Trong những năm 1936 -1939, đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã góp phần quan trọng xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng
Góp phần hoàn thiện đường lối chính trị của Đảng (1936-1938)
Từ khi đang còn hoạt động tại Liên Xô trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong luôn luôn ý thức được trọng trách mới của mình là giữ vững mối liên hệ về tổ chức và đường lối giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản; xác định cần chuyển cơ quan lãnh đạo của Đảng về trong nước.
Hội nghị Thượng Hải (26/7/1936), Ban Chỉ huy ở ngoài “đã cử đồng chí Sinitchekine (Hà Huy Tập) - thư ký của Ban- về nước để tổ chức Ban Trung ương và để khôi phục các liên lạc với các tổ chức của Đảng"[1]. Sự kiện này đánh mốc Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển cơ quan lãnh đạo về trong nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, đáp ứng kịp thời yêu cầu cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
Chỉ hơn hai tháng sau quyết định quan trọng này, ngày 12-10-1936, tại Nam Kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức lại. Số lượng đảng viên ở ba kỳ lúc này là 925 đảng viên. Ban Trung ương gồm 11 uỷ viên, trong đó 9 ở trong nước và 2 đang hoạt động ở nước ngoài là đồng chí Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lin đang ở Mátxcơva), và đồng chí Lê Hồng Phong (Lítvinốp, Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đang ở Trung Quốc). Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí. Đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/1937[2], đồng chí Lê Hồng Phong bàn giao công việc của Ban Chỉ huy ở ngoài cho đồng chí Phùng Chí Kiên, với danh nghĩa giáo sư khoa sinh ngữ, mang tên Trung Quốc là La Anh, mang thẻ căn cước số C.I.274445, Lê Hồng Phong rời Thượng Hải bí mật trở về hoạt động ở trong nước.
Ngày 10/11/1937, Lê Hồng Phong về đến Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, từ ngày 29 đến 30/3/1938, tại làng Tân Thới Nhất gần Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định, Hội nghị Trung ương Đảng đã được tổ chức. Đồng chí Lê Hồng Phong đã tham dự Hội nghị.
Hội nghị đã phân tích tình hình trong nước và quốc tế, từ đó nêu rõ mục tiêu cách mạng Đông Dương, nhiệm vụ trọng tâm cách mạng lúc này là đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống.
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất. Hội nghị xác định, trong quá trình vận động thành lập Mặt trận cần bỏ hết những khẩu hiệu quá tả làm giai cấp tư sản bản xứ và các đảng phái khác ngại không dám liên kết cùng tham gia đấu tranh. Mặt khác, cũng cần đề phòng tư tưởng hữu khuynh, chỉ coi trọng liên kết với các tầng lớp trên mà xem nhẹ phong trào quần chúng nhân dân lao động. Phương châm của Đảng là cần phải thu hút đông đảo quần chúng tham gia các đoàn thể có tính chất rộng rãi và tổ chức theo các hình thức công khai, bán công khai, đấu tranh bênh vực quyền lợi thiết thực hằng ngày của quần chúng trên cơ sở đó tiến hành giáo dục quần chúng, nâng trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng.
Báo Dân chúng, tờ báo đồng chí Lê Hồng Phong đã có nhiều bài viết quan trọng (Ảnh tư liệu)
Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 11 uỷ viên. Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 uỷ viên là các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ, có nhiều đóng góp nhằm thống nhất những vấn đề về đường lối đấu tranh trong thời kỳ này. Nhiệm vụ cách mạng lúc này là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do dân chủ, cơm áo hòa bình.
Để truyền đạt chủ trương của Đảng đến cơ sở và quần chúng, Lê Hồng Phong thường bí mật đến dự và phát biểu ý kiến tại các cuộc họp, mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ ngắn ngày. Đồng thời, đồng chí cũng tích cực viết tài liệu và các bài báo tuyên truyền quan điểm của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương; phê phán bệnh cô độc, hẹp hòi, "tả" khuynh và vạch mặt các phần tử phá hoại.
Sự gặp gỡ trong tư tưởng chiến lược và sách lược trong đấu tranh cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Lê Hồng Phong, đặc biệt là thái độ cương quyết đối với các phần tử phản động và tinh thần đấu tranh dân chủ công khai, kiên quyết không khoan nhượng. Cùng với những tư tưởng và sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài, những quan điểm tư tưởng lý luận của đồng chí Lê Hồng Phong trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, bổ sung, phát triển đường lối cách mạng của Đảng giai đoạn 1936-1939,
Để có sự thống nhất về quan điểm trong Đảng thời kỳ này, Lê Hồng Phong viết nhiều bài ký tên TB, đăng trên báo Dân chúng- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ.
