Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã tạo nên những tuyến đường huyền thoại đi vào lịch sử. Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh; đường Hồ Chí Minh trên biển; đường ống xăng, dầu dài hàng nghìn km... Nhưng có một con đường mà ít người biết tới, đó là "con đường tiền tệ" với phương thức hoạt động đặc biệt
Những ngày đầu
Ngay từ năm 1955, sau khi cơ bản đã tập kết phần lớn lực lượng ra Bắc, nhu cầu tài chính cho những cơ sở còn lại ở miền Nam đã được đặt ra.
Ngoài phần tự lo liệu được, theo yêu cầu của Xứ ủy Nam Bộ, của Khu ủy V và Trị Thiên, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã bắt đầu phải lo chuyện tiền bạc cho miền Nam. Tiền bạc đó đương nhiên phải là tiền Sài Gòn. Sở Quản lý Ngoại hối, và sau đó là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Trung ương được giao đảm nhiệm việc này.
Trong giai đoạn đầu, hằng năm, số tiền chuyển cho miền Nam chưa lớn lắm, khoảng hơn 30 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương 500.000 USD. Tình hình miền Nam lúc đó chưa đặt ra những nhu cầu lớn về tài chính. Phong trào cách mạng lúc này còn đang trong thời kỳ giữ gìn lực lượng, hạn chế hoạt động.
Trong hoàn cảnh đó, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương cấp còn một giải pháp quan trọng nữa là dựa vào dân. Hầu hết cán bộ nằm vùng đều ở trong tình thế "điều” hoặc "lắng". Những cán bộ này sống với nhân dân. Trong nhiều trường hợp, những nhân sĩ, những trí thức, những nhà tư sản có lòng yêu nước đã cưu mang cán bộ và tổ chức cách mạng.
Từ sau phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Nhiều vùng căn cứ đã hình thành. Nhiều tổ chức quần chúng, nhiều đơn vị bộ đội, nhiều cơ quan của Xứ ủy, của các khu, các tỉnh phải triển khai hoạt động trong tình hình mới. Vấn đề tài chính đặt ra ngày càng cấp bách.
Muốn tăng cường chi viện miền Nam bằng ngoại tệ mạnh thì phải có nguồn thu. Nhưng thu về xuất khẩu và dịch vụ đối ngoại cũng như thu kiều hối tại miền Bắc lúc đó còn rất eo hẹp, không đủ trang trải cho nhập khẩu và các nhu cầu chi phí đối ngoại khác. Cục Ngoại hối phải gánh trách nhiệm lo toan ngoại tệ cho miền Nam: vận động bạn bè quốc tế, kể cả đặt vấn đề đàm phán với chính phủ các nước bạn, để có viện trợ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, lấy tiền đó đổi ra tiền Sài Gòn (gọi là "chế biến"). Đó là ngân khoản chi viện dành riêng cho kháng chiến ở miền Nam.
Trong 6 năm (1960-1965), Trung ương đã chi viện miền Nam 1.104 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương với 18,4 triệu USD, chiếm 34,8 % tổng thu của ngân sách miền Bắc trong các năm đó.
Năm 1960, Trung ương chi viện miền Nam 14 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương 233.000 USD, chiếm 18% tổng số thu ngân sách. Đến năm 1965, số chi viện của Trung ương tăng lên tới 655 triệu đồng Sài Gòn, tương đương gần 11 triệu USD, chiếm 44% tổng số thu ngân sách miền.
Đội vận tải C 100 thuộc Đoàn 559 chuyển tiền và hàng vào chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)Từ giữa thập niên 60, Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Từ đây, việc đưa viện trợ vật chất vào Nam, cả bằng đường Trường Sơn lẫn đường biển đều khó khăn hơn trước. Bộ Chính trị đã giao cho đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách vấn đề chi viện miền Nam.
Năm 1965, đồng chí Phạm Hùng đã đề xuất với Bộ Chính trị một lập riêng tại miền Bắc một "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt", lấy từ các nguồn viện trợ quốc tế để trực tiếp chi viện tài chính cho miền Nam.
"Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" - B.29
Về hình thức hoạt động công khai chính diện, "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" có danh nghĩa Cục Ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam để khi cần thiết có thể làm các thủ tục hợp pháp. Còn về điều hành, nó không phải là một đơn vị trong Ngân hàng Quốc gia. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật và an toàn, Quỹ này chịu sự chỉ đạo đơn tuyến. Nét độc đáo trong cách tổ chức này là: Lấy cái công khai làm bình phong cho cái bí mật, mọi hoạt động của cái bí mật đều lấy danh nghĩa của cái công khai. Như vậy, trong thực tế B.29 tồn tại và hoạt động như một "Ngân hàng Ngoại hối đặc biệt", phục vụ riêng việc chi viện chiến trường bằng ngoại tệ. Biên chế của B.29 trong thời gian 10 năm (1965- 1975) là trên 10 người.
