Liên khu 3 là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là từ năm 1949 đến năm 1954. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên khu ủy 3, trong đó đồng chí Văn Tiến Dũng giữ cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu từ tháng 10/1949 đến tháng 1/1951, cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Liên khu đã vượt qua những thời điểm vô cùng khó khăn
Chính ủy Kiêm Tư lệnh Liên khu 3
Ngày 20/1/1948, Trung ương Đảng ra quyết định sáp nhập 7 khu ở Bắc Bộ thành 3 liên khu. Liên khu 3 đươck sáp nhập từ Khu 2, 3, 11, gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Đông, Thái Bình, Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Hải Kiến, Ninh Bình, Hòa Bình.
Từ tháng 10/1949, địa bàn đồng bằng Bắc Bộ, trong đó chủ yếu là các tỉnh Liên khu 3, trở thành nơi thực dân Pháp tập trung bình định, nhằm vơ vét sức người, sức của phục vụ cuộc chiến tranh tại Việt Nam và Đông Dương.
Thực dân Pháp thi hành chính sách “tầm thanh, trừ cán, diệt cộng” và tổ chức hệ thống tề ngụy, kiểm soát chặt chẽ dân chúng, tăng cường càn quét vơ vét của cải, thực hiện mục đích “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đồng thời thi hành chính sách “đốt sạch, giết sạch, phá sạch” nhằm triệt hạ nguồn cung cấp cho kháng chiến. Phong trào cách mạng gặp vô vàn khó khăn.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương chủ trương tăng cường cán bộ cho Liên khu 3.
Ngày 28/10/1949, đồng chí Văn Tiến Dũng nhận quyết định của Trung ương điều động tăng cường về Liên Khu 3[1]. Đồng chí Văn Tiến Dũng tham gia Thường vụ Liên khu ủy, giữ cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên khu 3.
Trước khi về lãnh đạo kháng chiến tại đồng bằng, Đồng chí Trường Chinh căn dặn đồng chí Văn Tiến Dũng: “Hãy cố gắng cùng các đồng chí trong Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh đưa cuộc đấu tranh ở đồng bằng lên một bước mới.”[2]
Góp phần lãnh đạo kháng chiến trên địa bàn Liên khu 3
Để tiêu diệt 1 bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của địch sau lưng Liên khu và mở thông đường giao thông liên lạc, tháng 11/1949, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 quyết định mở Chiến dịch Lê Lợi tại khu vực tỉnh Hòa Bình. Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Chính ủy chiến dịch.
Lực lượng chủ lực của Liên khu 3 lần đầu tiên tham gia chiến dịch với sự nỗ lực cao độ. Bộ đội Liên khu đã vận dụng nhiều hình thức tác chiến, lúc thì phân tán đánh du kích, quấy rối, tiêu hao sinh lực địch, lúc thì tập trung lực nượng đánh đồn, vây đồn diệt viện.
Trong 65 ngày đêm chiến đấu, lực lượng vũ trang Liên khu 3 đã tiêu diệt 10 vị trí địch, bức rút 13 vị trí khác, loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên địch, phá cơ sở của địch tại Bắc Đà, phía Tây đường 12 và một phần phía đông đường số 6, giải phóng một khu vực rộng 2.000 km2, xây dựng lại cơ sở cách mạng ở vùng cao, nhất là vùng tập trung lúa gạo Vụ Bản, Chiềng Vang, Cao Phong, tiến thêm một bước trong việc đánh bại âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp.
Từ cuối năm 1949, Pháp mở liên tiếp nhiều cuộc càn như Điabôlô, Tônô, Đavít đánh chiếm phần lớn địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông, Ninh Bình, chiếm đóng hầu hết khu vực trù phú ở đồng bằng, dồn chủ lực ta vào rừng núi.
Trước tình hình đó, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh lệnh Liên khu 3 chủ trương quyết tâm giành lại kho nhân lực, vật lực, phát triển chiến tranh du kích, đưa cán bộ về vùng tề hoạt động, cán bộ, đảng viên bám dân, bám đất, du kích, bộ đội bám địa bàn, bám địch, liên tục tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.
Một trận đánh đường sắt của lực lượng vũ trang Liên khu 3 trên đường số 5
Liên khu ủy 3 đã quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Quân ủy vào phong trào cách mạng của nhân dân toàn Liên khu, tạo thành sức mạnh bền bỉ, vô địch góp phần chế sức mạnh của địch, tổn thất của ta. Tính thần đoàn kết, ý chí quật cường của quân và dân Liên khu 3 thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mặc dù phải sống trong sự kìm kẹp, o ép của kẻ thù, nhân dân liên khu vẫn một lóng một dạ hướng về cách mạng, chất chứa lòng căm thù, chờ thời cơ vùng lên giải phóng quê hương.
