Nguyễn Phong Sắc là cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, một trong những thành viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản Bắc Kỳ và là một trong những Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và được lịch sử ghi nhận
Hoạt động năng nổ trong phong trào “vô sản hoá”, thúc đẩy quá trình ra đời các tổ chức Cộng sản
Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 01/02/1902, trong gia đình giàu truyền thống yêu nước ở Thăng Long - Hà Nội. Ông nổi tiếng học giỏi và đỗ thủ khoa kỳ thi Thành Chung năm 1924. Ông được Chính phủ bảo hộ Pháp cho đi du học ở Pháp, nhưng đã khẳng khái từ chối và xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương.
Làm việc trong chính quyền thực dân, ông càng hiểu rõ nỗi tủi nhục của người dân mất nước, nhất là khi được tận mắt chứng kiến một nữ nhân viên Việt Nam bị chủ Pháp lăng mạ nhiều lần. Từ đó, ông càng nung nấu quyết tâm tìm cách để cứu nước, cứu đồng bào bị đọa đày.
Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên với khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Sau khi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Phong Sắc tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng và xây dựng các tổ chức cách mạng. Ngôi nhà của gia đình đồng chí ở 152 Bạch Mai trở thành cơ sở cách mạng, là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc họp Tổng bộ, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ và là nơi hội họp, ăn ở của các đồng Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du...
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Có một lần, vào năm 1928, đồng chí Trịnh Đình Cửu dẫn tôi đến thăm đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đưa chúng tôi lên gác. Tôi thấy trong nhà bầy biện sơ sài, trên tường treo ảnh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nói chuyện thân mật với chúng tôi chừng 30 phút, sau đó chúng tôi ra về”1. Dù đã thôi việc ở Sở Tài chính, kinh tế gia đình eo hẹp, đồng chí vẫn tận tình với anh em, bán cả đồ đạc trong nhà cho anh em đủ cơm rau hoạt động.
Để tuyên truyền, giác ngộ con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Phong Sắc đã hoạt động năng nổ, thâm nhập đời sống nhân dân lao động ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nội…
Tại Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ (9/1928), ông tán thành chủ trương “vô sản hoá”: “Muốn hoạt đông cách mạng tốt thì phải vào nhà máy làm việc với công nhân, tiếp xúc với họ, tuyên truyền giác ngộ họ”. Ông làm thợ kéo xe tay, sống chung với những người lao động trong các xóm thợ, khu lao động ở Hà Nội và các vùng nông thôn lân cận để tuyên truyền, giác ngộ họ đi theo con đường cách mạng vô sản.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phong Sắc, phong trào cách mạng ở Hà Nội và Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng và tác động đến phong trào cả nước. Năm 1929, tổ chức của Thanh niên đã có bước phát triển mạnh, riêng ở Bắc Kỳ đã có hơn 900 hội viên trong tổng số 1.500 hội viên Thanh niên trong cả nước2. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, đặt ra yêu cầu thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam.
Tham gia sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên và Đông Dương Cộng sản Đảng, góp phần đẩy nhanh quá trình ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nguyễn Phong Sắc nhận thấy sự cần thiết phải có một tổ chức Đảng Cộng sản.
Ngày 07/3/1929, ông và các đồng chí thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số 5D Hàm Long (Hà Nội), làm hạt nhân xây dựng Đảng Cộng sản sau này. Ông nhấn mạnh: Khi chưa có Đảng Cộng sản, các hội viên Thanh niên cần nghiêm chỉnh thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội, vì lúc này tổ chức Thanh niên vẫn có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến về chất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Phong Sắc - từ một trí thức yêu nước chân chính thành người chiến sĩ cộng sản sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Do đó, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đồng chí đã bỏ tiền mua sắm đồ đạc thô sơ (bàn ghế, tủ...) cho cơ sở hội họp ở 5D Hàm Long; mua giường cá nhân cho một số đồng chí đảng viên sống và hoạt động hợp pháp3.
Ngày 28/3/1929, tại Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ hai, Nguyễn Phong Sắc tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành và đã cùng các đồng chí vừa lãnh đạo phong trào đấu tranh, vừa khẩn trương chuẩn bị các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu được phân công dự thảo Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng; Nguyễn Phong Sắc có nhiệm vụ đẩy mạnh truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tuyên truyền thành lập Đảng.
Ngày 01/5/1929, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hương Cảng, Đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp nhận, nên đã rời Hội nghị về nước thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội). Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội, nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3/1929)
(Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng thúc đẩy phong trào cộng sản phát triển, đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chấp hành sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp ngày 21/7/1929 tại nhà Ngô Gia Tự (Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh), Nguyễn Phong Sắc được phân công vào phụ trách khu vực Trung Kỳ. Trong một thời gian ngắn, ông lập được Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ: thành các chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Vinh - Bến Thuỷ và một số làng xã ở mấy huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời4. Ông đã đi nhiều tỉnh ở Trung Kỳ truyền đạt kết qủa hội nghị, phổ biến nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Những thông tin của ông giúp cho các Chi bộ Cộng sản của Đảng ở Trung Kỳ thống nhất trong nhận thức tư tưởng, hành động và thúc đẩy sự ra đời của các cơ sở cách mạng trong vùng, quy tụ các tổ chức cộng sản khác về một mối, tiến tới thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ do ông làm Bí thư vào cuối năm 19305 và tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống tổ chức cơ sở Đảng trong cả nước, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Ngày 03/5/1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) và đưa vào Vinh. Kẻ thù tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc và tra tấn dã man nhưng ông giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, nguyện hy sinh thân mình, không một lời khai báo để bảo vệ đồng chí và tổ chức cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng.
Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản và lo sợ trước sự phát triển của cao trào Xôviết Nghệ -Tĩnh, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí vào ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc (Nghi Lộc, Nghệ An).
Ra đi lúc tuổi còn xanh (29 tuổi), nhưng ngọn lửa cách mạng luôn cháy bỏng trong tim đồng chí Nguyễn Phong Sắc và có sức lan toả sâu sắc và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực luôn hết lòng phấn đấu, hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả độc lập đân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân6.
Trọng Hùng
__________________