Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất. Đồng chí đã có những quyết định mang ý nghĩa chiến lược đối với sự xây dựng và phát triển phong trào đô thị Sài Gòn-Gia Định
Xây dựng căn cứ địa, chỗ đứng chân, phát triển cơ sở Đảng và quần chúng
Những năm 1958-1959, cách mạng miền Nam ở vào thời kỳ vô cùng khó khăn, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng tiếp tục bị phá vỡ. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạ các câp, từ khu uỷ, tỉnh uỷ, quận, huyện uỷ bị địch bắt, hy sinh. Trong 6 tháng đầu năm 1959, tỉnh Gia Định bị thiệt hại 20 huyện ủy viên. Hầu hết tổ chức cơ sở Đảng tan vỡ, số đảng viên còn lại phải hoạt động đơn tuyến.
Xu hướng thắc mắc hoài nghi đường lối của Đảng phát triển, cán bộ đảng viên, quần chúng muốn đấu tranh vũ trang ngay. Một số cán bộ, đảng viên tuyên bố sẵn sàng chịu kỷ luật Đảng để đấu tranh vũ trang. Một số cấp ủy bên trên phải “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành động diệt ác, phá kìm của đảng viên và quần chúng ở cơ sở. Trong lúc đó, tư tưởng cải lương phát triển ở các đô thị, nhất là Sài Gòn-Chợ Lớn.
Từ cuối năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên tỉnh miền Tây được Xứ ủy điều động về Sài Gòn-Chợ Lớn. Đồng chí giữ chức Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (thay đồng chí Nguyễn Văn Linh) để khôi phục tổ chức. Hầu hết những cơ sở cũ mà đồng chí Võ Văn Kiệt nhận bàn giao đã bị phá vỡ . Nhiều khu uỷ viên vừa nối được liên lạc đã bị bắt. Đảng viên hầu hết hoạt động đơn tuyến. Đồng chí Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng cơ sở mới.
Qua thực tiễn, đồng chí nhận thấy nội thành Sài Gòn không thể tách rời với vùng nông thôn ngoại thành thuộc tỉnh Gia Định, cơ quan lãnh đạo thành phố cũng không thể không có vùng căn cứ ở nông thôn. Vũ trang ở đô thị phải chuẩn bị nhiều năm, với nhiều lực lượng phối hợp, đặc biệt phải dựa vào thế hợp pháp của người dân vùng địch, dựa vào các khu xóm lao động để lập kho vũ khí, công tác dân vận của chiến sĩ biệt động. Nông thôn ngoại thành từng bước giành được thế làm chủ, sẽ là căn cứ của lực lượng cách mạng khu Sài Gòn-Gia Định, nơi đứng chân và xây dựng, đào tạo các lực lượng hậu cần, bảo đảm hỗ trợ, xung kích... cho hoạt động vũ trang, chính trị ở vùng ven đô và nội đô. Có được sự hỗ trợ từ thế liên hoàn đó thì tiến hành được những trận đánh ngay trong lòng địch, có tác động chính trị lớn[1].
Đồng chí kiến nghị với Xứ ủy sáp nhập Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định[2]. Mục tiêu chiến lược là: lấy Gia Định làm bàn đạp thâm nhập Sài Gòn -Chợ Lớn.
Đầu năm 1960, để tạo ra một thế trận mới và điều kiện tốt thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở thống nhất địa bàn trong và ven đô, Xứ ủy chấp thuận giải thể Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, hợp nhất thành lập Khu Sài Gòn-Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư[3].
Từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam ( Ảnh tư liệu)Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào Đồng khởi đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế chủ động tiến công. Từ tháng 2-1960, phong trào đồng khởi diễn ra ở hầu khắp các vùng nông thôn Sài Gòn-Gia Định, nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp, mít tinh, biểu tình, đấu tranh trực diện với quy mô hàng nghìn người ở huyện, xã. Phong trào đã tác động mạnh đến khu Sài Gòn-Gia Định. Ở nội thành, Thành ủy chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, kết hợp với đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Đến giữa năm 1961, vùng nông thôn ngoại thành có 30 xã được giải phóng, giáp với vùng giải phóng của Tây Ninh, Bình Dương, tạo ra vùng căn cứ tương đối an toàn cho Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và cả Xứ ủy Nam Bộ[4].
