Những năm 1961-1965, trong bối cảnh Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách áp đặt nền giáo dục nô dịch, phá hoại nền giáo dục tiến bộ, yêu nước của cách mạng, giáo dục giải phóng đã làm thế nào để tồn tại và phát triển, góp phần hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng “trồng người” trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ
Quan điểm chung
Quán triệt quan điểm “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của giáo dục trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Muốn giành thắng lợi phải thay đổi so sánh lực lượng, cho nên vừa tiến hành kháng chiến, chúng ta còn phải không ngừng đào tạo cán bộ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài, đào tạo thế hệ cách mạng kế cận tiếp bước cha anh chiến đấu.
Mặt khác, giáo dục là một lực lượng trong mặt trận chính trị tư tưởng, giáo dục có điều kiện tiếp cận, tranh thủ được nhiều tầng lớp nhân dân, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ những chủ trương, đường lối của cách mạng, trước hết là tranh thủ được học sinh và phụ huynh. Quan điểm của Trung ương Cục miền Nam là “nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục”.
Với quan điểm đó, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng tránh được những ngộ nhận như cho rằng giáo dục chỉ có thể tiến hành trong hòa bình, cho rằng giáo dục chỉ có thể triển khai ở vùng giải phóng, hoặc giáo dục chỉ là việc dựng trường mở lớp, viết sách giáo khoa, đơn thuần là hoạt động văn hoá….
Đường lối giáo dục giải phóng
Sau khi chính thức thành lập tháng 10/1961, bộ máy Trung ương Cục miền Nam được từng bước xây dựng và kiện toàn.
Tháng 10/1962, đáp ứng nhu cầu của tình hình mới, Tiểu ban Giáo dục miền Nam, thường gọi là Tiểu ban Giáo dục R, thuộc Ban Tuyên huấnTrung ương Cục được thành lập. Lúc đầu, Tiểu ban chỉ có 5 cán bộ, nhân viên, có nhiệm vụ tham mưu cho Trung ương Cục và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về đường lối giáo dục chung cho toàn Miền.
Dần dần, theo thời gian, Tiểu ban Giáo dục được xây dựng hoàn thiện, có vai trò và cơ cấu như một Bộ Giáo dục thu nhỏ phụ trách miền Nam với Văn phòng, Phòng Phổ thông, Phòng Bình dân, Phòng Đô thị (phụ trách giáo dục khu vực đô thị), Phòng Tuyên truyền, Phòng In ấn và phát hành… Tiểu ban Giáo dục của các khu, tỉnh, huyện, xã cũng lần lượt được ra đời để chỉ đạo phong trào giáo dục khắp cả miền Nam.
Một số cán bộ Tiểu ban Giáo dục R (Ảnh tư liệu)
Ngày 13/12/1963, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 44-CTNT Về công tác giáo dục giải phóng, xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác giáo dục ở miền Nam như sau:
“Dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai đồi trụy của Mỹ - ngụy, tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng văn hóa chính trị cho nhân dân lao động, trước nhất cho cán bộ, chiến sĩ, đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức đạo đức và sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và kiến thiết xã hội sau này”.
Tiếp đó, ngày 2/5/1964, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị tăng cường công tác tác giáo dục văn hoá trong vùng giải phóng và vùng căn cứ.
Trung ương Cục chủ trương: Cần xây dựng và duy trì phong trào bình dân học vụ, phát triển giáo dục phổ thông. Phát động phong trào bình dân học vụ tiến đến thanh toán nạn mù chữ, bổ túc văn hoá cho cán bộ, chiến sĩ.
Đào tạo đội ngũ giáo viên đông đảo, vừa đào tạo cấp tốc, vừa đào tạo lâu dài cả về chính trị, văn hoá, chuyên môn. Chú ý tận dụng số giáo viên cũ, tránh hẹp hòi, thành kiến. Chú ý tổ chức bộ máy giáo dục các cấp, bố trí cán bộ đủ năng lực.
Về phương châm công tác, cần phải chú ý quán triệt tiết kiệm, có hiệu quả vì chúng ta đang kháng chiến nên việc mở trường, dựng lớp phải thích ứng với điều kiện chiến đấu, tránh quy mô hình thức.
Những thành tựu bước đầu
Sau phong trào Đồng khởi, miền Nam có vùng giải phóng rộng lớn. Do yêu cầu của nhân dân và yêu cầu của cách mạng, nhiều địa phương đã chủ động thành lập Tiểu ban Giáo dục bên cạnh Ủy ban tự quản các cấp để chăm lo việc học tập cho con em nhân dân và bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ chiến sĩ, đi đôi với việc mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ giáo viên, biên soạn sách giáo khoa để giúp giáo viên có tài liệu giảng dạy.
Các địa phương đã tiến hành công tác giáo dục với những lực lượng nòng cốt có nhiệt tính cách mạng vừa xây dựng nền giáo dục tiến bộ yêu nước, vừa tập hợp lực lượng đấu tranh với địch.
Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, nhiều cán bộ giáo dục, giáo viên đã cùng với lực lượng vũ trang và cán bộ các ngành tập kết ra Bắc trước đây, nay lần lượt trở về miền Nam chiến đấu.
