Là đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên, liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương các khóa II, III, IV, V, với gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Văn Lương là một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân
Sớm tham gia hoạt động cách mạng, tôi luyện trong nhà tù thực dân
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nho học, khoa bảng yêu nước.
Tháng 6/1929, đồng chí tham gia Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, đồng chí được cử vào Sài Gòn hoạt động để gây dựng cơ sở cách mạng và đến tháng 3/1931, khi đang tích cực hoạt động trong phong trào công nhân thì bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn.
Tháng 5/1933, đồng chí Lê Văn Lương bị kết án tử hình trong “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Do sự vận động và đấu tranh của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của các nghị sĩ tiến bộ Pháp, đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được giảm xuống án chung thân khổ sai, cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Quang Sung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu và bị đày ra Côn Đảo.
Tại Côn Đảo, cùng với Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương được bổ sung vào cấp ủy của tổ chức Đảng nhà tù, tiếp tục lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ hà khắc ở nơi địa ngục trần gian.
Suốt 15 năm lao tù, trong đó có 11 năm bị đày ải tại Nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất cộng sản. Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí Lê Văn Lương cùng Chi bộ nhà tù đã xác định rõ nhiệm vụ của mình là lãnh đạo tương tế; lãnh đạo đấu tranh; lãnh đạo học tập và tự học tập, đào tạo cán bộ cho Đảng; tổ chức vượt ngục; Tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, biên soạn và dịch thuật tài liệu gửi về cho tổ chức Đảng ở đất liền. Cũng tại đây, đồng chí được Chi bộ cử vào Ban lãnh đạo nhà tù Côn Đảo, tổ chức, lãnh đạo đảng viên trong tù đoàn kết đấu tranh chống lại chế độ lao động khổ sai, chế độ ăn uống đói khát hằng ngày.
Là người say mê hoạt động, ngày phải đi làm khổ sai, tối đến, đồng chí Lê Văn Lương vẫn miệt mài viết bài chỉ đạo phong trào đăng trên báo “Tiến lên” - tờ báo bí mật của Hội tù nhân, hướng dẫn đấu tranh trong tù và tập san “Ý kiến chung”-Tập san nghiên cứu lý luận trong tù.
Tấm gương của đồng chí Lê Văn Lương có ảnh hưởng tích cực đến những người tù ở nhà tù Côn Đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước, thông qua những đồng chí được trả lại tự do hay hết hạn tù. Những hoạt động tích cực của Chi bộ nhà tù và đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần đào tạo, rèn luyện được một thế hệ cán bộ của Đảng dày dạn kinh nghiệm, nhiều người có lý luận chỉ đạo phong trào cách mạng không chỉ ở trong tù mà còn trên phạm vi cả nước sau này.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về đất liền, tiếp tục hoạt động cách mạng, cùng nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Nhận thức sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là công tác tư tưởng với cán bộ, đảng viên, đồng chí Lê Văn Lương xác định cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức phục vụ Đảng, phụng sự nhân dân; nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng của Đảng.
Trong bài “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng”, đồng chí viết: “Bên cạnh những ưu điểm của cán bộ, đảng viên, không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, hết lòng phụng sự nhân dân, trong Đảng ta còn một số đảng viên chưa hiểu rõ quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của nhân dân, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích của Đảng và của nhân dân. Vì vậy, cần tập trung trau dồi ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm tổ chức. Giáo dục lý luận tất phải kết hợp với cải tạo tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng. Cải tạo và lãnh đạo tư tưởng hằng ngày cũng cần dựa vào giáo dục lý luận. Nếu chúng ta chú ý làm những công tác trên thì chúng ta nhất định nâng cao được chất lượng của Đảng, làm cho Đảng thật xứng đáng đóng vai trò tiền phong lãnh đạo của nhân dân trên con đường kháng kiến quốc”[1].
Đồng chí đã tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện. Quá trình thực hiện, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, đến các địa phương nắm tình hình, thấy nơi nào có khuyết điểm chỉ đạo kiên quyết uốn nắn. Sau khi chủ trì sơ kết tình hình, kết quả thực hiện, đồng chí đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Về sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện”.
Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm, kịp thời báo cáo với Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai như: thả ngay và minh oan cho những người bị bắt oan, xử lý oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai... Do đó công tác sửa sai của Đảng được tiến hành khẩn trương và có kết quả.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) tháng 9-1956, đồng chí đã thẳng thắn, nghiêm túc tự phê bình và với ý thức trách nhiệm đầy đủ trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí đã đề nghị và được Trung ương đồng ý cho đồng chí không tham gia Bộ Chính trị và phân công về làm Bí thư Khu uỷ Tả Ngạn để tiến hành sửa sai.
