Đại tướng Chu Huy Mân là nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng, dân tộc và quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên địa bàn Khu V ác liệt, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường; coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho lực lượng vũ trang ba thứ quân
Tháng 9/1963, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng điều vào chiến trường Quân khu V và giữ các chức vụ: Trưởng đoàn kiểm tra của Đảng ủy quân sự Trung ương nghiên cứu công việc của Quân khu V; Phó Bí thư Khu ủy rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu V.
Tháng 8/1965, là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 – Tây Nguyên. Năm 1967, đồng chí làm Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Khu V; cuối năm 1975 là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Khu V[1].
Khu V, chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, cũng là nơi tập trung quân xâm lược viễn chinh Hoa Kỳ. Mặc dù đã có sự chuẩn bị về mọi mặt, nhưng khi quân Mỹ xuất hiện với lực lượng quá lớn, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và sự hùng hổ của một đội quân chưa từng nếm mùi bại trận…, một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỏ ra hoang mang, dao động, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh có nhiều lúng túng.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Chính ủy kiêm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu V, đồng chí Chu Huy Mân chủ trương tổ chức lại chiến trường trên cơ sở quán triệt tư tưởng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng; thực hiện phương châm “có dân là có tất cả”; luôn dựa vào sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết của toàn dân; phát huy những yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng thế trận toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Thiếu tướng Chu Huy Mân (ngoài cùng, bên trái), Tư lệnh Quân khu V, trong một chiến dịch tại Mặt trận Tây Nguyên, tháng 6/1972 (Ảnh tư liệu)
Đồng chí đã nêu quyết tâm trước Đảng ủy Mặt trận: “Trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh” và phương châm: “Vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”. Là một cán bộ chỉ huy cấp đại đoàn, quân khu, với ý chí cách mạng kiên cường, tư duy chiến tranh cách mạng sâu sắc, đồng chí Chu Huy Mân luôn lấy mục tiêu đánh thắng quân Mỹ xâm lược làm tư tưởng chỉ đạo hành động.
Tháng 5/1965, Khu uỷ V phát động phong trào "toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Dựa vào thế trận vành đai diệt Mỹ, quân và dân ta đã tổ chức một số trận đánh quân Mỹ, nhằm tìm hiểu cách đánh của chúng. Những trận đánh, chiến dịch thắng lợi lớn diễn ra trên chiến trường Khu V: Núi Thành, Ba Gia (hè 1965), Plâyme (10/1965), Sa Thầy (11/1966) khẳng định đồng chí Chu Huy Mân là con người tầm cỡ chiến lược không chỉ trên lĩnh vự quân sự mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác[2].
Đồng chí Chu Huy Mân là vị tướng văn võ song toàn, mạnh cả về chính trị và quân sự. “Anh Hai Mạnh” là cách gọi đầy ngưỡng mộ mà đồng chí, đồng đội dành cho đồng chí Chu Huy Mân - vị tướng dạn dày trận mạc, nhiều năm chiến đấu, công tác ở những chiến trường trọng điểm gian khó, ác liệt và đảm nhiệm nhiều trọng trách cả về chính trị và quân sự. Với tầm nhìn xa, trông rộng, phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo, đồng chí Chu Huy Mân luôn chủ động phân tích, đánh giá, dự báo sát đúng những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để tìm ra phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Những quyết định sáng suốt, quyết đoán của đồng chí Chu Huy Mân và tập thể Đảng ủy Mặt trận, Quân khu đã góp phần quan trọng vào xác định cách đánh, xây dựng niềm tin, quyết tâm “dám đánh, biết đánh và biết thắng” cho quân và dân ta.
Đồng chí Chu Huy Mân có cống hiến quan trọng trong xây dựng lực lượng ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ngay từ đầu năm 1964, khi là Trưởng đoàn kiểm tra của Quân ủy Trung ương, đồng chí bàn với Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu V nhiều vấn đề quan trọng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang quân khu để đối đầu với quân viễn chinh Mỹ khi Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh mới[3].
Đồng chí yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị, nhất là làm tốt việc bồi dưỡng, động viên ý chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện ngại khó khăn, sợ ác liệt, hy sinh hoặc tư tưởng chủ quan, khinh địch.
Đồng chí chỉ rõ: “Ưu thế chính trị tinh thần đã sẵn có trong mỗi cán bộ, chiến sĩ ta. Vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy cho được ưu thế ấy”[4]. Công tác Đảng, công tác chính trị không phải chỉ thực hiện những việc to tát, trừu tượng mà cần thực hiện ngay từ những việc làm cụ thể, thiết thực.
Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Chu Huy Mân thăm một đơn vị bộ đội tên lửa, tháng 2/1977 (Ảnh tư liệu)
Đồng chí đã trao cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn một cọc gỗ vót nhọn để đào công sự khi bộ đội thiếu cuốc, xẻng (trong trận chiến đấu ở Kỳ Sanh 8/1964)[5], không chỉ là lời động viên phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông mà còn là một quyết tâm đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch.
Hành động đồng chí trao dây thừng cho Chính ủy các Trung đoàn 33, 66, 320 để trói tù binh Mỹ; tuyên bố giữ lại những ưu điểm, bỏ hết khuyết điểm của cán bộ trung, cao cấp tại Lớp tập huấn chính trị của Quân khu V đầu năm 1966 đã có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ Quân khu V nhận xét về đồng chí:“Làm công tác tư tưởng và động viên bộ đội khi ra trận thật nhạy bén, thiết thực, cụ thể, lời động viên của anh có sức mạnh tinh thần gấp nhiều lần vật chất để đánh thắng quân địch”[6].
Khẳng định quan điểm: Bộ đội chủ lực phải tác chiến tập trung quy mô thích hợp, đánh tiêu diệt từng đơn vị địch, đồng chí kiên quyết yêu cầu Quân khu trong tổ chức lực lượng vũ trang phải: “Nâng cao khả năng cơ động chiến đấu của bộ đội chủ lực. Tổ chức gọn nhẹ, từng bước nâng cao dần thành phần chiến đấu, tăng đơn vị chiến đấu, giảm bớt đơn vị phục vụ”[7], để đáp ứng kịp thời sự phát triển của chiến trường.
Đồng chí nhắc nhở cán bộ trung cao cấp: ta đánh “để lấy miếng” tuyệt đối không “để lấy tiếng”, đánh thắng mà bộ đội thương vong cao, ta nghĩ gì về xương máu bộ đội[8].
Với đặc điểm chiến trường Khu V, Đồng chí Chu Huy Mân yêu cầu cấp ủy, cán bộ các cấp phải xây dựng người lính Khu V “tay quân sự, miệng chính trị, vai hậu cần”.
Sau khi Hiệp định Paris được kí kết (1/1973), Chính quyền Việt Nam cộng hòa công khai phá hoại Hiệp định, lấn đất, giành dân, đánh phá vùng giải phóng. Nắm vững lý luận chiến tranh cách mạng, với tầm nhìn sáng suốt, đồng chí vẫn giữ quan điểm “cần phải giữ chủ lực tập trung, sẵn sàng làm cú đấm quyết định”[9].
Thực tiễn cho thấy, Quân khu có đủ sức mạnh đánh thắng địch ở Nông Sơn- Trung Phước, Bắc Phù Mỹ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường Khu V, đồng chí đề xuất với Khu ủy chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với chính trị, đánh địch bằng “hai chân, ba mũi” trên cả ba vùng chiến lược. Qua đó, “góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận) và quân sự (ba thứ quân) là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Khu 5”[10].
Đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo vành đai diệt Mỹ Đà Nẵng - Chu Lai xây dựng thế trận liên hoàn vững chắc. Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trước khi ta mở chiến dịch tiến công Huế và Đà Nẵng, Quân khu V đã mở nhiều chiến dịch, thực hiện nhiều trận đánh để tiêu diệt, tiêu hao các lực lượng chủ lực của địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế chủ động chiến trường.
Đồng chí Chu Huy Mân là người chỉ huy xuất sắc, thao lược trên chiến trường; nhà lãnh đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn tài năng của Đảng và Quân đội. Đồng chí tỏ rõ tinh thần dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, quyết đoán trước những khó khăn, thử thách. Những hoạt động của đồng chí trên các cương vị lãnh đạo, chỉ huy đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của lực lượng vũ trang Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trịnh Nguyễn
[1] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà quân sự chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb. Chính trị quốcgia, Hà Nội, 2013, tr.10.
[2] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà quân sự chính trị song toàn người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb. Chính trị quốcgia, Hà Nội, 2013, tr.201.
[3] Đại tướng Chu Huy Mân thời sôi động, Đại tá Lê Hải Triều thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.385.
[4] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Nxb., Hà Nội, 2007, tr. 69
[5] Xem Đại tướng Chu Huy Mân thời sôi động, Đại tá Lê Hải Triều thể hiện, Sđd, tr.391.
[6] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr.191.
[7] Lê Hải Triều:Tướng Hai Mạnh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.106.
[8] Đại tướng Chu Huy Mân-nhà quân sự chính trị song toàn người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Sđd, tr.203.
[9] Lê Hải Triều: Tướng Hai Mạnh, Sđd, tr. 146.
[10] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr.65-66.