Tiến hành chiến dịch Linebacker II, sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn trên miền Bắc Việt Nam, Hoa Kỳ đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên khắp thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ
Khi Mỹ sử dụng máy bay B52 ném bom với tính chất huy diệt miền Bắc Việt Nam, báo chí truyền thông quốc tế, các nhà nhiếp ảnh và nhất là các phóng viên truyền hình đã đổ xô đến Hà Nội.
Một số tác giả thu lượm rất nhanh những thông tin cần thiết qua các buổi thông báo hàng ngày được gửi tới SAC (Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ) và Lầu Năm góc. Tin tức được chuyển tải rất nhanh về tòa soạn hoặc đài truyền hình trong khi chiến sự còn đang tiếp diễn, điều đó đã kịp thời cung cấp cho công chúng Mỹ và nhân dân thế giới những hình ảnh ghê tởm nhất việc sử dụng bom B52 rải thảm tại Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở Bắc Việt Nam.
Hành động chiến tranh tàn bạo của Mỹ đã gây xúc động sâu sắc lương tri của nhân dân tiến bộ. Dư luận thế giới phản ứng mạnh mẽ, từ người đứng đầu các chính phủ, tổ chức xã hội, chính khách, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, đến người lao động bình thường, kể cả nước đồng minh với Mỹ và ở ngay nước Mỹ. “Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã ném bom Hà Nội, Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam”[1].
Ngay ngày hôm sau (19-12-1972), Thông tấn xã Liên Xô đã lên tiếng mạnh mẽ: “Nhân dân Liên Xô căm phẫn tố cáo các hành động kẻ cướp mới đó của giới quân phiệt Mỹ, đòi chúng phải ngừng ngay hành động này và đòi Mỹ phải nhanh chóng ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nếu Chính phủ Mỹ bất chấp nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân toàn thế giới, một mực theo đuổi chiến tranh xâm lược, thì nhân dân Trung Quốc sẽ trước sau như một “kiên quyết thi hành nghĩa vụ quốc tế của mình, dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam cho tới thắng lợi hoàn toàn”.
Chiến dịch ném bom của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam trong 12 ngày đêm tháng 12-1972 bị chỉ trích, phản đối mạnh mẽ trước hết lại là ở các nước phương Tây. Chính phủ các nước biểu thị sự phản đối mạnh mẽ, sự lên án nghiêm khắc nhất đối với chính sách tàn phá và hủy diệt trên quy mô lớn mà R. Nixon mưu toan dùng để ép Việt Nam phải chấp nhận tối hậu thư của chúng, hòng chia cắt lâu dài đất nước và duy trì chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Báo Le Monde (Pháp) so sánh với cuộc ném bom hủy diệt Guernica do phátxít Đức thực hiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Một trong những tờ báo lớn nhất của Anh, The Daily Mirror bình luận: “Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ”.
Pháo đài bay B-52 ném bom hủy diệt (Ảnh tư liệu)
Một trong những phản ứng dữ dội nhất là của Thủ tướng Thụy Điển - Olof Palme, khi lên án cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người trên quy mô đạo đức của sự tàn bạo của phát xít tại trại tập trung Treblinka. Ông còn còn đích thân đến một cửa hàng tổng hợp để thu thập chữ ký cho một kiến nghị toàn quốc đòi chấm dứt ném bom - để gửi tới R. Nixon[2]. T
ại Mỹ, R. Nixon bị chỉ trích là điên rồ (madman). Nhiều người trong số những người đã từng ủng hộ cuộc ném bom hồi tháng 5 nay chất vấn cả sự cần thiết và tính tàn bạo bất thường của Linebacker II[3].
Tại Pháp, phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam diễn ra rầm rộ. Đảng Cộng sản Pháp liên tiếp có những bài phát biểu đanh thép trên truyền hình vạch rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Xã luận báo Nhân đạo (Pháp) không chỉ kiên quyết ủng hộ Việt Nam dưới mọi hình thức mà còn vạch trần sự trở mặt của Mỹ, sự dối trá của Nixon và khẳng định: “Mỹ có biện bạch như thế nào đi nữa, cũng không gì có thể bào chữa được cho việc tiếp tục và tăng cường sự tàn sát. Và kẻ nào muốn làm nhẹ tội cho Nixon đều là đồng lõa”[4].
Bức thư đầy tâm huyết của Dante Cruz, một thành viên trong chính quyền địa phương Bologna ở Italia gửi đến Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Pari bày tỏ: “Chúng tôi luôn ở bên cạnh các đồng chí trong những giờ phút khủng khiếp này… Cách đây 3 ngày, hàng chục nghìn người đã biểu tình tuần hành dưới trời mưa như trút nước… Dân tộc Việt Nam tuyệt vời mãi mãi ở trong trái tim chúng tôi”. Sự thật về tội ác và sự lật lọng của đế quốc Mỹ được phơi bày, càng làm cho dư luận thế giới đứng về phía Việt Nam.
