Đường chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, trước sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, tuyến vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn không ngừng phát triển, vươn ra khắp các chiến trường, bảo đảm vận chuyển sức người, sức của, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam
Chủ trương mở đường chi viện cách mạng miền Nam
Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 chủ trương chuyển hướng chiến lược của cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Năm 1960, Nghị quyết Đại hội III xác định cách mạng Việt Nam gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. “Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội” [1]. Đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, vấn đề tìm phương thức chuyển sức mạnh vật chất và binh lực, xây dựng tuyến chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam được đặt ra.
Thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân uỷ đã quyết định thành lập Đoàn 559, chính thức giao nhiệm vụ mở đường chi viện vào chiến trường miền Nam. Thượng tá Võ Bẩm được cử làm Đoàn trưởng kiêm Chính ủy[2].
Một đoạn đường trên con đường Trường Sơn huyền thoại (Ảnh tư liệu)
Ngăn chặn, đánh phá
Phát hiện sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã tổ chức nhiều chiến dịch đánh phá từ Cửa Việt lên biên giới Việt – Lào, làm cho con đường vận chuyển Đông Trường Sơn bị ngăn chặn.
Từ khi ta phát triển vận tải cơ giới thành một phương thức cơ bản (giữa năm 1964), cùng với sử dụng lực lượng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành một cuộc “chiến tranh ngăn chặn” tuyến chi viện chiến lược của ta với cường độ ngày càng cao trên toàn tuyến. Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiến hành các biện pháp bí mật đưa đặc vụ Nam Việt Nam ra miền Bắc thiết lập mạng lưới gián điệp theo dõi, rải truyền đơn, đưa các lực lượng nhỏ vào vùng “cán xoong” và Lào để thăm dò, tìm cách đánh phá các đường tiếp tế của ta. Hoa Kỳ huy động nhiều lực lượng, phương tiện, công nghệ - kỹ thuật chiến tranh hiện đại, biến Trường Sơn thành nơi thử nghiệm các chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất. Địch sử dụng đủ loại máy bay, từ máy bay trinh sát chỉ điểm, máy bay phản lực chiến đấu, máy bay ném bom bắn phá, máy bay AC.130 chuyên săn lùng mục tiêu cơ giới di động, đến máy bay chiến lược B.52 rải thảm tọa độ, cày xới nhiều lần cả ngày đêm. Kẻ thù sử dụng bom đạn đánh phá, ngăn chặn phương tiện giao thông vận tải, phá hỏng cầu cống, ngầm, đèo, đường ống xăng dầu, đường dây thông tin, giao liên… Ác liệt hơn, Hoa Kỳ sử dụng các loại vũ khí hiện đại trang bị điện tử như bom từ trường, bom lade, “cây nhiệt đới”… phát hiện tiếng động của người và phương tiện trên mặt đất, thả chất độc hóa học hủy diệt cây cối, các cánh rừng nhằm phát hiện kho tàng, gây mưa, mù nhân tạo, gây lầy lội đường, gây bệnh tật nguy hiểm cho con người. Đường Trường Sơn trở thành một chiến trường vô cùng ác liệt.
Không lực Hải quân Mỹ ném bom đường mòn Trường Sơn (Ảnh tư liệu)
Quyết tâm giữ vững mạch máu chiến lược
Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trong quá trình chỉ đạo quân và dân ta trên hệ thống giao thông chiến lược xuyên suốt Bắc – Nam chiến đấu chống sự ngăn chặn của địch, tập trung lực lượng lớn bộ binh, công binh, pháo binh, phòng không, thông tin, vận tải cơ giới, hậu cần kỹ thuật… thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, chiến đấu trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn.
