“Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận là một bài thơ hay, có nhiều điều để người đọc phải vương vấn, suy tư, đọc một lần rồi muốn đọc lại nhiều lần, bởi nó mang phong cách thơ Huy Cận, vừa giản dị vừa giàu suy tưởng. Sức cuốn hút lớn của bài thơ bắt đầu từ tứ thơ gắn liền với biểu tượng ngã ba - ngã ba trong đời thực và ngã ba hư ảo, tưởng tượng.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: sưu tầm
Là một địa danh nổi tiếng gắn liền với sự kiện và những nhân vật lịch sử khó quên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật, thi ca. Vào thơ Huy Cận, một lần nữa, nó lại được sống dậy với rất nhiều lớp tầng biểu tượng. Từ một ngã ba cụ thể, mạch liên tưởng suy tư sẽ dẫn dắt người đọc chạy lan theo nhiều lối rẽ khôn cùng.
Câu chuyện về Ngã ba Đồng Lộc được bắt đầu hết sức tự nhiên bằng lời kể chuyện, tâm tình của người cha với đứa con của mình về một di tích lịch sử tại quê hương: “Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta, Bố kể con nghe về Ngã ba Đồng Lộc”. Nhưng nhà thơ không vội kể cho con ngay, mà gợi nhắc con liên tưởng về “muôn triệu ngã ba” trên mặt đất và trong lòng người. Lời kể chuyện giản dị mà tài tình bởi nó đã khéo léo kết nối mạch ngầm liên tưởng khi đặt Ngã ba Đồng Lộc trong nhiều mối quan hệ với những tư cách khác nhau:
Mối quan hệ thứ nhất, Ngã ba Đồng Lộc được đặt trong tương quan với các ngã ba về địa lý: một ngã ba đường, là điểm dừng trước các ngã rẽ của lối đi trên đường bộ, đường sông, đường biển: “Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba/Và có nhiều ngã ba nổi tiếng: Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng; Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to/Như những mạch máu khổng lồ/Trên thân hình trái đất/Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói”.
Đó là các ngã ba nổi tiếng trên trái đất, mà con người có thể hiểu biết về chúng thông qua rất nhiều nguồn thông tin, qua sách vở, bản đồ, là nơi con người có thể đặt chân tới, và lưu giữ lại bằng hình ảnh như một kỷ niệm mà mình từng trải nghiệm.
Mối quan hệ thứ hai, Ngã ba Đồng Lộc được đặt trong tương quan với các ngã ba của nền văn minh nhân loại: Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng văn minh lớn, đông, tây, kim cổ....
Trong mối quan hệ thứ ba, Ngã ba Đồng Lộc được đặt trong tương quan với ngã ba lịch sử (của một cá nhân, một dân tộc). Có những ngã ba vận mệnh, sự lựa chọn hướng đi sẽ tạo nên bước ngoặt cuộc đời cho mỗi cá nhân. Ngã ba Đồng Lộc là nơi mà sự lựa chọn của những cá nhân lại làm nên bước ngoặt cho toàn dân tộc: “Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định, Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba/Những ngã ba vận mệnh/Những cái nút trên dặm dài lịch sử”
Trong hai mối tương quan đầu, Đồng Lộc rất nhỏ bé, khiêm tốn, ít người bước qua, không giống như các ngã ba nổi tiếng trên hành tinh mà nhân loại rất nhiều người đã nghe hay đã từng trải nghiệm. Nhưng nếu như các ngã ba nổi tiếng đó, con có thể biết đến, có thể ghi nhớ và rồi cũng có thể quên đi…, thì riêng Đồng Lộc là ngã ba mà “con chớ có quên”. Bởi nó còn nằm trong mối tương quan thứ ba: ngã ba gắn liền với vận mệnh, bước ngoặt lịch sử dân tộc. Trong mối tương quan này, Đồng Lộc trở thành một địa chỉ đỏ để con người nhớ đến, bởi vì trước hết, con người sao có thể quên đi những mốc son lịch sử của dân tộc mình? Nhưng người ta nhớ đến Đồng Lộc còn bởi vì nơi đó gắn liền với bài học diệu kỳ cho sự lựa chọn. Và một khi con đứng giữa ngã ba đường đời với nhiều băn khoăn do dự, cần tìm đúng hướng đi, thì con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc chứ không phải về bất cứ ngã ba nổi tiếng nào trên thế giới:
