Đồng chí Lê Quang Đạo là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (08/8/1921 – 08/8/2021), xin giới thiệu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động đầy sôi nổi, phong phú, hết lòng vì đất nước và nhân dân của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 08/8/1921, trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, nay là phường Đình Bảng, thị trấn Từ Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí mất ngày 24/7/1999, tại Hà Nội.
Nối tiếp truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, đồng chí sớm tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn Thanh niên do Đảng lãnh đạo và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Năm 1941, đồng chí thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng với tên mới là Lê Quang Đạo, được Đảng tin tưởng giao trọng trách là Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh. Năm 1943, đồng chí là Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 8/1945, đồng chí là Chính trị viên Chi đội giải phóng quân Bắc Giang, tham gia và trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương tin tưởng giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Hải Phòng (9/1945 – 4/1946). Từ năm 1947 đến năm 1948, đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên ủy Hà Nội – Hà Đông; Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (1949).
Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Mặt trận Quảng Trị, năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Tháng 10/1950, đồng chí được điều động vào quân đội. “Trong 28 năm ở quân ngũ (1950 - 1978), đồng chí đã được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng: Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy chiến dịch, phụ trách công tác tuyên huấn của Chiến dịch Biên giới năm 1950; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ; Phó Trưởng đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt – Pháp (1954); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn (1955)”[1]. Đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III).
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 9-Khe Sanh (1967-1968); Mặt trận đường 9 – Nam Lào (1971- 1972); Mặt trận Trị-Thiên (1972); “đồng chí đã góp phần trực tiếp chỉ huy bộ đội ta lập nên những chiến công vang dội, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của học thuyết Níchxơn”[2]. Tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), tháng 3/1972, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Năm 1978, đồng chí được Đảng phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư Trung ương; được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, phụ trách công tác dân vận và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 6/1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III (11/1988), đồng chí được bầu vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV (8/1994), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giữ cương vị này cho đến khi qua đời.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, đồng chí Lê Quang Đạo cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, cho Đảng và nhân dân. Đồng chí không chỉ thể hiện tài năng của một nhà lãnh đạo uy tín, tài đức mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về mặt lý luận, để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý báu.
Năm 1962, đồng chí đề xuất các quan điểm về mối quan hệ và nội dung của công tác tư tưởng và công tác tổ chức trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh để “xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại”[3].
Hội thảo khoa học cấp quốc gia về thân thế và sự nghiệp của
đồng chí Lê Quang Đạo, ngày 07/8/2021
Năm 1974, đồng chí nêu lên những quan điểm có ý nghĩa lý luận để “giải quyết tốt mấy vấn đề công tác chính trị hiện nay trong việc đẩy mạnh xây dựng quân đội lên chính quy, hiện đại”[4]. Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nhận thấy những khó khăn, hạn chế về công tác giáo dục chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin trong hệ thống giáo dục nước ta, đồng chí đã góp phần đề xuất Bộ Chính trị về “Một số vấn đề cấp bách của công tác giáo dục”[5]. Khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Lê Quang Đạo “đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc và toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhất là đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước”[6].
Trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn lao nhằm nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối liên hệ mật thiết của nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân, một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng nói: “Đồng chí Lê Quang Đạo là lão thành cách mạng, là nhà lý luận của Đảng chúng tôi”[7].
Đồng chí Lê Quang Đạo là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người”[8]. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng đầy sôi nổi của đồng chí là tấm gương ngời sáng của một người cộng sản kiên cường mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính cho các thế hệ sau học tập và noi theo.
Lê Thủ
[1] Phạm Ngọc Anh (Chủ biên): Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.203
[2] Phạm Ngọc Anh (Chủ biên): Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.204
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.9, tr.272
[4] Lê Quang Đạo: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.213
[5] Lê Quang Đạo: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.361
[6] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Đạo, báo Nhân Dân, ngày 28/7/1999
[7] Lê Quang Đạo (1921-1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.466
[8] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Đạo, báo Nhân Dân, ngày 28/7/1999