Đến tháng 6-1961, nội thành Sài Gòn có 289 đảng viện. Trên phạm vi toàn Nam Bộ có 823 xã/1193 xã đã xây dựng được chi bộ Đảng, 176 xã có cơ sở Đảng. Đến cuối năm 1961, Sài Gòn -Chợ Lớn có 1.446 đảng viên[5].
Địa bàn này thực tế đã trở thành “vành đai đỏ” để đánh địch. Vùng ven Gia Định trở thành bàn đạp để các lực lượng biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn đứng chân, hoạt động, tập kết quân cho những trận đánh lớn, là địa bàn tập kết lực lượng quân sự, chính trị, là bàn đạp tiến công.
Đây là thành công lớn có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với địa bàn Sài Gòn-Gia Định, mà cả đối với toàn Miền trong chiến tranh cách mạng.
Tích cực chỉ đạo đào tạo cán bộ cho phong trào nội thành
Sau khi hợp nhất, Khu uỷ Sài Gòn-Gia Định dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Kiệt-Bí thư Khu ủy, đề ra nhiệm vụ công tác cho toàn khu trong năm 1960. Đối với nội thành, Khu ủy chủ trương rút kinh nghiệm về tổ chức và công tác bí mật, chấn chỉnh phương thức hoạt động bí mật, ngăn cách giữa bí mật và công khai, nhằm bảo toàn và tích lũy lực lượng lâu dài.
Tiếp thu sự chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy và Nghị quyết Khu ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trương: bằng mọi cách, nhanh chóng, kiên quyết đưa nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nòng cốt bí mật có nguy cơ bị giặc bắt vào ngay vùng căn cứ Tây Ninh, Củ Chi. Trong 9 tháng đầu năm 1960, gần một trăm cán bộ của phong trào học sinh, sinh viên nội thành Sài Gòn được tạm thời điều lắng ra vùng căn cứ[6]. Khu ủy mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào đô thị và nông thôn. Tháng 6-1960, Khu ủy triệu tập cán bộ học viên về học tại vùng căn cứ “Rừng Già” tại căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh).
Sau đó, một lớp huấn luyện mới được tổ chức tại căn cứ “Rừng Xanh” vùng Bời Lời (xã Đông Thuận-Tây Ninh) cho hầu hết đảng viên, đoàn viên cốt cán thanh niên gồm 60 đồng chí. Học viên là các đảng viên và nòng cốt thanh niên được chọn từ trong thành đưa ra huấn luyện, nhằm đào tạo cán bộ đưa về gây dựng lại cơ sở nội thành [7]. Chính những lớp học này đã đào tạo cho phong trào những cán bộ ưu tú đầu tiên của Sài Gòn-Gia Định trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.
Đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ nội dung bài học. Trên 70 học viên của lớp “Rừng Già”, “Rừng Xanh” đều có sự trưởng thành, được trang bị những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam, phương châm phương pháp công tác đô thị, công tác vận động thanh niên, học sinh, sinh viên, giữ gìn khí tiết bảo vệ cách mạng... có tác dụng trực tiếp, tích cực đến sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức, phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên những năm tiếp theo.
Đây là sự chỉ đạo kịp thời và có ý nghĩa chiến lược đối với phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên khu Sài Gòn-Gia Định.
Xây dựng lực lượng và lãnh đạo đấu tranh chính trị, vũ trang
Tháng10/1961, Trung ương Cục miền Nam chính thức được thành lập để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Bộ và Liên khu V[8]. Đồng chí Võ Văn Kiệt giữ trọng trách Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương Cục về uốn nắn những lệch lạc trong và sau Đồng khởi, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định chủ trương rà soát và củng cố các cơ sở cũ, đồng thời nhanh chóng xây dựng và phát triển cơ sở mới. Khu ủy đã thành lập các Ban vận động, tập trung cho phát triển thực lực cách mạng và công tác nội thành[9].