Sau 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng B52, đế quốc Mỹ chịu sự tổn thất rất lớn về quân sự, hàng loạt máy bay các loại, kể cả những máy bay hiện đại đã bị bắn rơi, cùng với sức ép của dư luận tiến bộ trên khắp thế giới, buộc R. Nixon phải ngừng cuộc ném bom, nối lại bàn đàm phán.
Chính giới Mỹ phải thú nhận sự thật: “Chúng ta ném bom Bắc Việt để rồi chính chúng ta chấp nhận nhượng bộ” và “Những điều khoản trong Hiệp định về thực chất vẫn giống như những điều cộng sản đề nghị vào tháng 5-1969”[5].
Còn với H. Kissinger, trong cuốn hồi ký của mình luôn lảng tránh và thanh minh rằng, ông ta không đóng vai trò gì trong những chuyện “tồi tệ” như vậy... Các cơ quan truyền thông, báo chí, các hãng thông tấn trên khắp thế giới đã dồn dập đưa tin về chiến thắng vang dội của quân dân Việt Nam và phơi bày sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ. Hãng UPI ngày 31-12-1972 đưa ra bình luận: “12 ngày trở lại ném bom vùng Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh đã làm cho Mỹ bị thiệt nặng nề nhất về người và trang bị”. Hãng tin Pháp AFP cùng ngày cũng đưa tin: “Chưa bao giờ lực lượng B52 của Mỹ lại vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”.
Trong suốt cuộc chiến tranh, đặc biệt là từ khi trực tiếp đem quân vào Việt Nam và đánh phá bằng không quân, hải quân vào miền Bắc Việt Nam, dư luận Mỹ phản đối và chống chính sách tiến hành chiến tranh của chính quyền và ủng hộ nhân dân Việt Nam mạnh mẽ như vậy trước hết bắt nguồn từ nhận thức cho rằng hành động xâm lược, can thiệp Việt Nam của Chính phủ Mỹ là phi nghĩa, đối lập với nguyện vọng chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là hoà bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đó là vấn đề được những người Mỹ phản chiến đem ra thảo luận trong hàng trăm cuộc, trước hàng vạn, hàng chục vạn sinh viên, giáo sư, trí thức, làm cho những người trước kia bênh vực sự can thiệp vũ trang của Mỹ phải lúng túng. Nhân dân Mỹ cũng như dư luận thế giới hiểu rõ rằng nhân dân ta chiến đấu không vì độc lập tự do của mình mà còn vì nền độc lập tự do của các dân tộc, vì nền hòa bình trên toàn thế giới. Tác động từ dư luận quốc tế trong việc ủng hộ, chia sẻ với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chưa bao giờ lại được thể hiện, gây ra sự phản đối gay gắt, quyết liệt như thế trong những ngày đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 cùng nhiều loại vũ khí tối tân khác để bắn phá miền Bắc Việt Nam để che đậy âm mưu mà lương tri của thời đại không thể chấp nhận.
Chấp nhận thất bại trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận những điều khoản đã được thảo luận, thông qua trước đó 2 tháng. Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt sự dính líu về quân sự ở miền Nam Việt Nam, rút quân về nước, cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất của Việt Nam.
Thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một chiến công vĩ đại, phản ánh tinh thần bất khuất trước mọi kẻ thù dù có hùng mạnh đến đâu. Nó thể hiện được bản lĩnh, ý chí và trí tuệ của con người Việt Nam trong mỗi bước ngoặt của lịch sử. Mặc dù diễn ra trong những bối cảnh quốc tế phức tạp, lợi ích của các nước nhỏ hơn có thể ảnh hưởng xấu, bỏ qua hay thậm chí bị lợi dụng từ sự thỏa hiệp giữa các nước lớn, nhưng do phù hợp với sự phát triển của các trào lưu cách mạng trên thế giới, cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam trên bầu trời miền Bắc những ngày tháng cuối năm 1972 của thế kỷ XX đã tác động sâu sắc đến lương tri của thời đại. Do đó, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là bản anh hùng ca của riêng dân tộc Việt Nam, mà còn là của chung của toàn nhân loại, của những ai yêu chuộng hòa bình và công lý, mong muốn một thế giới không tiếng súng, một thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Chí Thảo
[1] Joseph Amter: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 417.
[2] Việt Ân: 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Dư luận cô lập Richard Nixon, ngày 26-12-2012, http://tamlongvang.laodong.com.vn/chinh-tri/40-nam-chien-thang-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-du-luan-co-lap-richard-nixon-96945.bld
[3] Gorge C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 248-249
[4] Báo Nhân đạo (Pháp), ngày 21-12-1972.
[5] Jeriold L.Shecter - TS. Nguyễn Tiến Hưng: Từ tòa Bạch ốc đến dinh Độc lập, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 399, 365.