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba là một sự vật hiện tượng khách quan không hề lạ lẫm với tất cả mọi người, bởi trong cuộc đời, ai không một lần, thậm chí có thể rất nhiều lần, đứng trước những ngã ba? Ngã ba nơi thôn cùng xóm vắng, ngã ba chốn thị thành nhộn nhịp, ngã ba sông, ngã ba đường bộ, đường rừng, ngã ba của cõi lòng, tư tưởng… Nhưng dù là ngã ba gì, thì đặc tính chung của nó cũng là tạo một điểm dừng, mà người lữ hành ở đó không tránh khỏi ít nhiều ngập ngừng, phân vân, bởi nó yêu cầu lựa chọn lối rẽ. Trong “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới”, ngã ba (hay ngã tư, lối rẽ) được giải nghĩa là: “trong tất cả các nền văn minh, ngã rẽ là sự đi tới cái chưa biết, và bởi vì phải đối mặt với cái chưa biết, phản ứng cơ bản nhất của con người là sợ hãi, cho nên sắc thái đầu tiên của biểu tượng này là sự lo âu. Trong mộng mị, nó biểu lộ mong ước về những cuộc hội ngộ quan trọng, trang trọng, thậm chí thiêng liêng. Nó cũng có thể biểu thị cho cảm xúc ngỡ ngàng của con người đứng ở điểm giao nhau giữa các nẻo đường và phải chọn cho mình một hướng đi mới, có ý nghĩa quyết định. Theo hệ biểu tượng của tất cả các truyền thống, sự dừng lại trước ngã tư là một yêu cầu nghiêm khắc, giống như một phút im lặng để suy nghĩ, một sự nhập định thiêng liêng, thậm chí một sự hy sinh cần thiết trước khi tiếp tục đi theo con đường đã chọn” (Jean Chevalier-Alain Gheerbrant). Như vậy, sự lựa chọn có thể tạo nên bước ngoặt, đưa một cá nhân hay một cộng đồng đi sang một ngã rẽ khác, làm thay đổi cả một lịch sử. Khi lựa chọn một lối đi, nghĩa là con người phải đánh đổi, đánh cược, vì chọn lối này thì phải hy sinh lối khác, sự lựa chọn bao giờ cũng là bi kịch. Thế cho nên, nhìn chung, cảm xúc của người đứng trước ngã ba thường thiên về ngậm ngùi, bi quan, tiêu cực, … hơn là hài lòng, lạc quan, tích cực,… Ngã ba Đồng Lộc trong bài thơ của Huy Cận cũng là một sự lựa chọn như thế. Nhưng điều đáng nói, đó là một ngã ba mà con người đứng đó, lựa chọn lối rẽ “nào có băn khoăn”. Họ đã lựa chọn mà không hề tiếc nuối, bi quan, chỉ có quyết tâm, tin tưởng sắt son vào con đường phía trước:
Ngã ba Đồng Lộc:
Là ngã ba nhưng nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự!
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là nơi bắt đầu và là “yết hầu giao thông” quan trọng của con đường Trường Sơn huyền thoại, nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam". Chính vì vị trí quan trọng này mà Ngã ba Đồng Lộc trở thành điểm quyết chiến chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược. Đã có hàng chục nghìn quả bom mà đế quốc Mỹ ném xuống Ngã ba Đồng Lộc. Đã có hơn 16 nghìn người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu; trong đó có Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh với 10 cô gái thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của những con người ở trận tuyến Ngã ba Đồng Lộc.
Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Văn Sắc/TTXVN
Đến đây thì ta đã hiểu vì sao người cha khuyên con khi “muốn tìm đúng hướng đi” cho cuộc đời mình, hãy nhớ về Ngã ba Đồng Lộc: bởi giữa ngã ba ấy, những con người đã không hề đắn đo, do dự, phân vân, vì “hướng đi đã quyết”, vì hướng đi đó không chỉ là lựa chọn cho một lần mà “cho tất cả mọi lần”, không phải cho một người mà “cho tất cả quê hương, đất nước”. Đó là con đường xốc tới tiền tuyến lớn miền Nam, một nửa trái tim, một nửa hình hài của Tổ quốc. Con đường mà họ đã chọn là lý tưởng sống cao đẹp của cả một thế hệ “thà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đó là “con đường đẹp nhất” – “con đường trên trận tuyến chống quân thù” để giải phóng miền Nam, thống nhất giang sơn về một mối, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nhớ về Đồng Lộc là sống lại cùng lịch sử, nhưng cũng là cách để con người vươn tới tương lai. Lúc con đang tìm hướng đi, là lúc con do dự, thì nhớ về Đồng Lộc sẽ giúp con sáng suốt hơn trong lựa chọn lẽ sống đời mình, để quyết đoán, can đảm hơn và tự tin vững bước trên con đường mà mình lựa chọn.
