Bộ đội ta đã dùng sức người để kéo hơn 80 khẩu pháo nặng trên hai tấn mỗi khẩu vào trận địa. Đây là lần đầu tiên trong một chiến dịch, lực lượng pháo binh, pháo cao xạ được huy động nhiều như vậy. Để đưa pháo vào trận địa bao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, xe ô tô chỉ kéo được pháo đến cách trận địa trung bình là 15 km, còn lại phải kéo bằng tay. Với địa hình quanh co, hiểm trở, nhiều đồi núi cao, vực sâu của miền Tây Bắc, có nơi phải vừa kéo pháo, vừa tự mở đường mà đi, phải vừa ngụy trang, đối phó với máy bay, pháo binh địch oanh tạc, bắn phá, cán bộ, chiến sĩ bộ binh, công binh, pháo binh đã không quản ngại vất vả, gian khổ hy sinh, dùng sức người (khoảng từ 80 đến 100 người kéo 1 khẩu) đưa các khẩu pháo vào tới trận địa sau 9 ngày đêm kéo pháo liên tục.
Tuy nhiên, sau khi Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy Mặt trận quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, thì ngay hôm sau, tất cả các khẩu pháo lại được lệnh kéo ra. Việc kéo ra cũng vất vả, khó khăn không kém việc kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Quang Thuận, nguyên là pháo thủ Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 cao xạ, Đại đoàn 351, kể: “Vừa có quyết định thay đổi phương châm thì trên lệnh ngay kéo pháo ra. Phát hiện con đường kéo pháo của ta, chúng cho pháo từ Mường Thanh bắn vào, anh em có người bị thương. Kéo pháo ra cực hơn. Khi kéo pháo ra, ngụy trang lại từ đầu”. Với tinh thần quyết tâm cao độ, không quản ngại hy sinh, bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!
Việc đưa “Voi” vào trận địa không chỉ bộ đội pháo binh có kỳ công kéo pháo vào kéo pháo mà bộ đội công binh cũng đóng góp phần rất quan trọng vào kỳ tích này. Ông Phạm Ngọc Sinh, nguyên Đại đội trưởng Công binh, Đại đoàn 316, nhớ lại: “Nhiệm vụ của công binh là đi trước về sau, mở đường cho bộ đội lên Điện Biên Phủ (...) Ngụy trang là khâu quan trọng bởi máy bay địch lượn suốt ngày. Bộ đội phải thay nhau đi lấy lá để làm “giàn mướp” che. Có dám lấy lá ngay tại chỗ làm đường đâu, sợ lộ, phải đi xa. Mấy ngày lá héo lại phải thay.Địch không ngờ núi cao thế mà Việt Minh lại mang được pháo hạng nặng vào. Làm đường cho pháo vất vả lắm, phải đủ rộng để đưa pháo lên. Bên núi, bên vực thẳm, vạc vào núi thế nào để không bị rủi ro. Núi thì cao, đào lên toàn đất đỏ và đá to. Dụng cụ lúc ấy có cài choòng sắt bằng cổ tay, xẻng và cuốc có khi còn quý hơn súng”.
Ông Nguyễn Huyên, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 54, Tiểu đoàn 106, Trung đoàn 151 công binh, Đại đoàn 351, kể: “Chúng tôi vừa tham gia làm đường kéo pháo, vừa xây dựng trận địa pháo. Giai đoạn làm hầm lựu pháo 105 ly đối với chiến sĩ công binh chúng tôi không ác liệt nhng cực kỳ vất vả, gian khổ. Hầm lựu pháo 105 ly trở thành cấu trúc sáng tạo của bộ đội ta. Chúng tôi bạt sườn núi về phía địch thành vách đứng rồi khoét một cái hang to đủ để khi xếp càng pháo lại có thể đẩy lùi cả khẩu pháo vào cất giấu. Phía ngoài hang là hầm pháo khá rộng để triển khai chiến đấu. Hầm có những cột chống, đà đỡ. Đà gỗ đường kính phải 35 cm, cột chống đường kính ít nhất 25 cm. Các đà đỡ, cột chống không được làm vướng động tác của pháo thủ và làm vướng khẩu pháo khi dang càng ra bắn. Hai đà gỗ bên sát mép vách hầm được rải một lớp gỗ tròn đường kính ít nhất 15 cm, sau đó phủ liên tiếp những bó cây sặt xếp hàng dọc, trên lại nện đất dày 2 mét, tổng chiều dày nắp hầm 3 mét. Miệng hầm phải đủ rộng để pháo có thể lui vào được. Sau đó dùng sọt xếp kín, chỉ còn chừa lỗ châu mai cho nòng pháo nhô ra ngoài đủ để bắn. Bắn xong, pháo được xếp càng, lùi vào hầm phía trong và dùng sọt đất xếp kín lỗ châu mai, để phòng đạn địch khi chúng phản pháo. Mỗi trận địa đều có hầm bắn, hầm lui pháo về phía sau, hầm đạn, hầm trực chiến, hầm chỉ huy. Cứ 4 khẩu đội có một hầm làm nơi hội họp, có rãnh thoát nước và hố tránh bom cháy, có đường hào đi lại.Mỗi đại đội đều có trận địa dự bị, trận địa giả để dự bị và phân tán hỏa lực địch. Chúng tôi không được phép chặt cây quanh trận địa để làm hầm pháo mà phải đi xa bốn, năm, có khi gần chục cây số để tìm ngụy trang, mà cũng chỉ được chặt tỉa cây rừng và vận chuyển bằng đôi vai về nơi làm trận địa”.
Ngay trong những trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chỉ huy lực lượng pháo binh của Pháp tại Điện Biên Phủ là Trung tá Piroth đã phải tự sát, mang theo điều không thể lý giải là Việt Minh đã đưa pháo binh vào Điện Biên Phủ như thế nào để có thể áp đảo lực lượng pháo binh hùng hậu của tập đoàn cứ điểm. Vâng! Người Pháp sẽ không lý giải nổi nếu không chịu hiểu trí thông minh sáng tạo và quyết tâm sắt đá của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cũng như toàn thế dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do!
Trần Nguyễn