Sự kiện 30/4/1975 mãi mãi được khắc ghi như một trang sử vàng oanh liệt trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm đầy hào hùng, bất khuất của đất nước ta và là nguồn cảm hứng, điểm tựa tinh thần lớn lao để dân tộc ta cùng đoàn kết, vượt qua mọi sóng gió, thử thách, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội
Ngày 30/4/1975 đánh dấu một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thời khắc vinh quang ấy đã làm nên một nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam nối liền một dải, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc đã kiên gan, bền chí chiến đấu và chiến thắng xâm lược ngoại bang hùng mạnh và thế lực người Việt đi ngược lại dòng chảy của dân tộc.
Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là chiến thắng 30/4, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1].
Với nhân dân Việt Nam, chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao để cả dân tộc cùng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần hy sinh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa qua các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh và bền vững, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Song hành với khát vọng độc lập, tự do, thống nhất của chiến thắng 30/4, khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc đã thôi thúc dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn để từng bước chiến thắng đói nghèo, lạc hậu bằng chính phẩm cách, trí tuệ của con người Việt Nam. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao; diện mạo đất nước ngày càng giàu đẹp, khởi sắc để vững bước sánh vai với bè bạn năm châu.
Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng ngày thống nhất đất nước (Ảnh tư liệu)
Thấm thía nỗi đau của một đất nước bị xâm lăng, chia cắt, sau ngày thống nhất, chính sách hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh đã được Đảng, Nhà nước nỗ lực thực hiện để giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xóa bỏ những hiềm khích, hận thù trong quá khứ; làm vơi bớt đi những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại để mỗi người dân Việt Nam dù bất cứ nơi đâu cũng đều hướng về Tổ quốc, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phồn vinh, hạnh phúc.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị của trang sử vàng chiến thắng 30/4 là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để mỗi người dân Việt Nam đều biết khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ và bao lớp người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc; biết trân quý nền hòa bình đang có để phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biết gìn giữ những giá trị thiêng liêng, cao quý của ngày thống nhất, đã góp phần tạo nên phẩm giá, nhân cách, văn hóa của con người, dân tộc Việt Nam.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4 không chỉ được dân tộc Việt Nam mà còn cả quốc tế ghi nhận, cảm phục, kể cả những người từng đứng bên kia chiến tuyến. Tuy nhiên, các tổ chức phản động, các phần tử bất mãn, cơ hội vẫn ra sức xuyên tạc, kích động thù hằn, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc khi cho rằng: “Ngày 30/4 là dấu mốc của thời kỳ cướp nước, hại dân của Đảng Cộng sản”, xem 30/4 là ngày “quốc hận”, “ngày mất nước”, là “Tháng Tư đen”, là “biến cố buồn” của dân tộc Việt Nam. Chúng cố tình phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và gieo rắc tư tưởng chống đối chế độ, phủ nhận giá trị ngày thống nhất đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Để đập tan những âm mưu chống phá, những luận điệu xuyên tạc này từ các tổ chức, phần tử phản động, ngoài đấu tranh, phản bác thì việc gìn giữ và phát huy giá trị, ý nghĩa ngày chiến thắng 30/4 trong đời sống hiện thực là vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần bám sát thực tiễn cuộc sống, nắm bắt tư tưởng, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân đối với trang sử hào hùng của ngày thống nhất non sông; đồng thời cần có phương pháp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp, dễ nhớ, dễ hiểu để mọi người dân đều có thể cảm nhận và ghi nhớ ý nghĩa trọng đại của chiến thắng 30/4. Nội dung, ý nghĩa của chiến thắng 30/4 cần được truyền tải đến các cấp học thông qua chương trình chính khóa hoặc các hình thức phù hợp để bồi đắp đến thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giúp các em có được nhận thức sâu sắc về những giá trị lớn lao của trang sử vàng dân tộc một cách bền vững. Xây dựng các phong trào thi đua, chương trình hành động thiết thực để lan tỏa tinh thần chiến thắng 30/4 vào mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có như vậy, lịch sử hào hùng ngày 30/4 sẽ không bị phai nhạt mà càng thêm rực rỡ để có thể phát huy và hiện hữu giá trị trong thời đại ngày nay. Và lúc đó, lịch sử không đơn giản chỉ là những gì xảy ra trong quá khứ mà đã trở thành nguồn động lực, điểm tựa tinh thần và soi chiếu cho chúng ta biết cần phải làm gì để đấu tranh bảo vệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc trong một thế giới đầy biến động, phức tạp.
Kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc mà còn để chúng ta nhìn nhận lại những gì đã làm được cho Tổ quốc, thấy được những mặt còn khiếm khuyết, hạn chế, những điều chưa làm được trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước để hành động sao cho xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các lớp cha anh. Muốn làm được điều đó, trang sử vàng 30/4/1975 – bản anh hùng ca kỳ diệu của chiến tranh cách mạng Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy giá trị một cách đúng đắn để mãi mãi là niềm tự hào và nguồn cảm hứng lớn lao cho dân tộc ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Lê Thủ
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.471