Để xây dựng thành công một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, ngoài “sức mạnh cứng”, cần phát huy mạnh mẽ “sức mạnh mềm” dân tộc. “Sức mạnh mềm” đó đến từ văn hóa, truyền thống, từ chính nội lực, khát vọng của con người Việt Nam ta. Sức mạnh đó bao gồm cả lòng yêu nước. Giáo dục lòng yêu nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi gia đình Việt Nam. Giáo dục cho công dân lòng yêu nước không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh chiến tranh, mà còn rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN hiện nay.
Sự hưng thịnh, hùng cường của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc nhiều vào sự ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình. Ảnh: Internet
Gia đình là tế bào của xã hội, là một “nước nhỏ”, trong đó hiện diện đầy đủ các mối quan hệ xã hội như quan hệ kinh tế, quan hệ giáo dục, quan hệ văn hoá, quan hệ tổ chức…Sự hưng thịnh, hùng cường của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc nhiều vào sự ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình. Theo quan điểm của Nho giáo, nếu "một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu. Một nhà lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều có lễ nhượng. Một người tham lam thì cả nước bị rối loạn”(Đại học, chương 9). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định vai trò của gia đình trong mối quan hệ với xã hội: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt..”[i] .
Gia đình có các chức năng cơ bản là: chức năng tái sản xuất ra con người; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục; chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình; chức năng đáp ứng nhu cầu tâm lý, sinh lý, tình cảm.
Trong các chức năng của gia đình thì giáo dục là một nội dung quan trọng. Sự giáo dục tốt của gia đình sẽ tạo ra cho xã hội những người công dân tốt, hội tụ nhiều phẩm chất trong đó có lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần sẵn sàng phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc. Sự giáo dục của gia đình là nền tảng đầu tiên, liên tục, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi con người. Qua gia đình, các cá nhân không ngừng được xã hội hóa, được tiếp nhận, trao truyền các giá trị, từ đó định hình chuẩn mực, hành vi, niềm tin, cách sống... cho các thành viên. Nội dung giáo dục trong gia đình bao gồm:
Thứ nhất, giáo dục đạo đức: Là giáo dục về những nguyên tắc, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam phải kể đến là: Sự nhân từ của ông bà, cha mẹ với con cái; đạo Hiếu của con cái với cha mẹ, ông bà. Tình cảm giữa vợ chồng là nghĩa tình, thủy chung, son sắt; tình cảm anh em là hòa thuận, khăng khít như chân với tay. Bên cạnh đó, các gia đình còn giáo dục về các chuẩn mực, cách ứng xử đối với những người sống xung quanh mình, trong mối quan hệ với bạn bè, cộng đồng làng xã. Cao hơn thế, những truyền thống quý báu của đất nước như lòng nhân ái khoan dung, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách... đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Thứ hai, giáo dục kiến thức văn hóa: Ông bà, cha mẹ, giáo dục cho con cháu về những kiến thức lịch sử quê hương đất nước, về những tấm gương của các anh hùng dân tộc, về quá trình dựng nước và giữ nước...những tri thức đó sẽ sớm hình thành niềm tin, bồi đắp lòng yêu nước và sự tự hào, tự tôn dân tộc. Giáo dục gia đình kết hợp với giáo dục nhà trường và xã hội, thông qua sự nêu gương của chính các thành viên trong gia đình, thông qua các cuốn sách, câu chuyện, những thước phim, những hoạt động trải nghiệm, qua công nghệ thông tin, internet...giúp con cháu có nhiều kênh tiếp nhận và có nhiều cách thức đa dạng để thể hiện lòng yêu nước của mình.
Thứ ba, giáo dục lòng yêu lao động. Thông qua giáo dục lao động sẽ rèn luyện được tính tự lập, tự giác để thích ứng với cuộc sống xã hội. Tình yêu với lao động sẽ tạo nên khát khao cống hiến, nhu cầu muốn đóng góp trí tuệ, tài năng, sức lực của mình cho quê hương đất nước, đó cũng là cách thức biểu thị lòng yêu nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta hiện nay.
Sự giáo dục tốt của gia đình sẽ tạo ra cho xã hội những người công dân tốt, hội tụ nhiều phẩm chất trong đó có lòng yêu nước. Ảnh: Internet
Như vậy, giáo dục lòng yêu nước trong gia đình trước hết là giáo dục về đạo đức, về tình yêu, trách nhiệm với gia đình, quê hương; là tình yêu máu thịt với tổ quốc “Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”, sẵn sàng hy sinh “Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”...[ii]; là nắm rõ và tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc “Mỗi trang sử đất này đều nặng máu cha ông” (Chế Lan Viên). Lòng yêu nước không trừu tượng chung chung mà có nội dung cụ thể: yêu quê hương, đất nước, tổ quốc mình; yêu con người, dân tộc, nhân dân, đồng bào mình; yêu thuần phong, mỹ tục cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong bối cảnh hòa bình, lòng yêu nước đó còn là tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, là sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, sống có lý tưởng, có khát vọng cống hiến dựng xây chủ nghĩa xã hội; đó còn sự nghiêm túc chấp hành những chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nói rộng ra, giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc cho tuổi trẻ không thể tách rời việc giáo dục tư tưởng chính trị, yêu dân tộc với yêu Đảng, yêu Bác Hồ và yêu chủ nghĩa xã hội, nhằm dựng xây non sông đất nước ta ngày một “đàng hoàng” hơn, “to đẹp” hơn. Chú tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.[iii]
Sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta về xây dựng gia đình Việt Nam cũng là một thuận lợi lớn để các gia đình có được sự định hướng, nội dung để thực hiện tốt các chức năng của mình, trong đó có nội dung giáo dục về lòng yêu nước cho các thành viên, nhất là thế hệ trẻ: Nghị quyết số 33-NQ/TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Quyết định số 629/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới tiếp tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại”[iv].
[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, tr.523
[ii] Chế Lan Viên, tác phẩm “Sao chiến thắng”.
[iii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38
[iv] Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới
Nhâm Hồ