Khẳng định thắng lợi cũng như chỉ rõ, phê phán những sai lầm, khuyết điểm về cách làm, nói lên quyết tâm sửa chữa sai lầm là những gì chúng ta thấy trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cải cách ruộng đất tại miền Bắc sau khi hòa bình lập lại
Trong bài nói chuyện trong Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt I tại Thái Nguyên, ngày 02/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các cô các chú phải hiểu: thi hành chính sách cải cách ruộng đất là một trong ba nhiệm vụ chính của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân. Đó là nhiệm vụ vẻ vang, nặng nề.
Sau này, trong các đợt phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, cô nào chú nào có công đặc biệt thì sẽ được thưởng huân chương, cũng như các chiến sĩ có công đánh giặc. Việc thưởng ấy sẽ do các cô các chú tự quyết định lấy, ai muốn được huân chương thì phải cố gắng”.
Tiếp đó, trong thư gửi các cán bộ phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, tháng 12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong đợt 2 cải cách ruộng đất và đợt 6 phát động giảm tô, các cô các chú đã cố gắng và đã thu được kết quả khá, thí dụ: đợt 1 cải cách ruộng đất phải làm 100 ngày, mà đợt 2 thì có nhiều xã làm 56 ngày đã kết thúc, thế là đã làm được "tốt, nhanh, gọn, vững".
Tuy vậy, ở đôi nơi, cán bộ còn mắc những khuyết điểm nặng, như:
Thái độ mệt mỏi, không thật "ba cùng":
Có cán bộ bấm đốt ngón tay tính từng ngày, mong sớm về cơ quan, không muốn đi phát động nữa.
Hoặc ham đi chơi phố, để công việc bê trễ.
Hoặc chọn ở nhà nông dân nấu ăn khéo, mua thịt cá về "ba cùng"!
Thậm chí có đội trưởng mải chơi bài, cốt cán phải chờ suốt ngày để giải quyết công việc.
Lập trường không vững, làm việc rụt rè:
Như nông dân đang tố tội ác của địa chủ cường hào thì cán bộ ngăn lại, vì sợ "vi phạm hiệp định"; không vạch rõ tội ác của tên Ngô Đình Diệm trong việc nó lừa ép đồng bào công giáo di cư vào Nam.
Không mạnh dạn dựa vào nông dân để trừng trị đúng mức và kịp thời những địa chủ phá hoại phong trào phát động.
Bao biện, mệnh lệnh:
Có đội không ra sức bồi dưỡng cốt cán, việc gì cũng làm thay, tự mình làm chủ tịch đoàn, điều khiển các tổ khai hội. Hoặc viết giấy "gà" cho chủ tịch đoàn. Làm cho cốt cán ỷ lại và lúng túng, mà quần chúng thì không tin tưởng vào "chủ tịch 3 tay".
Có nơi khi cử Ban chấp hành nông hội, đội không để quần chúng tự chọn người. Đội bảo giới thiệu để đại hội thông qua cho chóng.
Chủ quan, hình thức:
Có cán bộ ba hoa rằng: "Tôi nhất định bắt được 5 rễ tốt", kết quả là vì chủ quan mà bắt được 5 rễ đều thối cả.
Có đội dựng 36 cổng chào, dựng 200 cây tre làm hàng rào cho chỗ khai hội; cho như vậy là "tuyên truyền rầm rộ" không biết rằng như vậy là đã lãng phí của cải và thời giờ của nhân dân.
Trên đây Bác chỉ tóm tắt mấy điểm. Rất mong các đoàn, các đội và tất cả các cán bộ ra sức thi đua học tập kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm cho những đợt sau thành công tốt đẹp hơn, sao cho các cô các chú đều xứng đáng chiến sĩ anh dũng trên mặt trận chống phong kiến”.
Ngày 08/02/195, trong bài nói tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải phóng tay phát động quần chúng. Phóng tay nghĩa là tin tưởng quần chúng, phát động quần chúng rộng rãi. Có nơi cán bộ không cho quần chúng tố hết tội ác của địa chủ cường hào gian ác. Không cho quần chúng tố khổ hết thì làm thế nào biết được địa chủ cường hào gian ác.
Phải biết phân hóa giai cấp địa chủ. Trong đám địa chủ có người thế này có người thế khác, nếu không biết phân hoá, họ sẽ đi với nhau thành một lực lượng chống lại nông dân.
Phải làm đúng chỉ thị của Đảng, của Chính phủ. Không được làm sai.
