Đối với mỗi cá nhân, gia đình là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng thể chất và tinh thần, là nơi trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp, là nơi luôn sẵn sàng bao dung và sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Đối với xã hội, gia đình là tế bào, là thành tố quan trọng cấu thành nên xã hội. Hạnh phúc của từng gia đình góp phần kiến tạo nên hạnh phúc của quốc gia.
Hạnh phúc của từng gia đình góp phần kiến tạo nên hạnh phúc của quốc gia. Ảnh: Internet
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”[1].
Nhận thức vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển toàn diện con người và xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng gia đình, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc. Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-02-2005, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đề cao vai trò của gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình. Văn kiện nhấn mạnh: “..thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”[2]. Và quá trình xác định, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người phải “gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[3].
Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về chăm lo, xây dựng gia đình, trong thời kì đổi mới, hệ thống luật pháp, chính sách về gia đình không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Luật Bình đẳng giới (năm 2007), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008); Pháp lệnh Dân số (2013), ... đến Hiến pháp (2013) đều khẳng định tầm quan trọng cùa gia đình. Đặc biệt, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho đến nay, ngày Gia đình Việt Nam đã tròn 20 năm tuổi.
Năm 2021, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có chủ đề “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc”. Hàng loạt các thông điệp như: “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc; Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh; Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu thảo hiền; Gia đình là pháo đài, thành viên gia đình là chiến sỹ trong phòng, chống dịch bệnh” đã được lan tỏa trong xã hội để nhắc nhở tất cả mọi người hãy quan tâm xây dựng gia đình, gìn giữ những mối quan hệ rường cột trong gia đình bằng tình yêu thương và trách nhiệm, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đồng thời đấu tranh chống lại những tiêu cực xã hội đã và đang len lỏi vào trong không gian hết sức đầm ấm, thiêng liêng này.
Nhìn vào chiều sâu lịch sử văn hóa Việt Nam, có thể nói, văn hóa gia đình đã góp phần kiến tạo nên bản sắc dân tộc. Nếu như nước có quốc pháp thì nhà có gia phong. Gia phong là những tập quán, nền nếp trong một gia đình, là kết quả những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của các thành viên trong gia đình, được duy trì qua nhiều thế hệ, được tất cả các thành viên trong gia đình tuân thủ một cách tự giác. Gia phong là sự tập hợp của gia giáo (giáo dục trong gia đình), gia huấn (truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải phù hợp với quan điểm gia đình và đạo lý xã hội), gia lễ (nghi lễ, phép tắc của gia đình), ... Hay nói cách khác, gia phong chính là văn hóa của từng gia đình. Gia phong được hình thành trên cơ sở tiếp thu những giá trị văn hóa của dân tộc nhưng đến lượt mình, văn hóa của từng gia đình lại góp phần làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc. Đối với mỗi người Việt Nam, “nước” và “nhà” là hai phạm trù hết sức gắn bó, hòa quyện với nhau, chi phối cách cảm, cách nghĩ, thế ứng xử của từng cá nhân.
Trong xã hội hiện đại, văn hóa gia đình có những biến chuyển nhất định, thể hiện rõ ở qui mô và chức năng của gia đình. Gia đình tam, tứ đại đồng đường thưa vắng dần, thay vào đó là sự phổ biến của gia đình hạt nhân; Vị thế của người phụ nữ trong gia đình được khẳng định và tôn vinh; Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như quan hệ giữa bố mẹ và con cái, quan hệ giữa chồng và vợ trở nên dân chủ, bình đẳng hơn, ... Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam như tình yêu thương, sự gắn bó, chung thủy, tính trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình vẫn được gìn giữ. Trong nhiều thập niên qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thút hút được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng và tham gia. Nhiều địa phương xuất hiện những cách làm hay, những tấm gương tiêu biểu về ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng chung thủy, anh em hòa thuận ... Chính những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp này đã tạo nên một môi trường xã hội ổn định và lành mạnh. Văn hóa gia đình, theo thời gian, vẫn khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với việc tạo dựng nền văn hóa quốc gia.
Để gia đình thực sự trở thành bến đỗ yên bình và hạnh phúc, là nơi duy trì những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nguồn sức mạnh nội sinh đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi không chỉ mỗi gia đình mà cả xã hội phải cùng chung tay, góp sức. Mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi địa phương,... cần thường xuyên vun đắp những quan hệ ứng xử trong gia đình, khơi dậy tình yêu thương và trách nhiệm, lan tỏa những giá trị, những năng lượng tích cực của gia đình đến xã hội; chăm lo xây dựng cho gia đình bằng những chính sách, kế hoạch phù hợp. Xây dựng văn hóa gia đình cũng chính là hành động thiết thực vì một xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 01-1959
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu taofn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Tập 1, Hà Nội, trang 144.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Tập 1, Hà Nội, trang 143.
Lâm Minh Khuê