Không chỉ nổi tiếng là người lãnh đạo chiến tranh cách mạng tại Khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau năm 1975, đồng chí Võ Chí Công còn có những đóng góp lớn vào quá trình khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam
Đồng chí Võ Chí Công (1912 - 2011), người cộng sản kiên trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước).
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, đồng chí đã có những cống hiến to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Sau khi Đảng và nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nền kinh tế bị kìm hãm không phát triển được, thậm chí lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu đói triền miên.
Lúc bấy giờ, với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã hết sức trăn trở với những khó khăn của đất nước, những khổ cực của người dân. Vì vậy, đồng chí luôn đau đáu trong tim tìm cách tháo gỡ khó khăn cho kinh tế phát triển, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Để làm được điều này, đồng chí đã đích thân xuống cơ sở, lặn lội vào từng hợp tác xã tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ. Đồng chí nhận thấy, trong thời bình, các hợp tác xã nông nghiệp áp dụng hình thức khoán việc đã không còn phù hợp với trình độ tổ chức, quản lý và điều kiện sản xuất nữa, thậm chí nó đã làm thui chột động lực phát triển sản xuất, người lao động làm việc thiếu trách nhiệm, đi làm chỉ để chấm công, không quan tâm đến năng suất, chất lượng, hiệu quả ra sao.
Thông qua hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, khảo nghiệm, đồng chí đã vượt qua được những lối mòn tư duy kinh tế bảo thủ trì trệ, giáo điều và đã có những bước đột phá quan trọng trong quản lý sản xuất nông nghiệp, để rồi mạnh dạn đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo một chỉ thị với nội dung rất mới trong hợp tác xã nông nghiệp, đó là về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động thay cho khoán việc như trước đây.
Ngày 13/01/1981, chỉ thị đó được Ban Bí thư ký ban hành, chính là Chỉ thị số 100-CT/TW “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp” (thường được gọi là Chỉ thị khoán 100 trong nông nghiệp).
Đồng chí Võ Chí Công với nhân dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng
ngày 30/10/1989 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Năm nguyên tắc được đưa ra trong Chỉ thị 100 đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất với cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, đổi mới hình hình thức phân phối với nhiều loại hình khác nhau, như: Phân phối theo sản phẩm, theo lao động, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước - tập thể - người lao động, hợp tác xã thực hiện nguyên tắc ‘tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ”. Nhờ đó, tư liệu sản xuất được sử dụng có hiệu quả hơn, quản lý điều hành lao động tốt hơn, tinh thần làm chủ của người lao động được khơi dậy và phát huy, người lao động phấn khởi và hăng say làm việc đã tạo nên một động lực vô cùng mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, kết quả làm ra cuối cùng được nâng cao, năng suất lúa ở các hợp tác xã đều tăng lên, nơi thấp nhất cũng tăng khoảng 4-5%, tăng vừa từ 15-20%, cá biệt có nơi tăng 50%.
Như vậy, Chỉ thị số 100 là một bước ngoặt quan trọng, đã "cởi trói" cho nông nghiệp Việt Nam phát triển.
Chuyển sang thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động đã tạo tiền đề quan trọng để Ban Bí thư tiếp tục đổi mới cơ chế trong quản lý nông nghiệp và ban hành một số chỉ thị để khơi thông sản xuất phát triển, như Chỉ thị số 19 về hoàn thành điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ, Nghị quyết số 10, ngày 05/04/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp; đặc biệt ngày 05/08/2008, Ban Chấp hành Trung ương khoá X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhờ những quyết sách quan trọng đó trong sản xuất nông nghiệp, nước ta từ chỗ thiếu lương thực, người dân thiếu đói triền miên, nhưng chỉ sau 8 năm kể từ ngày Chỉ thị 100 ra đời, Việt Nam đã có những tấn gạo xuất khẩu đầu tiên và từ đó đến nay, nước ta luôn là một trong những nước xẩu khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.
Không những thế, Việt Nam còn trở thành một trong những nước có một số mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn trên thế giới, tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao.
Đồng chí Võ Chí Công thăm cánh đồng xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
(Ảnh tư liệu TTXVN)
Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn một số trì trệ cần tháo gỡ kịp thời. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII), Đảng ta đã nhận định: “Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao”.
Do đó, cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiều vấn đề vô cùng quan trọng, như: Tiếp tục khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế... Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.
Đồng thời, Đảng ta đã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, từ đó đưa ra 9 giải pháp trọng tâm để thực hiện những mục tiêu nêu trên.
Như vậy, từ Chỉ thị 100 trong nông nghiệp đến Nghị quyết 26 (khoá X), Nghị quyết 19 (khoá XIII) là những bước tiến dài trong việc đề ra những quyết sách lớn trong tư duy kinh tế nông nghiệp của Đảng và Nhà nước ta, trong đó thực tiễn đã khẳng định Chỉ thị số 100 ra đời là bước đột phá quan trọng nhất với những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Võ Đạt - Bùi Nhung