Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, những giá trị văn hóa cốt lõi luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, bền bỉ, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp đất nước vượt qua nhiều gian lao, thử thách khắc nghiệt để vươn lên. Nhận thức được điều đó, Đảng ta đã chú trọng phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH), góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, “thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta”.
Bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: dangcongsan
Ở Việt Nam, bảo đảm ASXH được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, bảo đảm ASXH bao gồm 4 vấn đề: (1) Đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro trên thị trường lao động thông qua các chính sách đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tín dụng, tạo việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đơn chiều, đa chiều, bền vững. (2) Bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro về sức khỏe khi ốm đau, tai nạn, tuổi già và khi bị thất nghiệp thông qua các hình thức, cơ chế bảo hiểm xã hội để bù đắp một phần thu nhập bị mất hoặc bị suy giảm. (3) Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường, vượt quá khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo. (4) Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số - bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý [1].
Như vậy, bảo đảm an sinh xã hội chính là việc nhà nước, xã hội chắc chắn có đầy đủ những điều kiện cần thiết để bảo vệ, tạo lập, vun đắp một cuộc sống thực sự an toàn, hạnh phúc cho mỗi người dân.
Để thực hiện được các mục tiêu nhân văn này, Đảng ta chủ trương: “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái của dân tộc ta. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội”[2].
ASXH có những nguyên tắc cơ bản là hướng đến toàn dân, đảm bảo sự đoàn kết, chia sẻ và tương trợ cộng đồng đối với các rủi ro trong đời sống con người, có tác dụng thúc đẩy sự đồng thuận, bình đẳng và công bằng trong xã hội. Những giá trị cốt lõi mang tính nguyên tắc của ASXH cũng chính là những giá trị văn hóa, truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người Việt Nam.
Lấy dân làm gốc: Tư tưởng “lấy dân làm gốc”, giúp dân, chăm lo cho đời sống của người dân luôn là tư tưởng quan trọng, chủ đạo, là quy chuẩn, là “sách lược ngàn năm” dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lý Công Uẩn khẳng định việc dời đô đến Thăng Long để xây dựng nghiệp lớn là do “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”, với mục đích quan trọng nhất là “làm cho dân được giàu của, nhiều người”[3]. Điều này cũng được đúc kết thành một nguyên tắc cai quản đất nước của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”[4]. Tư tưởng yêu nước, thương dân, chăm lo đến đời sống và nguyện vọng của dân cũng chính là điều quán xuyến toàn bộ đường lối và mục đích chính trị của Nguyễn Trãi sau này: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Triết lý sâu sắc về nhân dân tiếp tục được vận dụng, phát huy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tư tưởng cốt lõi trong mọi đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của Nhân dân…”[5].
Với nhận thức như vậy, mọi quan điểm chỉ đạo thực hiện đảm bảo an sinh xã hội của Đảng ta đều xoay quanh mục tiêu vì cuộc sống an toàn và ổn định của mỗi người dân. Sự bổ sung, phát triển các quan điểm chỉ đạo về đảm bảo an sinh xã hội của Đảng ta qua các kỳ Đại hội đã thể hiện quyết tâm và những cam kết thực hiện ngày một tốt hơn nhiệm vụ đảm bảo cuộc sống an toàn, tốt đẹp cho nhân dân. Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, “bảo đảm an sinh xã hội” được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng yếu để phát triển bền vững đất nước: “Bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”[6]. Đại hội XII đặt ra mục tiêu: “Tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả đến mọi người dân... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội cho công dân”[7].
Các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[8]. Từ đó, Đảng đã chỉ đạo rất cụ thể những nhiệm vụ nhằm đảm bảo an sinh xã hội như: Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm… Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân; cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; thực hiện các biện pháp chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam,...”[9].
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng, một hệ thống các văn bản, chính sách của Nhà nước đã được xây dựng, củng cố và ngày càng hoàn thiện[10]. Đặc biệt, đảm bảo an sinh xã hội đã trở thành quyền hiến định tại điều 34 của Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Công dân phải được bảo đảm một cuộc sống an toàn bởi mạng lưới ASXH ngày một đầy đủ và có độ bao phủ rộng.
Công bằng, bình đẳng: Đây là những giá trị gắn với truyền thống dân chủ làng xã, là cơ sở của sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. An sinh xã hội, với tư cách là một quyền cơ bản của con người, là tiêu chí quan trọng phản ánh trình độ phát triển của một quốc gia phải được bảo đảm trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Thông qua hệ thống an sinh xã hội, nhà nước thực hiện phân phối lại thu nhập và dịch vụ cho người nghèo và những nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương, góp phần ổn định cuộc sống cho họ, giảm nghèo, từng bước thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”(bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định phương hướng chủ đạo của chính sách xã hội ở Việt Nam là: Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách. Trong định hướng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội của Đại hội XII, tiêu chí công bằng, bình đẳng là một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng các chính sách: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng”, “tiếp tục bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch mới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng… bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân”…[11]. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản”[12], “đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội”[13]. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung để thể hiện ngày càng đầy đủ hơn về nhận thức và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề liên quan tới bình đẳng, công bằng trong đảm bảo an sinh xã hội.
Đoàn kết, nhân ái, sẻ chia: Người Việt Nam vốn có truyền thống coi trọng cộng đồng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh, vượt qua những khó khăn, thử thách, “tay đứt ruột xót”, “lá lành đùm lá rách”. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đã nhấn mạnh: Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý… chính là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đoàn kết, nhân ái, sẻ chia là những giá trị tạo nên sức mạnh của cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận xã hội, nó đặc biệt có ý nghĩa trong những cảnh huống bất thường của cuộc sống. Trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Đảng ta đã định hướng: Để thực hiện tốt các chính sách bảo trợ, cứu hộ, phải huy động mọi nguồn kinh phí, từ sự đóng góp của toàn dân (các quỹ xã hội, các hội từ thiện), tranh thủ sự viện trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế và một phần dựa vào ngân sách nhà nước. Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh giải pháp quan trọng này: “Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế” [14].
Thực tế cho thấy, những giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam đã được phát huy, góp phần vào thành công của các chính sách ASXH. Đặc biệt, trong thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa qua, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được khơi dậy, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách phòng, chống dịch hiệu quả nhất. “Ý Đảng, lòng dân” nhất quán "chống dịch như chống giặc", kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Do vậy, để đảm bảo cuộc sống an toàn cho mỗi người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, các cấp chính quyền cần tập trung tìm các phương thức nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam trong chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm an sinh xã hội một cách thực chất và hiệu quả.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI: “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” ngày 1-6-2012
[3] Thơ văn Lý – Trần, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr 229-230
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1972 tr 88-89
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 311
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 227
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr 137
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2021, Tập 1, tr.27
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2021, Tập 1, tr.149 -150
[10] Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lao động; Luật việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em…, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật. Hà Nội. 2016, tr.136,138.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2021, Tập 1, tr.264
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2021, Tập 1, tr. 265
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật. Hà Nội. 2016, tr.137.
Lương An