Quân và dân ta trên mặt trận đường chiến lược Trường Sơn với tinh thần dũng cảm phi thường, trí thông minh, sáng tạo, vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt, “quyết tâm mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, đánh bại mọi thủ đoạn xảo quyệt của địch
Tuyến vận tải chiến lược do Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm, tổ chức thành các sư đoàn ô tô vận tải; các sư đoàn, trung đoàn công binh; các sư đoàn, trung đoàn phòng không, làm nhiệm vụ mở đường, bảo vệ đường và vận tải hàng hóa quân sự từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường.
Việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện mạng giao thông chiến lược đường bộ trên cả 2 tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn không những có tác dụng làm tăng khả năng sử dụng phương tiện, tăng năng suất vận chuyển trên tuyến, mà còn tạo điều kiện cho tuyến vận tải chiến lược chủ động khắc phục quy luật thời tiết trên địa bàn Trường Sơn, kéo dài thời gian vận chuyển từ tháng 6 lên khoảng giữa tháng 10 trong năm. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để tổ chức vận chuyển lớn chi viện cho các chiến trường, chuẩn bị và tổ chức bảo đảm hậu cần cho thời cơ chiến lược lớn.
Đương đầu với sự đánh phá ác liệt, vượt mọi khó khăn về địa hình, thời tiết, bom đạn, quân dân ta xây dựng được tuyến đường dài gần 17.000 km, bao gồm 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang vươn tới các vùng, các chiến trường; đường giao liên dài 3.000 km, đường sông dài 500 km, đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường thông tin tải ba gần 1.300 km và 14.000 km đường hữu tuyến dây bọc và thiết bị tiếp sức[3].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội Trường Sơn có bước trưởng thành vượt bậc. Lục lượng đảm bảo giao thông vận tải, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược lúc cao nhất lên đến hơn 12 vạn quân, gồm các quân binh chủng và thanh niên xung phong được tổ chức thành 9 sư đoàn[4].
Binh chủng Công binh “chân đồng vai sắt” tập trung lực lượng và trang bị, mở rộng mạng lưới cầu đường dọc ngang, xây dựng đường cơ bản, liên hoàn, thông suốt và vững chắc. Binh chủng vận tải là lực lượng chủ yếu của tuyến đường, từ vận tải đường bộ theo cung ngắn, đội hình nhỏ, chạy ban đêm là chính, tiến lên vận tải đa phương thức trên cả đường bộ, đường sông, cả ban ngày và ban đêm, ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Các lực lượng bộ binh, giao liên, thông tin - liên lạc, bộ đội đường ống xăng dầu, thanh niên xung phong… sáng tạo, chủ động bảo đảm giao liên, thông tin, xăng dầu thông suốt, vượt sang Tây Trường Sơn, xuyên qua Trung , Hạ Lào, băng qua Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ.
Lực lượng bảo đảm tuyến vận tải chiến lược cũng không ngừng phát triển. Ban đầu chỉ là quy mô cấp tiểu đoàn (làm nhiệm vụ “xuyên sơn” xoi đường), đến những năm 1973-1975, đã phát triển tương đương cấp quân khu, biên chế gồm: Bộ Tham mưu và các cục (phòng không, công binh, vận tải, xăng dầu, chính trị, hậu cần), 9 sư đoàn (tổng cộng 42 trung đoàn); ngoài ra, còn có 27 trung đoàn trực thuộc. Trên toàn tuyến đường, thường xuyên có khoảng 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn một vạn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ[5].
Bên cạnh đó, lực lượng dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương nơi có tuyến vận tải đi qua cùng tham gia vận chuyển.
Mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt, góp phần tạo nên một hệ thống dây chuyền vận hành liên hoàn, nhằm đảm bảo cho mỗi chuyến hàng được vận chuyển đến đích an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế sự phân định nhiệm vụ chỉ là tương đối, bởi nhiều tình huống bất thường liên tiếp diễn ra.
Để vận chuyển hàng tới chiến trường, các lực lượng trên chiến trường sáng tạo nhiều phương thức, bên cạnh phương tiện cơ giới, như: gùi thồ, thuyền mảng, xe đạp thồ,… tận dụng triệt để dòng chảy của những sông suối.