Tài sản ngoại tệ thuộc "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" là dành riêng cho miền Nam nên được điều hành một cách hoàn toàn độc lập, không liên quan gì đến vốn ngoại tệ công khai của Nhà nước tại miền Bắc. Vốn của “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” B.29 được gửi tại Vietcombank. Đến lượt mình, Vietcombank lại gửi vốn đó ở nước ngoài, tại các ngân hàng đại lý quốc tế lớn đáng tin cậy. Như vậy, B.29 được coi như "khách hàng gửi tiền đặc biệt" và "ngân hàng đại lý đặc biệt" trong quan hệ với Vietcombank.
Mọi nguồn thu của "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" cũng nằm ngoài ngân sách Nhà nước. B.29 tiến hành hạch toán kế toán riêng, mọi hoạt động thu, chi đều có báo cáo định kỳ đơn tuyến cho cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị.
Các “kênh” chuyển tiền
Xưa nay, trong nghiệp vụ ngân hàng, chung quy chỉ có hai phương thức thanh toán: tiền mặt và chuyển khoản. Để chi viện miền Nam, B.29 sử đụng cả hai phương thức trên, được mang mật hiệu là AM và FM. Hai khái niệm này chỉ là những quy ước tuyệt mật của thời chiến, chưa hề có trong bất cứ sách giáo khoa nào về ngân hàng. Nhưng xét về tính năng hoạt động thì đó vẫn chỉ là hai phương pháp cổ điển của hoạt động ngân hàng:
Chuyển tiền mặt, được gọi là AM
Quy trình của phương thức AM rất phức tạp, đa dạng, muôn hình, muôn vẻ.
"Chế biến" tiền từ ngoài nước: Từ những năm đầu thập niên 1960, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Trung ương Đảng và Chính phủ có đặt vấn đề với Trung Quốc viện trợ cho miền Nam một số ngoại tệ bằng USD. Trung Quốc còn giúp lập một cơ sở ngân hàng tin cậy tại Hong Kong. Tại đó, USD viện trợ được "chế biến", tức là lấy một phần USD đó mua gom một số biệt tệ khác như tiền Sài Gòn, riel Campuchia, bath Thái Lan và kip Lào, rồi cùng tiền mặt USD được đưa về nước.
Đối với các nguồn viện trợ quốc tế tại các nước Âu - Mỹ, bằng rất nhiều loại bản tệ khác nhau như bảng Anh, franc Pháp, franc Thụy Sĩ, lire Ý, coụronne Đan Mạch... thì việc “chế biến" ra tiền mặt USD được giao cho đại diện Vietcombank Paris tiến hành ngay tại Pháp và Thụy Sĩ, rồi bằng "giao thông ngoại giao" đưa qua đường Moscow về Hà Nội.
Đưa tiền vào Nam: Tiền của "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" được cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Trung ương, số 49 Lý Thái Tổ. Hà Nội, do B.29 quản lý. Đến thời điểm hẹn trước, một bộ phận đặc biệt chuyên trách vấn đề vận chuyển là đơn vị C.100 thuộc Đoàn 559 cùng B.29 tiến hành các thủ tục giấy tờ giao nhận, đóng thùng đặc chủng và chở đi.
Trong giai đoạn đầu, tiền đi vào Nam theo một con đường khá "sang trọng": Tiền được đặt trong "vali ngoại giao", hoặc nếu nhiều thì đóng vào các thùng nghi trang như đồ hộp xuất khẩu, đi theo tuyến hàng không Hà Nội - Phnom Penh hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnom Penh. Con đường thường xuyên và gian khổ nhất của đại bộ phận tiền USD vẫn là tuyến đường Trường Sơn, bằng xe tải quân sự hoặc cất giấu dưới hầm tàu hai đáy trên con đường lịch sử Hồ Chí Minh trên biển.
Một số cán bộ ngân hàng chi viện chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)
Tiếp nhận và "chế biến" tại chỗ: Hành trình của các loại tiền kể trên từ Hà Nội vào Nam được phân bổ theo từng phân đoạn, theo quy định của Trung ương: tiền tới địa chỉ nào thì nơi đó có đơn vị đặc nhiệm tiếp nhận và cất giữ. Trung ương phân bổ theo từng khu vực lớn là: Trị Thiên - Huế, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ (B2)... Tại từng khu vực nói trên, việc cấp phát, phân bổ, sử dụng, chi tiêu là công việc nội bộ từng nơi, dưới sự lãnh đạo toàn diện của từng Đảng bộ, với sự tham mưu chỉ đạo chuyên ngành là các Ban Tài chính hoặc Ban Kinh - Tài trực thuộc.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, yêu cầu tiền tệ cho miền Nam tăng lên rất nhiều, thì phương thức AM càng thêm khó khăn, tốn kém, kể cả sự hy sinh xương máu. Giải quyết khối lượng lớn AM như thế, đều đều, hằng tháng, hằng năm, kéo dài từ năm này sang năm khác, đòi hỏi phải tìm những giải pháp khác.
