Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Dương và Việt Nam, nơi có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng trong khu vực, phải đối mặt với mưu toan và hành động xâm lược của các đế quốc
Hoa Kỳ đối với Đông Dương và Việt Nam
Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ ít quan tâm đến tình hình Đông Dương, cho đến khi bước vào cuộc chiến tranh, chính sách của Mỹ với Đông Dương bắt đầu có những thay đổi lớn do Tổng thống Mỹ Roosevelt lo ngại sự chiếm đóng của Nhật Bản trên vùng Ấn Độ thuộc Hà Lan và Đông Dương thiết lập căn cứ tại đây nhằm chống lại sự chi phối của Phương Tây đối với vùng Đông Nam Á.
Đặc biệt, khi chiến tranh ở Thái Bình Dương bùng nổ, Mỹ coi Đông Dương là địa bàn vô cùng quan trọng để ngăn chặn những âm mưu của Nhật Bản từ đó Tổng thống Mỹ Roosevelt đã có những chính sách và thiết lập những chế độ tương lai cho Đông Dương sau khi kết thúc chiến tranh[1].
Tại thư gửi Bộ trưởng Hul ngày 24/1/1944, Tổng thống Mỹ Roosevelt chính thức nói rõ quan điểm của mình: “Đông Dương sẽ không bị trao trả trở lại cho Pháp mà nó được cai trị bởi một chế độ quản trị quốc tế”. Điểm mấu chốt ở đây là muốn đẩy Pháp ra khỏi Đông Dương dưới sự cai trị của chế độ quản trị quốc tế mà thực chất do Mỹ thao túng để dần dần biến Đông Dương phải phụ thuộc vào Mỹ.
Tháng 4/1945, sau khi tổng thống Mỹ Roosevelt qua đời, mối quan hệ của người Mỹ với Việt Nam thay đổi, Tổng thống Truman lại có những hoạt động ủng hộ Pháp quay lại chiếm đóng Đông Dương và mọi chuyện diễn ra như ta đã thấy.
Trung Hoa dân quốc đối với Việt Nam
Giữa năm 1943, Tưởng Giới Thạch đã có những mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Chính phủ Mỹ, tán đồng quan điểm mà Rooseveld đã đề ra về vấn đề Đông Dương.
Đến cuối năm 1943, đầu năm 1944, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Hoa dân quốc nảy sinh khi Mỹ ép Trung Hoa dân quốc phải trao trả quyền chỉ huy tối cao quân đội cho Mỹ ở chiến khu Trung Quốc.
Lúc này, Trung Hoa dân quốc không thể chỉ hoàn toàn dựa vào Mỹ mà cần có thêm bạn đồng minh, nên đã bắt tay với De Gaulle (Chính phủ lâm thời nước Cộng hoà Pháp).
Trung Hoa dân quốc muốn giúp Pháp trở lại Đông Dương nhằm bảo vệ những quyền lợi của hàng trăm nhà tư bản Hoa kiều ở Đông Dương, bởi chính phủ Trùng Khánh muốn tập trunng sức đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa không muốn có một chính quyền cộng sản giáp biên giới phía Nam Trung Quốc, nên đẩy Pháp đối phó với Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tướng Leclerc và Sainteny (Ảnh tư liệu)
Không chỉ vậy, Tưởng Giới Thạch còn chuẩn bị “Kế hoạch Hoa quân nhập Việt” nhằm thôn tính Việt Nam. Kế hoạch này giao cho tướng Trương Phát Khuê và Tiêu Văn thực hiện, một mặt muốn dùng lực lượng quân đội chính quy phối hợp với tay sai người Việt mà Chính phủ Trùng Khánh bỏ công nuôi dưỡng để đưa về nước và đón quân Tưởng sang, mặt khác, muốn dựa vào những nhân vật chính trị Việt Nam lưu vong như Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công.
Hội nghị Posdam quyết định để Trung Hoa dân quốc vào giải giáp quân Nhật ở Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc là cơ hội thuận lợi lớn cho Trung Hoa dân quốc thực hiện âm mưu. Trung Hoa dân quốc đã triệu tập Hội nghị quân sự bàn việc tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Trung Quốc, ở Bắc Đông Dương, đề ra 14 nguyên tắc chỉ đạo quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa vào Bắc Việt Nam mà nội dung chủ yếu là giữ thái độ trung lập đối với quan hệ Việt - Pháp; liên hệ chặt chẽ với Mỹ và Pháp, thương lượng thoả thuận với Pháp về cơ sở giao thông đường sắt.
Để giải giáp khoảng 15 vạn quân Nhật trên miền Bắc Việt Nam, Trung Hoa dân quốc sử dụng đến 20 vạn quân chiếm đóng ở Việt Nam, song giọng điệu của Trung Hoa dân quốc vẫn là “Không can thiệp vào nội chính Việt Nam”, “Đề nghị được coi như ban”, “ Không phải người xâm lược”, “chỉ làm nhiệm vụ giải giáp”… với mục đích “Diệt cộng cầm Hồ” nhằm tiêu diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh nhằm lập một chính quyền tay sai Trung Hoa dân quốc ở Việt Nam.
