Tháng 5 năm 1941, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Kể từ đó, việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa được đẩy mạnh. Tuy nhiên, từ trước đó, Đảng đã có những chủ trương đúng đắn về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng với chủ trương bảo toàn đội du kích Bắc Sơn và thành lập Đội Cứu quốc quân. Đồng chí Lương Văn Tri là một trong những người có đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng trong những ngày đầu đầy gian khổ ấy
Chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng
Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sau một thời gian ngắn giành được những thắng lợi nhất định, thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa. Do chưa có kinh nghiệm, chưa dự báo được tình hình cũng như chiều hướng phát triển của cuộc khởi nghĩa, Ban chỉ huy khởi nghĩa lâm vào tình trạng lúng túng trong việc đối phó với khủng bố, bảo vệ lực lượng.
Xứ uỷ Bắc Kỳ cấp tốc cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn lãnh đạo phong trào. Ngày 13/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp tại rừng Tân Hương, quyết định xây dựng đội du kích Bắc Sơn, thành lập Ban chỉ huy do Trần Đăng Ninh đứng đầu; xây dựng căn cứ du kích ở địa bàn thuộc các xã Ngư Viễn, Vũ Lăng thuộc Bắc Sơn. Đội du kích Bắc Sơn được tổ chức với quân số 200 người, được trang bị súng kíp, súng trường, lấy Ngư Viễn, Sa Khao, Vũ Lăng, Bản Ne, Mỏ Tát, Nam Nhi làm căn cứ địa. Khẩu hiệu của Đội du kích Bắc Sơn là: “Đánh Pháp, đuổi Nhật, tịch thu tài sản của đế quốc, phản động chia cho dân cày”.
Ngày 14/10/1940, Ban Chỉ đạo khu du kích tổ chức một cuộc mít tinh tại xã Vũ Lăng, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố Đội Du kích Bắc Sơn được thành lập và kêu gọi nhân dân ủng hộ, tích cực đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa. Ngày 29/10/1940, trước cuộc khủng bố lớn của thực dân Pháp, Ban Chỉ huy du kích họp, quyết định rút lực lượng vào rừng sâu hoạt động bí mật. Đến đây, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chấm dứt.
Từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Hội nghị đã thảo luận và quyết định hai vấn đề cấp bách trước mắt là phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và hoãn cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp nổ ra ở Nam Kỳ.
Về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Hội nghị quyết định phải duy trì lực lượng vũ trang, thành lập những đội du kích, dùng hình thức vũ trang công tác, xây dựng cơ sở cách mạng, khi cần thiết thì chiến đấu chống địch khủng bố, tiến tới thành lập căn cứ du kích, lấy vùng Bắc Sơn-Võ Nhai làm trung tâm, do Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương trực tiếp chỉ đạo và giao cho Hoàng Văn Thụ chịu trách nhiệm thực hiện.
Chủ trương của Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 là cơ sở cho việc duy trì và phát triển Đội du kích Bắc Sơn, một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng.
Đồng chí Lương Văn Tri và những đóng góp xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng
Từ năm 1939, đồng chí Lương Văn Tri được chỉ định làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, chuyên trách công tác quân sự của Xứ ủy. Đồng chí đã tham gia chỉ đạo xây dựng An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Tại đây, đồng chí Lương Văn Tri cùng một số đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức mở lớp và trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp huấn luyện quân sự cho đội ngũ cán bộ nòng cốt của Xứ ủy. Đây là công việc quan trọng của Đảng, nhằm trang bị kiến thức quân sự cho cán bộ, chuẩn bị sẵn sàng cho khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền khi thời cơ đến.
Sau Khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940), thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng về việc duy trì Đội Du kích Bắc Sơn và triển khai xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai, tháng 2 năm 1941, đồng chí Lương Văn Tri được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ phân công đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Đội Du kích Bắc Sơn. Trên cương vị công tác mới, đồng chí chủ động nắm bắt tình hình, nhanh chóng củng cố Đội Du kích Bắc Sơn, thành lập các đội tự vệ, sắm thêm vũ khí, tổ chức luyện tập kỹ chiến thuật đánh du kích cho các đội viên. Tại căn cứ địa cách mạng, đồng chí đã chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho Đội Du kích Bắc Sơn. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố căn cứ địa Bắc Sơn nối liền với địa bàn Võ Nhai, đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo các đội viên du kích Bắc Sơn tích cực tiến hành tuyên truyền trên địa bàn, cùng với nhân dân tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm, mở rộng phạm vi hoạt động sang các huyện lân cận, bí mật gây dựng lại các tổ chức đảng và cơ sở cách mạng.