Tàu hộ tống sân bay USNS Card đậu trên sông Sài Gòn, bị biệt động Sài Gòn -Gia Định đánh đắm ngày 2-5-1964 (Ảnh Tạp chí Life)Thành công trong lãnh đạo cách mạng được đồng chí Võ Văn Kiệt đề ra là phải xây dựng được lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trong nội thành Sài Gòn-Gia Định. Vũ trang là xây dựng biệt động giữa Sài Gòn. Biệt động hay trinh sát phải là người tại chỗ. Trong vai trò Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo kiên quyết thực hiện dù khó khăn đến đâu. Những đội biệt động Sài Gòn được thành lập và trở thành một lực lượng vũ trang đặc biệt nằm ngay tại sào huyệt địch.
Trong xây dựng lực lượng chính trị, đồng chí Võ Văn Kiệt đề nghị với Trung ương Cục điều các đồng chí trưởng ngành về Sài Gòn hoạt động. Mặc dù có nhiều tổn thất trong nội thành, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn quyết liệt, động viên anh em xây dựng lực lượng chính trị trong thanh niên, phụ nữ, công nhân, người Hoa ở Sài Gòn[10].
Nhờ chuyển hướng chỉ đạo, trong vài năm, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định đã xây dựng được 8 đơn vị biệt động, có khả năng tiến công địch ngay trong nội đô, không kể hai đơn vị khác ở vùng nông thôn Gia Định.
Những trận đánh xuất sắc là trận đánh ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tháng 1-1964, diệt nhiều phi công Mỹ; trận đánh rạp chiếu bóng Kinh Đô dành riêng cho sĩ quan Mỹ ngày 16-2-1964 diệt hàng chục tên; trận đánh chìm chiến hạm hộ tống sân bay USNS Card trọng tải 16.000 tấn ngay trên sông Sài Gòn 2-5-1964... Đặc biệt trận đánh sập khách sạn Brink, nơi trú ngụ của hơn 200 sĩ quan Mỹ, trận đánh Tòa đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi đầu năm 1965 làm Phó Đại sứ Mỹ bị thương. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Biệt động Sài Gòn với những chiến thắng vang dội.
Khu ủy và người đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Sài Gòn-Gia Định với những trận đánh oanh liệt, những cuộc đấu tranh chính trị sôi động, làm cho hậu phương, đầu não của kẻ thù không bao giờ yên ổn.
Nguyễn Trịnh
[1] Nguyễn Trọng Xuất: Đồng chí Võ Văn Kiệt với lực lượng vũ trang đô thị, In trong cuốn Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa và Nay-Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.125-127.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập II (1954-1975) Sơ thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.95.
[3] Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn- Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.316-317.
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập II (1954-1975), Sđd, tr.102.
[5] Trung ương Cục miền Nam: Báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức Đảng và hướng công tác sắp tới. Tài liệu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 1.
[6] Anh Chín Dũng với phong trào Thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn-Gia Định những năm 1960, hồi ký của đồng chí Tăng Anh Dũng (Sáu Thơ)-Nguyên ủy viên Ban cán sự TNHSSV khu Sài Gòn - Gia Định. In trong cuốn Võ Văn Kiệt người thắp lửa, Nxb Trẻ, 6-2010, tr.370.
[7] Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.320, 313.
Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập II (1954-1975) Sơ thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.94.
[8] Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương, gồm một số đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng được Ban Chấp hành Trung ương cử ra và uỷ nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam. Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên do Bộ Chính trị thay mặt chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Uỷ viên Trung ương Đảng, làm Bí thư Trung ương Cục.
[9] Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 334.
[10] Lê Đức Anh: Anh Võ Văn Kiệt-con người của ý chí và hành động. In trong cuốn Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa và Nay-Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.21.