Hình thành và phát triển gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, công tác tuyên giáo của Đảng đã trải qua quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, phức tạp trên trận địa tư tưởng văn hóa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Công tác tuyên giáo góp phần giành chính quyền và bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước
Mùa Xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ thời điểm lịch sử đặc biệt đó, sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam có đội tiền phong lãnh đạo với sự lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển đúng đắn: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập,… để đi tới xã hội cộng sản”[1], độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mạch chảy xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhận thức sâu sắc vai trò của mặt trận tư tưởng, nên chỉ sau 6 tháng ra đời, nhân ngày Quốc tế đỏ (1/8/l930), Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”, lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết[2].
Tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Trung ương xác định nhiệm vụ của công tác tuyên truyền: “Đảng phải làm cho càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra. Muốn được như thế thì Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động ra (báo sách, truyền đơn, diễn thuyết...). Tài liệu huấn luyện phải viết cho rõ ràng, dễ hiểu và in cho sạch sẽ”[3].
Lực lượng làm công tác tuyên truyền, cổ động đã cùng toàn Đảng, toàn dân lấy vũ khí tư tưởng kết hợp với các hình thức, các lực lượng để đấu tranh cách mạng, chống đế quốc, phong kiến, đòi dân chủ, dân sinh, dân quyền… Bao chiến sĩ tuyên truyền, cổ động của Đảng đã không ngại gian khổ, hy sinh, bám dân, bám phong trào, gan góc chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công-nông-trí thức, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, lý luận, đường lối của Đảng phát triển mạnh mẽ có vai trò tích cực trong hướng dẫn chỉ đạo đấu tranh của Trung ương Đảng và các tổ chức đảng địa phương, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh.
Thành công nổi bật công tác tuyên giáo của Đảng trong những năm 1936-1939 là tranh thủ những cải cách dân chủ của chính quyền Pháp ở thuộc địa, Đảng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, báo chí, xuất bản sách chính trị, mít tinh, diễn thuyết, đấu tranh nghị trường, qua đó đã giác ngộ chính trị cho hàng triệu quần chúng, nâng cao trình độ nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đảng đã kiên quyết chống những thế lực phản động, thù địch, nhất là nhóm Tơrốtxkít phá hoại đường lối của Đảng và phong trào cách mạng.
Trong cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945, đường lối của Đảng là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, “thực hiện cho được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, vì vậy, cần phải có “chiến thuật vận động thích hợp”, phải vận dụng một “phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam”[4], Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, đại đoàn kết toàn dân đấu tranh giành lại chính quyền. Công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, trở thành nội dung chủ yếu, xuyên suốt của Đảng và ngành tuyên giáo. Trong thời gian này. công tác tuyên giáo gắn chặt và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy gian khổ, khó khăn nhưng rất oanh liệt, vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Qua đó, góp phần phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc, nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ của đế quốc và tay sai.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, trong tình thế giặc ngoài, thù trong “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng phải rút vào bí mật, lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, nhân nhượng có nguyên tắc, để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững nền độc lập. Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng hướng vào trọng tâm đó, tạo sự nhất trí về chính trị, thống nhất hành động trong Đảng, bộ máy chính quyền và nhân dân. Tăng cường công tác lý luận với vai trò của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Đấu tranh chống các thế lực phản động xuyên tạc đường lối của Đảng, chia rẽ nhân dân với Đảng, Chính phủ, chia cắt đất nước.
Trải qua 9 năm kháng chiến anh dũng, kiên cường, nhân dân ta đã giành được thắng lợi làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp và các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Để có thành công đó, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối và hiện thực hóa đường lối ấy thành phong trào kháng chiến của cả dân tộc, cả nước với tinh thần quyết chiến quyết thắng vì độc lập tự do. Phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách kiên cường của dân tộc ''Nhất định không chịu mất nước'', ''Nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trong giai đoạn 1954-1975, công tác tuyên giáo hướng trọng tâm vào tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạng của Đảng ở hai miền do Đại hội III của Đảng (9/1960) đề ra. Nâng cao nhận thức trong Đảng về chủ nghĩa Mác-Lênin, làm cho lý luận đó trở thành hệ tư tưởng của toàn dân, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đoàn kết dân tộc để hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của Đảng. Lực lượng và tổ chức làm công tác tuyên giáo phát triển mạnh mẽ. Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hóa đồng thời với cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học-kỹ thuật. Ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục (từ 1961) đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp kháng chiến.
Một đơn vị vũ trang thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (Ảnh tư liệu)
Đồng thời, thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ở hai miền đã cổ vũ, động viên đông đảo mọi người dân tham gia thực hiện đường lối của Đảng, tiêu biểu như phong trào: “Thi đua giết giặc, lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”, Ba đảm đang”, “Dân tộc tự quyết”, “Bảo vệ hòa bình”… với những khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ, của miền Nam ruột thịt, lớp lớp thanh niên miền Bắc nối nhau “Xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước.
Nhờ tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, phê phán những quan điểm sai trái, chúng ta đã tạo được sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, quan điểm trong Đảng và trong nhân dân, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vượt qua nhiều thách thức, đi đến toàn thắng ngày 30/4/1975.
Trong 45 năm đấu tranh gian khổ, lâu dài và anh dũng giành chính quyền, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, ngành tuyên giáo đã thực sự trở thành một lực lượng đi đầu, cùng toàn dân chiến đấu và chiến thắng.
Công tác tuyên giáo góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Công tác tuyên giáo đã luôn luôn đi đầu tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, niềm tin của nhân dân, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và quốc tế, giữ vững lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khủng hoảng kinh tế –xã hội những năm 1980-1985 và sự kiện sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu 1989-1990 và ở Liên Xô 1991 là cơ hội cho các thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội ra sức phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và thành quả to lớn của chủ nghĩa xã hội trong lịch sử loài người; hạ thấp và phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng cổ vũ dân chủ hóa, công khai hóa hướng theo nền dân chủ tư sản phương Tây; đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa; cổ động cho đạo đức, lối sống tư sản.
Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, công tác tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò “đi trước – mở đường”, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo; công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới, đặc biệt sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[5]. Đạt được kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành tuyên giáo, thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật.
Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo trước thềm Đại hội XIII của Đảng
Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, công tác tuyên giáo đã góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã góp phần to lớn trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội an toàn, lành mạnh, xây dựng con người mới Việt Nam.
Tầm vóc của Đại hội lần thứ XIII của Đảng là mở ra giai đoạn mới với khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới; xác định những định hướng, bước phát triển tương lai của dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[6].
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất”[7], nhiệm vụ của ngành tuyên giáo trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hội nhập quốc tế hết sức to lớn. Nhằm tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng và xã hội để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông qua tuyên truyền, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoạt động của công tác tuyên giáo hơn 90 năm qua gắn liền với thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng ở mọi thời kỳ do Đảng lãnh đạo, ghi dấu những đóng góp to lớn của công tác tuyên giáo trong những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, đất nước.
Lam Ngọc
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.2.
[2] Năm 2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.116.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.122.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 25.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập I, tr.112.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,tập 8, tr.554.