Một con đường huyền thoại, có thể nói là kỳ tích của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Hoa Kỳ không hiểu đã đành, ngay cả những nước bạn của Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc cũng không hình dung nổi rằng tại sao Việt Nam có thể làm được một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt như thế
Ý tưởng
Từ năm 1968, do yêu cầu nhiên liệu tăng lên, mà vận chuyển xăng dầu bằng ô tô đường dài thì vừa dễ bị đánh phá, vừa rất tốn kém. Nếu chuyên chở trên cự ly ngắn vài trăm kilomet thì còn có hiệu quả, nhưng nếu chuyên chở trên cự ly hàng ngàn kilomet thì số xăng dầu tiêu thụ cho bản thân chiếc xe đã chiếm tới 1/3 số xăng dầu chở trên xe. Ấy là chưa kể mức tổn thất rất lớn do bị máy bay oanh tạc.
Đã vậy, khi vận chuyển hàng trăm ngàn tấn thì luôn luôn lâm vào tình trạng thiếu thùng phuy. Mỗi lần giao xăng dầu xong lại phải chờ có đoàn mang thùng không ra thì mới đóng xăng dầu cho đoàn vào. Đã có thời kỳ vì thiếu thùng phuy mà nhu cầu thì quá cấp bách, nhiều đơn vị đã phải lấy nylon lót vào gùi để bộ đội gùi xăng dầu trên lưng vận chuyển vào các tuyến trong.
Theo lời kể lại của Đại tá Nguyễn Việt Phương thì người đầu tiên nghĩ đến việc sử dụng hệ thống ống xăng dầu trên chiến trường chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nêu ý tưởng có thể sử dụng 2 bộ đường ống xăng dầu do Liên Xô viện trợ tại chiến trường.
Cũng trong thời gian đó, tại chiến trường, vấn đề vận chuyển xăng dầu quá khó khăn, đã có một đơn vị tự phát làm ống dẫn xăng dầu bằng bương tre. Một trong những người đầu tiên có ý tưởng táo bạo này là Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm. Khi cho chảy thử trên một đoạn ngắn hơn 100 m thì xăng chảy tốt Nhưng đến khi thực hiện trên đoạn dài thì bao nhiêu sự cố ập đến: áp lực dòng xăng chảy trong ống lớn làm vỡ ống, giá đỡ xăng qua các đoạn địa hình phức tạp không đủ vững, ống bương tre không chịu nổi những chấn động của bom nổ... Kết quả là chẳng có giọt xăng nào tới đích, nhưng được đền đáp bằng "một gợi ý cho sau này" ...
Năm 1968, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện nghiên cứu ý tưởng lắp đường ống dẫn xăng bằng cây bương và cho rằng đây là ý tưởng hay. Ông nói Bộ sẽ nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng này.
Như vậy là hệ thống đường ống xăng dầu được hình thành từ ba bộ óc: Ý tưởng đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự thử thách táo bạo của cơ sở, sự kết nối giữa ý tưởng của đại tướng với cơ sở thông qua tinh thần dám nghĩ dám làm của Trung tướng Đinh Đức Thiện.
Nữ chiến sĩ xăng dầu trên đường Trường Sơn (Ảnh Vương Khánh Hồng)
Thực hiện
Ngày 12/04/1968, Tổng cục Hậu cần thành lập một đơn vị mang tên Công trường Thủy lợi 01 (vì công việc rất giống với công tác dùng đường ống để tưới nước cho đồng ruộng, chỉ khác "nước" bây giờ là xăng). Ban đầu, công trường chỉ có 34 chiến sĩ được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật lắp đặt đường ống.
Đến ngày 29/4, Công trường thủy lợi 01 được điều về khu vực Nghệ An và mang tên Công trường 18, với nhiệm vụ là chuyên trách việc xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu đầu tiên ở đây. Nhưng tất cả những con người trong Công trường 18, kể cả người lãnh đạo đến các chuyên gia kỹ thuật, chiến sĩ, thậm chí chính lãnh đạo Tổng cục Hậu cần cũng chưa ai có kiến thức gì về đường ống dẫn xăng dầu.
Liên Xô không hề có kinh nghiệm làm những đường ống dài hàng ngàn kilomet Nhưng theo yêu cầu của Việt Nam, Liên Xô không những viện trợ cho Việt Nam xăng dầu, mà còn cung cấp nhiều bộ đường ống thép dã chiến, mỗi bộ đủ lắp dài 100 km kèm theo là một chiếc máy bơm. Đó là cơ sở vật chất đầu tiên của hệ thống đường ống xăng dầu Trường Sơn.
