Trong công cuộc xây dựng nước Nga – Xô viết, V.I.Lênin dành rất nhiều tâm huyết cho công tác giáo dục, đào tạo thanh niên, coi đây là một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong việc xây dựng, phát triển “đội hậu bị tin cậy của Đảng” và xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đến nay, những quan điểm và kinh nghiệm thực tiễn quý báu ấy của Lênin vẫn là những chỉ dẫn giá trị, có tính thời sự đối với việc giáo dục thanh niên, phát huy sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
V.I.Lênin dành rất nhiều tâm huyết cho công tác giáo dục, đào tạo thanh niên. Ảnh: Internet
Thanh niên là chủ nhân tương lai của xã hội
Cũng như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, V.I. Lênin rất tin cậy vào “thế hệ đang lớn lên của giai cấp vô sản”, những người trẻ tuổi. Lênin không chỉ xem thanh niên là “đội quân hậu bị tin cậy của Đảng”, là lực lượng hùng hậu để có thể xây dựng “xã hội tương lai mà chúng ta mong ước”, mà còn khẳng định họ chính là chủ nhân của xã hội ấy. Lênin cho rằng, trọng trách của những “chủ nhân của xã hội tương lai” là: “phải gánh vác việc quản lý nhà nước, phải hoàn thành nhiệm vụ của chuyên chính vô sản” (1) và, “có thể nói rằng, nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên” (2).
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để thanh niên có thể thực hiện được sứ mệnh lớn lao này? Làm thế nào để thanh niên có thể phát huy được sức mạnh của tuổi trẻ? Cũng như các lực lượng khác trong xã hội, câu trả lời là cần phải chú trọng công tác giáo dục văn hóa cho thanh niên. Bởi vì, “nếu không nâng cao văn hóa một cách rộng khắp, nếu không làm cho quần chúng công nông có trình độ văn hóa cao hơn hiện giờ... thì không thể thật sự thực hiện những nhiệm vụ của chúng ta được” (3). Quần chúng nhân dân chỉ thực sự giác ngộ, thực sự khắc phục được những “chứng bệnh đang rất phổ biến” như “quan liêu lề mề”... hay chiến thắng được ba kẻ thù chính là “kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; nạn mù chữ; nạn hối lộ” (4) khi họ thực sự đạt tới trình độ văn hóa cần thiết. Như vậy, nâng cao văn hóa cho thanh niên có thể giúp thanh niên phá bỏ những rào cản ấy trên con đường xây dựng xã hội tương lai, đồng thời còn tiếp thêm sức mạnh để thanh niên có thể thực hiện được sứ mệnh của thế hệ mình.
Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin, trong suốt tiến trình cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, chú trọng việc giáo dục, rèn luyện và phát huy sức mạnh của thanh niên, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình.
Luật Thanh niên Việt Nam năm 2020 đã xác định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (6).
Thanh niên là “đội quân hậu bị tin cậy của Đảng”. Ảnh: Internet
Hiện nay, thanh niên Việt Nam có khoảng 22.600.000 người, chiếm 23,5% dân số cả nước (7). Với đặc trưng lứa tuổi: dồi dào sức trẻ, giàu khát vọng, sáng tạo, sôi nổi, năng động, nhạy bén, dễ tiếp thu cái mới…, với tinh thần tình nguyện và khát khao cống hiến, lực lượng thanh niên đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thanh niên lại là những người ở độ tuổi chưa đủ trải nghiệm. Sự trong sáng, nhiệt huyết cùng với những hiểu biết chưa thấu đáo, chín chắn dễ dẫn đến những sai lệch trong nhận thức, hành vi, thậm chí bị lôi cuốn vào tệ nạn xã hội, phạm tội nguy hiểm ở một bộ phận thanh niên. Do vậy, để vận động, tập hợp được lực lượng thanh niên, để thanh niên có thể tận tâm, tận lực cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc, cần phải tăng cường công tác giáo dục, đào tạo thanh niên và tạo môi trường, điều kiện xã hội thuận lợi nhất để giảm thiểu các sai lệch và phát huy sức mạnh của “lực lượng xã hội to lớn” này.
Nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thanh niên
Theo quan điểm của Lênin, trong công tác thanh niên, đối với Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là giáo dục, còn đối với thanh niên, “có thể tóm gọn bằng một từ: học tập”. Bởi vì, “chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, và nếu họ không có nền học vấn đó, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi” (10).
Trước hết, Lênin chủ trương “nhà trường của chúng ta phải đem lại cho thanh niên những kiến thức cơ bản, dạy cho họ biết tự tạo ra những quan điểm cộng sản và phải đào tạo họ thành những người có học thức” (11). Tuy nhiên, để xây dựng được một thế hệ thanh niên mới có trình độ kiến thức chuyên môn hiện đại, nhà trường phải xóa bỏ hoàn toàn cách giáo dục “nhồi nhét kiến thức vô ích”. Điều mà Lênin trăn trở cũng là việc quan tâm của bất cứ một nền giáo dục nào, đó là phương pháp giáo dục, hiệu quả giáo dục: “chúng ta phải chuẩn bị cho thanh niên như thế nào để cho họ biết xây dựng đến cùng và hoàn thành triệt để cái sự nghiệp mà chúng ta đã bắt đầu” (12). Do vậy, Đảng, Nhà nước phải chú trọng cải tổ nền giáo dục, chất lượng giáo dục, “chỉ có cải tổ triệt để việc dạy dỗ, việc tổ chức và giáo dục thanh niên, thì chúng ta mới có thể, bằng những cố gắng của thế hệ trẻ đạt được kết quả là xây dựng nên một xã hội không giống xã hội cũ, tức là xã hội cộng sản” (13).
Bên cạnh việc giáo dục kiến thức chuyên môn, Lênin rất chú trọng việc giáo dục đạo đức cho thanh niên, cụ thể là “vấn đề đạo đức cộng sản”. Lênin chủ trương “phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, rèn luyện, dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản trong thanh niên” (14). Đạo đức cộng sản là đạo đức phục vụ cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Giáo dục đạo đức cho thanh niên cộng sản “không phải là nói cho họ nghe những bài diễn văn êm dịu hay những phép tắc đạo đức” mà phải gắn việc học tập, rèn luyện trong nhà trường với cuộc đấu tranh sôi nổi ngoài kia. Thanh niên có văn hóa là phải thấm nhuần đạo đức cộng sản, có tinh thần xung kích, dám xông pha vào gian khó, vượt mọi thử thách để khẳng định và cống hiến. Đó là những người sẽ “mang sức mạnh tuổi trẻ dồi dào nhựa sống của mình ra mà xây dựng một cuộc sống mới, tươi sáng” (15). Hiểu rõ những đặc tính của lứa tuổi thanh niên, Lênin không chỉ chú trọng phát huy sức mạnh của thế hệ trẻ mà còn rất quan tâm đến việc giáo dục, uốn nắn, khắc phục những mặt hạn chế, sai lệch của thanh niên. Thanh niên là lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, nhiều hoài bão nhưng cũng nhiều bồng bột, dễ vấp ngã. Do vậy, giáo dục, uốn nắn họ phải thật nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung, bởi Lênin nhận thấy:“Nếu không biết tổ chức lại và nâng họ dậy, thì họ sẽ đi theo khuynh hướng Mensêvích,… và vì thế sự thiếu chín chắn và chưa từng trải của họ sẽ gây ra thiệt hại gấp bội…” (16).
