Dân tộc Việt Nam luôn lấy gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, chuẩn mực văn hóa truyền thống của cộng đồng, dân tộc. Một trong những giá trị quý báu đã được lưu truyền trong gia đình Việt Nam chính là tinh thần yêu nước.
Ảnh Gia đình Việt Nam (Nguồn: Internet)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Tinh thần yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, đã thấm sâu vào đời sống của nhân dân, là giá trị quan trọng được giáo dục trong gia đình Việt Nam.
Tinh thần yêu nước được ươm trồng trong gia đình một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đầy trìu mến, thương yêu qua lời ru của bà, tiếng ru của mẹ... Ngay từ thuở nằm nôi, bao thế hệ người Việt đã được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước thông qua những lời ru thể hiện lòng tự hào về lịch sử của dân tộc, về cảnh đẹp, về thuần phong mỹ tục, về những sản vật… của quê hương, đất nước mình:
“Ru con con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi…”
“Ai vô Bình Định mà coi
Con gái Bình Định đánh roi, đi quyền”...
Hay:
“Cô kia cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”…
Những lời ru đó đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ sự gần gũi, yêu thương, gắn bó với gia đình, quê hương và tình yêu nước trong sáng, thủy chung, bền vững. Trong gia đình truyền thống của dân tộc Việt Nam, các giá trị “trung - hiếu”, “hiếu - nghĩa” đã đi vào tâm khảm, ăn sâu vào tiềm thức và được thể hiện sinh động qua cuộc sống thực tiễn của mỗi con người. Tác giả Nguyễn Văn Huyên đã khẳng định: “Gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam. Sức mạnh của gia đình là ở chữ hiếu.”[2] Chữ Hiếu mang nhiều nội dung khác nhau: thể hiện nền nếp, gia phong, truyền thống của gia đình và dân tộc.
Trước tiên, nó quy định sự gắn kết giữa cá nhân và gia đình, đảm bảo cho hạnh phúc của gia đình, là tiền đề cho một xã hội ổn định và phát triển. Trong gia đình, các thành viên đều có mối liên kết mật thiết, ràng buộc lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau, đó là trách nhiệm giữa những người đang sống, trách nhiệm giữa người sống với người đã khuất, trách nhiệm của người hôm nay với thế hệ tương lai.
Ở đó, cha mẹ là rường cột của gia đình, là chỗ dựa của các con. Cha mẹ không chỉ thực hiện chữ hiếu với ông bà, tổ tiên mà còn phải dạy dỗ, hướng con cái trở thành người có ích cho xã hội. Cha mẹ phải luôn nhắc nhớ con cháu về tình nghĩa họ hàng, sự nghiệp của tổ tiên, truyền thống của dân tộc. Con cháu phải nỗ lực để được “vinh danh” và “hiển thân” để làm rạng danh cha mẹ, tổ tiên. Khi nghiên cứu về văn hóa gia đình Việt Nam, tác giả L.Cadière viết: “Chúng ta (những người con trong gia đình - TB) phải tự hoàn thiện về mặt trí tuệ và đạo đức để làm vinh hiển cha mẹ và nâng cao phẩm chất thân thể, tâm hồn, cuộc sống mà cha mẹ đã cho chúng ta… Ở mọi điều và mọi nơi, chúng ta phải xứng đáng với cha mẹ, ta phải làm vinh dự cho cha mẹ; ta không được phạm hành động nào có thể làm nhơ nhuốc gia đình. Đấy là điều răn dạy con cái trong gia đình người Việt”[3]. Như vậy, người con có hiếu phải là người kế thừa truyền thống gia đình, không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Đó là những người có khả năng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, góp phần làm cho đất nước hùng cường.
Không dừng lại ở việc gắn kết các cá nhân trong gia đình, “Chữ hiếu là một chất gắn kết ràng buộc chặt chẽ mọi người trong họ”[4]. Cha ông ta luôn nhắc nhở “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Nó lú có chú nó khôn”... Trong dòng họ, mọi thành viên đều có tránh nhiệm với nhau, người trên dẫn dắt, bao bọc người dưới; người dưới tôn kính, kế tục chí hướng người trên. Đặc biệt, khi nghiên cứu chữ Hiếu trong gia đình Việt Nam, L.Cadière khẳng định: “Bổn phận đối với người chung quanh, các bậc bề trên, những người đồng hàng hoặc kẻ dưới, bổn phận đối với đất nước cũng đều bao gồm trong chữ hiếu”[5]. Chữ Hiếu của người Việt Nam còn bao hàm cả nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với quê hương, đất nước. Gia đình người Việt Nam luôn chú trọng giáo dục con cháu: trung với nước là hiếu với cha mẹ.
