Trong những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, cùng với việc việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên đất liền với mục tiêu giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đã không quên nhiệm vụ giải phóng các đảo và quần đảo, phần lãnh thổ thân yêu ngoài khơi xa của Tổ quốc
Hiện nay, một số sách, báo, bài viết cho rằng: Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản quần đảo Trường Sa từ tay quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, trên thực tế, ta đã nêu cao cảnh giác, chủ động xây dựng kế hoạch và tiến công giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, góp phần vào chiến thắng trọn vẹn của Đại thắng mùa Xuân 1975.
Bối cảnh lịch sử và yêu cầu giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên (3/1975), trên cơ sở đánh giá tình hình, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định: chiến trường Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nếu chúng ta không chủ động, kịp thời giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, quân đội nước ngoài có thể nhảy đánh chiếm vào bất cứ lúc nào khiến cho việc giành và bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo của Tổ quốc càng trở nên khó khăn, phức tạp. Bài học về sự kiện ngày 19/01/1974, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho lực lượng quân đội đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (lúc này đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa quản lý) đòi hỏi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương phải có những quyết định kịp thời, chính xác, chủ động nắm bắt tình hình, tránh để tiếp tục rơi vào tình thế bị động, bất ngờ về chiến lược.
Quyết định chiến lược đúng đắn, kịp thời
Cuối tháng 3/1975, Quân ủy Trung ương kiến nghị lên Bộ Chính trị về việc phải chớp thời cơ, nhanh chóng giải phóng các đảo và quần đảo phía Nam với chủ trương: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và các quần đảo mà quân ngụy đang chiếm đóng”.[1]
Ngày 30/3/1975, Quân ủy Trung ương điện khẩn cho đồng chí Võ Chí Công, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5 chủ động nghiên cứu tình hình, nhằm thời cơ thuận lợi nhất sử dụng lực lượng đủ mạnh giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa nắm giữ.[2]
17 giờ 30 phút ngày 4/4/1975, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi bức điện lịch sử mang mã số 990B/TK lệnh cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng”.[3]
Cùng với các chiến dịch trên đất liền, việc kịp thời giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính chiến lược, nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việc tác chiến giải phóng các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam phải kiên quyết, táo bạo, bất ngờ; có thời cơ là phải đánh, đánh phải chắc thắng; giải phóng các đảo nhanh, gọn, kết hợp tấn công và gọi hàng, hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất. Kiên quyết không để lực lượng nước ngoài vào đánh chiếm đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nếu quân đội, lực lượng nước ngoài chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thì phải kiên quyết chiếm lại, không được chậm trễ.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, từ ngày 4/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 khẩn trương xây dựng các phương án, tổ chức các lực lượng để giải phóng quần đảo Trường Sa, không để cho lực lượng nước ngoài lợi dụng tình hình để đóng chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chiến dịch giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mang mật danh “Chiến dịch C75”.
Chiến sĩ Đoàn đặc công 126 giải phóng đảo Song Tử Tây
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quân sự).
Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa
Ngày 5/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương chuẩn bị lực lượng, phương tiện để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, kiên quyết không để các lực lượng quân đội nước ngoài lợi dụng tình hình đến đánh chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định dùng tàu của Đoàn 125 để chở bộ đội đặc công Đoàn 126 Hải quân và một lực lượng đặc công của Quân khu 5 ra giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nhiệm vụ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hết sức khẩn trương trong bối cảnh quân đội nước ngoài có thể bất cứ lúc nào vào chiếm giữ các đảo. Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh quân chủng phụ trách; tham gia ở chỉ huy sở có đồng chí Trần Phong, Đoàn 125. Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và những đảo còn lại.[4]
Ngày 9/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu tiến công, giải phóng đảo Song Tử Tây. Một phân đội tàu gồm 3 chiếc thuộc Đoàn 125 lực lượng Hải quân Việt Nam từ Hải Phòng lên đường làm nhiệm vụ: tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng; tàu chỉ huy 674 do đồng chí Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng; tàu 675 do đồng chí Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng. Phân đội tàu 673, 674 và 675 đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lúc 21 giờ đêm 10/4/1975. 4 giờ sáng ngày 11/4/1975, lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa xuất phát, gồm đội 1 của Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng một lực lượng của tiểu đoàn 471, đặc công Quân khu 5 phối hợp. Cả hai lực lượng mang phiên hiệu chung là Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng (Đoàn 126) chỉ huy trưởng; đồng chí Dương Tấn Kịch (Đoàn 125) làm Chỉ huy phó chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa.
7 giờ tối ngày 13/4/1975, phân đội tàu tiếp cận mục tiêu đảo Song Tử Tây, chuẩn bị chiến đấu theo phương án đã vạch: tàu 673 chở Đội 1 (Đoàn 126) vào gần đảo để đổ bộ; hai tàu 674 và 675 án ngữ phía ngoài đảo làm nhiệm vụ hỗ trợ. 4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, Đội 1 (Đoàn 126) chia làm hai mũi tấn công lên đảo Song Tử Tây, án ngữ phía bắc quần đảo Trường Sa. Trong vòng nửa giờ, các lực lượng cách mạng đã làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên cột cờ của đảo Song Tử Tây, đánh dấu thắng lợi mở màn cho chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa.
Cuối tháng 4/1975, kế hoạch giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khẩn trương được thực hiện. 2 giờ 30 phút sáng ngày 25/4/1975, các lực lượng cách mạng giải phóng đảo Sơn Ca; sau đó là đảo Nam Yết (10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975); đảo Sinh Tồn (10 giờ 30 phút ngày 28/4/1975); đảo Trường Sa (9 giờ sáng ngày 29/4/1975). Đảo An Bang là hòn đảo không có quân đội Việt Nam Cộng hòa đồn trú, do đó, sau khi lên đảo, bộ đội ta đã xây bia chủ quyền, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Đảo Song Tử Tây ngày nay (Ảnh Internet)
Bài học về nắm vững thời cơ, đánh giá đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ từ hướng biển
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cùng với các chiến dịch trên đất liền, chiến dịch giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn thắng lợi, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa về mặt chiến lược mà Bộ Tổng Tư lệnh đã giao cho lực lượng Hải quân.
Trong chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam “tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến chiếm đảo trước ta… Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, do đó không để một tấc đất lọt vào tay bất cứ kẻ nào đến lấn chiếm”.[5]
Chiến dịch giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thành công cho thấy tinh thần cảnh giác cao độ, ý chí và quyết tâm của Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo nhạy bén, kịp thời của Quân ủy Trung ương trong khẳng định và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không để bị động, bất ngờ, để nước ngoài lấn chiểm biển, đảo. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen ngợi các đơn vị của Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: “Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã nhận được tin hải quân ta đã giải phóng toàn bộ đảo Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng”.[6]
Tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay càng cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương trong việc đề ra và thực hiện quyết tâm giải phóng các đảo, quần đảo, xác lập chủ quyền tại những phần lãnh thổ thiêng liêng trên vùng lãnh hải của Tổ quốc.
Vạn Lý
[1]Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.958
[2] Tổng cục Chính trị: Lịch sử Công tác Đảng, Công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.589
[3] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.786
[4]. Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (1961 – 2001), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.233
[5]. Giải phóng Trường Sa, quyết định lịch sử, một khoảnh khắc lịch sử, Báo Nhân dân ngày 4/12/2014
[6]. Đảng ủy Quân sự Trung ương-Bộ Quốc phòng, Một số văn kiện chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.231