Ngã ba Đồng Lộc, một trọng điểm đánh phá của địch (Ảnh tư liệu)
Trên tuyến đường, thế trận chiến tranh nhân dân được tạo lập bao gồm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công và nhân dân trên địa bàn với hàng nghìn kho tàng, binh trạm, lán trại, trận địa chiến đấu,… Các lực lượng trên tuyến đường vừa đánh địch bảo vệ giao thông, khắc phục cầu, đường ở các trọng điểm địch đánh phá, vừa có thể bảo đảm mọi mặt tại chỗ (quân y, lương thực) cho các lực lượng vận tải trên tuyến đường. Thế trận chiến tranh nhân dân ở Trường Sơn không chỉ tiêu hao, tiêu diệt địch rộng khắp, mà còn đối phó hiệu quả với lực lượng không quân và lục quân địch, bảo vệ hàng nghìn kilômét đường.
Cùng với lực lượng phòng không chốt giữ yếu địa, lực lượng phòng không cơ động và các lực lượng khác có mặt ở Trường Sơn tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp để đánh trả có hiệu quả không quân địch. Nhờ thế trận đó, các lực lượng bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và nhân dân trên tuyến đường đã đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc hành quân càn quét, các thủ đoạn phá hoại của địch.
16 năm xây dựng, chiến đấu bảo vệ tuyến đường Trường Sơn, cùng nhân dân cả nước, nhân dân các tỉnh nơi có tuyến đường đi qua, đóng góp nhiều nhất sức người sức của, trực tiếp cùng các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong xây dựng, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược.
Khe Hó (Vĩnh Linh – Quảng Trị) là điểm đầu của tuyến đường lịch sử này. Từ Khe Hó phát triển về hướng tây qua làng Mít vào đến Tà Riệp, điểm cuối là Pa Lin. Địa hình khu vực này rất hiểm trở, núi cao, vực thẳm, nhiều đoạn phải vượt qua lèn đá chênh vênh nên việc triển khai thong đường rất khó khan. Thời điểm đó, địch đang tiến hành đánh phá ác liệt, dùng máy bay tuần tra, tung lực lượng thám báo, biệt kích nắm tình hình, tổ chức đánh phá những vị trí chúng nghi ngờ. Được sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền khu vực Vĩnh Linh, nhất là của đồng bào các dân tộc miền Tây Vĩnh Linh, Hướng Hóa, việc khảo sát cũng như bảo vệ an toàn cho tuyến đường có nhiều thuận lợi. Hơn 100 thanh niên các địa phương Vĩnh Linh, Hướng Hóa tình nguyện tham gia mở đường và làm công tác bảo vệ. Quá trình khai thông và bảo vệ các cung đường, lực lượng vũ trang, nhân dân Quảng Trị đóng góp hàng vạn ngày công để phục vụ xây dựng các cung đường[6]. Nhiều thanh niên Vân Kiều gùi thồ tới 90 đến 100 kg mỗi chuyến. Nhân dân các dân tộc trên vùng núi Hướng Hóa, nhân dân các bộ tộc Lào không quản mưa rừng thác lũ, ngày đêm sát cánh cùng bộ đội, thanh niên xung phong mở đường, đào đắp, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá. Nhiều cháu thiếu niên 13, 14 tuổi tình nguyện lên mặt đường cùng các anh chị, cô bác khuân đá, chặt cây, ngụy trang. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mặc dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vẫn một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Họ dành từng củ khoai, củ sắn, hạt gạo để tiếp tế cho bộ đội.
