Nhắc đến “Gió Đại Phong” là nhắc đến điển hình trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, được ví như cơn gió khởi nguồn cho tinh thần thi đua lao động trên mặt trận nông nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện tiền tuyến lớn miền Nam.
“Gió Đại Phong” xuất hiện
Đại Phong là vùng đất chiêm trũng thuộc xã Phong Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Đồng ruộng của Đại Phong thấp hơn 0,8m so với mặt biển nên ngập úng, nhiệm mặn thường xuyên, hằng năm chỉ cấy được một vụ, còn lại bỏ hoang.
Như truyền thống bao đời của người dân Lệ Thuỷ, nhân dân Đại Phong luôn cần cù, chịu khó song do tác động của điều kiện tự nhiên, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, vì vậy năng suất lúa rất thấp, chỉ đạt từ 18-20 tạ/mẫu1. Người dân Đại Phong luôn trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, đói kém thường xuyên đe dọa.
Phong trào thi đua xây dựng Hợp tác xã Đại Phong (Ảnh tư liệu)
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Đảng bộ các cấp, Đại Phong bước đầu thành lập thí điểm 2 hợp tác xã làm nòng cốt là Mỹ Phước và Hạ Đông I. Đến 4/1959, Đại Phong quyết định thành lập thêm 5 hợp tác xã mới, thu hút 65% số hộ nông dân tham gia.
Đến cuối năm 1959, các hợp tác xã tổ chức họp tổng kết nhằm tìm hướng đi cho các hợp tác xã, tiến hành hợp nhất các hợp tác xã lên quy mô toàn thôn để có đủ lực lượng thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Ngày 22/11/1959, việc hợp nhất hoàn thành, hợp tác xã Đại Phong ra đời. Đó thật sự là một ngày hết sức ý nghĩa đối với đảng viên và nhân dân Đại Phong, đánh dấu Đại Phong bước vào thời kỳ mới trong xây dựng hợp tác xã.
Vượt lên khó khăn, Đại Phong thành công
Lúc bấy giờ, trên toàn huyện Lệ Thuỷ, Đại Phong là một hợp tác xã có quy mô lớn nhất với 504 hộ, 2.106 nhân khẩu, 1028 xã viên. Hợp tác xã có có 1.113 mẫu ruộng đất canh tác, bước đầu đã khai hoang trên 60 mẫu và vỡ hoang 120 mẫu.
Chi bộ Đại Phong có 48 đảng viên, là nhân tố quan trọng tác động rất lớn đến quá trình xây dựng hợp tác xã ở Đại Phong. Tháng 2/1960, Tỉnh uỷ Quảng Bình quyết định chuyển HTX Đại Phong từ bậc thấp lên bậc cao, đây là quyết định quan trọng mở đường cho HTX Đại Phong phát triển mạnh mẽ.
Đầu 1960, Đại hội xã viên hợp tác xã Đại Phong đã diễn ra thành công và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng kinh tế-xã hội, thông qua kế hoạch 1960-1961. Đề ra khẩu hiệu “tiêu chuẩn 5 đủ”: đủ gạo ăn, đủ quần áo mặc, đủ thức ăn và đèn dầu, đủ tiền sửa chữa nhà cửa. Đặt mục tiêu là đưa toàn bộ diện tích 1 vụ lên 2 vụ, khôi phục hết diện tích hoang hóa ở đồng bằng và đẩy mạnh khai hoang ở miền Tây vùng Bến Tiến; đưa nhanh năng suất và sản lượng bình quân nhân khẩu từ 650kg của năm 1960 lên 880kg lương thực năm 1961...
Sau Đại hội, Hợp tác xã vận động xã viên tham gia vào đợt thi đua mới. Các mặt hoạt động sản xuất bắt đầu được triển khai toàn diện, mạnh mẽ.
