“Gia đình là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội trong cơ cấu của xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội. Bởi vậy trong sự phát triển của lịch sử xã hội, gia đình bao giờ cũng là một giá trị”[1]. Quá trình chuyển biến một con người từ con người tự nhiên, sinh học thành con người xã hội được diễn ra chủ yếu dựa vào quá trình giáo dục.
Gia đình góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách của mỗi đứa trẻ. Ảnh: Internet
Thực tế cho thấy, gia đình là môi trường có ảnh hưởng quyết định đến quá trình hình thành nhân cách của mỗi đứa trẻ. Mỗi cá nhân đều sinh ra và lớn lên trong gia đình, chịu sự giáo dục và phương thức ứng xử để hòa nhập vào xã hội lớn hơn. Có thể xem gia đình như một tiểu văn hóa, với nền giáo dục, lối sống, truyền thống của gia đình… mà cá nhân sẽ lĩnh hội những đặc điểm này. Bởi vậy, có thể nói: “…gia đình là nhân tố đầu tiên và ảnh hưởng mạnh nhất đến sự xã hội hóa của mỗi cá nhân. Con người được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và quan trọng hơn là được học những bài học đầu tiên về xã hội từ cuộc sống gia đình”[2]. Lịch sử phát triển của gia đình Việt Nam cho thấy, gia đình không chỉ sản sinh ra những con người về mặt thể chất mà còn góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách của mỗi đứa trẻ.
Ở xã hội truyền thống, vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái chịu ảnh hưởng đặc biệt của Phật giáo và Nho giáo nhưng hầu hết các hệ tư tưởng đã được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của nước ta. “Hầu hết các gia đình vẫn chủ yếu sống theo gia đình đa thế hệ (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường) nên việc giáo dục chủ yếu là về đạo đức (Lễ), nhân cách, giáo dục tôn ti trật tự trong gia đình, đạo hiếu với cha mẹ, ý thức tôn kính tổ tiên, lòng trung quân, ái quốc”[3]…
Ở xã hội hiện đại (từ năm 1986 đến nay), thời kỳ này đánh dấu quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cùng với xu thế toàn cầu hóa khi nước ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là về kinh tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”[4]. Những hệ giá trị của gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Có thể thấy, sự thay đổi trong đời sống kinh tế đã tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn như: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin… Tuy nhiên, bên cạnh những biến đổi tích cực, gia đình Việt Nam cũng chịu không ít những tác động tiêu cực đến từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: Mô hình gia đình hạt nhân trở thành xu hướng phổ biến, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội truyền thụ những hiểu biết về việc nuôi dạy con cái từ thế hệ ông bà cho thế hệ cha mẹ; một số trẻ em được nuông chiều quá mức dẫn đến lối sống hưởng thụ, không có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội; vấn đề ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em[5]… có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Hiện nay, ở các gia đình đang có hiện tượng xem nhẹ vai trò chăm sóc, giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Ở không ít gia đình, sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực: Một số trẻ em bỏ học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội (cờ bạc, nghiện hút, cướp giật, mại dâm...). Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, “trong giai đoạn 2018-2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan”[6]... Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến toàn bộ đời sống xã hội ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, càng thấy rõ vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục, phát triển nhân cách cho trẻ khi trẻ phải gián đoạn việc đến trường, giao tiếp xã hội bị hạn chế một cách tối đa. Kết quả khảo sát của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho thấy, “60% trẻ gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh; 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm”[7]… Do đó, việc làm rõ những vấn đề trọng tâm đặt ra nhằm phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Trước hết cần củng cố và xây dựng hệ thống chuẩn mực và mô hình mới về giáo dục gia đình theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”[8]. Do đó, thời gian tới, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng nền tảng vững chắc để gia đình thực hiện tốt vai trò giáo dục của mình trong việc đẩy lùi, loại bỏ tình trạng bất ổn về đạo đức, nhân cách của mỗi thành viên.
Đồng thời, mỗi gia đình cần nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục trẻ em. Khuyến khích gia đình xây dựng “nguyên tắc” riêng, đặc biệt cần phát huy vai trò của người cao tuổi, xây dựng không khí hòa thuận, dân chủ… trong gia đình. Tăng cường kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em để tạo ra những nhân cách tốt, những công dân gương mẫu, để gia đình thực sự trở thành “tổ ấm” của mỗi người.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Đa dạng hóa hình thức truyền thông, đặc biệt hướng tới sử dụng các loại hình truyền thông hiện đại (phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, website…). Đồng thời, xây dựng hình thức, phương pháp tuyên truyền gần gũi, thân thiện với từng thành viên song vẫn đảm bảo sự hài hòa giữa các thế hệ khác nhau trong gia đình.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò điều tiết trong công tác quản lý nhà nước về gia đình. Vai trò này thể hiện trong việc thực hiện đầy đủ, triển khai kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào chiến lược phát triển gia đình nói chung và giáo dục nói riêng.
Chú thích:
[1], [2] Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, Gia đình học, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2007, tr.11, 89.
[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Xã hội học trong quản lý, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2004, tr.116.
[4] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, ngày 22-12-2017.
[5] Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi gia đình Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.285-286.
[6] Thái Yến, Báo động tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, https://www.daibieunhandan.vn, ngày 11-11-2021.
[7] Hoàng Minh, Bạo lực gia đình và những hậu quả xấu, http://www.hoinongdan.org.vn, ngày 26-10-2020.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.263.
Kim Thùy