Như vậy, trong những năm tháng khó khăn nhất tại địa bàn Liên khu 3, đồng chí Văn Tiến Dũng “giữ vai trò chủ yếu trên mặt trận đấu tranh vũ trang cùng với Liên khu ủy 3 chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân thành công, đánh bại thực dân Pháp tại đồng bằng Bắc Bộ”[3]
Đóng góp xây dựng Đảng trên địa bàn liên khu
Là Chính ủy quân khu, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí Hoàng Sâm, Lê Thanh Nghị, Đỗ Mười, Nguyễn Khai, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Hách, Vũ Oanh, Đặng Tính… đã tích cực lãnh đạo xây dựng, củng cố Đảng bộ Liên khu. Dưới sự lãnh đạo kiên cường, sáng tạo của Liên khu ủy và quyết tâm cao của Đảng ủy quân khu, những ngày cuối năm 1949 và sang đầu năm 1950 là những ngày kết tinh sự nỗ lực vô bờ bến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân liên khu.
Riêng về công tác xây dựng Đảng bộ, tính đến tháng 6/1950, Liên khu 3 có 155.360 đảng viên. Tỉnh phát triển Đảng mạnh nhất là Hải Dương với 27.564 đảng viên, Thái Bình 24.873 đảng viên, Hà Nam 16.384 đảng viên, Hưng Yên 15.207 đảng viên. Tỉnh phát triển Đảng yếu nhất là Hòa Bình với 2.541 đảng viên1.
Đảng trong vùng tạm chiếm đã phát triển khá mạnh ở Phúc Yên, Sơn Tây, Hải Dương, Kiến An, Ninh Bình. Các đô thị lớn đã xây dựng được nhiều cơ sở Đảng, nội thành Hà Nội có hơn 400 đảng viên.
Sự phát triển Đảng mạnh mẽ của Liên khu 3 trong năm 1950, có phần đóng góp công sức của đồng chí Văn Tiến Dũng, cùng tập thể Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu.
Đồng chí Văn Tiến Dũng tại hội nghị quân sự với thực dân Pháp (tháng 7/1954)
Góp phần xây dựng các căn cứ du kích và đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch
Là cán bộ quân sự có bề dày kinh nghiệm, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương điều về Liên khu 3 tăng cường lãnh đạo chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Đồng chí đã cũng Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 lãnh đạo xây dựng các căn cứ du kích nổi tiếng tại địa bàn này, trên cơ sở đó, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch.
Căn cứ du kích Khánh Trung-Khánh Thiện (huyện yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) với diện tích khoảng 20 km2, dân số 23.000 người. Du kích trong căn cứ hoạt động mạnh mẽ, làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống địch “”diệt du, quét cán, càn thanh”, phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực thọc sâu, phá ách kìm kẹp của địch. Chi bộ khu căn cứ du kích với 460 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân bám đất, bám làng, tiến hành chiến tranh nhân dân ngay trong hậu phương địch.
Căn cứ du kích Thần Đầu-Thần Huống (huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình) với diện tích gần 22km2, dân số 20.000 người. Du kích thường xuyên tổ chức những trận phục kích lính địch, tiêu diệt những phần tử ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân. Đặc biệt tháng 9/1950, du kích khu căn cứ đã đánh bại cuộc càn quét của 4.000 lính Pháp và ngụy binh trong hơn 4 ngày, buộc địch phải rút quân với nhiều tổn thất.
Căn cứ du kích Hòa-Hậu-Thắng (các xã Nhân Hòa, Nhân Hậu, Nhân Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với diện tích 14 km2, dân số khoảng 15.000 người. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng ba xã với hơn 200 đảng viên, cán bộ, đảng viên và du kích bám dân bám đất lãnh đạo kháng chiến, củng cố cơ sở cách mạng, hạn chế hoạt động và tác hại của hội tề, phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực tiến công các vị trí địch.
Căn cứ du kích Nam Ứng Hòa-Trung Tây Phú Xuyên (khu Cháy) bao gồm 22 xã thuộc huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Tại đây, ta đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, bảo vệ vững chắc chỗ đứng chân của phong trào kháng chiến tỉnh Hà Đông và cho cả một số địa phương bạn. Chiến khu Cháy có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Hà Đông.
Từ năm 1949 đến năm 1954, phần lớn địa bàn Liên khu 3 bị địch chiếm đóng, việc xây dựng lực lượng du kích và bảo vệ các căn cứ du kích, tiến hành chiến tranh du kích có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong quá trình đầy khó khăn, gian khổ đó, không thể không nói đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu đối với phong trào cách mạng các địa phương, trong đó đồng chí Văn Tiến Dũng.
Tuy chỉ giữ cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 3 trong một thời gian ngắn (từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1951), nhưng đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng của Liên khu trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường đồng bằng Bắc Bộ.
Bình Nguyễn
[1] Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 78.
[2] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 76.
[3] Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Sđd, tr. 143.
1 . Ban Chấp hành Trung ương: Báo cáo tình hình công tác Đảng vụ năm 1950. Tư liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.