Trước hết, là công tác khai hoang nhằm mở rộng diện tích đất canh tác. Chi bộ đã phát động đợt thi đua “lập thành tích biểu dương tinh thần tự nguyện vào hợp tác xã và xây dựng hợp tác xã lớn”. Chỉ trong 10 ngày đã khai hoang 90 mẫu, phục hóa trên 60 mẫu, cày vỡ xong cánh đồng 274 mẫu.
Đối với công tác thuỷ lợi, Chi bộ Đại Phong chỉ đạo Ban quản trị HTX huy động nhân dân toàn thôn đắp đập, khoanh ô, khoanh vùng các vùng đồng thường xuyên bị ngập úng và chống thủy triều xâm nhập mặn. Phong trào khoanh vùng thủy lợi “nghiêng đồng đổ nước ra sông” được đẩy mạnh. Cách thức là khoanh ruộng thành từng ô nhỏ để chống dồn nước, đắp đập cao từ 1-1,5m để ngăn nước thủy triều, đào mương ngòi để đưa nước ngọt vào thau chua, rửa mặn cho ruộng. Với cách làm này, năm 1960, mỗi xã viên làm được 42 mét khối đất thủy lợi. Nhờ vậy, 754 mẫu Trung Bộ của hợp tác xã trước đây thường bị úng, mặn, đã cấy được hai vụ.
Công tác cải tiến kỹ thuật canh tác được Đại Phong chú trọng. Việc bón phân, sử dụng, bồi dưỡng chất đất, cày cấy được giao cho từng đội quản lý và tiến hành theo một quy trình chặt chẽ. Tuỳ theo từng loại ruộng mà có cách thức canh tác phù hợp. Đặc biệt, ngày 20/3/1961, Bác Hồ gửi tặng hợp tác xã Đại Phong một chiếc máy cày DT54, giúp Đại Phong có thêm điều kiện để cơ giới hóa trong kỹ thuật canh tác, đặc biệt là khai hoang vùng đất Bến Tiến.
Nhân dân Đại Phong vui mừng đón nhận chiếc máy cày Bác Hồ tặng (Ảnh: dangcongsan.vn)
Hợp tác xã đã cho sửa chữa và đóng mới 100 thuyền vận chuyển, 60 xe bò, xe cút kít, xe goòng2. Các bến bãi, nhà kho, sân phơi, phương tiện phục vụ canh tác được xd và mua sắm thêm. Đã có nhiều sáng kiến trong vận chuyển, thu hoạch lúa ở Đại Phong thực hiện rất hiệu quả thời kỳ này. Hợp tác xã Đại Phong cũng chú trọng mở mang các ngành nghề khác ngoài nghề ruộng như chăn nuôi, làm rừng, mộc, nề, lò vôi, lò gạch.. Nhờ vậy, hằng năm, Đại Phong đã có thêm 41.900 ngày công, bằng 1/5 ngày công phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập về các nghề khác trong hợp tác xã mỗi ngày trung bình được 200 đồng, góp phần nâng cao đời sống xã viên, chiếm từ 32-40% thu nhập của hợp tác xã2.
Đến cuối năm 1961, hợp tác xã Đại Phong đã đạt được những thành tựu to lớn. Số ngày công trung bình của mỗi xã viên là 240 ngày/năm, mỗi công được 2 đồng 10; diện tích canh tác năm 1960 từ 2 sào trên 1 nhân khẩu thì 1961 lên 9 sào, sản lượng lương thực bình quân tăng từ 650 kg lên 904 kg. Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Bình, năm 1961, số lượng ngày công bình quân của một xã viên hợp tác xã là 123 ngày, giá trị ngày công 0,65 đồng, sản xuất lương thực đầu người là 261kg3.
Các khoản vay nợ nhà nước, hợp tác xã không những trả đủ, trả đúng thời hạn mà còn tích lũy được hàng chục nghìn đồng2. Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng. Không những đẩy lùi được cái đói, lúa gạo Đại Phong còn được chở ra nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân, đưa vào chiến trường miền Nam ….Đó thực sự là một điều mà trước đây nhân dân vùng chiêm trũng như Đại Phong chưa nghĩ đến.
