Đồng chí Hoàng Đình Giong, người chiến sỹ cách mạng kiên trung của Đảng, người đảng viên tiền bối của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, trọn đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Là người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có những tháng ngày hoạt động sôi nổi và đóng góp vào thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Khu VI
Cách mạng Tháng Tám thành công chưa lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược trở lại tại Nam Bộ. Đảng và Chính phủ phát động phong trào Nam tiến. Hàng nghìn người con quê hương miền Bắc, miền Trung sôi sục khí thế đánh giặc, giữ nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Mặc dù chưa có kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhưng tháng 10/1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đổi tên Hoàng Đình Giong thành Võ Văn Đức - để bảo đảm giữ gìn bí mật vì tên tuổi Hoàng Đình Giong hay Văn Tư, đã bị kẻ thù biết rõ.
Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23/11/1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Đức tức Hoàng Đình Giong làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ.
Tháng 12/1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 khu, trong đó Khu 9 gồm các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, hà Tiên. Đồng chí Võ Văn Đức được phân công làm Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu IX. Khi về làm Khu Bộ trưởng khu IX, đồng chí Võ Văn Đức (thường được gọi là Vũ Đức) đã cùng một đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau, miền đất tận cùng của Tổ quốc.
Bộ đội Nam Tiến tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội) lên đường chi viện Mặt trận Nam Bộ, ngày 1/10/1945
(Ảnh Tư liệu Bảo Tàng lịch sử Quốc gia)
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Khu Bộ trưởng Khu IX, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng của Khu, góp phần “củng cố và tổ chức lại bộ đội, giải quyết đúng đắn chính sách dân tộc, xây dựng tình đoàn kết dân tộc Việt và Khơ me.”[1]
Cuối năm 1946, đồng chí Hoàng Đình Giong được Ủy ban kháng chiến miền Nam điều động đi nhận nhiệm vụ mới.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các tỉnh Nam Trung Bộ đã củng cố lại tổ chức, chính quyền, đảng, quân sự. Khu VI được thành lập gồm có các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Viên, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai Thượng. Chiến trường Ninh Thuận cuối năm 1946, đầu năm 1947 gặp nhiều khó khăn về xây dựng căn cứ địa, về lực lượng và cán bộ quân sự có kinh nghiệm.
Trước tình hình thiếu cán bộ lãnh đạo, lãnh đạo các Trung đoàn 80 ở Khánh Hòa, Trung đoàn 81 ở Ninh Thuận, Trung đoàn 82 ở Bình Thuận đề nghị lên cấp trên để đồng chí Vũ Đức ở lại giúp Khu VI. Trong ngày nhận nhiệm vụ làm Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) khu VI, đồng chí đã thông báo cho các đồng chí trong Đoàn được biết là “các đồng chí Trung đoàn 80, 81, 82 đã đề nghị với cấp trên để tôi ở lại nhận trọng trách, góp sức với địa phương trước tình thế đang rất khó khăn”[2].
Sau khi nhận nhiệm vụ mới, Khu Bộ trưởng Vũ Đức chủ trương phải nắm tình hình mọi mặt trong Khu và tỉnh Ninh Thuận, nhất là tình hình đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Chăm mà địch đang ra sức lợi dụng, dụ dỗ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng chí Vũ Đức vào Bình Thuận nắm tình hình Trung đoàn 82 và phong trào chiến tranh du kích của tỉnh. Tại Chiến khu VII, đồng chí Võ Văn Đức đã “mở các lớp bồi dưỡng chiến tranh du kích cho một số cán bộ của Trung đoàn 81 và Tỉnh đội dân quân Ninh Thuận. Đồng chí đã mời cán bộ tỉnh Bình Thuận, cán bộ Trung đoàn 82 ra Chiến khu VII để phổ biến quyết định của Trung ương và bàn công việc chuẩn bị huấn luyện”.[3]
Cuối tháng 6/1946, Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Ninh Thuận được tổ chức. Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 7 đồng chí, do đồng chí Trần Quỳnh làm Bí thư.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lâm thời, các đồng chí được phân công nhiệm vụ đã về các cơ sở xây dựng lại lực lượng vũ trang, thành lập Trung đoàn 81 và lập chiến khu, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quân sự, tiêu hao sinh lực địch, trừ gian và chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy.