Pháp với Đông Dương và Việt Nam
Sau chiến tranh, Pháp trong tình trạng kiệt quệ, tình hình trong nước nhiều mâu thuẫn, Tướng De Gaulle cùng với các thế lực phản động trong giai cấp tư sản Pháp vẫn nuôi giấc mộng trở lại Đông Dương.
Để thực hiện âm mưu đó, Pháp đã dựa vào các thế lực Mỹ, Anh, Trung Hoa dân quốc cử một phái đoàn quân sự mật danh M.6 do Jean Sainteny phục trách, đặt tại Trùng Khánh (Trung Quốc) có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan tình báo của Trung Hoa dân quốc, Mỹ ở Trung Quốc để theo dõi hoạt động của Đông Dương. Năm 1943, De Gaulle thành lập “Uỷ ban giải phóng dân tộc” và tuyên bố chính sách của “Nước Pháp tự do” đối với Đông Dương và khẳng định quyết tâm của Pháp sẽ “giải phóng” Đông Dương và bảo vệ những quyền lợi của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương.
Cuối năm 1944, De Gaulle thành lập “Uỷ ban hành động giải phóng Đông Dương” do Sainteny đứng đầu và chỉ huy các nhóm quân Pháp “ kháng chiến” đang hoạt động dọc biên giới Việt -Trung vùng Thượng Lào, khu vực Biển Đông, đồng thời thu thập tin tức về hoạt động của quân đội Nhật ở Đông Dương và theo dõi tình hình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này, nhất là Bắc Kỳ và Lào để giúp De Gaulle chuẩn bị kế hoạch tái chiếm Đông Dương.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Đờgôn chuẩn bị về chính trị, quân sự cho việc Pháp qay trở lại Đông Dương, ngày 24-3-1945 De Gaulle ra bản tuyên bố “Những điều kiện tổng quát của quy chế Đông Dương sẽ được hưởng”[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny cùng các vị dự lễ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Ngày 17/8/1945, lực lượng viễn chinh của Pháp ở Viễn Đông được thành lập và đưa sang Đông Dương gồm: Sư đoàn thuộc địa số 9, Binh đoàn thiết giáp và sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3. Tổng chỉ huy lực lượng quân Pháp ở viễn đông là Lướng Leclerc; Đô đốc D'Argenlieu được cử làm Cao uỷ kiêm tổng tư lệnh, hải, lục, không quân Pháp ở Viễn Đông;
Cuối tháng 8/ 1945, De Gaulle qua Mỹ gợi ý Truman giúp đỡ Pháp trong vấn đề Đông Dương
Ngày 22/8/1945, một máy bay không quân Hoàng gia Anh thả một nhóm nhân viên quân sự và dân sự xuống Tây Ninh, khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia.
Ngày 24/8/1945, Leclerc cùng Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp vạch ra kế hoạch trở lại Đông Dương, kế hoạch này đã được Uỷ ban Đông Dương (cải tổ từ Uỷ ban hành động giải phóng Đông Dương thông qua gồm 5 nội dung[3].
Với sự giúp đỡ của quân đội Anh và sự hứa hẹn viện trợ của Mỹ, Pháp đã quyết tâm chính thức tái lập ách thống trị thực dân kiểu cũ lên Việt Nam, Lào, Campuchia nhằm cứu vãn tình hình nước Pháp bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Thái độ của một số nước lớn khác đối với Việt Nam
Anh là nước có nhiều thuộc địa nhất thế giới trước chiến tranh, nhưng sau chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn các thuộc địa của nước Anh đã đấu tranh giành độc lập như: Myanmar, Malaysia, Ấn Độ…uy hiếp mạnh mẽ nền thống trị của nước Anh.
Chính phủ Anh lập ra Khối thịnh vượng chung của Anh và hứa cho nhiều nước được độc lập, do vậy Anh ra sức phối hợp với các nước thực dân khác hòng lập lại chế độ thực dân và chống lại phong trào giải phóng dân tộc.
Anh phản đối kịch liệt chế độ quản trị đối với Đông Dương do Roosevelt đề xướng vì lo ngại chế độ quản trị này sẽ được áp dụng ở các nước thuộc địa của Anh, không những thế, Anh còn ra sức giúp Pháp trở lại Đông Dương với mục đích dập tắt các phong trào độc lập dân tộc ở các nước Đông Dương.
