Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Việt Nam tiêu biểu được thế giới biết đến với tư cách Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong tư tưởng đoàn kết quốc tế của Người, độc lập, hòa bình, hữu nghị là những giá trị cốt lõi
Độc lập dân tộc - mục tiêu xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mục tiêu đấu tranh vì độc lập dân tộc là mục tiêu Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi suốt cuộc đời.
Từ mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã khéo lái con thuyền Việt Nam đi giữa những phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế những năm 60 thế kỷ XX.
Khi đó, đối với Hồ Chí Minh và đối với nhân dân Việt Nam, nhiệm vụ thiêng liêng nhất là chống Mỹ, cứu nước, giành lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc. Điều đó đòi hỏi tập trung mọi sức lực của toàn dân tộc, đồng thời tập hợp đoàn kết đến mức cao nhất mọi lực lượng trong khối đoàn kết quốc tế. Hồ Chí Minh giữ vững quan điểm độc lập dân tộc trong hoạch định đường lối cứu nước và chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân. Sự bất hòa trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có tác động tiêu cực đến cuộc kháng chiến, nhưng không thể làm chệch hướng, không thể làm dừng lại cuộc đấu tranh vì mục tiêu thống nhất đất nước.
Bằng đường lối quốc tế đúng đắn, Việt Nam đã giành được sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của hai nước Liên Xô và Trung Quốc, sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự đồng tình của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nguyên tắc đó trở thành cái khung cho các hiệp định chính trị, và đã được thể hiện ở Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết ngày 21/7/1954 và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết 27/1/1973.
Nhấn mạnh giá trị của độc lập dân tộc, đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng là mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Người nhấn mạnh, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên trái) với các nhân viên của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) - tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lập kế hoạch phối hợp hành động chống Nhật tại Việt Bắc, năm 1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển trong tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh
Trong suốt quá trình đấu tranh cho độc lập dân tộc, nhất là từ khi đứng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện đường lối ngoại giao Nhà nước, thì hữu nghị và hòa bình là hai điểm xuyên suốt, không thể tách rời trong tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh.
Giai đoạn từ 2/9/1945 đến 19/12/1946 là thời đoạn khó khăn, thử thách, nguy hiểm nhất đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, cũng là thời đoạn thể hiện rõ rệt nhất sự đấu tranh bền bỉ, kiên quyết cho độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh bằng con đường hòa bình.
Ngay sau khi giành được độc lập, bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 3/10/1945 đã đề ra mục tiêu góp phần giữ gìn hòa bình thế giới. Thông cáo viết: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”[2].
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương đối thoại: thực hiện “Hoa - Việt thân thiện” làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của quân đội Trung Hoa dân quốc tại Việt Nam.
Xác định kẻ thù của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp, mục tiêu thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là nhất quán, song Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, tìm ra những giải pháp hết sức khôn khéo, linh hoạt, chấp nhận cả những nhân nhượng (nhưng tuyệt đối không vi phạm lợi ích tối thượng của dân tộc), để giải quyết tranh chấp, xung đột, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh biết là khó tránh khỏi.
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 ký giữa Việt Nam và Pháp là điển hình của chủ trương ưu tiên đối thoại nhằm kéo dài hòa bình, tăng cường lực lượng chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến. Bản Tạm ước 14/9/1946 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Paris, trước khi trở về nước, là nỗ lực cao nhất của Hồ Chí Minh trong sự nhân nhượng với Pháp, cố gắng hết sức giữ mối quan hệ hòa bình mong manh với Chính phủ Pháp. Sau khi ký Tạm ước, trả lời báo Paris - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh”[3].
Từ cuối năm 1946 đến tháng 3/1947, toàn quốc đã bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục 8 lần gửi thư và điện cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, kêu gọi đình chiến lập lại hòa bình, mở lại thương lượng với những đề nghị hợp tình, hợp lý.
Theo đúng phương châm hòa hiếu, đối với Người, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình. Trong Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp (10/1/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”[4].
Không chỉ thương thuyết với phía Pháp, trong những năm 1945-1948, Hồ Chí Minh liên tục kêu gọi các cường quốc Hoa Kỳ Liên Xô, Trung Quốc, Anh can thiệp để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Riêng với Hoa Kỳ, từ cuối năm 1945 và đầu năm 1946, Hồ Chí Minh đã gửi 8 bức thư cho Chính phủ Mỹ với nội dung Việt Nam chủ động nêu đề nghị có thể hợp tác hoàn toàn với Mỹ một cách hữu hảo, trên cơ sở Mỹ công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11/1964 (Ảnh tư liệu)
Đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập dân tộc, hoà bình cho Tổ quốc, nhưng Hồ Chí Minh không phải là một người dân tộc chủ nghĩa cực đoan, trái lại, Người là nhà quốc tế chủ nghĩa chân chính, đấu tranh cho hoà bình của Việt Nam, song lại đặt nền hoà bình ấy trong hoà bình của thế giới.
Tháng 5/1954, bước vào cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị tại Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dưong, Hồ Chí Minh và Đảng ta ngay từ đầu đặt mục tiêu phải đạt được giải pháp quân sự, chính trị cho cả Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thông điệp cho chính giới Hoa Kỳ, đề nghị đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Khi quân Mỹ tăng cường chiến tranh, một mặt Người kêu gọi quân dân ta “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,” đồng thời chủ trương vừa đánh vừa đàm để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Hồ Chí Minh nêu chủ trương “trải thảm đỏ” hoặc “nhịp cầu vàng” để Mỹ rút quân về nước. Người căn dặn phái đoàn ngoại giao của Việt Nam trước khi đàm phán tại Pari với Mỹ rằng: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”[6].
Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với nhân dân Mỹ - những người cũng đang là nạn nhân đau khổ của cuộc chiến tranh. Người viết: “nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam”[7].
Tiếng nói chính nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ đồng tình và chính họ đã tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục chống chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Chưa bao giờ trên thế giới có một phong trào ủng hộ sự nghiệp của một dân tộc lại có quy mô rộng lớn như phong trào quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, nhất là cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỷ XX.
Nhiều người nước ngoài khi tìm hiểu về Hồ Chí Minh, đều khâm phục, thừa nhận lòng nhân ái của Người “cuộc đấu tranh suốt đời để giành độc lập cho nước mình đã không làm Hồ Chí Minh trở thành một người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, trái lại, Người vẫn là một người quốc tế chủ nghĩa vĩ đại với một nhãn quan thế giới”[8]. Trong nhiều trường hợp, nhân dân thế giới biết đến và ủng hộ Hồ Chí Minh, trước khi họ biết đến và đoàn kết với Việt Nam.
Rômét Chanđra - Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hoà bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”[9].
Hạnh Trịnh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.64.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.9, tr.50
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,2002, t.4, tr.473
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.24.
[5] Phạm Xuân Nam: Hoạt dộng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày tuyên bố độc lập, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 1990, số 5.
[6] Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.271-272.
[8] W. E. Gollan: Hồi ức về Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H.1990, tr.165.
[9] Báo Nhân dân, ngày 21/5/1980.