Đến ngày 10/08/1968, đoạn đường ống thép đầu tiên đã được lắp đặt qua vùng "tam giác lửa" Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm. Đoạn này dài 42 km, nối từ kho xăng N1 thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn của Nghệ An, vượt qua sông Lam và sông La vào tới kho N2 ở Nga Lộc, huyện Can Lộc của Hà Tĩnh.
Từ thành công đầu tiên này, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trương lấy đoạn thể nghiệm này làm trung điểm để kéo dài ra hai đầu. Một đầu từ kho N1 vươn ra phía Bắc, nối thông đến vùng không có chiến sự để tạo nguồn xăng ở đầu vào được ổn định. Một đầu từ kho N2 tiếp tục vươn vào phía Nam bảo đảm cho tuyến vận tải chiến lược.
Từ đó hệ thống ống dẫn liên tiếp được nối dài thêm, hướng Bắc ra đến tận biên giới Việt - Trung, hướng Nam vào tận chiến trường.
Đường ống phía Nam có hai ngả:
Ngả vượt Tây Trường Sơn, tiếp nối với đoạn X42, có Công trường X42 với nhiệm vụ kéo đường ống từ Nga Lộc vào đến Tổng kho RH11 thuộc Xóm Rục, Quảng Bình. Công trường 18 bàn giao tuyến X42 cho đơn vị khác, vào đây làm tiếp đoạn ống xuyên từ Cổng Trời thuộc đất Quảng Bình, vượt qua đèo Mụ Giạ sang Lào, vào đến kho Nà Tông, thuộc tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào.
Giáp Tết Nguyên đán năm 1969, đường ống này hoàn thành và xăng dã được bơm qua đèo Mụ Giạ để vào đến kho Nà Tông, giao cho Trạm 31 có trách nhiệm trực tiếp cấp phát cho các đoàn xe tải Đoàn 559 đi tiếp vào Nam. Đúng giao thừa Tết Kỷ Dậu (1969) dòng xăng đã chảy vào kho Nà Tông.
Đến tháng 03/1969, Công trường 18 làm tiếp đoạn ống từ Nà Tông đến Ka Vát. Tính từ Vinh đến Ka Vát, đoạn đường ống này dài tới 350 km. Ngày 09/03/1969, xăng đã được vận hành thông suốt từ Vinh xuyên qua Trung Lào đến Ka vát.
Trong năm 1969, tuyến đường ống Tây Trường Sơn này tiếp tục vươn sâu vào phía Nam, tới Hạ Lào, tạt qua Tây Nguyên vào đến miền Đông Nam Bộ.
Ngả đi theo hướng Đông Trường Sơn, bắt đầu được thi công cũng từ đầu năm 1969. Tổng cục Hậu cần tổ chức thêm một công trường, gọi là Công trường 18B, chuyên trách đoạn đường này. Đoạn đường ống cũng bắt đầu từ Quảng Bình, tại trạm xăng dầu Bến Quang, vượt qua đường 9 ở đoan Cam Lộ, đi tắt một đoạn qua biên giới Lào rồi trở về Bù Lạch, Tây Nguyên vào tới Phay Khốc, thuộc địa phận tỉnh Kontum.
Tính đến năm 1972, hai đoạn đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã có chiều dài tới 700 km, với khối lượng kho dự trữ xăng dầu là 12.800 m3.
Ở ngoài Bắc, từ năm 1970, Tổng cục Hậu cần quyết định làm một đoạn đường đưa xăng trực tiếp từ Hà Nội vào Nghệ An. Lúc này đường ống dã chiến do Liên Xô viện trợ đã được sử dụng hết cho các tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn rồi, nên Việt Nam phải tự sử dụng những đường ống cố định để xây dựng đoạn này. Từ giữa năm 1970, đường ống bắt đầu được thi công và đến cuối năm 1971 thì hoàn thành. Như vậy xăng dầu từ tổng kho dự trữ lớn nhất của miền Bắc Việt Nam đặt tại Nhân Vực, phía Nam Hà Nội, đã được đưa trực tiếp qua Khu IV, vào cả hai tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn.
Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Bình Phước (Ảnh: Ban Liên lạc truyền thống Ngành xăng dầu quân đội)
Tháng 4/1972, Mỹ oanh tạc trở lại miền Bắc, phong tỏa cửa biển Hải Phòng, nguồn xăng đưa từ cảng Hải Phòng về bị tắc nghẽn. Nhà nước quyết định làm một đường ống nối từ Bãi Cháy (Hòn Gai) về Hải Dương, rồi từ Hải Dương về Nhân Vực. Như vậy các tàu chở dầu của Liên Xô ở Vịnh Hạ Long có thể trực tiếp chuyển dầu theo đường ống vào các kho sâu trong miền Bắc.
Trước tình hình đường bienr bị phong tỏa chặt, Chính phủ quyết định xây dựng thêm một đường ống dẫn xăng dầu từ Lạng Sơn về Nhân Vực để tiếp nhận xăng dầu theo đường bộ, từ biên giới Trung Quốc về qua Hà Nội và vào tới Trường Sơn. Xăng dầu này cũng do Liên Xô viện trợ, nhưng tàu Liên Xô không thể trực tiếp vào cảng của Việt Nam đợc nữa mà phải cập cảng Phòng Thành của Trung Quốc, rồi từ đó xăng dầu được chuyển về biên giới Việt Nam.
Đến ngày 25/09/1972, toàn bộ công trình đã hoàn thành với chiều dài 368 km, có 4 đường ống song song, có thể đồng thời bơm cả xăng và diesel. Tuyến đường này có mật hiệu là T72.
Cuối năm 1972, Nhà nước quyết định cho làm một hệ thống đường ống nữa, có mật danh là T72B đi từ Móng Cái qua Hải Dương nối vào hệ thống kho chính tại Nhân Vực.
Mạng lưới đường ống dẫn dầu dài hơn 5.000 km nêu trên là tính từ biên giới phía Bắc nước ta, bắt đầu từ hai điểm đầu mối tiếp nhận thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn; còn điểm khởi đầu là từ cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Những con tàu lớn chở xăng, dầu từ Liên Xô cập cảng Phòng Thành và nguồn nhiên liệu từ đó sẽ theo hệ thống đường ống như những mạch máu chảy vào phía Nam, cung ứng một nguồn vật chất hết sức thiết yếu cho những chiến dịch, cho từng trận đánh …
Kết quả
Tính đến mùa Xuân năm 1975, trải qua 7 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đường ống xăng dầu đã có tổng chiều dài của ống dẫn là hơn 5.000 km, bắt đầu từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển của miền Bắc kéo dài qua miền Trung đến tận Nam Bộ. Nhiều đoạn có tới 4 đường ống chạy song song, đảm bảo có thể cùng một lúc chuyển nhiều loại xăng dầu.
Hầu hết các ống thép dẫn xăng dầu đều do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam, trong đó: Liên Xô 56 bộ, Trung Quốc 11 bộ, các nước khác 45 bộ (tất cả đều là ống thép dã chiến phi 100 mm).
Về chiều dài của Hệ thống ống xăng dầu trên Đường Hồ Chí Minh có nhiều con số khác nhau. Nếu tính từ điểm xuất phát của cả 2 nhánh Đông và Tây Trường Sơn tại Bến Quang (Quảng Bình) vào tới Bù Gia Mập, thì tổng chiều dài là 1.445 km. Nếu tính cả hệ thống ống dẫn từ các ngả Lạng Sơn, Móng Cái vào Nhân Mục rồi từ đây vào Quảng Bình, với nhiều nhánh hợp lưu, nhiều nhánh phân chia, nhiều đoạn song song, nhiều đoạn nối ngang... thì tổng chiều dài của đường ống lên tới trên 5.000 km. Trên toàn bộ hệ thống này, có tới 114 trạm bơm đẩy, hơn 100 kho xăng dầu với sức chứa trên 300.000 m3.
Bộ đội xăng dầu đã phát triển thành 9 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn công trình, 1 trung đoàn thông tin, 2 nhà máy cơ khí, 3 tiểu đoàn xe vận tải. Sự nghiệp này cũng là một huyền thoại. Nó góp phần quyết định cho sự nghiệp vận chuyển chi viện cho miền Nam . Trong 7 năm 1968-1975, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam 5,5 triệu m3 xăng dầu.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đánh giá: “Ngành đường ống xăng dầu Trường Sơn đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, bảo đảm yêu cầu cơ động cao của các quân đoàn, các binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch…Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.
Dương Thành