Với thái độ khoa học, nghiêm túc, Lê Hồng Phong xác định rõ: "...Chúng tôi không lo lắng sự được - thua làm quan trọng. Song, sau mỗi cuộc tranh đấu, vô luận thắng hay bại, chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng các nguyên nhân để làm bài học; chớ không vì một sự thắng lợi mà múa tay, múa chân, rung đùi lắc gối, cũng không vì thất bại mà khổ tâm nản chí, đâm ra do dự lung lay, hoài nghi con đường chính trị của Đảng. "[3].
Đồng chí viết: "Đảng là đại biểu ý chí của tất cả chiến sĩ toàn xứ, không thể muốn được lòng hết thảy các cá nhân, mà ai nói sao Đảng cũng cho là phải, cứ cúi đầu nhận là đúng. Sự "thành thực nhận lỗi như thế", nó sẽ đưa Đảng tới chỗ chết không thể cứu. Đảng phải là cho tập trung ý chí của tất thảy đảng viên. Đảng phải là chỗ trung tâm chỉ đạo, đội tiên phong của giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức"[4].
Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo, phải kết hợp các hình thức đấu tranh bí mật và công khai, trong nghị trường và ngoài nghị trường, nhằm tập hợp lực lượng, hình thành Mặt trận dân chủ rộng rãi.
Một góc nhà tù Côn Đảo, nơi đồng chí Lê Hồng Phong bị giam cầm, đày ải và hy sinh
Góp phần hình thành những nhận thức mới của Đảng (1938-1939)
Hội nghị Trung ương tháng 3/1938 đã ra Nghị quyết Về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính, đòi chính quyền thuộc địa phải mở rộng thực hiện những cải cách dân sinh dân chủ, phải tiến hành vũ trang cho dân chúng để thực hiện việc phòng thủ Đông Dương.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính, tình hình chính trị Đông Dương có nhiều thay đổi. Lê Hồng Phong và các đồng chí lãnh đạo Đảng thấy rõ các nhận thức mơ hồ và sai lầm này cần phải được uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời.
Khoảng giữa năm 1939, dưới bút danh Trí Bình, đồng chí Lê Hồng Phong biên soạn tác phẩm Vấn đề phòng thủ Đông Dương (viết xong ngày 20/6/1939, xuất bản ngày 28/8/1939). Sự ra đời cuốn sách này nhằm tổng kết thực tiễn sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng (3/1938) Về phòng thủ Đông Dương. Trong tác phẩm, đồng chí Lê Hồng Phong đặt cuộc vận động phòng thủ trong toàn bộ cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống và bảo vệ hòa bình, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, phê phán, uốn nắn các khuynh hướng tư tưởng "tả" khuynh và hữu khuynh, vạch rõ bản chất phản động của những phần tử chống phòng thủ Đông Dương, chống Mặt trận Dân chủ Đông Dương[5]
Đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ rõ: vấn đề phòng thủ Đông Dương phải thể hiện trên các phương diện chính yếu nhất như: nhận thức rõ sự cần thiết phải phòng thủ Đông Dương; thực chất phòng thủ Đông Dương; nguyên tắc phòng thủ Đông Dương và các biện pháp để phòng thủ Đông Dương một cách có hiệu quả. Đồng chí khẳng định ủng hộ phòng thủ Đông Dương là một thái độ đúng đắn, khoa học và hết sức cần thiết.
Các quan điểm của đồng chí Lê Hồng Phong về phòng thủ Đông Dương là một hệ thống lý luận chặt chẽ, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn. Hệ thống lý luận đó bám sát chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, là sự vận dụng, phát triển sáng tạo bản chất cách mạng, khoa học những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Đông Dương lúc bấy giờ.
Công lao to lớn của các đồng chí tiền bối tiêu biểu của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay"[6].
Đặng Hoàng
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.300
[2] Có tài liệu ghi Lê Hồng Phong về nước ngày 10/11/1937. Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1, Nxb.CTQG, H 2018, quyển 1, tr 425
[3] Báo Dân chúng, số 67, ngày 23/5/1939.
[4] Báo Dân chúng, số 69, ngày 7/6/1939.
[5] Xem Nguyễn Thành: Vấn đề phòng thủ Đông Dương và tác phẩm của đồng chí Lê Hồng Phong trong cuốn sách: Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường, Sđd, tr.246 – 260.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.25.