Người Việt Nam không chỉ thực hiện “tiểu hiếu” (hiếu thuận với cha mẹ), mà còn chú trọng “đại hiếu” (trung với nước). Sách Thiên Nam ngũ lục ghi lại lời thề của bà Trưng Trắc trên đàn thề trước ba quân:
“Một xin rửa mối quốc thù,
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức thù chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Người Việt luôn biết gắn “thù nhà” với “nợ nước”, đặt “nợ nước” lên trên “thù nhà”. Chống lại kẻ thù xâm lược cũng chính là để xây dựng, bảo vệ hạnh phúc của gia đình. Là người Việt Nam, hẳn không ai không biết câu chuyện đầy cảm động về cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi. Năm 1407, nhà Minh sang xâm lược nước ta. Khi cha bị giặc bắt đưa về Kim Lăng (Trung Quốc), Nguyễn Trãi cùng em đã đi theo chăm sóc cha. Trước tình cảnh “nước mất, nhà tan”, đến cửa ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi nên rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, “thế mới là đạo hiếu”. Vâng lời cha, Nguyễn Trãi trở về, đem Bình Ngô sách tìm đến với nghĩa quân của Lê Lợi, hoàn thành nghiệp lớn.
Hay câu chuyện đầy ý nghĩa về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ôm mối hận trong lòng, trước khi mất, An Sinh vương Trần Liễu di ngôn lại cho Trần Quốc Tuấn: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”[6]. Khi có quyền lực trong tay, ông có điều kiện để thực hiện di ngôn của cha. Nhưng ông đã không thực hiện điều đó. Trước họa xâm lăng của đế quốc Nguyên - Mông, để xoá bỏ sự nghi ngại của ba quân, Trần Quốc Tuấn tự tay múc nước tắm cho Trần Quang Khải, tháo gỡ mọi khúc mắc giữa hai gia đình. Hành động đó của ông được cả triều đình và nhân dân ca ngợi.
Việc vun đắp tinh thần yêu nước trong gia đình Việt Nam cũng được thực hiện thông qua thực hành tín ngưỡng truyền thống - tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên. Các gia đình Việt Nam thường có bàn thờ gia tiên. Mỗi dòng họ có nhà thờ họ để thờ tổ tiên. Các làng có đình, đền thờ thành hoàng làng là người bảo trợ cho làng, người có công dựng làng, bảo vệ làng... Mở rộng ra, nước có tổ tiên của nước - người khai sinh ra dân tộc. Người Việt có Cha Rồng - Mẹ Tiên được tôn là Tổ của nước. Người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về tổ tiên của dân tộc với tâm niệm:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.
Nhìn lại quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, chúng ta ngày càng nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của gia đình trong việc giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Điều đó góp phần giải thích vì sao dân tộc Việt Nam đã vượt qua được mọi thách thức của lịch sử, tạo nên một dân tộc Việt Nam vững mạnh, có bản sắc văn hóa riêng.
Ngày nay, việc giáo dục tinh thần yêu nước trong gia đình Việt Nam cần hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là con đường để nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn”, “to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tr.33-34.
[2] Nguyễn Văn Huyên: Văn minh Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, tr.107.
[3] Xem Nguyễn Văn Huyên: Sđd, tr.116.
[4] Nguyễn Văn Huyên: Sđd, tr.108.
[5] Đỗ Trinh Huệ (biên khảo): Văn hóa, tín ngưỡng, gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L.Cadière, chủ bút tạp chí 'Bulletin des amis du vieux Hué" (1914-1944), Nxb Thuận Hóa, Huế 2002, tr.254.
[6] Nguyễn Thị Hương: Tư tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Nxb Lao động - Xã hội, H.2007, tr.97.
Thanh Bình