Sự lựa chọn đó là quyết đoán, không chút băn khoăn, nhưng lựa chọn bao giờ cũng đồng nghĩa với hy sinh, đánh đổi. Những con người ở Ngã ba Đồng Lộc đã đánh đổi bằng sinh mệnh, máu xương của chính mình. Ngã ba Đồng Lộc không làm bằng nước, bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống, bằng đất, đá, xi măng, gạch nâu, vôi trắng… như muôn triệu ngã ba trên trái đất này, mà bằng xương máu của những con người thuở mười chín, đôi mươi: “Các cô để lại tuổi thanh niên/Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi/Cho đất nước, quê hương/Hồn trong như suối/Bình minh đời sáng rực vừng dương...
Nói đến xương máu, hy sinh nhưng không hề bi luỵ, mà trái lại lời thơ như vụt sáng, bởi đó là sự hy sinh tự nguyện, là sự lựa chọn của lẽ sống vì dân tộc. Nằm lại Ngã ba Đồng Lộc là những con người mãi mãi tuổi thanh niên “hồn trong như suối”, mãi mãi rực sáng vầng dương ở thuở bình minh của cuộc đời. Nếu nói bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” đã dựng nên một tượng đài thơ thì mấy câu thơ ngắn trên đây là những nét chạm khắc xuất thần cho bức tượng đài tuyệt diệu đó, để những con người ấy bất tử, trường tồn trong lịch sử và đẹp mãi trong thơ. Thế cho nên, Ngã ba Đồng Lộc còn là nơi dòng máu anh hùng của dân tộc từ nghìn năm hội tụ, để trái tim đó vang mãi nhịp đập của sinh thể Việt Nam: “Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam.
Đoạn kết bài thơ dẫn người đọc trở về với một ngã ba - điểm dừng suy tưởng lắng sâu và giàu triết lý và từ đó lại tiếp tục toả đi muôn hướng của trường liên tưởng khôn cùng:
Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man:
Bạn bè ta trong cơn gió lốc
Hẳn cũng đang vượt những Ngã ba Đồng Lộc,
Những Ngã ba Việt Nam.
Dọc đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Nhưng chẳng hề chi!
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.
Nhiều Võ Thị Tần
Đường sẽ thông xe đi về cách mạng.
Vẫn những câu từ giản dị, nhưng cái kết của bài thơ lại lắng vào chiều sâu của suy tưởng và vươn lên tầm kích lớn lao của dân tộc và thời đại. Ngã ba Đồng Lộc tuy khiêm nhường, nhưng là nơi con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã dùng sinh mạng, máu xương để đổi lấy hoà bình – một khát vọng mà nhân loại tiến bộ luôn truy cầu và hướng tới. Từ câu chuyện về những con người cụ thể trong một không gian cụ thể của một giai đoạn lịch sử cụ thể, nhà thơ đã nâng Đồng Lộc lên tầm phổ quát của cả Việt Nam và thế giới: khi đất nước ta, khi nhân loại vẫn còn chiến tranh, vẫn còn nhiều hiểm nguy, nhiều “bom nổ chậm”, thì vẫn còn nhiều Ngã ba như Đồng Lộc, và vẫn còn nhiều con người vĩ đại như các cô gái thanh niên xung phong của Ngã ba Đồng Lộc, những con người đã xốc tới không chút do dự, phân vân để cho chuyến xe cách mạng vượt mọi ngã ba, tiến thẳng về bến bờ cách mạng huy hoàng. Những La Thị Tám, Võ Thị Tần cụ thể đã thành biểu tượng của nhân phẩm Việt Nam: sẵn sàng ngã xuống cho trời thêm cao cho đất thêm xanh, sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân của chính mình để giành lại mùa xuân cho dân tộc. Đúng như lời bình luận của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Huy Cận không chỉ miêu tả, kể lại câu chuyện anh hùng của những con người Việt Nam trên địa danh đó. Điều ấy, nhiều người làm được và không khó mấy. Tầm kích của bài thơ được nâng cao, mở rộng nhờ những suy ngẫm, khái quát của ông về dân tộc, nhân loại, lý tưởng và nhân phẩm của con người”.
Bài thơ ra đời năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, và nhìn xa hơn, lúc thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ, nhiều lựa chọn của lý tưởng, con đường cách mạng. Sự lựa chọn, dấn thân, lòng yêu nước, nhiệt thành cách mạng của những con người ở Ngã ba Đồng Lộc của Việt Nam vì thế càng có ý nghĩa lớn lao, như ngôi sao sáng dẫn đường vượt qua bão giông lịch sử vẫn sáng ngời niềm tin tất thắng.
Quang Hoa