Các địa phương Liên khu 4 huy động tới 80 triệu lượt dân công phục vụ tuyến giao thông vận tải trên các chiến trường A,B,C[7]. Thế trận giao thông vận tải ở Liên khu 4 không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầu nối hậu phương với tiền tuyến lớn. Bên cạnh bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, mỗi người dân nơi đây có thể trở thành một chiến sĩ bắn máy bay địch, một chiến sĩ công binh mở đường, rà phá bom mìn, san lấp hố bom. Lực lượng vận tải nhân dân được huy động tối đa. Tỉnh Thanh Hóa thành lập Công ty Vận tải xe đạp thồ, các xã có sông thành lập các đội thuyền vận tải. Nghệ An, Hà Tĩnh huy động hang ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ, hàng trăm xe đạp thồ, hàng ngàn xe ba gác, xe bò, hàng chục vạn người gánh bộ. Từ năm 1965 đến 1968, riêng Hà Tĩnh, số hàng hóa được nhân dân gánh bộ vượt qua các trọng điểm lên tới 76.341 tấn, huy động 42.550 người tham gia[8].
Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh phát động phong trào “nghiêng nồi bớt gạo” để chi viện ra tiền tuyến. Hình ảnh các nữ dân quân Hà Tĩnh, các cụ phụ lão Hoằng Trường (Thanh Hóa) dùng súng trường bắn máy bay địch, các nữ thanh niên xung phong ngày đêm bám đường, sửa đường, phá bom nổ chậm; các bà mẹ, các em nhỏ đưa cơm nước ra trận địa; nhân dân cả xóm, cả làng xông vào khói bom cứu người, cứu xe, cứu hàng… là những hình ảnh phổ biến, trở nên bình thường trên mảnh đất “cán xoong” này. Hình ảnh “Mười cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc” (Can Lộc, Hà Tĩnh); tiểu đội anh hùng “Mười hai cô gái Truông Bồn” (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) đã “quyết tử cho mạch máu Truông Bồn quyết thông”; các nữ thanh niên xung phong ở “Hang Tám Cô” trên đường 20 Quyết Thắng (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) và hàng trăm tấm gương thanh niên xung phong, dân quân, dân công, anh hùng liệt sĩ, mãi mãi là những bản hùng ca bất diệt trong lịch sử dân tộc.
Từ năm 1959 đến năm 1975, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược này đã đánh 2.500 trận bộ binh, diệt hơn 18.000 tên địch; bắn rơi 2.455 máy bay các loại, làm thất bại cuộc chiến tranh hủy diệt và ngăn chặn bằng vũ khí tối tân, hiện đại, dai dẳng, quyết liệt, qui mô chưa từng có của đế quốc Mỹ. Để có được thắng lợi to lớn đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, gần 3 vạn người bị thương[9], hàng ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/đioxin là minh chứng cho sự ác liệt, gian khổ, hy sinh của các lực lượng trên tuyến đường.
Nơi ghi dấu tình đoàn kết quốc tế
Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ là nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là nơi thể hiện tình đoàn kết quốc tế. Hầu hết các phương tiện kỹ thuật vận tải, xe máy công trình, đường ống xăng dầu… đều do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ. Vì thế, việc vận tải trên tuyến đươc cơ giới hóa, xăng dầu vào chiến trường qua hệ thống đường ống hiện đại.
Tuyến vận tải Trường Sơn có những cung đường chạy trên đất bạn Lào và Campuchia, nên từ việc mở đường, bảo vệ đường, bảo vệ hàng và tham gia vận tải có sự đóng góp công sức của quân và dân các nước bạn. Nhận thức vai trò chiến lược của tuyến vận tải đối với toàn bộ chiến trường Đông Dương, các nước bạn Lào, Campuchia thống nhất với Việt Nam mở đường vận chuyển qua lãnh thổ nước bạn, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc mở đường và bảo vệ các căn cứ.
