Các dân tộc Tây Nguyên có một nền văn hoá độc đáo với các loại hình nghệ thuật phong phú trong đó bao gồm các thiên sử thi mà họ gọi là hri, h’mon, khan, otndrong. Là sản phẩm nghệ thuật mang tính nguyên hợp, sử thi của các dân tộc Tây Nguyên có vai trò cố kết cộng đồng, phổ biến các tri thức về tự nhiên - xã hội trên tư cách một “bách khoa thư” truyền khẩu, và quan trọng là giáo dục đạo đức cho các thành viên.
Tây nguyên là miền đất của sử thi. Ảnh: baophapluat
Tìm hiểu về sử thi các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng, Mnông..., điều dễ nhận thấy là các sử thi đều lồng ghép nội dung giáo dục trong đó. Xã hội Tây Nguyên truyền thống rất coi trọng vai trò giáo dục của gia đình và cộng đồng. Thông qua sự trao truyền, dạy dỗ của các thế hệ về những tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng…, mà gia đình và cộng đồng đã trở thành một “trường học kinh tế, xã hội, văn hoá và đạo đức”, từng bước giúp các thành viên trưởng thành, định hình nhân cách. Hay nói cách khác, giáo dục trong xã hội truyền thống chính là các hệ giá trị, các quy tắc, các chuẩn mực, thói quen và tập quán ứng xử trong việc trao truyền và tiếp thụ....Có một sự hoà trộn khó phân biệt giữa vai trò giáo dục của gia đình và cộng đồng, vì cả gia đình và cộng đồng đều tham gia vào việc “ấn định các chuẩn mực và giá trị xã hội” (xã hội hoá), việc “phát triển năng lực hành vi cá nhân” (nhân cách hoá) và việc “truyền thụ các hệ thống biểu tượng hoặc hình mẫu giải thích văn hoá” (tiếp thu văn hoá), tức tham gia vào “lần sinh thứ hai” của con người.
Và trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, khi diễn xướng sử thi được thực hành thì chính đó là không gian tối ưu nhất để những bài học đạo đức được lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi thành viên. Trên thực tế, nội dung giáo dục đạo đức trong sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên đều hướng đến việc xây dựng ý thức tự giác tuân thủ trật tự xã hội cho mỗi cá nhân, tức duy trì việc tuân theo những khuôn mẫu hành vi đã được cộng đồng thừa nhận. Chẳng hạn, sử thi thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối những nhân vật trung thực, nhân hậu, vị tha, hết lòng vì cộng đồng. Sử thi phê phán những nhân vật xấu xí, già nua, bê tha; những kẻ giả dối, ích kỉ, lười biếng, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng. Sử thi nói về sự đau khổ, mất mát, nhưng không làm con người đổ vỡ niềm tin mà thúc đẩy khát vọng vươn lên đấu tranh với những khía cạnh tiêu cực còn tồn tại trong cuộc sống, nhằm xác định chỗ đứng cho mặt tích cực... mà Dăm San, Xing Nhã, Cướp chiêng cổ bon Tiăng, Lêng nghịch đá thần của Yang, Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ, Dăm Duông cứu nàng Bar Mă, Giông cứu nàng Rang Hu,Giông cứu đói dân làng mọi nơi, Giông kết bạn với Glaih Phang, Giông đi đòi nợ... [1] là những ví dụ. Thậm chí, đã từng có học giả nước ngoài xem các sử thi Tây Nguyên thực chất là “một văn bản giáo huấn, trong đó đạo đức được kể lại dưới dạng anh hùng ca, và cả những tai họa mà nhân vật anh hùng gặp phải, mỗi lần anh ta vi phạm luật lệ do tục quy định”[2]. Những người Mnông, Xơ Đăng hay Ba Na đều khẳng định ý nghĩa xây dựng khuôn mẫu đạo đức này của sử thi. Con gái của nghệ nhân A Lưu[3] cho biết hồi nhỏ rất hay được nghe cha kể h’mon, những tác phẩm luôn khuyên người ta làm điều thiện, tránh điều ác, sống xứng đáng với các chuẩn mực của cộng đồng, và tuy với dòng thời gian, câu chuyện không còn được nhớ chi tiết nữa nhưng những bài học thì tất cả “không thể quên”. Nghệ nhân A Jar[4], một trí thức Ba Na, người nặng lòng với những áng sử thi dân tộc, nhấn mạnh với chúng tôi, h’mon có ý nghĩa rất đặc biệt với ông và các bạn đồng lứa do may mắn được tiếp xúc với chúng chính vào độ tuổi hình thành nhân cách, trong đó các nhân vật trung tâm - biểu tượng tinh hoa của cộng đồng - đã là hình mẫu “toàn thiện toàn mĩ” mà họ ngưỡng mộ tới suốt thời niên thiếu.
