Trong lịch sử ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ 7-1976 là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), không ai không biết đến tên Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, không chỉ đơn giản vì tên ông là một trong bốn chữ ký Hiệp định Paris mà bởi những thành tựu hoạt động cách mạng của cả đời ông chủ yếu dành cho hoạt động ngoại giao và đạt được trên lĩnh vực hoạt động ngoại giao.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910-15/7/2020), chúng tôi điểm lại những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất gắn với tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Người gắn bó với công tác ngoại giao lâu nhất của nước Việt Nam
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Đảng và nhà nước xác định Bộ Ngoại giao là một Bộ quan trọng, là cơ quan đại diện quốc gia tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, nên việc chọn lựa những người làm công tác ngoại giao nói chung và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói riêng được chú ý đặc biệt.
Từ năm 1945 đến nay, đã có 12 người kinh qua chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Cụ thể là Hồ Chí Minh (từ ngày 9-1945 đến ngày 3-1946, và từ ngày 11-1946 đến tháng 3-1947). Nuyễn Tường Tam (từ ngày 3-1946 đến tháng 5-1946). Hoàng Minh Giám (từ tháng 3-1947 đến tháng 4-1954). Phạm Văn Đồng (từ tháng 4-1954 đến tháng 2-1961). Ung Văn Khiêm (từ tháng 2-1961 đến 4-1963). Xuân Thủy (từ 5-1963 đến tháng 4-1965). Nguyễn Duy Trinh (từ tháng 4-1965 đến tháng 2-1980). Nguyễn Cơ Thạch (từ tháng 2-1980 đến tháng 7-1991). Nguyễn Mạnh Cầm (từ tháng 8-1991 đến 1-2000). Nguyễn Dy Niên (từ 2-2000 đến tháng 6-2006).Phạm Gia Khiêm (từ tháng 6-2006 đến ngày 8-2011). Phạm Bình Minh (từ ngày 8-2011 đến nay).
Trong số những người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh giữ chức vụ này lâu nhất, trong thời gian gần 15 năm.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí đã từng kinh qua các chức vụ Đảng và chính quyền là Bí thư Liên Khu ủy Liên khu V, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, trong các chức vụ từng đảm nhiệm về mặt Đảng và chính quyền Nhà nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh giữ chức vụ Bộ trưởng ngoại giao lâu nhất.
Nguyễn Duy Trinh, tên tuổi gắn với “lập trường bốn điểm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và “lập trường bốn điểm với các nước Đông Nam Á” sau khi đất nước thống nhất
Ngay từ năm 1965, trong khi vừa gia tăng các hành động xâm lược tại hai miền Nam Bắc, Mỹ vừa rêu rao sẵn sàng “nói chuyện” với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, lập trường của Mỹ là đàm phán không điều kiện, đàm phán trên thế mạnh. Đối chọi với lập trường ngoại giao của Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đưa ra lập trường của mình. Ngày 8-4-1965, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố lập trường 4 điểm về vấn đề Việt Nam.
Tháng 1-1967, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết về việc đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ yếu tiến công địch phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Ngày 28-1-1967, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, khi trả lời nhà báo Australia Wilfred Burchett, tuyên bố: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được”. Tiếp đó, ngày 29-12-1967, nhân buổi chiêu đãi đoàn đại biểu Mông Cổ tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề có liên quan”.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó, đã viết bài “Lập trường bốn điểm, ngọn cờ độc lập và hòa bình của chúng ta hiện nay”, đăng trên Tạp chí Học tập, số 4-1967 và được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản thành sách tháng 5-1967.
Lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là:
“1. Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp định Gieneva, Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, triệt phá những căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam, xóa bỏ “liên minh quân sự” với miền Nam. Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam. Theo đúng Hiệp định Gieneva, Chính phủ Mỹ phải đình chỉ hành động chiến tranh đối với miền Bắc, phải hoàn toàn chấm dứt mọi hoạt động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Trong lúc chờ đợi thực hiện hòa bình thống nhất nước Việt Nam. trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời chia làm hai miền, thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp định Gieneva năm 1954 về Việt Nam như: hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự của nước ngoài trên đất mình.
3. Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam không có sự can thiệp của nước ngoài.
4. Việc thực hiện hòa bình, thống nhất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài”.
Nội dung của bốn điểm nói trên là vấn đề xác nhận những quyền dân tộc cơ bản độc lập và tự quyết hòa bình và thống nhất của nhân dân nước Việt Nam. Lập trường bốn điểm của Việt Nam được nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ và trong quá trình đàm phán, mặc dù có những nhân nhượng trên một số nội dung cụ thể, nhưng đây vẫn là lập trường nhất quán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình đàm phán Paris kéo dài hơn 4 năm sau đó.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris, ngày 27-01-1973
(Ảnh tư liệu)
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á là đồng minh của Mỹ, có nhiều nước cử lực lượng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Vì vậy, sau khi đất nước thống nhất, các quốc gia này vẫn theo đuổi chính sách thù địch với Việt Nam, thực hiện việc bao vây cấm vận toàn diện đối với Việt Nam, không những thế còn dùng lãnh thổ làm bàn đạp cho những hành động chống phá nước Việt Nam thống nhất của các thế lực phản động người Việt lưu vong… Trước tình hình đó, ngày 5-7-1976, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lập trường 4 điểm với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhằm từng bước phá thế bao vây cấm vận, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Ngày 6-7-1976, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về mối quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định chủ trương của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là:
1. “Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại trong hòa bình.
