Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Người cho thấy lịch sử có vai trò rất quan trọng và hơn ai hết, Người đã sử dụng tri thức lịch sử để lập luận, khẳng định tính tất yếu của độc lập, chủ quyền dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân trong Tuyên ngôn Độc lập
Dùng lịch sử thế giới làm cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn độc lập
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Bác đã hết sức tài tình khi sử dụng hai đoạn trích dẫn hết sức cô đọng, quan trọng, đắt giá của hai bản tuyên ngôn trong lịch sử. Với Tuyên ngôn Độc lập của nước Hoa Kỳ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Không dừng lại ở đó, Người còn suy rộng ra thành chân lý thời đại mới: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Còn với Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1791 là: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Những dữ liệu lịch sử quan trọng này là bằng chứng đanh thép, không ai có thể bác bỏ được về các quyền con người và quyền dân tộc của Việt Nam.
Trong lịch sử thế giới cận đại, hai bản Tuyên ngôn này là thành quả của hai cuộc cách mạng lớn nổ ra và thành công ở châu Âu và châu Mỹ. Đó là cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ (1776) và Đại Cách mạng tư sản Pháp (1789). Do đó, dùng hai bản tuyên ngôn điển hình, nổi tiếng của hai cuộc cách mạng giành độc lập, tự do trong lịch sử để khẳng định chân lý hiển nhiên, tất yếu của độc lập dân tộc và các quyền cơ bản của con người Việt Nam là “bằng chứng không ai có thể chối cãi được”.
Những dữ liệu lịch sử này còn cực kỳ đắt giá vì đối tượng cần khẳng định là thực dân kiểu cũ (Pháp) và thực dân kiểu mới (Hoa Kỳ). Hơn thế nữa, Pháp và Hoa Kỳ lúc này là hai đối tượng chính đang có âm mưu, ý đồ quay lại xâm lược hoặc áp đặt ý chí lên chế độ chính trị của Việt Nam. Vì thế, chọn lịch sử của Pháp và Hoa Kỳ để khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam là cực kỳ sáng suốt.
Chọn lịch sử Hoa Kỳ còn là nước cờ sáng suốt vì Mỹ thuộc phe Đồng Minh, fg quốc đứng đầu phe đế quốc chủ nghĩa, vừa thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Việc lựa chọn hai bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ và Cộng hòa Pháp cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức nhạy cảm về chính trị và cực kỳ tinh tế trong xử lý các mối quan hệ quốc tế lúc này.
Với cách lựa chọn này, ngay cả người Mỹ cũng phải ngỡ ngàng và tất nhiên là không thể chối cãi được.
Các đơn vị Giải phóng quân dự Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)
Dùng lịch sử dân tộc để lên án, kết tội kẻ thù và khẳng định độc lập, chủ quyền trong Tuyên ngôn Độc lập
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà sử học thiên tài. Nếu như, với lịch sử thế giới cận đại, Người chọn hai bản tuyên ngôn của hai cuộc cách mạng điển hình, ở hai châu lục gắn với các quốc gia có vị thế, ảnh hưởng và đang liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền của Việt Nam thì, với lịch sử dân tộc, Người đã chọn những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam cận hiện đại để lên án, vạch trần bản chất của thực dân Pháp, phát xít Nhật và triều đình phong kiến.
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Với khả năng khái quát cao độ, lời lẽ ngắn gọn, xúc tích...Người đã vạch trần bộ mặt thật của thực dân Pháp. Bác đã chỉ rõ cái gọi là “khai hóa văn minh” mà thực dân Pháp thường rêu rao, ở cả chính quốc và thuộc địa, để che đậy cho hành vi xâm lược, vô nhân đạo của chúng: “Thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.
Thứ hai, ngắn gọn, sắc sảo, khái quát cao độ, Người vạch rõ: Thực dân Pháp đã thực hiện các chính sách đàn áp, thống trị hết sức dã man, trên tất cả các mặt: Về kinh tế thì độc quyền; về chính trị thì chuyên chế, chia để trị; về văn hóa thì dùng chính sách nô dịch, ngu dân...
Thứ ba, bằng kiến thức lịch sử, giai đoạn 1940 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định rõ bản chất hèn mạt của thực dân Pháp khi hai lần quỳ gối đầu hàng dâng nước ta cho Nhật (Phe Phát xít) và vô nhân đạo khi sát hại cả tù nhân bị giam trong tù... Đồng thời, khẳng định rõ Việt Nam đã gan góc đứng về phe Đồng Minh ngay từ đầu và bản chất nhân đạo khi đối xử rất tốt với tù nhân.
Như vậy, bằng kiến thức lịch sử, những sự kiện đắt giá, đặc sắc của lịch sử thế giới cận đại và lịch sử Việt Nam cận hiện đại đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng thành những luận cứ đanh thép để khẳng độc lập, chủ quyền dân tộc và các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam tất yếu phải được hưởng và không ai có quyền xâm phạm: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Bài học cho hôm nay
Phương pháp sử dụng kiến thức lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trên để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý báu.
Một là, “dân ta phải biết sử ta”. Tức là, mỗi người dân Việt Nam phải có nghĩa vụ, trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu thật sâu sắc, tường tận lịch sử dân tộc mình. Chỉ có như vậy chúng ta mới đủ tri thức để chống lại những luận điệu của các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ xuyên tạc, bóp méo lịch sử...chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Thứ hai, hiểu biết lịch sử phải toàn diện. Không những lịch sử hiện đại mà cả lịch sử cận đại. Không những lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử thế giới. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có những dữ liệu lịch sử để khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước ta trong tình hình mới. Đặc biệt là lịch sử cha ông ta khám phá, chinh phục Biển Đông, đã và đang đặt ra trong những năm vừa qua.
Thứ ba, phương pháp sử dụng tri thức lịch sử. Học tập Bác, không chỉ “ôn cố tri tân” mà quan trọng hơn phải biết chắt lọc những tri thức, sự kiện lịch sử đắt giá sử dụng tuyên truyền trong nước cũng như đấu tranh ngoại giao. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được sức mạnh to lớn của lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện.
Thứ tư, hiểu biết lịch sử còn để tự hào về lịch sử hào hùng dân tộc nói chung, lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Trên cơ sở đó, mỗi người chúng ta thêm yêu Tổ quốc, tin tưởng, đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp cách mạng mà nhân dân ta đã lựa chọn.
Chủ đề Đại hội XIII đã khẳng định rõ: “... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; ...xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Tất cả đều có cơ sở lịch sử và đối với dân tộc Việt Nam bắt đầu từ bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ ngày 2/9/1945.
Văn Minh
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, T.1, tr.57.