Từ năm 1965, khi Hoa Kỳ mở rộng đánh phá, nhân dân 17 mường (huyện) thuộc các tỉnh Nam Lào nằm trên tuyến đường Tây Trường Sơn đã tự nguyện dời bản làng, nhà cửa, bỏ nương rẫy đã từng nuôi sống gia đình họ bao đời, sơ tán vào rừng sâu, để tuyến đường mới bảo đảm được yêu cầu “gần nhất và dễ đi nhất”. Những đơn vị bộ đội, dân công Việt Nam xây dựng, chiến đấu trên tuyến đường được chính quyền, nhân dân và bộ đội nước bạn hết lòng giúp đỡ. Lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều hoạt động quân sự, vùng giải phóng ở Trung, Hạ Lào được mở rộng, tạo ra thế liên hoàn chấm dứt tình trạng độc tuyến của tuyến đường.
Một đoạn đường Trường Sơn chạy trên đất Lào (Ảnh Tư liệu)
Nhiều bà mẹ, gia đình Lào dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng đã mang "bát cơm sẻ nửa" để nuôi dưỡng thương binh; vượt qua bom đạn của kẻ thù, tiếp tế rau, gạo, thuốc men… đến các binh trạm trên các tuyến đường, trao tận tay các chiến sĩ Việt Nam. Ngoài ra, nhân dân các bộ tộc Lào còn góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển hàng hóa và thương bệnh binh, góp phần giữ thông suốt “con đường ra tiền tuyến”.
Nhờ sự giúp đỡ tích cực và hy sinh của nhân dân các bộ tộc Lào, đến cuối tháng 6-1961 đường mới mở nối liền đường số 12 và đường số 9 mang tên đường 129. Sự kiện thông đường 129 đánh dấu một bước phát triển quan trọng của tuyến chiến lược Đường 559, từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn, từ đơn thuần là đường gùi thồ nội địa dọc biên giới, Đoàn 559 đã mở thêm gần 200 km đường cho xe cơ giới hoạt động công vụ trên hướng Tây Trường Sơn dọc biên giới Việt-Lào.
Thành quả của sự đóng góp, hy sinh đầy tình đồng chí của quân và dân các bộ tộc Lào, nhất là việc đồng thuận cho Việt Nam “lật cánh” đường Trường Sơn sang phía Tây để tiếp nối huyết mạch cho chiến trường miền Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường Lào và Campuchia, đã làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng ba nước Đông Dương của kẻ thù. Thắng lợi của mặt trận đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Là biểu tượng của liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Đóng góp vào chiến thắng
Trên tuyến đường huyết mạch này, hàng triệu bộ đội, thanh niên miền Bắc đã vào Nam đánh giặc; hàng triệu tấn vật tư, binh khí kỹ thuật đã được đưa vào các chiến trường chi viện cuộc kháng chiến ở miền Nam và cho chiến tranh giải phóng ở Lào và Campuchia.
Năm 1974, khối lượng vận chuyển cho các hướng đạt 360.043 tấn, đạt 102% kế hoạch, trong đó giao cho chiến trường Nam Bộ được 37.832 tấn, đạt 171%; giao cho chiến trường Tây Nguyên 64.832 tấn, đạt 111%, gấp 3 lần năm 1973; giao cho chiến trường Khu 5 28.973 tấn, gấp 3 lần năm 1973; chiến trường Trị - Thiên (phía Nam) được 31.801 tấn, đạt 100%; giao cho bạn Lào 9.290 tấn, đạt 102%; giao cho Campuchia 5.230 tấn, đạt 130%[10].
Đường dẫn xăng dầu được nối liền với hệ thống của cả nước. Đến ngày mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, tuyến đường vận tải xăng dầu bảo đảm cung cấp cho hơn 10 nghìn xe vận tải, liên lạc hoạt động, gần 10 nghìn xe hơi và xe xích của các binh đoàn cơ động vào chiến trường[11]. Hệ thống kho chiến lược được xây dựng trên tuyến vận chuyển chiến lược ở một số đầu mối giao thông, mỗi khu kho có sức chứa hàng vạn tấn.