Các học sinh Việt Nam ra học ở miền Bắc hay ở nước ngoài, tốt nghiệp các trường sư phạm, cũng tình nguyện về miền Nam công tác.
Không ít thầy cô giáo quê ở miền Bắc cũng sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Do vậy, giáo dục giải phóng được tăng cường lực lượng, cùng với thời gian, đạt được một số thành tựu bước đầu.
Một lớp học phổ thông trong vùng giải phóng miền Nam (Ảnh tư liệu)
Một trong những công việc đầu tiên của giáo dục là việc biên soạn sách giáo khoa. Việc biên soạn sách giáo khoa gặp vô vàn khó khăn vì trong tay không có một quyển sách nào để tham khảo, nhưng nhờ trí tuệ tập thể của số ít anh chị em trong Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, công việc cũng đã hoàn thành. Đồng chí Trần Bạch Đằng Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Trưởng Ban Thông tin - Văn hóa - Giáo dục của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phải đích thân đem bản thảo đến các cơ quan bạn như Thông tấn xã, Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Văn nghệ để nhờ đánh máy hộ, rồi đưa sang bộ phận in ấn của Ban Tuyên huấn in rônêô, gửi về các khu và tỉnh. Tiểu ban Giáo dục của Miền chỉ có thể cung cấp cho mỗi khu, tỉnh 10 bộ sách giáo khoa, sau đó các địa phương, bằng phương tiện riêng của mình, tái bản gửi cho các trường ở vùng giải phóng.
Riêng miền Tây Nam Bộ có thêm loại sách in chữ chì khá đẹp do miền Bắc đưa vào theo đường biển, nhưng lấy danh nghĩa công khai là Nhà xuất bản Đồng Nai.
Đối với công tác đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên tại chỗ, được Trung ương Cục chấp thuận, Tiểu ban Giáo dục xây dựng trường đào tạo, trước hết tại căn cứ R. Người ít, phương tiện thiếu, nhưng trường đào tạo cán bộ giáo dục đã được xây dựng, với đầy đủ hội trường, lán trại cho học viên, có giếng nước ăn, giếng nước tắm giặt, có nhà kho nhà bếp, nhà ăn, văn phòng.
Trường Giáo dục Tháng Tám khai giảng khóa I năm 1962 với 80 học viên, đại diện các khu và các tỉnh toàn miền Nam. Bà con Việt kiều yêu nước Campuchia cũng gửi 4 học viên về học.
Trong hoàn cảnh kháng chiến, trường phải có đủ cơ sở vật chất cho sinh hoạt, học tập, nhưng đồng thời phải giữ được bí mật. Đó không phải là một việc dễ dàng.
Ngày 20/11/1963, Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam được thành lập.
Tháng 4/1964, Đại hội Giáo dục toàn miền Nam lần thứ nhất khai mạc. Đại hội được tiến hành nhằm thống nhất đường lối giáo dục, phương châm, biện pháp xây dựng giáo dục trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 19/05/1964, Đại hội đại biểu Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam lần thứ nhất thông qua Điều lệ chính thức, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 31 vị do Giáo sư Lê Văn Huấn làm Chủ tịch, đồng chí Dương Văn Diêu và Trần Thanh Nam trong Ban Thường vụ và làm nhiệm vụ Thường trực Hội.
Sau Đại hội, được biết miền Tây Nam Bộ có vùng giải phóng rộng lớn, có điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục, Tiểu ban Giáo dục cử đoàn công tác về giúp miền Tây Nam Bộ xây dựng phong trào.
Đoàn đã giúp Tiểu ban Giáo dục miền Tây mở Trường đào tạo cán bộ quản lý tỉnh, huyện tại kinh Ông Đơn, mở Trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp I tại Gành Hào, xây dựng lại Trường Lý Tự Trọng (bị địch đốt phá năm 1962) cho con em cán bộ, tổ chức Đại hội Giáo dục miền Tây Nam Bộ và Đại hội thành lập Hội Nhà giáo yêu nước miền Tây Nam Bộ.
Các tỉnh miền Tây cũng mở các trường cho con em cán bộ như trường Lê Văn Tám ở Cà Mau, Trường Ninh Bình ở Sóc Trăng. Ở cấp Miền, Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam xây dựng Trường Lý Tự Trọng, sau đổi tên là Trường Nguyễn Văn Trỗi.
Nhìn chung, trong thời kỳ nhân dân miền Nam chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) của đế quốc Mỹ, bất chấp sự kìm kẹp của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn với quốc sách “Ấp chiến lược”, bình định, chiếm đất, giành dân, ngành Giáo dục giải phóng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục được xây dựng và phát triển, đã thực sự góp phần đắc lực đào tạo cán bộ cung cấp cho kháng chiến, đồng thời xây dựng vùng nông thôn giải phóng tươi vui với sự có mặt của mái trường cách mạng, với lời ca tiếng hát của học sinh trong nhiều xóm ấp.
Giáo dục giải phóng đã thật sự là một mặt trận, trong đó chiến thắng thuộc về những cán bộ làm công tác giáo dục, những nhà giáo yêu nước và cách mạng tại miền Nam Việt Nam.
Bình Nguyễn