Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ Nam Kỳ bị thiệt hại nặng nề. Những năm sau đó, hệ thống tổ chức Đảng dần được khôi phục và phát triển, nhưng còn sự chưa thống nhất giữa Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng. Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã có nhiều cố gắng để xây dựng Đảng bộ Nam Kỳ thống nhất, mạnh mẽ, đi đúng đường lối của Trung ương Đảng
Xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng rộng rãi, cán bộ cơ quan lãnh đạo của Đảng phải được lựa chọn kỹ
Nhưng trong những năm 1943-1945, tại Nam Kỳ, có những quan điểm cho rằng nên tập trung xây dựng Đảng ở các đô thị, nơi trình độ giác ngộ của quần chúng cao hơn, nơi trung tâm đầu não của địch, cùng với xây dựng Đảng là phát triển các tổ chức quần chúng ở đô thị cũng dễ dàng hơn vì đây là nơi tập trung dân cư, thông tin liên lạc thuận lợi.
Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng, xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng chủ yếu bắt đầu từ nông thôn, nơi cơ sở của địch yếu, nơi ta có điều kiện xây dựng căn cứ địa và bảo vệ lực lượng cách mạng.
Với kinh nghiệm hoạt động cách mạng dày dạn của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thập cho rằng phải xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, phát triển lực lượng cách mạng ở cả địa bàn nông thôn và đô thị. Điều đó vừa khai thác tối đa được những thuận lợi ở địa bàn đô thị và nông thôn, vừa khắc phục được những khó khăn khi địch khủng bố.
Có thể nói, quan điểm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng rộng khắp thành thị và nông thôn là quan điểm đúng, khoa học trong xây dựng Đảng, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng được rộng rãi, đều khắp, kịp thời.
Chính do quan điểm đó, khi biết Xứ ủy Tiền Phong chủ trương xây dựng Đảng và lực lượng cách mạng tại các đô thị, tuy chưa thống nhất được, đồng chí Nguyễn Thị Thập và những cán bộ khác đã chủ động, tích cực xây dựng và phát triển Đảng ở vùng nông thôn Nam Kỳ và chủ trương thống nhất hoạt động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng.
Chủ trương xây dựng cơ sở và địa bàn hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Thập và Xứ ủy Giải Phóng chủ yếu là ở vùng nông thôn Nam Kỳ. Tuy nhiên, tại các trung tâm kinh tế như các thành phố, thị xã, thị trấn, Xứ ủy Giải Phóng cũng đã xây dựng được những cơ sở của mình.
Trong không khí sôi sục của những ngày Cách mạng Tháng Tám, dù chưa thống nhất về tổ chức và hoạt động, nhưng do xuất phát từ cái gốc của tư tưởng cách mạng, quyết tâm đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, Đảng bộ Nam Kỳ đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ. Những cơ sở Đảng xây dựng được tại đô thị và nông thôn đã trở thành nòng cốt lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi nhanh gọn tại Sài Gòn và Nam Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập, Trưởng đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ trình bày báo cáo tổng kết tại Đại hội Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, ngày 10/4/1951 (Ảnh tư liệu)Thống nhất hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, việc thống nhất tổ chức và hoạt động của hai hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ là yêu cầu khách quan. Vì thế, trong các tháng 4, 5,6 năm 1945, đã diễn ra 3 cuộc họp đại diện của hai Xứ ủy để thống nhất tổ chức và lãnh đạo.
Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã viết bài báo Để thống nhất Đảng bộ Nam Kỳ hãy kíp đi vào đường lối, đăng trên báo Cờ Gải Phóng ngày 17/7/1945, phê phán sự chia rẽ trong Đảng bộ Nam Kỳ và kêu gọi phải nhanh chóng thống nhất tổ chức và hoạt động để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí nêu rõ: “Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi”[1].
Trung ương Đảng cũng đã cử cán bộ vào thống nhất tổ chức Đảng tại Nam Kỳ, lập ra một “Ban hành động chung” do đồng chí Bùi Lâm làm Trưởng Ban, nhưng cơ quan này cũng không thực sự thống nhất được tổ chức và hành động của hai Xứ ủy.
Quan điểm phải thống nhất hệ thống tổ chức Đảng tại Nam Kỳ được đồng chí Nguyễn Thị Thập nêu rõ trong cuộc gặp đồng chí Trần Văn Giàu: “Nhật giờ coi như gần thất bại. Chúng ta phải thống nhất lực lượng cho mạnh, nếu để hai tổ chức thì lực lượng sẽ phân tán và tác dụng sẽ yếu đi. Dù muốn hay không, nếu mỗi tổ chức cứ bảo thủ cho hoạt động của mình là hay thì sẽ làm hại cho cách mạng. Chúng ta có hai tổ chức, bây giờ nên thống nhất với nhau”[2].
Trước hết, về lá cờ của Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Thập chủ trương theo Trung ương, lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ duy nhất của Đảng. Đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng đề nghị thống nhất hành động, thống nhất hình thức tổ chức quần chúng … cần ra truyền đơn gì, cần mít tinh hay tổ chức đấu tranh gì cũng phải bàn với nhau, thống nhất hai tờ Báo Tiền Phong và Báo Giải Phóng thành một cơ quan lý luận chung.
Mặc dù cố gắng thống nhất tổ chức Đảng chưa thực hiện được, nhưng qua những nỗ lực hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Thập, ta thấy quan điểm của đồng chí phù hợp với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Trong quan điểm về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tuân thủ sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng, đồng thời chú ý đến những đặc điểm riêng của Đảng bộ Nam Kỳ.
