Trong thời gian diễn ra Khởi nghĩa Nam Kỳ cũng như những tháng ngày sau đó, xuất hiện nhiều tấm gương bất khuất của cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước, tiêu biểu cho ý chí quật cường, khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Đồng chí Phan văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ là một trong những tấm gương sáng ngời đó
Phan Văn Khỏe sinh năm 1901, trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Cống Huế, ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Sinh trưởng ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng1, được tận mắt chứng kiến sự cai trị tàn bạo của kẻ thù, thấu hiểu nỗi khổ nhục của người dân mất nước, nên Phan Văn Khỏe căm thù giặc sâu sắc, sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Từ khi tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Phan Văn Khỏe đã hiến dâng trọn đời mình cho lý tưởng của Đảng và dân tộc.
Tích cực chuẩn bị chu đáo cho khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho
Từ ngày 21 đến ngày 27/7/1940, Phan Văn Khỏe tham dự Hội nghị mở rộng Xứ ủy Nam Kỳ tại xã Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) để bàn về công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang và được bầu vào Thường vụ Xứ ủy2. Ông được giao nhiệm vụ duy trì sự ổn định về tổ chức, phát triển lực lượng để khi thời cơ cách mạng xuất hiện sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ về chuẩn bị khởi nghĩa3, ngày 12/8/1940, tại nhà ông Tư Tĩnh (ở xóm vườn, ấp Miễu, làng Long Hưng, quận Châu Thành), đồng chí Phan Văn Khỏe triệu tập Hội nghị xúc tiến công tác tổ chức lực lượng vũ trang và đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa như mua sắm và chế tạo vụ khí, dự trữ lương thực, thuốc men, in tài liệu, luyện tập quân sự, may cờ chuẩn bị khởi nghĩa4. Để khởi nghĩa thành công, Hội nghị quyết định thành lập “Ban Quân sự tỉnh” có 7 đồng chí và yêu cầu các đơn vị tăng cường luyện tập quân sự, tổ chức diễn tập khởi nghĩa rút kinh nghiệm. Phan Văn Khỏe còn chỉ đạo xây dựng căn cứ kháng chiến và chọn khu vực giáp ranh giữa các xã Long Định, Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông làm khu căn cứ.
Khi Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa, Phan Văn Khỏe yêu cầu phổ biến, quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ đến các cơ sở và đẩy mạnh việc chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa. Để bảo đảm công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tốt, ông xuống tận các quận, huyện, xã nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những công việc cần thiết; đồng thời, thành lập “Ủy ban khởi nghĩa” các cấp để khi giành được chính quyền chuyển các Ủy ban khởi nghĩa làm nhiệm vụ của chính quyền của nhân dân. Đặc biệt, ông giao quyền chủ động cho các đồng chí của mình: Nếu có lệnh khởi nghĩa mà tôi không về thì các đồng chí cứ căn cứ vào kế hoạch mà hành động.
Di tích lịch sử đình Long Hưng, nơi Tỉnh ủy, Ủy ban khởi nghĩa Mỹ Tho đóng trụ sở trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ
Chủ động lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho
Khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho bùng nổ (ngày 23/11/1940), Phan Văn Khỏe đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Tỉnh ủy phụ trách lãnh đạo đấu tranh ở các khu vực cụ thể, riêng đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Cai Lậy.
Sự chủ động, sáng tạo của Phan Văn Khỏe còn được thể hiện ở chỗ đồng chí luôn sâu sát tình hình, nắm vững thực tiễn cách mạng ở các địa phương để chỉ đạo kịp thời và luôn đảm bảo nguyên tắc bí mật. Do đó, trong khi ở các nơi khác, thực dân Pháp đã biết thông tin về cuộc khởi nghĩa, nhưng ở Mỹ Tho vẫn giữ được bí mật5.
Đặc biệt, khi thấy có dấu hiệu cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn không thành, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo các cấp chuyển hướng sang giành chính quyền làm chủ ở nông thôn, song vẫn duy trì lực lượng lớn ở từng trung tâm để sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã, thị trấn và các tuyến giao thông quan trọng hoặc chống lại sự đàn áp của kẻ thù.
Để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa được thuận lợi, Phan Văn Khỏe quyết định chuyển cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh về đình Long Hưng và chỉ đạo Ủy ban khởi nghĩa các cấp bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định đời sống nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Văn Khỏe, cuộc khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh và đạt kết quả. Ngày 23/11/1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và ra mắt nhân dân tại đình Long Hưng. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã chứng tỏ sự chủ động, sáng tạo và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, đứng đầu là đồng chí Phan Văn Khỏe.
Hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp khủng bố tàn bạo phong trào đấu tranh, truy lùng, vây bắt, giết hại cán bộ cách mạng và quần chúng ưu tú. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên và hầu hết các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Mỹ Tho đều bị bắt, bị sát hại (Bé Trọng, Tám Chí…). Hệ thống liên lạc từ Xứ ủy Nam Kỳ đến tỉnh, quận bị cắt đứt, cách mạng không nhận được sự chỉ đạo kịp thời và chịu nhiều tổn thất.
Trước tình hình đó, đồng chí Phan Văn Khỏe đã tìm cách chắp nối liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ và một số cơ sở Đảng còn lại trong tỉnh. Nhờ đó, lực lượng cách mạng và các tổ chức cơ sở Đảng dần được phục hồi, phong trào cách mạng có điều kiện phát triển hơn và sẵn sàng bước vào thời kỳ đấu tranh mới.
Đường Phan Văn Khỏe tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
Để mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng mối quan hệ với các tỉnh Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc…, ngày 14/7/1941, trên đường đi từ Cai Lậy ra lộ Đông Dương để qua Bến Tre, Phan Văn Khỏe bị bắt và đưa về Cai Lậy.
Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn, từ mua chuộc, dụ dỗ đến sử dụng các hình thức tra tấn dã man để bắt đồng chí khai tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, nhưng đồng chí giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, kiên định đến cùng, không một lời khai báo.
Thực dân Pháp đưa Phan Văn Khỏe về Sở mật thám tỉnh Mỹ Tho và kết án tử hình nhưng ông chống án, buộc Tòa án Pháp phải giảm xuống án chung thân, đày đi Côn Đảo.
Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe tìm mọi cách vận động những người bạn tù giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản và tổ chức các cuộc đấu tranh chống áp bức trong nhà lao.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phan Văn Khỏe được trả tự do và được Xứ ủy Nam Kỳ cử làm đặc phái viên của Xứ ủy, liên tỉnh miền Trung Nam Bộ.
Ở cương vị mới, đồng chí Phan Văn Khỏe tiếp tục có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở tỉnh Mỹ Tho nói riêng, các tỉnh Nam Bộ nói chung.
Sau khi chắp nối liên lạc được giữa quận Cai Lậy với Tỉnh ủy Mỹ Tho, Phan Văn Khỏe tiếp tục hành trình chắp nối liên lạc với quận Cái Bè. Tháng 3/1946, Phan Văn Khỏe từ quận Cai Lậy lên đường đi Cái Bè, nhưng bị rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng đưa đồng chí về Cai Lậy tra tấn, đánh đập dã man, nhưng ông vẫn không một lời khai báo.
Trước thái độ kiên quyết của Phan Văn Khỏe, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí tại Gò Bà Đội Phận ở phía Đông chợ Cai Lậy (3/1946).
Đồng chí Phan Văn Khỏe người chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, một Bí thư Tỉnh ủy chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại.
Ông đã cùng với các đồng chí của mình viết lên bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ noi theo.
Hơn 25 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng và dù ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó, tiêu biểu là Huân chương Hồ Chí Minh.
Đồng chí Phan Văn Khỏe mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Mỹ Tho, Tiền Giang nói riêng và của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam nói chung.
Trọng Hùng
_______________________
1 Cai Lậy được ví như yết hầu của khu vực Trung Nam Bộ, là cửa ngõ ra vào Tháp Mười, có hệ thống giao thông thủy - bộ xuyên suốt từ sông Cửu Long đến rạch Ba Rài qua kinh 12 vào thẳng kinh Nguyễn Văn Tiếp, trên bộ lại có quốc lộ Đông Dương vắt ngang từ đông sang tây nối liền Cai Lậy với các thị trấn, thị xã trong tỉnh và các vùng lân cận.
2, 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (1927-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t.1, tr.122-123, 134.
3 Đầu tháng 8/1940, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức Hội nghị tại Gò Đen bàn về công tác quân sự chuẩn bị khởi nghĩa, do đồng chí Tạ Uyên chủ trì, Sđd, tr.123.
4 Về việc may cờ, đồng chí Phan Văn Khỏe gợi ý phác thảo về lá cờ và giao đồng chí Lê Quang Sô thực hiện theo sự chỉ đạo, giám sát của Tỉnh ủy.