải cứu, chữa bệnh cho kiều bào nếu có bị mắc Covid-19, vì dù người Việt ở bất cứ nơi đâu, họ vẫn mãi là "Đồng bào".
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội ngũ y bác sĩ tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19 trên toàn quốc, ngày 10-7 - Ảnh: tuoitre
Hoạt động chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam thực sự mang tinh thần nhân văn, bởi hễ là Đồng bào, sẽ "không để ai bị bỏ lại phía sau". Thấu hiểu trước những khó khăn của người dân, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chịu tác động bởi Covid-19. Tiền cứu trợ đến với từng người dân, giúp cho họ vượt qua những khó khăn trước mắt với quyết tâm “không để người dân gặp khó khăn, thiếu thốn trong mùa dịch”. Chính phủ và nhân dân đồng lòng tạo ra một thế trận chống dịch hết sức quyết liệt, mạnh mẽ nhưng cũng đầy nghĩa tình, đầy sự cảm thông và sẻ chia, làm bừng sáng tinh thần Việt Nam bất khuất trước thách thức, lay động trái tim và ý chí của triệu triệu con người mang trong mình hai tiếng "Đồng bào".
"Có nơi đâu trên trái đất này” khi gian khó, hoạn nạn thì con người ta lại đoàn kết, yêu thương nhau đến vậy! Tinh thần ấy chưa bao giờ nguội lạnh ở trên đất nước “Việt Nam – quê hương tôi”, một đất nước giàu lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình. Ở đất nước đó, người dân luôn sát cánh với nước nhà, luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước và mọi người cảm thấy được bình an khi sống trên mảnh đất quê hương. Trước cơn đại dịch hung tàn, trong lòng chúng ta vẫn luôn ấm áp và tràn đầy niềm tin khi nghĩ về hai tiếng “Đồng bào”.
[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38
Phan Thuận