Năm 1957, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị phân công trở lại làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã cùng với tập thể lãnh đạo Ban, tập trung chỉ đạo công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, mở cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng; định hướng chỉ đạo kết nạp vào Đảng những nhân tố tích cực; mở rộng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên; đặc biệt là nâng cao ý thức tổ chức, làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân, xây dựng dựng Đảng thành một khối thống nhất.
Đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ và đảng viên, bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới, đều phải đoàn kết, nhất trí. Phải hăng hái chấp hành nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng, đồng thời, đem ý kiến, sáng kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo làm việc”[2].
Trong giai đoạn 1973-1976, trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 225, ngày 20/2/1973, của Bộ Chính trị về “Công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn mới”. Đây là một văn kiện rất quan trọng, đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình và nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ.
Để triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đồng chí nhấn mạnh: Có phương án xây dựng bộ máy tổ chức tốt sẽ quyết định việc xây dựng từng người cán bộ được tốt. Quán triệt phương châm trên, cần nhận rõ tác động qua lại giữa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức với việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ tổ chức. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức và tiêu chuẩn cán bộ mà tiến hành đánh giá cán bộ, điều chỉnh cán bộ và kiện toàn bộ máy. Trong công tác cán bộ, đồng chí rất coi trọng kết hợp cán bộ già, trẻ, cũ, mới, cán bộ là trí thức, cả cán bộ ngoài Đảng và xác định sự nghiệp cách mạng là lâu dài, lớp người sau kế tiếp lớp người trước, đội ngũ cán bộ từng bước, từng bước phải được mở rộng, phải được bổ sung, phát triển, được tiếp nối liên tục giữa lớp cán bộ này với lớp cán bộ khác và phải kế thừa có chọn lọc…
Đồng chí Lê Văn Lương nêu một tấm gương sáng về phong cách làm việc dân chủ, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng ý kiến tập thể, quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng.
Đồng chí thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng: “Chính trong công tác thực tế hằng ngày, những tư tưởng và ý thức sai lầm mới biểu lộ rõ nét và cụ thể. Các cấp uỷ đảng cần nắm lấy những cơ hội đó để kịp thời phê bình sửa chữa. Bởi vậy, trước khi phát động thực hiện một công tác gì, các cấp chỉ đạo phải chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giải thích rõ ý nghĩa và nội dung của công tác đó và phương pháp thi hành…Đây là phương pháp thực tế và có hiệu quả nhất để giáo dục tư tưởng trong Đảng ta, để xây dựng Đảng ta về mặt tư tưởng”[3].
Từ năm 1986, đồng chí không còn tham gia Ban Chấp hành Trung ương, nhưng vẫn nhận nhiệm vụ làm công tác tổng kết xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đồng chí đã tập trung trí tuệ, sức lực của mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng đó.
Những năm 1990, đã gần 80 tuổi, đồng chí vẫn quan tâm công tác xây dựng đảng, nêu những băn khoăn, trăn trở góp ý với Đảng về công tác tổ chức, cán bộ: Phương châm cơ bản xây dựng Đảng về tổ chức là: chọn lọc lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường giáo dục, rèn luyện họ, củng cố nâng cao các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là các cơ quan lãnh đạo của Đảng, định ra các thể chế, hoàn thiện quan hệ nội bộ Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Đó thực chất là chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để đội ngũ cán bộ làm tròn nhiệm vụ phải tiến hành một kế hoạch rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực cán bộ rất tích cực và công phu, phải lựa chọn và sắp xếp lại (là một việc phát hiện nhân tài), cải tiến chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Điều quan trọng là có quan điểm đúng về cán bộ tốt và giỏi để trân trọng phát hiện và quy tụ nhân tài, có thái độ công minh và khôn khéo trong sử dụng.
Ngày 25/4/1995, đồng chí Lê Văn Lương đi vào cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng đồng chí, đồng bào niềm tiếc thương vô hạn. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao tấm gương sáng, trước quân thù: hiên ngang bất khuất, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng; với công việc luôn tận tụy, trung thành, liêm chính, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với nhân dân, luôn chú trọng chăm lo; với đồng chí, luôn khiêm nhường, chu đáo, gần gũi thân tình; đối với bản thân, luôn nêu một tấm gương sáng về phê bình và tự phê bình, một lối sống đặc biệt trong sáng, giản dị và khoan dung.
Dương Minh