Trong đợt 2, một số cán bộ còn phạm khuyết điểm dùng nhục hình. Nhục hình là lối dã man, là cách của đế quốc tư bản phong kiến, nó dùng để trị quần chúng, trị cách mạng. Chúng ta có chính sách đúng, có lý lẽ đúng, có lực lượng mạnh, sao còn dùng cách dã man ? Dùng nhục hình là chưa tẩy sạch tư tưởng dã man, đầu óc phong kiến đế quốc. Dùng nhục hình là vì không chịu khó phát động quần chúng. Đợt này tuyệt đối không được dùng nhục hình, nếu dùng nhục hình là trái chính sách của Đảng, của Chính phủ, trái tác phong của cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân (Ảnh tư liệu)
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị giảm tô và cải cách ruộng đất ngày 31/10/1955, Bác nói về vai trò của cải cách ruộng đất đối với khôi phục kinh tế: “Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ: nông thôn phải kinh qua 2 cuộc cách mạng: cải cách ruộng đất là một cuộc, cuộc thứ hai là từ chỗ thực hiện tổ đổi công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hoá nông nghiệp”.
Như vậy, cải cách ruộng đất xong chưa phải là mọi việc đều xong!
Đảng và Chính phủ có quyết định khôi phục kinh tế, muốn khôi phục kinh tế thì phải cải cách ruộng đất”.
Đến tháng 7/1955, miền Bắc đã tiến hành 5 đợt cải cách ruộng đất. Trong Thư gửi Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 (01/7/1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đợt 5 cải cách ruộng đất gay go phức tạp. Song nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhờ nông dân hăng hái đấu tranh, đồng bào các từng lớp ủng hộ, nhờ cán bộ cố gắng công tác cho nên đã thu được thắng lợi căn bản to lớn:
Giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ. Nông dân đã được ruộng cày và đã làm chủ ở nông thôn. Các tổ chức ở xã được trong sạch hơn, v.v. và bản thân cán bộ được thử thách, rèn luyện.
Những thắng lợi ấy có một ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nhưng đợt 5 cải cách ruộng đất phạm sai lầm cũng không ít, nó đã hạn chế một phần thành tích của chúng ta.
Trung ương đã tự phê bình.
Các cô, các chú cần phải kiểm điểm kỹ công tác của mình, đánh giá cho đúng thành tích và khuyết điểm. Chớ thấy thành tích mà kiêu. Chớ thấy khuyết điểm mà nản. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê bình để tiến bộ mãi”.
Tiếp đó, trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, đăng trên báo Nhân dân, số 897, ngày 18/8/1956, Người viết: “Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go. Lại vì kẻ địch phá hoại điên cuồng; vì một số cán bộ ta chưa nắm vững chính sách, chưa thực đi đúng đường lối quần chúng; vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra đôn đốc - cho nên khi cải cách ruộng đất đã xảy ra những khuyết điểm, sai lầm: trong việc thực hiện đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp, v.v ..
Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.
Cần phải sửa chữa những khuyết điểm như: không dựa hẳn vào bần cố nông, không đoàn kết chặt chẽ với trung nông, không thực sự liên hiệp phú nông.
Ai bị vạch sai lên thành phần địa chủ, phú nông, cần phải vạch lại cho đúng.
Đảng viên, cán bộ và nhân dân, ai đã bị xử trí sai thì cần phải khôi phục đảng tịch, quyền lợi và danh dự cho họ.
Đối với địa chủ, thì phải đối xử theo đúng 8 điều quy định; phải chiếu cố những địa chủ kháng chiến, ủng hộ cách mạng và địa chủ có con là bộ đội, cán bộ.
Những nơi đã nâng diện tích hoặc sản lượng quá mức, cần phải điều chỉnh lại cho đúng.
Việc sửa chữa phải kiên quyết và có kế hoạch. Việc gì sửa được ngay thì phải làm ngay. Việc gì chưa sửa được ngay thì phải kết hợp trong kiểm tra lại mà làm”.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) tháng 10/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Tình hình trước mắt rất phức tạp và rất nhiều khó khăn, vì trong công việc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã phạm nhiều sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng và phổ biến. Nhưng chúng ta lại có những điều kiện thuận lợi để dựa vào đó mà khắc phục sai lầm và khó khăn và giải quyết tình hình phức tạp: Nhân dân ta tốt, Đảng ta có truyền thống đoàn kết chặt chẽ và phấn đấu anh dũng, đảng viên và cán bộ ta rất tin tưởng ở Trung ương Đảng và Chính phủ.
Khó khăn còn nhiều, nhưng nó là tạm thời. Còn những điều kiện thuận lợi là những điều kiện căn bản.
Chúng ta kiên quyết sửa chữa thì nhất định sửa chữa được khuyết điểm, khắc phục được khó khăn, phát huy được thành tích”.
Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp quân đội (11/1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Công tác cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng, làm tổn thất nặng nề cho ta về nhiều mặt.
Nhưng chúng ta đã thấy rõ những sai lầm đó và quyết tâm sửa chữa, thì nhất định sửa chữa được.
Vì Đảng ta là một đảng chỉ vì lợi ích của nhân dân mà phấn đấu, ngoài ra không có một lợi ích riêng nào khác.
Trải qua bao nhiêu năm đấu tranh anh dũng và gian khổ, Đảng ta không bao giờ sợ khổ, sợ khó và cũng không hề sợ vạch rõ khuyết điểm của mình. Có khuyết điểm thì Đảng thành khẩn nhận và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy, Đảng đã được nhân dân đồng tình và ủng hộ, đã vượt được nhiều khó khăn, thu được nhiều thắng lợi, luôn luôn nắm vững và nêu cao ngọn cờ lãnh đạo của Đảng”.
Chủ tịch Hồ Chí minh thăm nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năm 1957 (Ảnh tư liệu)
Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá II Trường đại học Nhân dân Việt Nam (08/12/1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong cải cách ruộng đất, cán bộ đã phạm những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng, cần phải kiên quyết sửa chữa.
Nhưng không nên vì sai lầm khuyết điểm mà phủ nhận thành tích của cải cách ruộng đất tức là giai cấp phong kiến địa chủ đã bị đánh đổ, độ 8 triệu nông dân đã có ruộng cày. Đó là một thành tích không ai có thể chối cãi được. Cần nhận rõ như thế để không vì sai lầm khuyết điểm mà bi quan. Trái lại vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ”.
Ngày 15/02/1957, Báo cáo trước Hội nghị đại biểu nhân dân Thủ đô về thành công của Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Về vấn đề cải cách ruộng đất, Quốc hội đã nhận định rằng: Luật Cải cách ruộng đất do khoá họp thứ ba của Quốc hội thông qua căn bản là đúng, vì nó nhằm xoá bỏ chế độ chiếm hữu phong kiến làm ngăn trở sự tiến bộ của dân tộc ta và nó đã đem lại ruộng đất cho hàng triệu nông dân lao động.
Mặc dầu có những sai lầm nghiêm trọng, cải cách ruộng đất đã thu được kết quả lớn là đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến và thực hiện người cày có ruộng.
Những sai lầm trong cải cách ruộng đất hiện nay đang được sửa chữa. Chúng ta phải quyết tâm sửa chữa sai lầm để hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và muốn như thế thì phải tăng cường đoàn kết ở nông thôn và nắm vững đường lối nông thôn của Đảng và Chính phủ”.
Phát biểu trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá I, ngày 16/4/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong nước ta, sau ba năm hoà bình, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Bắc.
Công tác cải cách ruộng đất, kể cả sửa sai, đã căn bản kết thúc tốt. Các cơ sở sản xuất cũ đã được khôi phục, nhiều nhà máy mới được xây dựng lên, mức sản xuất của nhiều ngành đã đạt mức trước chiến tranh. Lương thực đã vượt xa mức đó. Hoạt động kinh tế trong nước đã trở lại bình thường, hoạt động văn hoá cũng đã bước đầu được phát triển, đời sống nhân dân cũng đã được cải thiện bước đầu”.
Trong Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên (1959), người nói: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên có sai lầm. Nhưng trong cải cách ruộng đất, thắng lợi vẫn là chủ yếu. Các chú lớn tuổi chắc biết có lúc nào miền Bắc lại đủ thóc ăn như ngày nay, lại còn có thừa để bán ra ngoài và để dự trữ. Đó là nhờ đâu?
Nhờ cải cách ruộng đất. Nhưng sai lầm của Đảng và của chúng ta khác hẳn với sai lầm của những bọn khác.
Đảng thấy sai thì quyết tâm sửa chữa.
Thời đế quốc, tư bản có bao giờ nó nói có sai lầm, xin sửa chữa đâu. Đảng là người, nên có sai lầm, nhưng vì có chủ nghĩa Mác - Lênin, có mục đích phục vụ nhân dân, có phê bình và tự phê bình, cho nên kiên quyết sửa chữa. Lúc Đảng phát hiện sai lầm thì ở nông thôn và thành thị lúc đầu có hoang mang, nhưng sau nhân dân hiểu và tin tưởng nên đã quyết tâm hoàn thành những công tác lớn”.
Trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Đảng Lao động Việt Nam ngày 05/9/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất: “Từ khi hoà bình lập lại, ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đó là một chuyển biến có ý nghĩa to lớn của cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành thắng lợi, đã giải phóng đồng bào nông dân lao động, thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng".
Lê Minh