Điều dễ dàng nhận thấy là dẫu truyền thống đã có những thay đổi song sử thi vẫn sống trong tâm thức cộng đồng, vẫn khiến cho các nghệ nhân luôn đau đáu tìm hướng trao truyền cho con cháu… Bởi sau mỗi lần diễn xướng, triết lý nhân sinh, minh triết dân tộc lại trở nên đầy sống động trong mỗi nhân vật sử thi; thắp sáng trong mỗi người Tây Nguyên sự tự hào về cộng đồng, làng buôn; kết nối cộng đồng người Tây Nguyên bằng vẻ đẹp của trí tuệ, đạo đức! Bởi ở mỗi chặng thời gian cuộc đời, người Tây Nguyên nghe và ngẫm về những bài học đạo đức kết tinh trong sử thi với những tâm thế và sự chiêm nghiệm khác nhau, vì thế mà “bài học” họ nhận được từ chúng cũng khác nhau! Bởi sử thi vừa quen thuộc lại vừa chứa đựng nhiều thứ để người ta khám phá!... Và quan trọng hơn cả là sử thi đã bồi đắp tâm hồn mỗi thành viên cộng đồng bằng các giá trị văn hóa đặc thù của thời đại; đã xây dựng ở họ những khát vọng, hoài bão, ước mơ về một buôn làng giàu có; về người anh hùng chiến đấu không ngừng nghỉ với những thế lực phản nhân văn để bảo vệ sự sống còn và phát triển của cộng đồng; về sự đấu tranh vì hạnh phúc và phẩm giá của con người; về sự bừng tỉnh ý thức về giá trị của bản thân...
Sử thi đóng vai trò quan trọng trong xã hội truyền thống, là nơi bảo lưu các giá trị nhân văn để thúc đẩy sự phát triển hài hòa của nhân cách và xây dựng một hệ giá trị đạo đức tương ứng. Soi chiếu trong thực tiễn hiện nay, khi nhận thức tầm quan trọng của di sản văn hóa trong vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[5]. Nghiên cứu sử thi các tộc người vùng Tây Nguyên nhằm tôn bồi lòng tự hào dân tộc; nhằm lan tỏa giá trị nhân văn; nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cộng đồng cũng như quảng bá tinh hoa văn hóa của tộc người ra thế giới bên ngoài là điều có thể và cần nghĩ tới.
Tài liệu tham khảo
1.Võ Quang Nhơn (2003), Sử thi anh hùng Tây Nguyên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), tập 1,2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[1] Tên các sử thi của người Ê Đê, Mnông, Xơ Đăng, Ba Na.
[2] Võ Quang Nhơn (2003), Sử thi anh hùng Tây Nguyên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 142.
[3] Nghệ nhân A Lưu sinh sống tại làng Kon Klor II, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, là một trong số những nghệ nhân hiếm hoi tại tỉnh Kon Tum có khả năng hát, kể sử thi hay và đặc sắc.
[4] Nghệ nhân A Jar sinh sống tại làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, được biết đến như một nhà nghiên cứu, phiên âm và biên dịch sử thi, dân ca, truyện cổ, bằng cả hai thứ tiếng Xơ Đăng và Ba Na.
[5] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr 137.
Trường Sơn