Sau đó, Pháp và Anh câu kết với nhau, Pháp nhượng bộ một số quyền lợi, Anh từng bước giúp Pháp trở lại Đông Dương bằng việc trang bị cho các đơn vị quân Pháp đưa sang Viễn Đông, cho đặt phái bộ quân sự và sĩ quan tình báo cạnh Bộ chỉ huy Anh ở Đông Nam Á, bênh vực lập trường của Pháp về vấn đề thuộc địa trong các Hội nghị quốc tế.
Ngày 24/8/1945, Anh và Pháp ký thảo thuận nêu lên những nguyên tắc và cách thưc khôi phục quyền hành của Pháp ở Đông Dương. Ngày 9/10/1945, Anh - Pháp ký với nhau Hiệp định quy định một cách phi pháp “quyền hành chính của Pháp ở Việt Nam”.
Ngày 1/1/1946, Anh ký với Pháp Hiệp định “Nhường quyền tiếp phòng” cho Pháp ở vùng Nam Đông Dương.
Có thể nói Anh là nước tích cực nhất trong việc giúp Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương.
Chính phủ Nhật Bản luôn xác định Đông Dương là căn cứ chuẩn bị xuất phát, nơi trú chân và là hậu phương thuận lợi cho việc tiến hành một cuộc xâm lược xuống phía Nam, do vậy Nhật vẫn lợi dụng bộ máy thuộc địa của Pháp để vơ vét nguồn kinh tế ở Đông Dương, dựa vào đó để hạn chế sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc, mặt khác Nhật, luôn sẵn sàng phát động vũ lực lật Pháp khi có điều kiện. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Nhật đã áp dụng mọi biện pháp răn đe nhưng những hoạt động chống đối của quân đội Pháp ở Đông Dương ngày càng tăng, Nhật đã quyết định dùng lực lượng quân sự để loại trừ Pháp ra khỏi Đông Dương. Ngày 19/4/1944, Hội nghị tối cao chỉ đạo chiến tranh của đại bản doanh và Chính phủ Nhật đã đề ra một chính sách mới về Đông Dương và chuẩn bị lực lượng để truất quyền Pháp. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ngăn Pháp giành Đông Dương cho riêng mình.
Mặc dù tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, nhưng Nhật vẫn ngoan cố không chịu giao nhiều vị trí đóng quân và vũ khí trong Cách mạng Tháng Tám.
Nhìn lại toàn cảnh tình hình Việt Nam trước những âm mưu, toan tính của các thế lực đế quốc trên thế giới thì Việt Nam là một miếng mồi béo bở mà các thế lực ấy đều muốn xâu xé trong và sau chiến tranh. Không chỉ có Nhật Bản cố bám Đông Dương mà Mỹ, Anh, Pháp, Trung Hoa dân quốc đều có những toan tính đối với mảnh đất chiến lược, nhất trí với nhau trong việc tiêu diệt cách mạng Việt Nam, biến Việt Nam thành một nước thuộc địa hoặc phụ thuộc.
Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công với sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1945-1946 đã làm phá sản phần nào âm mưu của các nước đế quốc đối với Việt Nam. Chèo lái con thuyền cách mạng qua thế "nghìn cân treo sợi tóc", mặc dù không thể tránh khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, nhưng cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về dân tộc Việt Nam.
Đinh Thanh
[1]. Tại cuộc nói chuyện của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ C.Hul và Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ “Đông Dương trở thành chủ đề chính”; Tháng 3/1943 việc trao trả Đông Dương cho Pháp thì nên đặt Đông Dương dưới sự quản trị quốc tế; tháng 11/1943 tại Hội nghị Cairo và Hội nghị Tahêran Rusevelt đề nghị với Tưởng Giới Thạch và Stalin “phải chỉ định ba, bốn nước bảo trợ Đông Dương và chuẩn bị cho các dân tộc Đông Dương có đủ điều kiện tự trị sau 30,40 năm”.
[2]. - Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang gồm 5 xứ khác nhau để xây dựng thành khối Liên hiệp Pháp;
- Đông Dương sẽ có 1 chính phủ Liên bang đứng đầu là 1 viên Toàn quyền gồm những bộ trưởng chịu trách nhiệm, chính phủ liên bang sẽ là người trọng tài gồm 5 xứ, có hội đồng nhà nước và một quốc hội bầu ra phản ánh quyền lợi của Pháp.
- Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc từ Paris- Cancuttta- Côn Minh- Đông Dương và cử tướng Sabatien làm tổng đại diện chính phủ và Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương.
[3] - Dựa vào sự có mặt của quân Anh để xâm chiếm từ Nam vĩ tuyến 16;
- Thả dù nhân viên dân sự và lực lượng quân sự xuống lãnh thổ miền Bắc - Việt Nam
- Xác nhận việc duy trì chủ quyề của nước Pháp ở Đông Dương trước hết với Đồng Minh
- Từng bước giành lại những vùng do Trung Quốc kiểm soát;
- Về phương diện chính trị, tuỳ hoàn cảnh mà thương thuyết với các nhân vật bản xứ.