“Hòa bình trong tầm tay” là tuyên bố của Kissinger, sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đạt được những thỏa thuận về việc chính thức ký Hiệp định Paris vào cuối tháng 10/1972. Nhưng hòa bình có được không hề dễ dàng, để làm vừa lòng đồng minh Việt Nam Cộng hòa, việc ký kết Hiệp định Paris đã được dời lại 3 tháng sau, giữa thời gian đó, là chiến dịch ném bom Giáng sinh với thiệt hại nặng nề của cả hai bên
Đến giữa năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đạt được những thắng lợi cơ bản. Thế đứng chân của Quân giải phóng trên chiến trường miền Nam được củng cố, liên hoàn, thông suốt, mở ra một tình thế cách mạng thuận lợi. Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Nixon thất bại vì quân đội Sài Gòn vẫn chưa thể chiến đấu độc lập nếu không có hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ. Cuộc đua vào Nhà Trắng từ giữa năm 1972 bước vào giai đoạn nước rút, thúc ép Nixon giải quyết vấn đề Việt Nam để tranh thủ cử tri Mỹ.
Việt Nam nhận thấy thắng lợi quân sự của mình cũng chỉ ở mức độ, khi quân Mỹ rút dần theo kế hoạch. Từ tháng 4/1972, Mỹ đã ném bom, bắn phá ác liệt, phong tỏa trở lại miền Bắc, gây khó khăn cho việc tiếp nhận hàng hóa, vũ khí viện trợ và vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam. Ngày 16/9/1972, với sự hỗ trợ quyết liệt của không quân và hải quân Mỹ, quân đội Sài Gòn đã tái chiếm thành cổ Quảng Trị. Tuy các chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô của Nixon không ngăn cản được quyết tâm chiến đấu của Việt Nam, nhưng những gì đằng sau các tuyên bố công khai của hai chuyến đi này lại là ẩn số.
Từ cuối tháng 9 đầu tháng 10/1972, các nhà lãnh đạo Việt Nam quyết định cần tranh thủ khả năng chấm dứt chiến tranh trước ngày bầu cử ở Mỹ. Điều quan trọng là phải ép Mỹ ký một hiệp định chính thức có ngừng bắn tại chỗ, rút quân Mỹ và thả tù binh. Bộ Chính trị thông qua hai văn bản được dự thảo tới 12 lần để đưa ra trong cuộc gặp riêng tại Paris tới là "Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và "Dự thảo Những điều thỏa thuận về việc thực hiện những quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam".
Bước vào đợt gặp riêng từ ngày 8 đến ngày 12/10/1972, cả hai bên đều đưa ra các dự thảo hiệp định của mình. Dự thảo của Mỹ nhân nhượng một số điểm, như điểm nói về Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam có ghi rõ quyền “thống nhất”; thời hạn rút quân Mỹ được rút xuống còn 75 ngày; thừa nhận trên thực tế ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị; sẵn sàng đồng ý các bộ trưởng ngoại giao bốn bên ký vào hiệp định cuối cùng. Phía Việt Nam đưa ra một bản dự thảo hiệp định, trong đó không đòi lập chính quyền hòa hợp dân tộc trước khi có ngừng bắn, mà để hai bên miền Nam thực hiện việc đó chậm nhất trong vòng ba tháng sau ngừng bắn; nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định chế độ chính trị thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế và hai bên miền Nam Việt Nam sẽ bàn với nhau về bầu tổng thống hay quốc hội. Về quân sự, Việt Nam đề ra thời hạn 60 ngày để rút hết quân Mỹ (thời hạn Việt Nam đưa ra tại cuộc họp gần nhất là 45 ngày).
Xác máy bay B.52 bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội
Cuối đợt họp, phía Mỹ đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản của Việt Nam: Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; ngừng bắn ở cả hai miền Nam Bắc, Mỹ rút quân trong vòng 60 ngày; công nhận ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát; công nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam; công nhận các quyền tự do dân chủ ở miền Nam Việt Nam. Một bản Dự thảo Hiệp định được hai bên nhất trí về nội dung sau bốn ngày làm việc căng thẳng. Hai bên trao đổi về thời gian biểu trong đó có việc Kitssinger đi Hà Nội ngày 19/10/1972 để ký tắt hiệp định và ngày 26/10/1972 sẽ ký hiệp định chính thức tại Paris.
Kissinger bay đến Sài Gòn từ Paris, mang theo thư đề ngày 16/10/1972 của Nixon. Tướng W. Abrams, mới tuyên thệ chức Tham mưu trưởng Lục quân chưa đầy 12 giờ đồng hồ, cũng phải hủy chuyến công du Tây Đức, để đi Sài Gòn để dàn xếp với đồng minh Việt Nam Cộng hòa.
