Những giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên một cốt cách, bản lĩnh, khí phách, tâm hồn Việt Nam; trở thành hệ giá trị cốt lõi của dân tộc; là bức trường thành vững chãi bảo vệ đất nước Việt Nam ngàn năm qua và ngàn năm sau. Đó là các giá trị yêu nước; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; nhân văn, yêu chuộng chính nghĩa; là sự cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số trong ngày hội đoàn kết. Ảnh: vietnamhoinhap.vn
Có bao giờ bạn tự hỏi do đâu đất nước Việt Nam mình luôn chiến thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh bên ngoài, do đâu đất nước mình luôn vượt qua được những thử thách của thời cuộc, của tự nhiên?! Câu trả lời chắc chắn là không đơn giản. Không đơn giản bởi cần lý giải từ những giá trị kết tinh của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua, khó mà định tên qua dăm ba câu chữ.
Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đã thấm sâu vào máu thịt con người Việt Nam, tạo nên một cốt cách, bản lĩnh, khí phách, tâm hồn Việt Nam, trở thành hệ giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam, là bức trường thành vững chãi bảo vệ đất nước Việt Nam ngàn năm qua và ngàn năm sau. Đó là các giá trị lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, là tính nhân văn, yêu chuộng chính nghĩa, là sự cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên.
Lòng yêu nước của người Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Chính “làn sóng cô cùng mạnh mẽ” ấy đã làm nên những trận thắng Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng, Điện Biên Phủ vang dội. Lòng yêu nước như là mã gen di truyền của người Việt Nam, một hằng số trong hệ giá trị Việt Nam qua bao thế hệ, bất kể già - trẻ, trai – gái, bất luận tầng lớp, địa vị nào trong xã hội. Chắc hẳn rằng, đối với những ai yêu văn hóa truyền thống nước nhà, yêu những loại hình nghệ thuật truyền thống cũng không thể nào quên câu nói lối bất hủ của nhân vật Trưng Trắc trong tuồng cải lương Tiếng trống Mê Linh: Hỡi đồng bào trăm họ/Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/Thà chết mà đứng thẳng/Không cam chịu sống quỳ/Đất nước Nam cẩm tú/Người dân Nam anh hùng/Trước đền thờ Quốc Tổ/Thề hy sinh giết giặc cứu non sông. Lời hiệu triệu từ thuở xa xưa đến lời kêu gọi xây dựng đất nước của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước hôm nay đều có mẫu số chung là tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng xây dựng non sông.
Lòng yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ảnh: thethaovanhoa
Trong cuốn sách “Việt Nam, ngày nay”, David Lamb – một nhà báo Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đã viết: “Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam. Họ quá tin chắc vào sức mạnh quân sự sẽ thắng cuộc chiến, không bao giờ buồn để ý đến chuyện tìm hiểu là họ chiến đấu với ai…. Mỹ tới rừng rú Việt Nam để chiếm lòng dân, nhưng trong cuộc chiến lâu dài nhất – cuộc chiến đầu tiên mà Mỹ thất trận – đã khám phá ra rằng những dụng cụ chiến tranh không thể thay thế cho sinh khí của tinh thần quốc gia của người dân Việt Nam”[2]. Chính là lòng yêu nước đã tạo nên sức mạnh, khát vọng vì hòa bình, độc lập, tự do của Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, tương thân tương ái của là truyền thống Việt Nam. Lịch sử đất nước có lúc thịnh, lúc suy, song dân tộc Việt Nam chưa có lúc nào mà không đoàn kết và yêu thương nhau. Chính sức mạnh của đoàn kết đã đẩy lùi tất cả các thế lực hung tàn nhất, vượt qua những thời đoạn khắc nghiệt nhất. Những người trẻ chưa từng sống trong cảnh đất nước lầm than, thiên tai, loạn lạc chắc rằng ít có dịp để nhận ra điều đó. Nhưng, sự hoành hành của đại dịch COVID-19 hiện nay sẽ là lúc để người trẻ Việt Nam chiêm nghiệm những giá trị tốt đẹp này của dân tộc. Biết bao chuyến xe nghĩa tình chở những người tình nguyện, những kiện hàng chi viện ngược xuôi Nam, Bắc – mà có đôi khi chỉ là những vật phẩm tầm thường nhưng là tình cảm thiêng liêng của những con người được gọi chung là đồng bào ruột thịt. Thế mới thấy hết được sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam, mới tự hào là dòng dõi rồng tiên.
Lòng yêu chuộng chính nghĩa và sự nhân văn tạo nên con gười Việt Nam mạnh mẽ và kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh ấy còn xuất phát từ tinh thần bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ giá trị “chân” của con người, hướng tới giá trị “thiện” của toàn nhân loại. Bởi thế mà Nguyễn Trãi đã viết rằng: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Bởi thế mà, Bác Hồ - người Việt Nam tiêu biểu nhất đã từng nói: “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”[3]. Điều đó tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, sức mạnh có sức cảm hóa lớn lao.
Tính cần cù, sáng tạo, nghị lực, có khát vọng vươn lên như là một đặc trưng dân tộc. Hiếm có đất nước nào trên thế giới có già nửa khoảng thời gian dựng nước là phải cầm vũ khí lên để tranh đấu giữ nước, cùng với thiên tai hoành hành. Tất cả những thử thách đó tưởng chừng có thể làm gục ngã bất cứ cộng đồng nào. Thế nhưng, dân tộc Việt Nam vẫn chắc tay súng, vững tay cày, bền bỉ dựng xây đất nước, với tư tưởng “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[4]. Đó là sức mạnh nội sinh quan trọng để dựng xây đất nước.
Bức ảnh Thông điệp lịch sử của nhiếp ảnh gia Larry D’Attilio. Ảnh: tuoitre.vn
Chính vì nhận thức vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đối với việc xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận ta ở trong tay ta”[5].
Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6]. Từ đó có thể khẳng định rằng, văn hóa nói chung và các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng có vị trí, vai trò đặc biệt trong việc xây dựng sức mạnh và khát vọng Việt Nam, là nền tảng tinh thần, động lực quan trọng đưa đất nước vươn xa.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38.
[2] David Lamb: Vietnam, ngày nay, Nxb. Public Affairs, New York, 2002, tr. 91.
[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 510
[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 460.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr.46.
Trung Tấn