Từ năm 1959 đến năm 1975, bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh vận chuyển gần 1.400.000 tấn hàng hóa, vũ khí, trong đó cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 583.000 tấn, 5,5 triệu m3 xăng dầu. Đưa đón, vận chuyển trên 2 triệu cán bộ, chiến sĩ và cán bộ, nhân dân vào ra trên tuyến[12].
Van Geirt, nhà văn - nhà báo Pháp trong cuốn “Đường mòn Hồ chí Minh”, khi nghiên cứu về vai trò của con đường chiến lược này đã nhận xét: “Con đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế. Nó là biểu tượng cho cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Sol.W.Sanders, phóng viên tạp chí “Tin Mỹ và thế giới” trong bài “Ném bom con đường huyết mạch của cộng sản ở Lào” (Bombing Red slifeline in Laos) đăng trên số báo ngày 24-1-1966, viết “Hãy bay trên đường mòn Hồ Chí Minh khúc khuỷu quanh co xuyên nước Lào, bạn sẽ hiểu được vì sao Hoa Kỳ lại phải đương đầu với một công việc gay go đến thế để cố chốt một con đường tiếp tế chủ yếu của cộng sản chạy vào Nam Việt Nam… Vì con đường “khi ẩn khi hiện như thế” nên việc đánh cho đối phương phải ngừng sử dụng con đường này đặt ra nhiều vấn đề khó khăn…. Việc cộng sản Bắc Việt sử dụng con đường mòn để chuyển quân và đồ tiếp tế quân sự vào Nam Việt Nam đang liên tục gây nhức đầu cho các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ. Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh các đoạn đường ở Bắc Lào và Bắc Việt là những chỗ cây cối rậm rạp và có những đèo chật hẹp. Nhưng người ta cho rằng các trận đánh này chỉ làm giảm được mức độ thâm nhập của cộng sản khoảng 20% mà thôi”[13].
Đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn đóng vai trò vô cùng quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự phát triển về lực lượng trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn trong hoàn cảnh bí mật thể hiện ý chí, quyết tâm, kỳ công và sáng tạo của con người Việt Nam.
Kỳ tích đường Trường Sơn huyền thoại phải trả giá bằng sự hy sinh của trên 20.000 người, gần 30.000 người bị thương, trên 6.500 chiếc xe và máy bị hỏng, bị cháy[14]. Lịch sử đường Hồ Chí Minh mãi mãi là biểu tượng của khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức sáng tạo Việt Nam.
Hạnh Trịnh
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, 1959, Nxb. CTQG, H. 2002, tr.62-63.
[2] Bộ Quốc phòng. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. QĐND, H.2004, tr.181. Ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 46/QĐ - QP hợp thức việc thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy tên là Đoàn 559 và qui định lại nhiệm vụ của đoàn. Theo quyết định này, Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Tổng Quân uỷ. Xem thêm Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, Nxb. QĐND, H.1999, tr.43
[3] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H.2000, tr.571.
[4] Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh – Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb. QĐND, H. 2010, tr. 23.
[5] Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nxb. QĐND, H. 1999, tr. 534.
[6] Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh – Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb. QĐND, H. 2010, tr.535-536.
[7] Quân đội nhân dân Việt Nam – Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh – Một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb. QĐND, H. 1999, tr228.
[8] Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh – Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb QĐND, H. 2010, tr.308.
[9] Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn -đường Hồ Chí Minh, Nxb. QĐND, H.1999, tr.659.
[10] Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn -đường Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 568, 569.
[11] Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường mòn Hồ Chí Minh - một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb. QĐND,H.1999, tr. 33.
[12] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H. 2000, tr.571.
[13] Cục Chính trị – Tổng cục xây dựng kinh tế : Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm, 1979, tr.293.
[14] Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường mòn Hồ Chí Minh - một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb. QĐND, H.1999, tr. 56.