Tháng 12/1946, cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh chuyển lên Chiến khu 22, sau Tết Đinh Hợi năm 1947 lại chuyển về Chiến Khu Ngọc Lâm. Để chấn chỉnh sự lãnh đạo của Tỉnh ủy theo chỉ đạo thống nhất của Khu ủy Khu VI, ngày 12-4-1947, tại Chiến khu VII, Tỉnh ủy lâm thời Ninh Thuận tổ chức Hội nghị cán bộ với sự tham dự của 20 đại biểu. Hội nghị nhận được sự chỉ đạo, tham gia trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong (Vũ Đức), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ Nam Bộ ra đến Ninh Thuận (đầu tháng 4- 947).[4] Hội nghị bầu Ban Tỉnh ủy mới gồm 9 đồng chí do đồng chí Trần Quỳnh làm Bí thư.
Thực hiện các chủ trương của Hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Đức cùng với Tỉnh ủy Ninh Thuận tiến hành kiện toàn các ty chuyên môn thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, thành lập 5 vùng ủy, chi ủy ở nhiều xã, thành lập Tỉnh đội dân quân (tháng 5-1947) và dân quân tự vệ ở các thôn, xã…
Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng
Cùng với củng cố và xây dựng lại lực lượng vũ trang, việc xây dựng lại công binh xưởng lo sửa chữa vũ khí cho quân đội được đồng chí Vũ Đức và các đồng chí Tỉnh ủy quan tâm.
Nhằm nắm bắt tình hình, đồng chí Khu Bộ trưởng Vũ Đức phái đồng chí Minh Nghĩa xuống “các đơn vị bộ đội đang tham gia chiến đấu, tìm hiểu cụ thể thêm những khó khăn của đơn vị, quan sát, nghiên cứu thêm địa bàn, địa hình ven quốc lộ, đồn bốt, quy luật hoạt động của các đồn bốt, nhất là những nơi quan trọng của chiến khu”.[5]
Sau khi được đồng chí Minh Nghĩa báo cáo cụ thể về việc tấn công địch của lực lượng vũ trang phối hợp toàn quốc kháng chiến, phong trào chống địch khủng bố diễn ra ở nhiều nơi, đồng chí Khu bộ trưởng Vũ Đức yêu cầu đồng chí Minh Nghĩa chuẩn bị tài liệu huấn luyện bộ đội.
Trong những tháng đầu năm 1947, Tỉnh ủy Ninh Thuận và Khu VI, nhất là đồng chí Khu trưởng Khu VI “tiếp tục chỉ đạo các tỉnh trong khu và toàn tỉnh gây dựng cơ sở, củng cố đoàn thể, tổ chức lực lượng dân quân, du kích, tự vệ, phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ ở cơ sở, chuẩn bị khẩn trương về mọi mặt đề phòng địch lấn tới…”.[6]
Khoảng giữa năm 1947, trong lúc đang nghiên cứu, biên soạn tài liệu huấn luyện bộ đội tại Khu bộ, cơ quan Khu bộ “bị một số phản động người dân tộc phát hiện chỗ đóng của Trung đoàn 81 báo cho quân Pháp đánh úp cơ quan. Do đánh bất ngờ, quân ta bị động không đối phó kịp, đồng chí Hoàng Đình Giong (Vũ Văn Đức) hy sinh”.[7]
Hoàng Đình Giong là người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương cộng sản kiên cường hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nhân dân Nam Trung Bộ, Nam Bộ và nhân dân Việt Nam.
Ở bất cứ cương vị nào, bất cứ hoàn cảnh nào, được phân công nhiệm vụ từ trong nước, đến nước ngoài, từ miền núi, rừng sâu, đến nơi địa đầu của Tổ quốc, đồng chí Hoàng Đình Giong cũng thể hiện phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một vị “Tướng quân tại ngoại”, hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, tiêu biểu cho đạo đức anh hùng cách mạng trong thời đại mới.
Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998, Đảng và Nhà nước truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Dương Minh
[1] Bộ Tư lệnh Quân khu 9: Quân khu 9 - 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân Hà Nội, 1996, tr. 96.
[2] Nhớ Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ - Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 206.
[3] Ninh Thuận - 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Quân đội nhân dân Hà Nội, 1997, tr 100 - 101.
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 137.
[5] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904-1947), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,2014, tr. 217.
[6] Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong - Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904-1947), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 219.
[7] Theo đồng chí Lê Văn Hiền, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Ninh Thuận thì đồng chí Hoàng Đình Giong hy sinh vào tháng 5/1947, nhưng theo lời đồng chí bảo vệ đi cùng và vợ đồng chí Hoàng Đình Giong thì đồng chí hy sinh vào ngày 13/7-/947 - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, Sđd, tr 150.