Ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ đó đến nay, đường lối văn hóa của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 20/1 đến ngày 28/1/2016), đã khái quát định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam, đó là:
Một là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển;
Hai là: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Bà là: Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế;
Bốn là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa;
Năm là: Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản;
Sáu là: Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa;
Bảy là: Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại;
Tám là: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.
Về vài trò quản lý của Nhà nước đối với văn hóa, Nghị quyết chỉ rõ: “Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Chấn chỉnh và quản lý tốt các hoạt động lễ hội. Rà soát, phát triển hợp lý các thiết chế văn hóa. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam”[1]; cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa; tăng mức đầu tư của Nhà nước cho Văn hóa…
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO vinh danh
Đại hội XII của Đảng lần đầu tiên đặt ra vấn đề quản lý phát triển xã hội, là điều chỉnh mối quan hệ hợp lý giữa các tiến trình, các lĩnh vực trong quá trình phát triển đất nước, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, hài hòa của xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến con người, bảo đảm sự công bằng cho mọi thành viên xã hội, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của con người trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Sau 5 năm thực hiện, ngày 4/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết xác định một số kết quả đạt được bước đầu, những hạn chế, yếu kém và đưa ra một số nội dung yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội quyết tâm thực hiện có hiệu quả hơn, Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[2]. Và phải: “Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hướng hoạt động văn hóa, giáo dụ, khoa học vào việc xây dựng con người Việt nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”[3].
Đến Đại hội XIII (2021), lần đầu tiên trong văn kiện Đảng, văn hóa được đề cập một cách toàn diện sâu sắc từ chủ đề đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược… Đại hội xác định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”[4], “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”[5]. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.
Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền văn hóa và con người Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết là phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng; đấu tranh chống các khuynh hướng đồng hóa và nô dịch về văn hóa. Đồng thời, coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, giáo dục của nhân loại để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiến kịp, tiến cùng thời đại. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên nêu lên thuật ngữ “hệ giá trị quốc gia”, đó là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[6].
Lễ hội đèn lồng Trung Thu đang trở thành nét đặc sắc văn hóa của Tuyên Quang
Đại hội XIII đã nêu lên yêu cầu mới là cần phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”[7].
Triển khai quan điểm chỉ đạo xây dựng, phát triển văn hóa, con người mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã được tổ chức vào ngày 24/11/2021. Đến dự dự và chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, khái quát quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa; về vị trí, vai trò của văn hóa và khẳng định: “Từ ngày thành lập Đảng đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội… Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước[8].
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao[9], từ đó yêu cầu: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội”[10].
Để chấn hưng văn hóa và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư nêu lên 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc;
Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại;
Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa;
Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa;
Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa;
Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Khẩn trương phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh[11].
Có thể nói, từ năm 2016 đến năm 2021, tư duy lý luận và nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội, văn hóa và con người có bước phát triển vượt bậc, thể hiện sự gắn bó hữu cơ, nhuần nhuyễn. Các yếu tố này làm tiền đề cho nhau, quy định lẫn nhau, trong đó tập trung vào sự phát triển toàn diện của con người trên tinh thần con người vừa là động lực quyết định, vừa là mục tiêu trung tâm của sự phát triển trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Mai Soa
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.131-132
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 2016-2020. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.849
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 2016-2020, Sđd, tr.850
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.215-216.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Sđd, tr.47.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Sđd, tr.143.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Sđd, tr.145-146.
[8] Lê Mậu Hãn: Đường lối văn hóa của Đảng trong chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tr.58.
[9] Lê Mậu Hãn: Đường lối văn hóa của Đảng trong chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam, Sđd, tr.62, 68-69.
[11] Lê Mậu Hãn: Đường lối văn hóa của Đảng trong chấn hung phát triển văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tr.65-67.