Chuyển khoản, được gọi là FM
Có thể coi đây là hình thức vận chuyển hiện đại nhất: Chuyển ngân.
Từ 1965, Trung ương Cục có chủ trương phát triển các cơ sở tại nội thành. Những cán bộ chủ chốt của Ban Tài chính đặc biệt đã được đưa vào nội thành để bám trụ. Chính trong cuộc sống, trong những gian truân của tình thế đã nảy sinh những ý tưởng mới là sử dụng chính hệ thống ngân hàng của thế giới và của chế độ Sài Gòn để chuyển tiền cho cách mạng. Sau đó được Trung ương chấp thuận cho thực thi, gọi là phương pháp mới, ký hiệu là FM.
FM là phương thức chi viện tiền cho miền Nam bằng chuyển khoản. Chuyển khoản có hai chiều: Nhận và trả.
Khâu nhận: Tiền Z (mật danh của tiền Sài Gòn) được lấy ngay tại Sài Gòn qua một đường dây hoạt động nội thành của Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (tức N.2683). Sau đó hoàn trả cho nhà cung cấp tại nước ngoài bằng đô la.
Tiền Z được giao tại những nơi quy ước, đó là vùng giáp ranh ven đô Sài Gòn - Gia Định, có khi còn đi xa hơn, phân tán trong các kho nhỏ rồi tổ chức các chuyến ô tô đem đi.
Phương pháp này có nhiều thuận lợi hơn phương pháp AM: Thứ nhất, nó có thể giải quyết một vụ chuyển tiền lớn chỉ trong một ngày, thay vì nhiều tháng hành trình đầy rủi ro của phương pháp AM. Thứ hai, nó an toàn hơn, kín đáo hơn. Thứ ba, không bị thiệt thòi do vấn đề tỷ giá, mà có trường hợp còn sinh lợi nhờ hưởng lãi suất phát sinh tại các ngân hàng.
Chuyển tiền cho các căn cứ
Sau khi lấy được tiền Z, một khâu rất quan trọng nhưng lại đầy rủi ro là chuyển về các vùng căn cứ.
Quy ước là chỉ nhận tiền lớn và đã đóng gói, có dấu của ngân hàng để đỡ mất công đếm. Sau khi nhận, tiền được cất trong các kho phân tán tại các cơ sở rải rác khắp nội thành. Tiền giấy chở nhiều là rất nặng, phải tổ chức một loạt đường vận chuyển hợp pháp để kết hợp chở hàng, chở khách với việc chở tiền.
Tiền mặt các loại, chủ yếu bằng USD và tiền Sài Gòn, theo cả hai phương thức chi viện AM và FM cuối cùng đều được tập trung về các vùng căn cứ kháng chiến, do các cơ quan tài chính và ngân tín trực tiếp quản lý điều hành phân phối theo các nhu cầu kháng chiến.
Quyết toán 10 năm con đường đặc biệt
Ông Nguyễn Nhật Hồng, người trực tiếp phụ trách B.29 cho biết: “Từ 1965 đến 1975, B.29 đã tiếp nhận sáu trăm bảy mươi tám triệu bảy trăm ngàn đô la Mỹ (số tròn), trong đó hơn sáu trăm hai sáu triệu đô la là tiền viện trợ đặc biệt, hơn hai mươi bốn triệu đô la là tiền của các tổ chức và nhân dân quốc tế ủng hộ, gần 21 triệu đo la là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi và gửi ngoại tệ ở nước ngoài, gần bảy triệu rưỡi đô la là lãi từ tiền dự trữ của chiến trường sau giải phóng...”
Trong 10 năm tồn tại, "con đường tiền tệ" huyền thoại trong kháng chiến đã đóng góp một phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðể thực hiện nhiệm vụ này, không những chỉ có tấm lòng và của cải của nước bạn, của các nhà hảo tâm, mà còn có cả tài năng, ý chí và lòng trung thành tuyệt đối của một đội ngũ đông đảo những chiến sĩ thầm lặng ở B29, N.2683, ở khu căn cứ, trên những tuyến đường máu lửa của Đoàn 559, 759 và cả những người thầm lặng hoạt động ở hải ngoại...
Dương Thành
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Biên niên sử hoạt động Tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000..
2. Đặng Phong: Lịch sử Ngân hàng ngoại thương Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
3. Đồng Sĩ Nguyên: Đường Hồ Chí Minh - Một sáng tạo chiến lược của Đảng ta, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
4. Lịch sử tài chính Việt Nam, tập 2, Hà Nội, 1995