Đồng chí Võ Chí Công (1912-2011) - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của đồng chí đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có việc bổ sung, sửa đổi và xây dựng Hiến pháp năm 1992
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện rõ tài năng lãnh đạo, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, trong đó không thể không kể đến vai trò to lớn của đồng chí đối với quá trình lập hiến, đặc biệt là đóng góp vào việc xây dựng Hiến pháp năm 1992.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986), với nhãn quan chính trị và tư duy kinh tế sắc sảo, nhạy bén của mình, lúc bấy giờ, đồng chí Võ Chí Công trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nhận thấy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đem lại nhiều sự chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế - xã hội và chính những biến đổi này làm cho nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1980 đã không còn phù hợp, đòi hỏi cần phải có những thay đổi, bổ sung và phát triển thêm. Do đó, sửa đổi, bổ sung, xây dựng một bản Hiến pháp mới trở thành một yêu cầu bức thiết.
Để chuẩn bị tốt cho việc xây dựng Hiến pháp mới, Quốc hội khóa VIII đã quyết định thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp gồm 28 thành viên, do đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tới dự Cuộc gặp mặt trao đổi giữa các thế hệ anh hùng, chiến sĩ xuất sắc, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/7/1992, tại Hà Nội (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Với tinh thần trách nhiệm của một người cộng sản luôn vì nước vì dân, nhận thấy trọng trách sửa đổi, bổ sung và xây dựng Hiến pháp lần này cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và công cuộc đổi mới đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) nói riêng, đồng chí đã ra sức phát huy tài năng, trí tuệ với lối tư duy độc lập, sáng tạo và phong cách làm việc khoa học, linh hoạt, nghiêm túc. Đồng thời, khích lệ, khơi dậy sự đóng góp của các chuyên gia giỏi, học hỏi những kinh nghiệm hay của các nước trong xây dựng Hiến pháp và phát huy dân chủ, tập hợp rộng rãi ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân vào xây dựng dự thảo Hiến pháp.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Nhiều phiên họp, nhiều cuộc thảo luận đã được tiến hành một cách dân chủ, nghiêm túc và tiếp thu một cách có chọn lọc các ý kiến đóng góp về tất cả các vấn đề từ những quan điểm chung cho đến các vấn đề cụ thể; từ chế định về chế độ chính trị cho đến tất cả các chế định khác.
Là một người luôn đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật mác-xít, đồng chí kiên quyết đấu tranh bảo vệ những vấn đề mang tính nguyên tắc, như giữ vững nội dung Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chỉ sửa đổi những điều không còn phù hợp với đường lối đổi mới, cản trở sự phát triển của đất nước như: thay thuật ngữ "Nhà nước chuyên chính vô sản" bằng "Nhà nước của dân, do dân, vì dân"; quy định đường lối đối ngoại mở rộng hơn; chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế hàng hoá - thị trường, với nhiều thành phần kinh tế và xác định các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật; về vấn đề sở hữu; xác định "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu"; mở rộng các quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của người không có quốc tịch; quyền tự do kinh doanh của công dân; vai trò của đại biểu Quốc hội; chế định Chủ tịch nước; một số thay đổi trong quan niệm về tính chất của Chính phủ;...
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII thông qua Hiến pháp 1992 (Ảnh tư liệu)
Trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Võ Chí Công và Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp đã có nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung vào Hiến pháp 1980. Bản dự thảo Hiến pháp lần thứ 4 đã được trình lên Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá VIII, sau nhiều phiên làm việc nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, bản dự thảo đã có những chỉnh lý và bổ sung.
Ngày 15/4/1992, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp mới (thường gọi là Hiến pháp 1992) với 147 điều chia làm 12 chương.
Như vậy, Hiến pháp 1992 ra đời là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980; vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đồng thời thể hiện ý chí và nguyện vọng của của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đó là bản Hiến pháp trong thời kỳ đổi mới toàn diện để có những bước đi vững chắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử lập hiến của đất nước ta.
Trong thành công chung của cả nước về xây dựng Hiến pháp 1992, có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công - “Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta; người chiến sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”[1].
Bùi Nhung
[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công.