Trở thành hình mẫu trong phong trào nông nghiệp
Từ thành công của Đại Phong, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã quyết định lấy đó làm hình mẫu phát động thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” trong toàn tỉnh, đề ra mỗi huyện, mỗi vùng đều phải xây dựng hợp tác xã Đại Phong của huyện, của vùng.
Đồng thời,Trung ương Đảng và các bộ ngành, nhất là Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Đại tướng Nguyền Chí Thanh đã có sự chỉ đạo sát sao, biểu dương thành công và quyết định lấy Đại Phong là “lá cờ đầu” trong nông nghiệp, đẩy mạnh thi đua nhân rộng nhiều Đại Phong trên toàn miền Bắc. Đây là chủ trương quan trọng của Đảng góp phần động viên nhân dân Đại Phong, làm cho tinh thần, sức sống Đại Phong được lan toả rộng rãi.
Đặc biệt, với những thành tựu đạt được, Đại Phong đã được Bác Hồ viết hai bài báo khen ngợi, và trong bài báo với tiêu đề “Một hợp tác xã gương mẫu” đăng trên báo Nhân dân với bút danh TL ngày 11/01/1961.
Tiếp đó, ngày 26/02/1961, Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp tổ chức Hội nghị toàn miền Bắc tại hợp tác xã Đại Phong nhằm đánh giá kết quả phong trào hợp tác hóa của Đại Phong và đưa phong trào thi đua lên thành cao trào trên toàn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau Hội nghị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết bài “Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong” đăng trên báo Nhân dân. Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp mở cuộc vận động trong nông nghiệp về phong trào thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” trên toàn miền Bắc.
Để thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu và nâng lên một bước mới, ngày 25/10/1961, Đảng bộ tỉnh ban hành Chỉ thị số 27-CT/QB về việc phát động chiến dịch “Phất cờ Đại Phong”, đẩy mạnh Đông Xuân (1961-1962), tiến quân 6 tốt”. Thực hiện cuộc vận động thi đua “phấn đấu trở thành trai, gái Đại Phong” của Trung ương Đoàn thanh niên phát động, ngay trong đợt đầu, toàn tỉnh đã có 3.000 thanh niên đạt chuẩn, “trai, gái Đại Phong”1.
Toàn miền Bắc có khoảng 19 tỉnh và hàng ngàn hợp tác xã ký giao ước học tập và thi đua với Đại Phong. Phong trào“Học tập tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” trở thành nguồn cảm hứng cho các tỉnh, nhiều tỉnh đã xây dựng Đại Phong của tỉnh. Phong trào Đại Phong đã có tiếng vang không những trong nước mà còn vang xa với bạn bè quốc tế cuốn hút nhiều đoàn đến tham quan, học tập (có khoảng 32 đoàn quốc tế). Các đoàn tỉnh bạn, các đoàn quốc tế đều bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ về tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, bản lĩnh của cán bộ, xã viên hợp tác xã, quyết tấm áp dụng cung cách làm ăn của Đại Phong tại địa phương mình.
Đặc biệt, tại Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc tháng 5/1962, hợp tác xã Đại Phong được Hội đồng Chính phủ tuyên dương và trao tặng danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn miền Bắc.
HTX Đại Phong nhận danh hiệu lá cờ đầu năm 1962 (nguồn: vovwodr.vn)
Như vậy, chỉ trong thời gian 3 năm (1959-1961), Đại Phong từ một vùng đất nghèo khó, tuyến đầu của hậu phương miền Bắc đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đi vào lịch sử như một “hiện tượng” trong nông nghiệp, thổi bùng luồng gió thi đua trong lao động sản xuất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Đại Phong thực sự là kết quả của “ý Đảng quyện với lòng dân ”, trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.
Gió Đại Phong vẫn đầy sức sống với hiện tại và tương lai bởi những giá trị của thực tiễn lịch sử để lại là cơ sở để chúng ta vận dụng trong xây dựng hợp tác xã, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 - NQ/TW và số 20 - NQ/TW của Đảng tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) vừa qua.
Văn Giang