Đối với thanh niên, nhiệm vụ quan trọng nhất là tự học tập và rèn luyện, thanh niên “phải tự giáo dục mình thành những người cộng sản” (18), tự nâng cao trình độ văn hóa của mình bằng cách tiếp thu “tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được”. Lênin rất chú trọng việc giáo dục, khích lệ tinh thần, thái độ học tập của thanh niên. Học và lao động đều phải “hết sức nghiêm chỉnh, hết sức khó khăn, hết sức to lớn” và với một tinh thần phê phán tích cực. Chỉ có phát huy tinh thần chủ động, tự học, “chỉ khi nào chúng ta tự hỏi liệu chúng ta đã làm hết sức mình để thành người lao động đoàn kết và tự giác chưa” (19) thì thanh niên, với tư cách là đội quân hậu bị tin cậy của Đảng, mới “thành những người sáng tạo chân chính của xã hội cộng sản mai sau” (20).
Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được Đảng ta xác định là: Một mặt, “phải đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (22), một mặt phải chú trọng “tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên… Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”…(23).
Như vậy, giáo dục, đào tạo thanh niên là phải nâng cao trình độ văn hóa cho thanh niên, làm cho văn hóa thấm sâu vào tư duy, nhận thức và hành động thực tiễn của thanh niên. Trình độ văn hóa ở đây không chỉ là giới hạn học vấn, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật mà còn là đạo đức, cốt cách, nghị lực, sức sáng tạo và khát vọng thực hiện sứ mệnh lịch sử của thế hệ mình.
Mục tiêu giáo dục, bồi dưỡng thanh niên
Theo Lênin, mục tiêu của công tác thanh niên là phải xây dựng được một thế hệ thanh niên tự nguyện, tự giác học tập, rèn luyện và cống hiến, thấm nhuần đạo đức, văn hóa vô sản. “Đó là những thanh niên công, nông, học tập với tấm lòng chân thật nhất, hăng hái nhất, vị tha nhất, họ hấp thụ được những ấn tượng mới nhất của trật tự xã hội mới, họ cởi mở được những thành kiến tư bản và dân chủ tư sản cũ kỹ, họ rèn luyện để trở thành những người cộng sản còn cương quyết hơn cả những người của thế hệ trước đây” (24). Do đó, giáo dục, đào tạo thanh niên phải vì sự phát triển toàn diện của thanh niên, mà cốt lõi là đạo đức, văn hóa.
Giáo dục, đào tạo nhằm phát triển toàn diện thanh niên. Ảnh: Internet
Quan điểm của Lê nin về mục tiêu giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ khá phù hợp với yêu cầu phát triển thanh niên Việt Nam hiện nay. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (25)
Thực tế cho thấy, mặc dù thời điểm lịch sử đã diễn ra từ lâu, bối cảnh xây dựng, phát triển thế hệ thanh niên cộng sản thời nước Nga- Xô viết của Lênin cũng rất khác, song những lý luận và bài học thực tiễn của Lênin về vị trí, vai trò đặc biệt của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục, đào tạo lực lượng thanh niên… vẫn không hề cũ. Đây vẫn là những chỉ dẫn quan trọng, những kinh nghiệm hữu ích và rất thời sự đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển thanh niên Việt Nam hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội 1968, tập 29, tr.497
2, 10, 11, 12, 13, 14, 18,19, V.I. Lênin: Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va 1977, tr.354, 365, 372, 357, 357, 366, 366, 378.
3, 4, 21, V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va 1977, tr.217-218, 217, 219
5. Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 67, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2018, tr.759.
6. Tổng cục Thống kê (2019), Số liệu dân số, lao động thanh niên 2019.
7. Quốc hội, Luật Thanh niên Luật số: 57/2020/QH14, ngày 16/6/2020
15, 20, V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội 1968, tập 30, tr.346, 150-153
16. V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, tập 9, tr. 247
17. V.I. Lênin: Toàn tập, tập 14, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va 1977, tr 210
8, 22, 23. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr 115-116, 136, 143.
24. V.I. Lênin: Toàn tập,Nxb Sự thật, Hà Nội 1968, tập 29, tr.497
25. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 ban hành theo Quyết định 1331/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Lương An