Những chiến sĩ trong Đội Du kích Bắc Sơn
(Ảnh Tư liệu)
Tháng 2/1941, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (sau này gọi là Đội Cứu quốc quân 1), một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đội Du kích Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri được chỉ định làm Chỉ huy trưởng.
Tại buổi lễ thành lập, đồng chí Lương Văn Tri tuyên đọc 5 lời thề danh dự của chiến sĩ Cứu quân quân: “Không phản Đảng; Tuyệt đối trung thành với Đảng; Kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng chí đã hy sinh; Không hàng giặc; Không hại dân”.
Ngay sau khi thành lập, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa đường, bảo vệ an toàn cho đoàn cán bộ cao cấp đi dự Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) ở Cao Bằng, vượt qua sự lùng sục, khủng bố gắt gao của địch.
Với vai trò người Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri đã triển khai biên chế lại các tiểu đội của Cứu quốc quân Bắc Sơn; phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn, tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động, phát triển cơ sở quần chúng cách mạng, tiếp tục tổ chức các lớp huấn luyện quân sự; phát hành bản tin “Du kích” (do đồng chí là chủ bút), làm tài liệu cho việc vận động, tuyên truyền cách mạng, từng bước phát triển mở rộng khu căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai. Với sự chỉ huy trực tiếp, tích cực của đồng chí Lương Văn Tri, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng ngày càng trưởng thành, Bắc Sơn-Võ Nhai được xây dựng, củng cố trở thành một trong những căn cứ địa cách mạng vững chắc.
Tháng 7/1941, sau Hội nghị Trung ương tám, trước yêu cầu hoạt động của Đội Cứu quốc quân và việc xây dựng, phát triển căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai, kiêm Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn; đồng chí Lương Văn Tri được chỉ định làm Chính trị viên Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, hoạt động của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã góp phần phát triển nhanh chóng lực lượng cách mạng ở Bắc Sơn và các châu, huyện trong tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thái Nguyên..., tạo tiền đề cho việc thành lập khu giải phóng ở các tỉnh Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn giai đoạn sau này.
Lo sợ trước hoạt động mạnh mẽ của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, ngày 25/7/1941, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn quân lính tiến hành cuộc khủng bố ác liệt đối với căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai.
Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, nhằm bảo toàn lực lượng vũ trang cách mạng, đồng chí Lương Văn Tri cùng đồng chí Phùng Chí Kiên quyết định chia Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn thành hai cánh rút lui.
Trên đường hành quân, các đồng chí cùng đồng đội bị kẻ địch phục kích. Trong trận chiến đấu không cân sức và quyết liệt tại Ngân Sơn (Bắc Kạn), đồng chí Phùng Chí Kiên bị thương nặng và hy sinh anh dũng. Đồng chí Lương Văn Tri bị thương nặng và bị bắt, sau đó bị đưa về giam giữ tại nhà tù ở thị xã Cao Bằng. Trong thời gian bị giam giữ, mặc dù kẻ địch dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc, đến tra tấn hết sức dã man, đồng chí Lương Văn Tri vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, kiên quyết không khai báo hoạt động của tổ chức và cơ sở cách mạng. Do bị thương nặng, lại bị địch tra tấn tàn bạo, ngày 29-9-1941, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng.
Đồng chí Lương Văn Tri đã thực hiện son sắt lời thề của người chiến sĩ Cứu quốc quân trong buổi lễ thành lập, chiến đấu hy sinh vì cách mạng đến hơi thở cuối cùng.
Đồng chí Lương Văn Tri hy sinh là một tổn thất to lớn của Đảng và phong trào cách mạng. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, hiến dâng trọn cuộc đời thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tuổi trẻ huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) lên đường nhập ngũ, tiếp bước cha anh. Ảnh: Báo QĐND
Đồng chí Lương Văn Tri ngã xuống khi chưa được chứng kiến thắng lợi vinh quang của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng lớp lớp đảng viên trung kiên và quần chúng yêu nước đã tiếp nối xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của đồng chí, đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi bằng cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Tấm gương của đồng chí Lương Văn Tri, người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn đã trọn đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẽ mãi mãi được tôn vinh và ghi nhớ trong lòng nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Bình Nguyễn