2. Không để lãnh thổ nước mình cho bất cứ nước ngoài nào sử dụng làm căn cứ xâm lược và can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào nước kia và các nước khác trong khu vực.
3. Thiết lập quan hệ hữu nghị láng giềng tốt, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các nước trong khu vực thông qua thương lượng theo tinh thần bình đảng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
4. Phát triển sự hợp tác giữa các nước trong khu vực vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh theo điều kiện riêng của mỗi nước, vì lợi ích của độc lập, hòa bình, trung lập thật sự ở Đông Nam châu Á, góp phần vào sự nghiệp hòa bình trên thế giới".
Những quan điểm đó cũng trùng khớp với mong muốn của ASEAN, thể hiện trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được các nước ASEAN ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Bali, Indonesia ngày 24-2-2976. Ngay trong năm 1976, Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với Philipines (12-7) vfa Thailand (6-8), vốn là hai quốc gia đồng minh, đã gửi quân tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Mặc dù sau đó, việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Polpot, đã làm cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á xấu đi mất hơn 10 năm, nhưng lập trường bốn điểm của nhà nước Việt Nam ngày 5-7-1976 là cơ sở cho việc bình thường hóa và việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995.
Nguyễn Duy Trinh, tên tuổi gắn với một trong những thành tựu ngoại giao nổi bật nhất của nước Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng - Hiệp định Paris
Trong Lịch sử ngoại giao từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Tháng 3 -1946, ký kết với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ 6-3. Tháng 9 - 1946, ký kết với Chính phủ Pháp Tạm ước 14-9. Tháng 1-1950, thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Tháng 7- 1954, ký Hiệp định Gieneva, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc.Tháng 1-1973, ký kết Hiệp định Paris, tạo điều kiện tiên quyết, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 20-9-1977, gia nhập Liên hiệp quốc. Năm 1995, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.Năm 1995, gia nhập ASEAN.Gia nhập WTO năm 2007. Năm 2008 và 2019, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh dự Lễ thượng cờ Việt Nam tại Liên hiệp quốc, ngày 20-9-1977
(Ảnh tư liệu)
Trong tất các các thành tựu đó, nếu xét chung những thành tựu ngoại giao trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ 1930-1975, Hiệp định Paris là sự kiện quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam.
Các Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, Hiệp định Geneva 21-7-1954 đều có giá trị của nó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Qua những lần đàm phán đó, kinh nghiệm đàm phán quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam dần dần được tích lũy. Đấu tranh ngoại giao đã mang lại thắng lợi, nhưng chưa thực sự phát huy đúng mức lợi thế của cách mạng Việt Nam. Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 cho nhân dân Việt Nam thêm thời gian để xây dựng chính quyền cách mạng và chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc, nhưng không ngăn được dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai của Pháp. Hiệp định Geneva thực chất là cuộc hưu chiến, tạo điều kiện cho miền Bắc bước vào hòa bình xây dựng, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nhưng không ngăn chặn được âm mưu chia cắt đất nước của Mỹ và chính quyền miền Nam.
Trong suốt 5 năm, khoảng thời gian dài chưa từng thấy của lịch sử đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp gỡ riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam tại Paris đã thực sự góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William Roger, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa Bùi Văn Lắm chính thức ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Khách sạn Hoàng Gia, đường Klebe, Paris (Pháp).
Đánh giá về cuộc đấu tranh ngoại giao tại Paris, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, năm 1973 nêu rõ: “Hiệp định đó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấutranh cách mạng của nhân dân ta. Nó phản ánh lực lượng so sánh trên chiến trường Việt Nam và trên thế giới. Chính phủ Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân ta ở miền Nam, chấm dứt xâm lược, rút quân Mỹ về nước, công nhận tình hình thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị; phải tháo gỡ mìn đã thả ở biển và sông ngòi của miền Bắc, chấm dứt việc cho máy bay trinh sát trên bầu trời miền Bắc, nhận đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh do Mỹ gây ra trên đất nước ta”.
Lịch sử tiếp theo của đất nước ta đã chứng minh, khi quân Mỹ đã rút đi và quân đội nhân dân Việt Nam còn ở lại tại miền Nam Việt Nam, lực lượng so sánh giữa ta và địch đã thay đổi căn bản. Đây là tiền đề cơ bản cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4 năm 1975.
Sau khi đất nước thống nhất, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV năm 1976 một lần nữa khẳng định “Hiệp định Pari là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta”.
Rõ ràng, Hiệp định Paris là thắng lợi ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Qua một số nội dung nêu trên, trong đó có những nội dung đã được thực tế lịch sử chứng minh, chúng ta thấy Nguyễn Duy Trinh thực sự là người gắn bó với công tác ngoại giao. Còn hơn thế, “Ở những bước ngoặt của lịch sử, anh càng tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc của Nhà nước Việt Nam hiện đại, tư duy và hành động theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”, ông Lưu Văn Lợi, Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, đã nói về đồng chí Nguyễn Duy Trinh như thế.