Nguyễn Văn Thiệu phản ứng gay gắt với dự thảo hiệp định, không chấp nhận giải pháp Mỹ rút quân mà quân đội "Việt Cộng" vẫn ở lại miền Nam, không chấp nhận cơ cấu chính quyền sau khi ngừng bắn gồm ba thành phần ngang nhau, v.v. Tổng thống của chính quyền Sài Gòn đòi sửa đổi sơ bộ 23 điểm của Dự thảo Hiệp định, trong đó có những vấn đề quan trọng như đòi Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc chỉ là cơ quan bầu cử, xóa bỏ tên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, rút quân đội miền Bắc khỏi miền Nam, khu phi quân sự phải trở thành một biên giới thực sự giữa miền Bắc và miền Nam. Ngày 24/10/1972, Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trước Quốc hội Sài Gòn lên án và bác bỏ dự thảo Hiệp định.
Tương ứng với diễn biến các sự kiện nói trên, ngày 18/10/1972, đoàn Mỹ gửi một công hàm nhân danh Tổng thống Hoa Kỳ, nêu lý do vì còn những bất đồng nên “Tổng thống không đồng ý về một cuộc đi thăm Hà Nội của tiến sĩ Kissinger” và đề nghị thay đổi thời gian biểu.
Ngày 19/10/1972, nhân danh Thủ tướng Chính phủ, đoàn Việt Nam trả lời, chấp nhận việc thay thế vũ khí trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng; vấn đề nhân viên dân sự bị giam giữ ở miền Nam sẽ do các bên miền Nam giải quyết trong vòng ba tháng.
Ngày 20/10, Tổng thống Nixon gửi thông điệp cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoan nghênh thiện chí của Việt Nam, nói rõ “văn bản của Hiệp định giờ đây có thể xem là đã hoàn thành” và sẽ tiến hành ký kết vào ngày 31/10.
Nhưng đến ngày 23/10, Nixon lại gửi tiếp thông điệp cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nêu lên những khó khăn ở Sài Gòn, đưa ra một số vấn đề khác như vấn đề như lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam và nhiều vấn đề kỹ thuật xuất hiện, đòi phải tiếp tục đàm phán để giải quyết.
Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tan hoang sau trận bom B.52 ngày 22/12/1972
Ngày 26/10, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố về tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam hiện nay. Tuyên bố tóm tắt quá trình đàm phán trong bốn năm qua, sự tiến triển của các cuộc thảo luận trong tháng 10/1972, việc hoàn thành Dự thảo Hiệp định và thời gian biểu mà hai bên đã thỏa thuận. Việt Nam cũng công bố cả việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng thống Nixon chấp nhận Hiệp định và ngày ký, đồng thời bác bỏ những lý do không chính đáng của Mỹ nêu ra để trì hoãn việc ký kết và quy trách nhiệm kéo dài chiến tranh cho phía Mỹ. Tuyên bố khẳng định việc thông báo này có lợi cho hòa bình và không ảnh hưởng gì đến đàm phán, vì hai bên đã thỏa thuận xong về văn bản và thời gian ký Hiệp định. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn giữ những điều cam kết với Hoa Kỳ là không thay đổi văn bản Hiệp định đã thỏa thuận.
Ngay sáng ngày 26/10/1972, tại Washington, sau khi nghe tin Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố, Nixon phải triệu tập hội ý gấp và cho Kissinger tuyên bố trong cuộc họp báo: “Chúng tôi tin rằng hòa bình là trong tầm tay” và “một hiệp định đã ở trước mắt”. Kissinger thừa nhận những nội dung của dự thảo Hiệp định mà Hà Nội công bố là đúng và thanh minh rằng vì còn có một số vấn đề chưa rõ ràng nên Hoa Kỳ phải kéo dài thời gian ký Hiệp định. Ông hứa các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ “không quá ba hoặc bốn ngày”, “văn bản Hiệp định thỏa thuận tới đây là văn bản cuối cùng và sẽ không có sự thay đổi nào nữa”.
Hiệp định Paris lẽ ra được ký kết vào cuối tháng 10/1972 theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng do dung túng để Sài Gòn chống đối, hoặc do thấy chưa cần ký mà vẫn thắng cử, nên chính quyền Nixon đã lấy cớ Sài Gòn chống đối quyết liệt để trì hoãn việc ký kết.
Sau đó dự thảo Hiệp định tiếp tục được đàm phán để ký kết và được ký kết chính thức vào 3 tháng sau, ngày 27/01/1973, nhưng cái giá phải trả của cả hai bên đều rất cao trong Chiến dịch Line Baker II mà chúng ta vẫn thường gọi là trận “Điện Biên Phủ trên không”, không lực Hoa Kỳ thì gãy cánh, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì phải chịu những tàn phá nặng nề.
LVS