Khi đồng chí Trường Chinh viết bài phê phán Đảng bộ Nam Kỳ chia rẽ và Trung ương Đảng cử cán bộ vào để tiến hành việc thống nhất tổ chức và hoạt động của Đảng, đồng chí đã thể hiện sự tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng từ việc thừa nhận lá cờ đỏ sao vàng, chương trình Việt Minh, tên các đoàn thể quần chúng…
Đồng chí Nguyễn Thị Thập tại chiến khu Việt Bắc, năm 1953 (Ảnh tư liệu)
Khi nhận được các tài liệu của Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh, đồng chí chủ trương thành lập các cơ sở của thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc… để tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh tại Nam Kỳ và sau đó đồng chí tích cực hoạt động thành lập các Tỉnh ủy Mỹ Tho, Sa Đéc, Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn… Đồng chí nói: “Muốn thống nhất hành động thì nên chỉ để cờ đỏ sao vàng, vì cờ này của Mặt trận Việt Minh ngoài Trung ương đã chủ trương”[3].
Đồng chí cho rằng nếu để cờ đỏ sao vàng ở miền Bắc và cờ vàng sao đỏ ở miền Nam sẽ gây khó khăn cho cách mạng khi Đồng Minh vào Đông Dương, thấy có sự chia rẽ trong phong trào cách mạng bản địa và các thế lực phản động quốc tế cũng như trong nước có thể lợi dụng điều đó.
Mặc dù không thuyết phục được Xứ ủy Tiền Phong từ bỏ cờ vàng sao đỏ, nhưng đồng chí viết: “Trong thâm tâm tôi cứ cho phải lấy cờ đỏ sao vàng mới đúng”[4].
Trong bối cảnh xa Trung ương, giao thông liên lạc khó khăn, đồng chí cũng chú ý đến những đặc điểm riêng của Đảng bộ và phong trào cách mạng tại Nam Kỳ. Đó là phong trào đấu tranh công khai phát triển mạnh mẽ, phong trào đô thị mạnh mẽ hơn phong trào nông thôn nên khi định hướng xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Nam Kỳ theo sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đồng chí vẫn tôn trọng những quan điểm và hoạt động của Xứ ủy Tiền Phong, tránh công kích lẫn nhau gây tác hại xấu đến phong trào cách mạng, kiên trì giải thích, kiên nhẫn thuyết phục …Đồng chí thừa nhận, tại Nam Kỳ, phong trào cách mạng tại các đô thị phát triển mạnh, đô thị là nơi tập trung các tầng lớp nhân dân lao động, có điều kiện xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, có khả năng đấu tranh công khai, hợp pháp. Trên thực tế, đồng chí công nhận vai trò, hoạt động và ảnh hưởng của hệ thống tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng thuộc Xứ ủy Tiền Phong, đã tập hợp được đông đảo quần chúng ở đô thị, xây dựng được cơ sở Đảng ở nhiều tỉnh, thành, biết chớp thời cơ vùng lên khởi nghĩa, nhưng tâm nguyện của đồng chí luôn mong muốn thống nhất Xứ ủy Tiền Phong với Xứ ủy Giải Phóng, tuân theo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương về hình thức đấu tranh, khẩu hiệu đấu tranh, phương pháp xây dựng lực lượng …
Trong thành công của Cách mạng tháng Tám tại Nam Kỳ, vai trò của Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng đều rất lớn. Mặc dù đến Cách mạng tháng Tám, tại Nam Kỳ vẫn tồn tại hai hệ thống tổ chức Đảng, nhưng ta thấy quan điểm về xây dựng Đảng của đồng chí Nguyễn Thị Thập là rất rõ ràng, đó là xây dựng một Đảng Cộng sản với hệ thống tập trung thống nhất từ Trung ương đến các địa phương và tổ chức cơ sở Đảng rộng rãi, đều khắp các địa bàn; cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí được chọn vào xứ ủy, tỉnh ủy và các cơ quan lãnh đạo phải được kiểm tra, lựa chọn kỹ càng; toàn đảng bộ phải thống nhất về tư tưởng cũng như thống nhất về hành động; phương thức hoạt động trong bối cảnh địch khủng bố ác liệt là hoạt động bí mật...
Đánh giá về Xứ ủy Giải Phóng nói chung và cá nhân đồng chí Nguyễn Thị Thập nói riêng, đồng chí Trường Chinh viết: “Nhóm Giải Phóng vì phục tùng đường lối của Đảng nhưng vì mất liên lạc nên có một số nhận định không đúng đắn sau đảo chính, nhóm này vẫn theo đường lối của Trung ương, truyên truyền cho chủ trương, chính sách của Đảng”[5].
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, những quan điểm về xây dựng Đảng của đồng chí Nguyễn Thị Thập tiếp tục là cơ sở để Trung ương đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng thống nhất tại Nam Kỳ.
Quỳnh Chi
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 415.
[2] . Nguyễn Thị Thập – Hồi ký, Lưu tại Viện Lịch sử Đảng, ký hiệu H-Thâ2, tr. 8.
[3] . Nguyễn Thị Thập – Hồi ký, Tlđd,, tr. 9.
[4] . Nguyễn Thị Thập – Hồi ký, Tlđd, tr. 9.
[5] . Bài giải đáp của đồng chí Trường Chinh tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, ngày 25/1/1962. Lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, ký hiệu D5/55.1.